Đong Đời

Trong đời sống hàng ngày, là người nội trợ trong gia đình, người Mẹ, người chị thường phải đi chợ mua thức ăn vào mỗi buổi sáng. Tôi mãi nhớ, khi còn ở Sài Gòn, những con đường hướng về các ngôi chợ đều đông đúc. Cũng như không lúc nào thiếu vắng bóng dáng của những đóa hoa nón lá tròn xoe.

Nón lá dễ thương làm sao, luôn nở rộ trên các ngả đường. Nón lá điệu đà sánh bước, để che nắng hứng mưa cho những đôi chân thoăn thoắt. Người nào bận rộn phải nhanh nhẹn mua thức ăn, về nhà còn chuẩn bị nấu nướng. Người nào thanh thản thì thủng thỉnh, tình tang… đi chợ. Nhất là được thoải mái ăn hàng trong dãy sạp bán thức ăn… rất ngon!

Trên bàn tay của mỗi người đều cầm cái giỏ xách tòn teng bằng nhựa. Hay là cái giỏ đệm được đan bằng sợi lát mềm dẻo, hoặc giỏ đan bằng tre. Khi bước chân vào nhà lồng chợ, thì hình ảnh của một vật dụng mà ta luôn thấy, được chuyền tay qua lại. Đó là cái rổ.

Người bán hàng luôn luôn có vài cái rổ nho nhỏ, sẵn sàng nằm chờ đợi người mua đến. Dưa leo, cà chua, củ, quả đều phải cần đến cái rổ để đựng. Người mua sẽ cầm cái rổ để lựa các thứ rau, trái nào mà mình vừa ý, và đưa lại cho người bán để được cân đong đo. Trả tiền.

Cái rổ lúc nào cũng có hình dạng tròn trĩnh, làm bằng nhựa hay được đan bằng những cọng mây tre chuốt mỏng. Rổ có lòng trũng cạn, và có nhiều lỗ nhỏ để thoát nước. Những giọt nước cố bám víu vào lá cải, hay từ các cọng rau. Hoặc bất cứ thứ gì có những hạt nước đèo bồng, nhìn vào cho tươi tắn. Giọt nước long lanh này sẽ ngoan hiền lắng đọng.

Khi giọt nước no tròn bụ bẫm, nặng trịch không thể nào nấn ná trên rổ được nữa - thì giọt nước buồn thiu này sẽ chầm chậm ngấm dần để xuyên qua nhiều lỗ nhỏ ở đáy rổ, rơi ra ngoài. Ngày xưa, nhà nào cũng đều có vài cái rổ máng trên vách. Những ai loay hoay nấu ăn trong nhà bếp, không thể nào không cần tới cái rổ.

***

Thuở xa xưa, nhà tôi trên mặt tiền đường Trần Quốc Toản. Không ngày nào mà thiếu vắng bóng dáng cô bác đong đưa gióng gánh treo rổ, nia,... Dáng người thon nhỏ, chầm chậm đi ngang qua, trên đầu lá chiếc nón lá vàng au tưa vành. Những mảng rách trải qua bao mùa gian nan, đượm màu thời gian.

Kể chuyện gióng gánh thì cũng nên nhắc nhớ những chiếc xe đạp hai bánh cũ kỹ. Chung quanh chất đầy các vật dụng được đan bằng tay. Những sản phẩm có xuất xứ từ miệt vườn hẻo lánh. Vùng đồng bằng miền sông nước rất thích hợp trồng mây tre nứa. Người dân mộc mạc sinh sống trong xóm làng, họ kiếm tiền bằng nghề đan rổ, giỏ tre, cái sàng gạo... Cây chổi kết bằng tàu dừa để quét sân, quét lá khô rơi rụng, chổi lông gà, cây quạt…

Hình ảnh thân quen đó, làm sao ta có thể tìm thấy khi sống đời tha hương! Thôi đành cất giữ dấu yêu xa xưa vào ngăn ký‎ ức. Trân quý như một hoài niệm ngọt ngào của đoạn đời ngây thơ. Khi mà Sài Gòn chưa lao đao nghiệt ngã. Bàn tay của tuổi trẻ còn thơm mùi bút mực.

Trí óc còn non dại trong dòng suy nghĩ, khi lơ ngơ lớ ngớ đứng trước ngã ba, khúc quanh không ngờ. Bão tố nổi lên bất chợt! Bút mực trở thành hết thời. Sách vở trở nên vô dụng, chồng giấy vô tri, cân ký bán sạch. Ai lẹ chân lánh nạn, rời xa cái nôi Sài Gòn.

Màn đêm tối đen giấu kín nàng Trăng. Vì sao? Vì nàng Trăng đang sụt sùi ngấn lệ. Nàng Trăng không muốn nhìn thấy biết bao người hiền lành, đang lầm lũi trốn chạy.

Trăng sầu nhìn xuống dòng sông
Trăng buồn, Trăng khóc, trong lòng đớn đau
Trăng thầm trách móc vì sao
Phải ra nông nổi lao đao như vầy ?

*

Đời là dâu bể đắng cay
Thuở còn cắp sách, sớm mai đến trường
Hồn nhiên nhí nhảnh trên đường
Mặt mày hớn hở, miệng thường tía lia

*

Bây giờ biển cách, mây chia
Sài Gòn ở lại, xa lìa trùng khơi
Rổ xưa mờ nhạt bên trời
Vẫn là cái rổ đong đời gian nan

Bạch Liên