"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

Từ Dạo Ấy

Biển hòa tấu điệu buồn trên cát
Sóng chập chùng ca hát đêm ngày
Giáng Sinh quay trở về đây
Sài Gòn kỷ niệm áo bay tan trường

*

Đời thay đổi, đại dương thầm gọi
Người nhìn gần, ở lại an ngơi
Nhìn xa, cưỡi sóng trùng khơi
Liều mình phiêu bạt hai trời xa xăm

*

Sóng đánh gãy, ghe ngâm trong nước
Muối biển Đông thấm ướt mặn mòi
Tóc đơm hoa bạc màu vôi
Giật mình tỉnh giấc, ngủ ngồi cùng trăng

*

Màn sương biển giăng mùng ru ngủ
Giữa đêm khuya gió phủ thân người
Giạt vào đất Mã (Lai) rã rời
Biết mình sống sót, nằm cười với Trăng

Không gian mở cửa cho tháng mười hai. Ông lão Thời Gian ung dung đặt viên gạch cuối trên khắp nẻo đường thơm hương bánh, trái, gà tây… Giáng Sinh rộn ràng quay về đầu ngõ, và tưng bừng thắp sáng đèn hoa lung linh chớp tắt. Những dây đèn đủ kiểu, muôn sắc màu được treo tứ tung. Như cố gắng, trổ tài trang điểm vẻ mặt kiêu sa lộng lẫy. Dung nhan diễm lệ cho góc phố nói riêng, và cũng như toàn đất nước Hoa Kỳ nói chung.

Đất trời nhộn nhịp hẳn lên cả ngày lẫn đêm. Mọi sinh hoạt trở nên sống động. Nhiều nơi ánh đèn rực sáng. Vạn vật hình như không cảm thấy buồn ngủ. Dòng chảy rộn ràng cứ xum xoe, tất bật bán mua. Mọi nhu cầu cần thiết cho buổi họp mặt gia đình được tổ chức trang trọng, để đón người thân từ phương xa. Mọi Người tề tựu, chung nhau sum họp, sau một năm bận bịu công việc mưu sinh.

Không khí tưng bừng hoan ca, khơi gợi trong tôi ký ức của năm tháng xa xưa. Thuở xa xưa đó, tôi còn vất va vất vưởng ở góc trời Sài Gòn. Tôi đang mơ màng thả hồn, lục lọi trong ngăn ký‎ ức, tìm hình ảnh ngày Giáng Sinh sau cùng ở cái nôi chào đời.

Tôi đã thấy gì trên đường lộ Trần Quốc Toản, ngay trước mặt tiền nhà? Vì sao tôi muốn kể chuyện đời xửa đời xưa này? Vì ngay sau đêm Giáng Sinh tháng mười hai năm ấy, tôi được anh chị chủ ghe báo tin. Em sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho chuyến vượt biển gần kề. Đêm rời xa quê mẹ bất thình lình khi cơ hội đến.

***

Tôi mãi nhớ khi dòng đời gãy khúc trong tức tưởi - vài năm đầu giao thời, xã hội chầm chậm chuyển đổi chế độ. Mọi sinh hoạt, mọi hơi thở… dần dà buồn thỉu buồn thiu. Người quyền lực cố tình biến mất bộ mặt cũ. Dòng sinh nhai bấn loạn, ù lì, chụp giựt… Chợ trời mọc lên như rạ.

Sài Gòn y hệt như cậu bé ngây ngô non nớt. Cậu bé vừa bị bố mẹ bỏ rơi vô tội vạ, bơ vơ, ngờ nghệch. Dáng vẻ luộm thuộm, cậu còn tập tễnh học cách đi cách đứng, sao cho có hiệu quả. Rằng, ta đây sành đời. Năm tháng sau 1975, người dân còn ngỡ ngàng lạ lẫm - đồng nghĩa với bộ điệu ngơ ngáo. Không ai biết ngày mai, đời mình sẽ ra sao. Vầng sáng tương lai sẽ dìu dắt ta, giúp ta bình tâm tìm một hướng đi - định cư ở bến nào!

Sài Gòn bỏ ngỏ nhanh như hơi thở. Người từ miền Bắc xa xôi chưa kịp ùa tràn vào chiếm đóng Sài Gòn như hiện tại. Những con đường thân yêu vẫn còn rộng thênh thang. Tuổi trẻ Sài Gòn vẫn còn nhởn nha hồn nhiên, khi chưa nếm mùi đau khổ. Từng nhóm nam thanh nữ tú ăn vận quần áo bảnh bao, cùng rủ nhau đi dạo bằng xe-lô-ca-chân. Lúc đó làm gì có xăng mà chạy! Chứ không lượn lờ bằng xe hai bánh như hiện thời.

Ánh chiều tà chưa buông màu tím hoàng hôn, thì đám đông, đoàn người đã lũ lượt, tuôn tràn dày đặc trên đường Trần Quốc Toản. Ngay trước mặt tiền nhà của tôi. Cô cậu trẻ nói, xuất phát từ Phú Lâm, Cây Gõ, Đường Lê Đại Hành… Chao ơi! Một đoạn đường dài như vậy, mà cô cậu đôi tám, đôi mươi… mới có sức khỏe dung dăng lội bộ. Tất cả các gương mặt tươi rói, dáng vẻ hăng hái đi… Khâm phục quá xá!

Vạt nắng chiều tà hiền hòa trải dài sợi yêu thương trên những con đường chánh, trìu mến dìu chân người đến nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Huyện Sĩ đối diện bưu điện Sài Gòn.

Nhiều câu chuyện huyên thuyên của các cô cậu năng động - hình như là chất xúc tác giúp họ không cảm thấy mỏi chân. Họ tíu tít như đàn chim yêu đời. Thay nhau chuyện trò không ngừng nghỉ. Vừa tản bộ vừa cười vui vẻ. Miệng thì nói râm ran trên các tuyến đường, quy tụ về một hướng ở trung tâm đèn hoa.

Hình ảnh dễ thương đó cho tôi một bức tranh đáng nhớ, của tuổi trẻ thật thà vừa mới lớn, chưa nếm mùi chông gai. Vào thời buổi, hương Sài Gòn yêu dấu còn thơm chút mùi của xã hội trước 1975. Tôi thiết nghĩ, thước phim đáng nhớ này, không bao giờ xảy ra nữa. Sài Gòn bây giờ hoàn toàn thay đổi bộ mặt mới. Ngày xa xưa ấy, Sài Gòn vừa đổi ngôi.

Người dân chưa thật sự rơi vào hoàn cảnh oan nghiệt. Năm tháng mới mẻ, chưa ai biết, vận mệnh của chính mình sẽ oằn oại sinh nhai ra sao:

  • Cũng như chưa hề nếm mùi đời đắng cay, xảy ra vào ngày đổi tiền. Một gia đình chỉ vỏn vẹn lấy 200 đồng.
  • Chưa hiểu cảnh đánh tư sản mại bản.
  • Chưa tận mắt thấy hàng loạt gia đình bị kiểm kê. Biết bao nhiêu người mất trắng tay và tự tử oan uổng…

Người trẻ còn thong dong, an nhàn vui chơi. Chỉ những ai nhìn xa vào cuối con đường hầm đen tối mới thấu hiểu. Trong lòng suy sụp, tan nát, rối bời, âm thầm tìm đường trốn chạy.

Sau Giáng Sinh, từ dạo ấy, tôi xa căn nhà bé nhỏ. Thước phim chiều tà kỷ niệm với chi tiết bên trên, đã in khắc trong ngăn ký ức nhỏ nhoi mãi cho đến hôm nay. Có lẽ, diễn biến ngọt ngào, hiền hòa này sẽ không bao giờ phai nhạt trong tiềm thức. Cho dù đã mấy mươi mùa thu thay lá tô điểm đời tha hương.

Kính Chúc Quý Độc Giả Giáng Sinh An Vui.

Bạch Liên
12/17 -2022
(DEC 17 – 2022)