Anh Chị Gốc Ở Đâu? Thử Bàn Về “Microaggressions”.

22dhvhacg1

Anh Chị Gốc Ở Đâu? Thử Bàn Về “Microaggressions”.

Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Tục ngữ Việt Nam

 

Nước Mỹ đang ở trong một vòng xoáy chính trị về căn tính (identity politics)  và một phong trào các phe nhóm “đấu tố” nhau là kỳ thị (chủng tộc, giới tính…). Nếu muốn hại người nào đó, dễ dàng nhất là gán cho họ cái tội kỳ thị chủng tộc.

Ngày tôi mới đi làm nột trú ở nhà thương Mỹ cách đây bốn mươi năm, một  anh giáo sư trẻ có lẽ gốc Do thái hỏi tôi từ đâu tới , và sau khi tôi trả lời là người  Việt tỵ nạn, anh ta nhận xét tỉnh bơ với tôi rằng (tôi không nhớ rõ nguyên văn, chỉ ý đại khái): Nếu mình thọc tay vào cái hủ mật thì lúc rút tay ra ruồi hay kiến (?) sẽ bám vào theo tay mình. Có lẽ ý anh ta nói Mỹ rót nhúng tay vào Việt Nam và do đó lúc Mỹ rút ra thì đám tỵ nạn như tôi sẽ bám theo về Mỹ . Có thể tôi nhớ không  chính xác  vì lúc đó nghe tiếng Anh vẫn còn rất yếu, nhưng điều quan trọng là sau 40 năm tôi vẫn nhớ câu nói này, mặc dù lúc đó tôi chẳng phản ứng gì cả, và xem đó cũng như chuyện thường, cũng như những chuyện nho nhỏ khác mình gặp mỗi ngày làm bực mình nhưng mình nghĩ là do mình chưa quen với xã hội mới. Sau khi bị gán đủ thứ tên, thứ tội ở Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thì chuyện thêm một anh chàng Mỹ trẻ ví von mình với ruồi hay kiến cũng không gây cảm giác gì đặt biệt. Và thời đó xã hội Mỹ chưa “phân cực” nhiều như bây giờ, và lời ăn tiếng nói chưa bị gò bó như hiện nay.

Nhưng 40 năm sau thì khác. Không chỉ ở Mỹ mà ở phương tây nói chung cũng vậy, hiện nay một trong những điều cấm kỵ lớn là hỏi người thiểu số: “Where do you come from?”. Như câu chiyện sau đây tôi đọc hôm nay trên trang web đài BBC:(1)

“Bà Fulani là người sáng lập tổ chức từ thiện Sistah Space có trụ sở tại London, tổ chức hỗ trợ phụ nữ gốc Phi và Caribe trên khắp Vương quốc Anh từng phải đối mặt với lạm dụng tình dục và gia đình.

Cùng với 300 khách mời, bà đã được mời tham dự tiệc chiêu đãi cấp cao tại Cung điện vào thứ Ba, nơi Hoàng hậu  Camilla, đã cảnh báo về "đại dịch bạo lực toàn cầu đối với phụ nữ".

Nhưng sau sự kiện, bà Fulani đã mô tả trên Twitter cách người phụ tá hoàng gia ( sau này biết là Lady Hussey, 83 tuổi,  mẹ đở đầu của Hoàng Thái Tử William) vén tóc bà sang một bên để xem huy hiệu tên của bà, và sau đó thách thức bà giải thích bà đến từ đâu.

Bà kể lại cách bà trả lời "Chúng tôi có trụ sở tại Hackney (một quận của London, một nửa dân số là da đen và gốc Á)," và người phụ tá trả lời: "Không, chị đến từ vùng nào của Châu Phi?"

Bà nói: "Tôi không biết, không còn bất kỳ hồ sơ nào", và phụ tá cung điện trả lời: "Chà, chị phải biết chị đến từ đâu chứ, tôi đã có thời gian ở Pháp. Chị đến từ đâu?"

"Ở đây, Vương quốc Anh"

"Không, nhưng chị là người quốc tịch nào?"

"Tôi sinh ra ở đây và là người UK (Anh)."

"Không, nhưng chị thật sự từ đâu tới, dân của chị  từ đâu tới?"

Bà Fulani viết trên Twitter: "Thật là một cú sốc đối với tôi và hai người phụ nữ khác khiến chúng tôi choáng váng đến lặng người một lúc."

Sau đó thì người tra hỏi bà da đen này phải từ chức.

Người Việt, nhất là người lớn tuổi như Lady Hussey trong câu chuyện trên, thích đặt câu hỏi về xuất xứ, gốc gác của người khác. Như Nguyễn Trãi hỏi thăm lúc mới gặp nàng Thị Lộ:

“Ả ở đâu ta bán chiếu gon,

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,

Đã có chồng chưa, được mấy con?”

Gặp đồng hương, tay bắt mặt mừng, “tha hương ngộ cố nhân”, chúng ta hỏi anh chị người gì, người Huế, người bắc, người nam, di cư “mấy nút” (1954 hay 1975), vân vân…

Gặp láng giềng mới dọn tới, tôi vẫn thích hỏi họ từ đâu tới, Iran, Iraq, hay Syria, Lebanon. Nếu là người Iran, sẽ  nói chuyện ngày xưa về bà hoàng hậu Farah Pahlavi mà vua Iran cưới sau khi bỏ bà trước vì bà này không có con, người Lebanon thì nói chuyện về đại học Mỹ ở Beyrouth, để tỏ ra mình thân thiện vậy thôi…

Nhưng hiện nay, có lẽ phải tính kỹ trước khi  hỏi về gốc gác người khác.

Dù là mình không phải người da trắng, nhưng người đến ở trước trong khu phố cũng có thể bị nghi là “kỳ thị” người đến sau; người Á Châu kỳ thị người Châu Phi (race-based discrimination); người thu nhập cao kỳ thị người thu nhập thấp (class discrimination, classism); nam kỳ thị nữ hay ngược lại (sex discrimination); người không đồng tính kỳ thị người LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender) tiếng Anh gọi là Sexual Orientation and Gender Identity (SOGI) Discrimination; người trẻ kỳ thị người già (ageism), người khỏe mạnh kỳ thị người khuyết tật (ableism)...

Các nhà nghiên cứu cho rằng “context” hay bối cảnh rất quan trọng lúc thăm hỏi bằng những câu như vậy.

Mặc dù có thể mình chỉ tò mò, muốn học hỏi hay muốn kiếm đề tài để bắt chuyện cho vui. Riêng về câu hỏi :”Where do you come from?” những lý do sau đây có thể khiến người được hỏi không vui:(2)

Một ví dụ khác do đương sự, một phụ nữ gốc Hàn quốc ở Thụy Điển kể lại (2):

“Người ta hỏi tôi: “Cô từ đâu đến?

-Thụy Điển.

-Không , tôi muốn hỏi thật sự cô đến từ xứ nào?

-Thụy Điển.

-Nhưng, nguồn gốc thật của cô kìa?”

Người ta cứ tiếp tục hỏi cho đến khi tôi giải thích rằng tôi sanh ra ở Hàn Quốc, và được nhận làm con nuôi ở Thụy Điển lúc mới 2 tuổi.

Rồi người đó nói: “Aha! Tôi biết trước mà!”

Làm như là tôi đang giả ngộ để người ta tưởng tôi là dân Thụy Điển trong lúc rõ ràng ai cũng thấy ngay là tôi không phải tóc vàng mắt xanh! Dù là tôi sống ở Thụy Điển đã 34 năm,  người ta cũng không thấy điều đó quan trọng, họ vẫn làm như tôi muốn gạt họ cho họ tưởng tôi là người Thụy Điển thật.”

Tóm lại, ở Mỹ, nếu bạn muốn hỏi một ai “Where do you come from?”, Where are you from?”, dù bạn không phải người da trắng, bạn phải cẩn thận, người ta có thể hiểu rằng bạn đang làm cái việc gọi là “microaggression” hay “sự tấn công tinh vi”.

Theo Wikipedia tiếng Anh: “Tấn công tinh vi”  là một thuật ngữ được sử dụng cho những sự xâm phạm  thông thường hàng ngày bằng lời nói, hành vi hoặc môi trường mình tạo ra, dù cố ý hay vô ý, thể hiện thái độ thù địch, xúc phạm hoặc tiêu cực đối với các nhóm bị kỳ thị hoặc bị gạt ra ngoài lề về văn hóa.Thuật ngữ này được đặt ra bởi bác sĩ tâm thần Chester M. Pierce của Đại học Harvard vào năm 1970 để mô tả những lời lăng mạ và hành vi coi thường (insults and dismissals) mà ông thường xuyên chứng kiến những người Mỹ không phải da đen gây ra cho người Mỹ gốc Phi. Vào đầu thế kỷ 21, việc sử dụng thuật ngữ này được áp dụng cho ‘sự vô tình làm mất phẩm giá’  (casual degradation) của bất kỳ nhóm nào bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bao gồm người LGBT, người sống trong cảnh nghèo  và người khuyết tật. Nhà tâm lý học Derald Wing Sue định nghĩa ‘tấn công tinh vi’ là ‘những cuộc trao đổi ngắn gọn, thường nhật nhằm gửi những thông điệp có tính cách hạ nhục [denigrating] đến một số cá nhân vì họ  là thành viên của một nhóm nào đó . Những người đưa ra nhận xét có thể có ý tốt và không nhận thức được tác động tiềm tàng của lời nói của họ.”

Độc giả có thể đọc về một số ví dụ khá bất ngờ và ngộ nghĩnh về microagression/ “tấn công tinh vi”, theo một danh sách trên trang web của Đại học Minnesota, “Examples of Racial Microaggressions”, có lẽ dành cho sinh viên và ban giảng huấn để giảm thiểu các thái độ kỳ thị chủng tộc vô tình hay cố ý có thể xảy ra.

Vài ví dụ khá ngộ nghĩnh: nếu bạn thuộc nhóm đa số (Mỹ trắng) không nên khen người thiểu số nói tiếng Anh giỏi, không nên nhờ người Châu Á  dạy bạn vài tiếng nước họ, nhờ người châu Á kèm toán và khoa học, không nên hỏi người gốc Á hay Châu Mỹ latinh :”Tại sao lặng thinh vậy, sao không phát biểu cho chúng tôi biết bạn nghĩ gì, phải nói ra chứ!”

‘Environmental microaggression” hay tấn công tinh vi về môi trường sống: Một đại học ở đó các tòa nhà toàn được đặt tên theo những nhân vật  da trắng, giai cấp thượng lưu, không đồng tính (heterosexual); một phim ảnh mà diễn viên toàn là người da trắng, ít người da màu; trường học quá đông đúc ở khu da màu; quá nhiều tiệm bán rượu ở khu da màu.(3)

Cuối cùng, nếu người ta hỏi  bạn “Where do you come from?” thì sao?

Việc này còn tùy hoàn cảnh, tùy theo triết lý của bạn, mức độ tự tin của bạn và tùy theo bạn đã trở nên “mẫn cảm” như một số người Mỹ thiểu số hiện nay hay chưa.

Tham khảo:

1)https://www.bbc.com/news/uk-63810468

2)https://www.theatlantic.com/international/archive/2014/07/question-where-are-you-from-racist/373818/

3)https://sph.umn.edu/site/docs/hewg/microaggressions.pdf

 

Hồ Văn Hiền

Ngày 30 tháng 11 năm 2022