Về Miền Tây

 

  Chúng ta cùng lên đường bắt đầu từ Cần Thơ thủ phủ của Đồng Bằng Sông Cữu Long (ĐBSCL).

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn dìa (về)”

(Ca dao)

 

Cần Thơ tôi như thế đó, thủ phủ của ĐBSCL nên còn gọi là Tây Đô, là thành phố trực thuộc Trung Ương đứng hàng thứ tư của Việt Nam, sau TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Bến Ninh Kiều bộ mặt của miền Tây Nam Bộ, một thắng cảnh của miền sông nước phù sa.

Công viên bến Ninh Kiều khánh thành năm 1958, bờ sông xây bờ kè bằng đá có trồng nhiều cây kiểng. Ngày nay bến Ninh Kiều xây dựng mới khang trang với nhiều cây cảnh, phía bên trên có nhiều khách sạn cao tầng sang trọng tiếp đón du khách trong và ngoài nước.

Chùa Thới Long ở đường Hùng Vương gần cầu Nhị Kiều là ngôi chùa cổ xưa nhất của người Việt tại vùng ĐBSCL được xây cất từ thế kỷ 15, sau đó trùng tu lại nhiều lần. Khi xưa bằng gổ quí, chạm khắc tinh vi, khuôn viên chùa rộng lớn chạy dài ra đến bờ sông, có một số cây cổ thụ mát mẻ, thanh tịnh.

Chuyện kể rằng: Lâu lắm rồi vào khoảng 600-700 năm trước, người Việt khai khẩn ở bờ Đông sông Cái (sông Hậu, Trấn Vĩnh Thanh). Chùa được dựng đơn sơ làm nơi nương tựa tinh thần cho lưu dân Việt bên bờ Tây nơi đó thuộc Thổ Huyện là một huyện của người Miên. (Hình như ông Sơn Nam có nhắc điều này trong Lịch sữ khẩn hoang miền Nam).

Đến năm 1991, nhà nước hổ trợ tài chánh cho những cơ sở tôn giáo nào chịu hợp tác với Mặt Trận Tổ Quốc thì có kinh phí để tôn tạo. Nghe nói trong việc xây lại ngôi chùa này có sự đóng góp, vận động của cán bộ Lâm Thị Phấn (em tướng Lâm Văn Phát) là nhân vật nỗi tiếng trong câu chuyện “Người đẹp Tây Đô” được quay thành phim sau năm 1975. Ngôi chùa “Thới Long Cổ Tự” hôm nay đẹp lộng lẫy, đồ sộ nhưng hoàn toàn mới, nét cổ kính không còn nữa!

Đình Bình Thủy còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu, tọa lạc tại vàm rạch Bình Thủy, thuộc Quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ.

Là ngôi đình được bảo tồn còn nguyên vẹn tiêu biểu cho đình làng Nam Bộ. Đình được lập từ năm Giáp Thìn 1844. Năm 1908 đình được xây cất mới còn tồn tại như ngày nay. Hàng năm có 2 lễ hội lớn là lễ Kỳ Yên Thượng Điền, ngày 12 đến 14 tháng 4 âm lịch, và lễ Hạ Điền nhằm ngày 14-15 tháng chạp âm lịch. Các ngày lễ này là ngày hội của dân làng Long Tuyền cũng như dân ở Cần Thơ hay các vùng phụ cận đến tham dự đông đảo. Có các trò chơi dân gian, ca múa, khi xưa có hát bội ngày nay thì có trình diễn đờn ca tài tử, …

Đình Bình Thủy là điểm thu hút nhiều quan khách tham quan, một di tích lịch sữ quan trọng của miền Tây Nam Bộ.

22dlhuvmt1

HINH A, Đền Hùng - Cần Thơ

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giổ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm.

(Ca dao)

Đền thờ vua Hùng Vương tọa lạc tại Quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, trên khung viên rộng lớn gần 4 hecta. Đền chính được bao bọc chung quanh hồ nước tròn và có nền vuông trượng trưng cho trời đất, quanh hồ nước có 54 trụ đá biểu tượng của 54 dân tộc anh em.

Nơi đền chính, tầng trên thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc Hầu, Lạc Tướng. Tầng dưới có 9 trống đồng, chung quang tường chưng bày hiện vật và các biểu tượng văn hóa thời đại Vua Hùng hơn 4000 năm trước. Từ ngoài vào gồm Nghi môn, nhà bia, phần chính đền thờ là hình Trống Đồng cách điệu, chung quanh chạm khắc tinh vi các hoa văn có trên mặt trống đồng. Khánh thành năm 2021, ngày April 24, tức ngày Mùng 10 tháng 3 âm lịch đây là lần đầu tiên TP Cần Thơ thực hiện các nghi thức lễ Tế Tổ.

Ngoài ra Cần Thơ còn có các điểm thu hút khách du lịch đến tham quan như Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Mỹ Khánh); Nhà cổ Bình Thủy, ngôi nhà kiến trúc kiểu thời Pháp thuộc của gia tộc họ Dương xây cất từ năm 1870.

Cần Thơ là xứ “trái ngọt, cây lành”, vào Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) hay gần Tết Nguyên Đán đây là thời gian vào mùa, người ta thấy chợ nổi Cái Răng hay Phong Điền ghe thuyền trái cây tấp nập nào là Sầu riêng, măn cụt, sa-bô-chê, chôm chôm, nhản, xoài, cam, quýt, bưởi, trái thơm, dưa hấu, dừa, chuối, … đầy nhóc trên các ghe bà con ta tha hồ thưỡng thức, du khách nước ngoài trên các tàu Tourist ngắm nhìn họ tỏ ra vô cùng thích thú!

Khu vực Mỹ Khánh, Phong Điền nơi có nhiều khu du lịch sinh thái phục vụ du khách với những vườn sum suê trái cây chín mọng trên cành.

Bạn đã từng nghe bản nhạc Giòng An Giang, của nhạc sĩ Anh Việt Thu?

Giòng An giang sông sâu nước biếc
Giòng An giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất Sơn
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long. …

Hãy theo dòng nhạc Valse duyên dáng viếng qua An Giang xinh đẹp nhé!

Đến Châu Đốc, An Giang viếng Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam nơi bà con ta đến chiêm bái và cầu xin Bà ban ơn phước. Nhiều người tin như thế!

Nghe nói Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, mỗi dịp Tết đến hay Vía Bà thu hút nhiều người từ khắp nơi về đây cầu nguyện, khấn vái để được may mắn, làm ăn phát tài. Những ai có đến đây cầu khẩn mà làm ăn được khấm khá thì trở lại lễ bái tạ ơn, nào là hoa quả, con heo quay và phong bì dầy cộm bỏ vào thùng “công đức”. Nhất là của mấy khách thập phương “trúng đất tiền tỷ” ở Nhơn trạch hay ở Đà Nẵng cũng có vô tạ ơn Bà nữa. Lễ vía Bà nhằm ngày 23 đến 27 tháng tư âm lịch hàng năm, lễ chính là ngày 25.

Theo tài liệu của nhà khảo cổ học Mallret, người Pháp (1941), tượng Bà là tượng thần Vishnu có từ thế kỷ thứ sáu thuộc nền văn minh Ốc Eo, đặt trên đỉnh núi Sam, sau này người Việt mặc y phục và đeo trang sức rồi đặt trong đền thờ nên gọi là Bà Chúa Xứ. Miếu Bà xây dựng từ năm 1870, trùng tu nhiều lần, đến năm 1972 kiến tạo đến năm 1976 mới hoàn thành như hiện nay.

Đến Châu Đốc (An Giang) tham quan đền thờ vị tướng Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam, có công khai phá vùng đất miền Tây Nam thời vua Gia Long sang đến đời vua Minh Mạng, công trình to lớn nhất là đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc qua Hà Tiên, nối liền sông Hậu đến vịnh Thái Lan. Thi công sau 6 năm mới hoàn tất (1819-1824). Vĩnh Tế là tên của Nhất phẩm Phu nhân Châu Vĩnh Tế của Ông Thoại Ngọc Hầu được vua Minh Mạng ban cho đặt tên con kinh. Vua Minh Mạng cho đúc 9 đỉnh đồng trong đó có 1 đỉnh chạm khắc công trình Kinh Vĩnh Tế, trưng bày tại thành nội Huế.

Mục đích đào kinh Vĩnh Tế ngoài việc xây dựng thế mạnh phòng thủ cho thấy quyết tâm của Việt Nam làm chùng ý đồ thống trị Đông Nam Á của vua Thái thời bấy giờ là nhà vua Rama. Kinh Vĩnh Tế là đường thủy quan trọng giao thông rất tiện lợi cho người dân ở vùng biên giới hai nước, còn là hệ thống thủy lợi đem nước ngọt rửa phèn úng đọng cải tạo diện tích canh tác hàng triệu mẫu đất, giúp rút bớt nước giảm một phần tác hại của mùa lũ từ bên Kampuchia tràn về.

Đứng trước công trình vĩ đại của người xưa, xin kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ơn người!

22dlhuvmt2

HINH B, Hồ Thủy Liêm trên đỉnh Núi Cấm - Châu Đốc, An Giang

Miền Tây Nam Nam Bộ có dãy Thất sơn, gồm 7 núi: Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài Nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Quan trọng nhất là Núi Cấm, điểm du lịch thu hút du khách với cáp treo lên đĩnh là một thắng cảnh nơi có hồ Thủy Liêm, chùa chiềng.

Núi Cấm, là ngọn cao nhất trong bảy núi, cao 710 m so với mặt nước biển, còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Trên đỉnh có một số kiến trúc quy mô phục vụ tâm linh và du lịch. Chùa Vạn Linh, Thiền viện chùa Phật lớn, tượng Phật Di Lạc, hồ Thủy Liêm và Tháp Xá Lợi bên bờ hồ. Con đường duy nhất quanh co lên đỉnh núi Cấm dành cho quan khách thích quan sát cận cảnh núi rừng, khám phá thảm thực vật bên sườn núi; Nếu đi cáp treo quan khách có thể quan sát cảnh hùng vĩ của núi Cấm, những mảnh vườn, thuở ruộng xinh xinh hay những vuông ô mượt mà của mạ hoặc ánh vàng óng ả khi mùa lúa chín bên dưới trải dài đến chân trời.

Núi Cấm có 5 ngọn đồi nhô cao gọi là “năm non” hay tiếng địa phương gọi là “vồ”, gồm: Vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ông Bướm (Ông Voi) và vồ Thiên Tuế nên người ta thường nói Thất Sơn là vùng “Năm non, bảy núi” là vậy. 

Đến Châu Đốc hãy giãi khát qua nước thốt nốt tươi đặc sản địa phương. Ngang qua Nhà Bàng có quán thịt rừng (thịt tươi) khá ngon, và trên đường về có mắm Châu Đốc, đường thốt nốt và món “vũ nữ chân dài” (khô nhái) mua về để làm quà.

Đến thành phố Rạch Giá ngay cổng chào chúng ta thấy 2 câu đối:

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm Bạc Kiên Giang khiếp quỷ thần”

(Câu đối trước đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực và trước cổng chào đi vào tỉnh lỵ)

Rạch Gía là nơi đặt đền thờ của ông Nguyễn Trung Trực (1837-1868) vị anh hùng kháng Pháp, đã từng đốt cháy chiếc pháo hạm L’Espérance của quân Pháp ở sông Nhật Tảo ngày  10 tháng 22 1861.

Vùng biển Rạch Gía có nhiều món hải sản trứ danh, canh chua cá bớp (hòn Nghệ), cá mao ếch (đảo Nam Du), là những đặc sản cao cấp. Hòn nghệ người ta nuôi cá bớp trên các bè, giá trị kinh tế cao, đem lại lợi tức đáng kể cho người dân trên đảo. Cá mao ếch chế biến nhiều món, món nào cũng ngon: nướng, lẩu, nấu cháo, hấp dẫn nhất là món chưn tương, bún, nấm, củ hành, tiêu, ớt, là món “độc”.

Đến Hà Tiên viếng lăng Mạc Kính Cửu (Mạc Cửu - 1655-1735).

Mạc Kính Cửu thường gọi là Mạc Cửu người Quảng Đông đến Hà Tiên (Xà Xía) lập nghiệp vào thế kỷ 17, ông qui tụ người Hoa, người Miên, người Châm, người Việt đến khai khẩn đất đai từ Cần Bột (Kampot), và Kompong Som (bên Miên ngày nay), rồi dọc theo bờ biển chạy dài qua Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Gía, Cà Mau.

Năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục Việt Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu sáp nhập vùng Hà Tiên vào Việt Nam, Mạc Cửu được chúa Nguyễn tấn phong chức Tổng Binh. Con trai là Mạc Thiên Tứ sau này nối nghiệp cha, cháu nội là Mạc Tử Sanh được nhà Nguyễn phong chức Tham Tướng.

Ngày 7 tháng 9 năm 2008, tại thị xã Hà Tiên đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài ông Mạc Kính Cửu kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên (1708-2008).

Hà Tiên còn có các thắng cảnh như bãi Dương trông ra Hòn Phụ Tử, bải biển mủi Nai, núi Cô Tô, Thạch Động, … Ngoài xa khơi là Đảo Phú Quốc, một điểm du lịch tầm vóc quốc tế.

Nhạc sĩ Thu Hồ có bài hát "Khúc ca Đồng Tháp" rất nổi tiếng, trước 1975:

"Đây Tháp Mười phương Nam tôi thân yêu

Sóng lúa vờn vờn trong ánh nắng chiều

Vang tiếng chày khắp chốn cô liêu

Tháp Mười ơi! Đây miền Nam

Say tự do, vui bình an …”

 

Tỉnh Đồng Tháp có thành phố Cao Lãnh là tỉnh lỵ và hai nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Khu du lịch Văn hóa Phương Nam với Phương Nam Linh Từ và Vườn Quốc Gia Tràm Chim.

Ngoài các khu vui chơi, văn hóa ẫm thực Nam Bộ, khu Du lịch Văn hóa Phương Nam còn có Phương Nam Linh Từ có nghĩa là nơi thờ tự các anh linh Phương Nam.

Đền thờ các danh nhân có công khai phá, gìn giử và làm rạng danh đất Phương

Nam gồm 125 vị trong đó có 21 tượng bằng đồng đen. Kể từ khi Nguyễn Hoàng

(Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên, 1525-1613, tổ phụ 10 đời của vua Gia Long

1802). Tương truyền Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên hỏi ý

kiến Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời mà chỉ vào hòn

non bộ trước sân, nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

(Dãy núi Hoành Sơn phân chia Hà Tĩnh và Quảng Bình)

Từ đó bắt đầu cuộc Nam tiến, mở mang bờ cỏi về phía Nam, trong khoảng gần

200 năm nhà Nguyễn ở đàng trong phát triển diện tích đất nước lên gần gấp đôi.

Riêng vườn tượng danh nhân hai bên điện thờ một số nhân vật nổi tiếng Nam Bộ như: Các đức Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Phan Thanh Giản, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Lầu, Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Vương Hồng Sễn, v.v… Cả hai dãy tượng có khoảng trên dưới 20 vị. chúng ta cũng hiểu được đây là khu vườn tri ân các vị đã đóng góp, phát triển trong lãnh vực Văn Hoá vùng đất Nam Bộ, đến thời điểm 1945.

Vườn Quốc Gia Tràm chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, là điểm thu hút những ai thích khám phá thiên nhiên.

Chính phủ Việt Nam và Quỹ Quốc Tế Bảo vệ Thiên nhiên World Wide Fund for Nature (WWF) ra Quyết Định thành lập, và đến năm 1998 được xác định là "Vườn Quốc Gia", đến năm 2012 tổ chức WWF công nhận Tràm Chim là Công Ước Ramsar thứ 2000 của thế giới.

Mục đích thành lập Tràm Chim là để bảo tồn khu rừng ngập nguyên sinh có nhiều loại quý hiếm có quy cơ tuyệt chủng được bảo vệ nghiêm nhặt như: Sếu đầu đỏ (Grus Antigone), Cò ốc (Anastomus oscitans), Vạt, Già đảy (Java), Bồ nông, Ô tác (Công đất), ...

Món sữa hạt sen là đặc sản của Tràm Chim, thức giãi khát có vị béo của thực vật, có mùi thơm nhẹ của sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương hay Hương Phù Sa làm việc cho tổ chức WWF, Cô là người đã thuyết phục chính phủ Việt Nam và đề nghị cấp kinh phí cho Việt Nam để thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim. Với tôi cái tên Tràm Chim và Nguyễn Thu Hương là phải gắn liền nhau!

Đi ngang qua vùng An Giang, Đồng Tháp nơi trồng nhiều cây Ô Môi dọc theo bờ sông hay hai bên đường, đến mùa bông Ô Môi rực nở đỏ thắm góc trời thu. Người Việt ca ngợi mùa bông Ô Môi ví như mùa hoa Anh Đào của Nhật Bản, gọi là “Anh đào xứ Việt”. Hãy nghe lại câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu về loài hoa Ô Môi ở miền Nam Bộ:

“Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, ai còn đứng mong ai! …”

Tình cảm trong con người An Giang, Đồng Tháp chung thủy lắm ạ!

Đến Trà Vinh để tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer anh em, nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính và di tích Ao Bà Om; Nhà thờ họ đạo Vĩnh Kim, ngôi nhà thờ đầu tiên ở Trà Vinh có tuổi hơn 150 năm; Biển Ba Động và Thiền viện Trúc Lâm Duyên Hải.

Biển Ba Động là thắng cảnh của tỉnh Trà Vinh, có hàng bờ kè chắn sóng dài 1600 m, dọc theo bờ biển có hàng dương. Nơi đây là điểm du lịch của nhiều quan khách trong nước và có cả người ngoại quốc. Biển cát có lẫn bùn nên nước không trong như Vũng Tàu hay Nha Trang, gần đó có Thiền Viện Duyên Hải bên bờ biển với hàng dương luôn rì rào reo vui trong gió.

Đặc sản biển Ba Động (Trà Vinh) món con “chù ụ” rang me, là loại như con cua nhưng nhỏ hơn có hình dáng rất đặc trưng. Nghe tiếng “cái mặt chù ụ” thì bây giờ bà con mới biết nó xuất xứ từ đâu.

Ngoài ra cá kèo có rất nhiều ở Trà Vinh làm được nhiều món như nướng, kho tộ, kho lạt rau răm, nấu lẫu chua, nấu cháo rau ngò om, v.v… nhưng kho gợt lại là một món đặc biệt! Kho gợt phải là cá kèo tươi kho với nước dừa xiêm, nêm nếm cho vừa ăn thêm gia vị gồm lá gừng, hành lá, vài lát ớt và tiêu xay. Cá kèo vào mùa có rất nhiều, giá tại chợ lại rẻ mạt nên người ta ví vé coi hát hạng bét là “hạng cá kèo” là vậy!

Các chùa của người dân tộc Khmer đều có kiến trúc theo mỹ thuật của họ. Điểm đặc biệt trong nghệ thuật kiến trúc của Angkor Khmer như tượng Kabil Mohaprum (tượng thần 4 mặt tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo thế giới). Nữ thần Kayno nửa người nửa chim, hay chim thần Marakrit là những tượng chống đở mái chùa mà ta thường thấy ở các chùa Khmer.

Chùa Vàm Rây tọa lạc tại ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây là ngôi chùa Khmer Phật Giáo Nam Tông lớn nhất Việt Nam, được trùng tu và nâng cấp để bảo tồn di tích có hơn 600 năm.

Chùa Âng, tên Khmer đầy đủ là Angkorajaborey, Phật Giáo Nam Tông, nằm cách thành phố Trà Vinh 5 km. Chùa Âng là ngôi chùa cổ xưa nhất tại Trà Vinh, tiêu biểu cho hơn 140 ngôi chùa trong tỉnh, được dựng lên từ năm 990, đến năm 1695 tu sửa lại. Năm 1842 chùa được xây cất lại cột bằng gổ quý, xây tường và trùng tu vài lần nữa nên mới được như ngày nay. Chùa chung quanh có tường rào và tượng chằng Yeak mặt áo giáp dữ dằn.

Bên cạnh đó là Ao Bà Om một thắng cảnh, chung quanh cái ao hình chữ nhật (300 m x 500 m) có cả ngàn cây cổ thụ sao, dầu, nhiều cây trên trăm năm. Đặc biệt nhiều gốc cây có bộ rể trồi lên mặt đất khoảng 1,5 m tạo hình dáng kỳ lạ thu hút nhiều du khách và các bạn thích chơi nhiếp ảnh.

Gần đó còn có Bảo tàng dân tộc Khmer, là 1 trong 2 nhà bảo tàng ở Nam Bộ, một cái khác ở Sóc Trăng. Chưng bày vật dụng trong sinh hoạt phát triển đời sống của người Khmer như nhạc cụ, nghi lễ và y phục truyền thống. Đây là nơi qui tụ đông đảo người Khmer trong các dịp tổ chức lễ hội.

Ngày Tết của người Khmer còn gọi là ngày Chol Chnăm Thmay (cũng như các dân tộc Myanmar, Thái, Lào và Sri Lanka) vào giửa tháng 3 âm lịch khoảng tháng 4 DL, dựa theo trăng Lễ diễn ra vào các ngày 12, 13, 14 tháng 3 âm lịch. Có ca, nhạc, múa, trò chơi dân gian, không thể thiếu các điệu múa Răm Vong, Lăm Leo, Saravan gọi chung là múa Lâm Thôn. Thả đèn trời, đèn nước, ở các nơi có điều kiện còn có tổ chức đua ghe Ngo.

Và lễ Ok Om Bok, gọi là Lễ cúng Trăng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Lễ cúng tạ ơn thần mặt trăng bảo hộ mùa màng trong năm sung túc và cầu mong phù hộ sang năm mới. Cũng có ca, nhạc, múa chằng, múa Lâm Thôn và các trò chơi dân gian.

Viếng nhà thờ Vĩnh Kim, di tích có tuổi hơn 150 năm, đây là nhà thờ cổ xưa nhất vùng Trà Vinh, cách thành phố Trà Vinh 17 km. Nghe người trong họ đạo kể rằng từ khi vua nhà Nguyễn bách hại giáo dân khắc nghiệt nên họ từ miền Trung lên ghe bầu theo biển xuôi nam đến đây lập nghiệp. Họ đạo Vĩnh Kim có từ trước năm 1852.

Người Trà Vinh tha hương xao xuyến nhớ về quê nhà qua bài thơ:

 

Trà Vinh ngày ấy anh đi

Em che vành nón thầm thì bên nhau

Nụ hôn say đắm ngọt ngào

Hành trang anh mãi cất vào trong tim

Nhớ về vùng đất êm đềm

Trăng khuya soi bóng bên thềm vấn vương

(…)

(Bài thơ trích từ tác phẩm “Diễn ca Việt Nam quê hương tôi” của KLG – Võ Văn Hải)

Chùa Dơi, tên nguyên bản là Sêrâytêchô Mahatúp. Theo phát âm của người Khmer: Maha là lớn, Túp là trận đánh kháng cự, nghĩa là trận đánh lớn của dân chúng nổi lên chống lại lãnh chúa thống trị áp bức thuở ấy. Ngôi chùa là điểm tựa tinh thần trong cuộc kháng chiến to lớn đó. Chùa còn có tên là Mã Tộc, do phát âm theo tiếng Maha-tup, được xây dựng từ năm 1569, đến năm 1960 chùa được trùng tu, đến năm 2008 chùa được phục chế lại như củ, sau cơn hỏa hoạn.

Đây là ngôi chùa cổ xưa theo kiến trúc của dân tộc Khmer, trong chánh điện thờ Phật Thích Ca, có bức tượng Đức Phật cởi trên rắn thần Muchalinda. Và là nơi lưu trử những hiện vật quý giá, đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ, đặc biệt giá trị nhất là bộ kinh ghi trên lá thốt nốt. Chung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ râm bóng, nơi cư trú an toàn của hàng ngàn con dơi trở về đây ngủ ngày trên cao, đến chiều từng đàn chúng vỗ cánh đi ăn nên người ta nôm na gọi là chùa Dơi.

Ngoài chùa Dơi tại Sóc Trăng còn có các chùa khác như chùa Chén Kiểu (vách tường được ốp những mãnh chén kiêu) hay chùa Đất Sét (nơi có hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ được nắn bằng đất sét) cũng được du khách thường đến tham quan.

Từ Cần Thơ theo con đường Nam Sông Hậu đi xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu ngang qua cảng Trần Đề, ngày xưa (trước 1975) ven biển có nhiều cây gía, ô rô, cóc kèn hay cây chà là rừng đầy gai mọc tràn lan. Sau 1975 xây dựng thành cảng cá tiềm năng phát triển ngư nghiệp địa phương, có bến tàu cao tốc đi ra Côn Đảo.  Hiện nay với dự án đầy tham vọng sẽ triển khai cảng Trần Đề trở thành cảng Container có khả năng tiếp nhận tàu 100,000 đến 160,000 tấn (đầy tải), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh ĐBSCL.

Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (một thành viên của tập đoàn dầu khí Mỹ) đề xuất đầu tư dự án điện khí 9.600 MW với mức kinh phí lên đến 15 tỷ USD, vì vậy cần phải có cảng nước sâu để vận chuyển khí hóa lỏng LNG, đó là cảng Trần Đề triển khai xây dựng từ (2021-2030).

Nhắc đến con đường Nam Sông Hậu, khi đến huyện Long Phú (Sóc Trăng), trên dòng sông Hậu gần cửa biển có cù lao Dung bạn hãy thưỡng thức món đặc sản “Gỏi hoa thủy liểu”, nơi có rất nhiều cây bần vua Gia Long đặt tên một cách văn hoa là thủy liểu vì nó có cành lá lòa xòa như cây liểu mà mọc dưới mé nước. Nhưng chỉ có vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 hoa thủy liểu nở rộ, lấy hoa búp còn tươi trộn gỏi tôm, tép bạc, thịt 3 chỉ ngon “dách lầu”!

Kể từ khi người Pháp đào hệ thống kinh bên bờ Tây sông Hậu, những cánh đồng đầy lau sậy bạt ngàn ở Sóc Trăng, Rạch Gía, Bạc Liêu trở thành những ruộng lúa “thẳng cánh cò bay, chó chạy vẹo sườn”. Nhiều nhà điền chủ nổi lên, một số nhà đại điền quyền thế sở hữu đến hàng chục ngàn mẫu ruộng đất.

Ông Trần Trinh Huy (Qui), thừa kế gia tài hơn 32 ngàn mẫu ruộng là người giàu có nhất Bạc Liêu. Ông từng du học tại Pháp, nổi tiếng phong lưu có biệt danh là Hắc Công Tử. Về việc đốt tờ tiền $100 đồng để người đẹp tìm tờ giấy $5 đồng rơi xuống bàn hay tranh đua với Bạch Công Tử đốt tiền đung sôi nồi nước là những câu chuyện để đời trong cuộc đời công tử Trần Trinh Huy (Qui).

Ngôi nhà của ông ngày nay dưới sự quản lý của nhà nước, được mở cửa cho du khách đến tham quan, một di tích thú vị!

Theo quốc lộ 1A vào thành phố Bạc Liêu, quê hương của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu

(Ca dao)

 

Trong thời buổi đến khai khẩn nơi vùng đất mới “Bạc Liêu là xứ cơ cầu”, người dân Triều Châu đến trước từ thời Mạc Cửu ổn định hơn, còn lưu dân Việt là những nhà nghèo khó bữa đói bữa no, từ tâm tình đó được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác điệu “Vọng Cổ Hoài Lang” bất hủ, nghe mà “buồn thúi ruột”!

Những buổi chiều hay trong đêm mưa tiếng đàn Kìm, đàn Cò réo rắc bên ly rượu đế người ta hiếu khách, cởi mở, chân tình trong điệu “Vọng cổ hoài lang” có thể làm bạn thấy thương người dân ở đó đến nao lòng!

Nhà thờ cha Trương Bữu Diệp, tại làng Tắc Sậy, tỉnh Bạc Liêu. Cha bị Việt Minh sát hại, khi xưa giáo dân gặp khó khăn họ cầu nguyện được Cha nhậm lời từ đó người dân Tắc Sậy lập nhà thờ, ngày nay trở thành đền thờ rất uy nghi, tôn nghiêm là nơi để mọi người đến cầu nguyện, chiêm bái.  

Lời cầu nguyện hiển linh trong danh Ngài, dù là người lương hay giáo dân đều tôn kính. Nhà thờ cha Trương Bữu Diệp ngày nay là điểm đến hành hương của nhiều người từ trong nước hay ở hải ngoại.

HINH C, Cây mắm Đất Mủi

Cà Mau là vùng đất cuối cùng nước Việt nếu nhìn từ biển vào là một dãi đất với hàng cây xanh đơn điệu ngút ngàn. Đúng đấy, đó là rặng cây mắm từ hàng ngàn năm qua có công đầu trong việc bồi đấp Đất Mủi.

“Cây mắm đi trước, cây đước đi sau, khói nhà ai sau hàng dừa nước, …”

Cây mắm có bộ rể đặc trưng bám sâu xuống đất giử chặc phù sa, kế tiếp là cây đước bồi đấp thêm cho đất vững chắc, và sau đó là cây dừa nước mọc theo ven sông để có “khói nhà ai sau hàng dừa nước”.

Cà Mau đất thấp có nơi ngập mặn, để sống thích ứng với thổ nhưỡng người dân địa phương họ thiết lập những vuông khai thác nuôi trồng hải sản: Tôm, cua biển, nghêu, sò huyết, … Quan trọng nhất là ngành nuôi tôm.

Ngoài ra Cà Mau còn có “ba khía” lộc trời cho, ai là dân Nam Bộ thì đều phải biết đến. Ba Khía Cà Mau làm mắm (trộn chanh, ớt, tỏi, đường) ăn với rau răm, cơm nguội “danh bất hư truyền”. Con ba khía ngày nay dân ta còn chế tác thêm món ba khía rang me, ba khía nấu canh chua “ngon nhứt chỉ” trở thành thức ăn đặc sản trong các nhà hàng kể cả nhà hàng cao cấp tại Cà Mau.

Bên dòng kinh rạch huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn đây đó có những ngôi nhà gạch là dấu hiệu của đời sống sung túc, bộ mặt Cà Mau ngày nay đã thay đổi. Khi bạn nghe bài hát “Áo mới Cà Mau” bạn khó hình dung nơi các địa danh Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn. Bạn hãy một lần đến đây để trãi nghiệm câu hát:

Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam.
Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời.
Xuôi mái chèo sông ông Đốc, đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau,
xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng.

 

“Người Cà Mau dễ thương vô cùng …”, thật sự là đúng như vậy!

Ngoài kia bãi bồi ven biển, những cây mắm vẫn đang tiếp tục nẩy mầm, đâm chồi, âm thầm làm rộng mãi quê ta!

***

May mắn được có dịp đến tham quan một số tỉnh quan trọng ở ĐBSCL, từ Cần Thơ qua Trà Vinh, Đồng Tháp; lên Thất Sơn – Châu Đốc, vòng qua Hà Tiên, xuống Rạch Giá; Rồi thêm chuyến đi xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Cà Mau.

Sau đó về Cần Thơ, buổi ăn tối trên du thuyền Ninh Kiều nghe người ca sĩ hát:

“Hò ơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp
hò ơi... tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm.

(Vô Vọng cổ): Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào …” (Tình anh bán chiếu, của soạn giả Viễn Châu)

Tội tình cho anh bán chiếu thầm yêu cô gái Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Cần Thơ)!

                                                                                                                   

Trong bữa tiệc, cô giáo thân thiết ấy nheo mắt tinh nghịch hỏi tôi:

với anh chàng bán chiếu? Có không chú? Hìhì!

Bài bút ký “Tham quan di tích tại Hà Nội” đã viết xong (Oct 2022).

Và bây giờ, bài bút ký “Về Miền Tây, Nam Bộ”, vắn tắt bằng hình thoáng qua vài di tích, thắng cảnh từng nơi xin được gởi đến quý đọc giả và các bạn.

 

Lê Hữu Uy

Arizona, Tháng 11, 2022 – Hình ảnh của tác giả