"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Quan niệm về Tư cách của Người Bình dân Việt Nam

Chủ điểm của bài này tập trung vào quan niệm của người bình dân Việt Nam về tư cách của con người. Khi nói một người nào đó có tư cách, người ta nghĩ đến những yếu tính mà người đó có và được người đời quý trọng. Tuy nhiên, những yếu tính mà người này nghĩ đến chưa hẳn là những yếu tính mà người khác nghĩ đến. Do đó, trước tiên chúng tôi đi tìm định nghĩa của từ “tư cách” theo quan điểm của người bình dân, được thể hiện qua ca dao và tục ngữ để ít nhất chúng ta cùng có chung một điểm quy chiếu khi bàn về quan niệm “tư cách”.

Từ “tư cách” rất quen thuộc và phổ biến trong trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam, nhưng nguyên thuỷ được cấu tạo bởi hai từ Hán Nôm “tư” và “cách”. “Tư: 私” có nghĩa là “riêng cho từng cá nhân, từng người”1 và “cách: 格” có nghĩa là “lối: cách ăn ở”2. Như vậy “tư cách” có nghĩa là cách ăn ở của từng cá nhân riêng biệt. Dĩ nhiên là cách ăn ở của người này không giống người kia. Nhưng có những cách ăn ở được quý mến, kính trọng và có những cách ăn ở bị người đời khinh chê. Nói cách khác có những yếu tính trong cách ăn ở của con người tạo nên được sự quý mến, kính trọng nơi người khác cũng như có những đặc tính trong cách ăn ở làm cho người ta khinh ghét. Vậy những yếu tính nào đã tạo nên sự quý mến và kính trọng và những đặc tính nào đã tạo ra sự khinh miệt nơi người khác.

Mục tiêu của bài này là đi tìm những yếu tính tốt cũng như những đặc tính xấu liên hệ đến tư cách mà người bình dân Việt Nam đã phản ánh qua ca dao và tục ngữ.

Trước tiên, một người có tư cách là một người có tinh thần tự lập, không muốn nhờ vả vào công lao của người khác. Nhờ người khác giúp đỡ được coi như mang nợ suốt đời, khó trả lại được.

Nên ra tay kiếm, tay cờ,
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ cậy ai. Ăn một miếng, tiếng một đời.

Thọ tài như thọ tiễn.

Của biếu là của lo, của cho là của nợ.

Ơn to khó trả, nghĩa cả khó đền.

Và tinh thần tự lập thường đưa đến ý thức về trách nhiệm của bản thân.

Ai làm, nấy chịu.

Ai đội mũ lệch, người ấy xấu.

Ai làm người ấy chịu

Công ai nấy nhờ, tội ai nấy chịu.

Mình làm mình chịu.

Tội hữu sở quy, ai làm nấy chịu.

Dĩ nhiên là một khi đã chấp nhận trách nhiệm bản thân thì người có tư cách phải hoàn tất công việc của mình một cách đúng đắn và đến nơi đến chốn.

Ai ơi! Đã quyết thì hành,
Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây.

Ai ơi! Đã quyết thì hành,
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi.

Hành vi của một cá nhân, trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, sẽ có ảnh hưởng đến danh tiếng của cả cộng đồng. Trách nhiệm cá nhân cũng là trách nhiệm của tập thể vì gia đình trong truyền thống văn hoá Việt tộc thường bao gồm ba, bốn thế hệ. Do đó, trách nhiệm của cá nhân ảnh hưởng đến thanh danh của tập thể, từ gia đình đến thôn xóm, rồi đến quốc gia.

Con sâu làm rầu nồi canh.

Con sâu bỏ rầu nồi canh.

Một con sâu bỏ rầu nồi canh.

Con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.

Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.

Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ.

Xấu bao thì xấu bì, xấu tao cũng xấu mi.

Xấu thiếp, hổ chàng.

Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh đàn bà.

Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh cả đàn.

Một người làm xấu, nhơ danh cả nhà.

Một người làm quan thì sang cả họ.

Một người làm quan cả họ được nhờ,
Một người làm bậy, cả họ mang nhơ.

Một người làm nên, cả họ được cậy,
Một người làm bậy, cả họ mất nhờ.

Một người làm xấu, cả bậu mang nhơ,
Một người làm tốt, cả bậu được nhờ.

Yếu tính tự lập và tinh thần trách nhiệm đòi hỏi con người phải tháo vát, tạo ra công việc sinh kế cho chính bản thân, và phải cần mẫn trong công ăn, việc làm. Cho nên, lười biếng là phản đề của siêng năng, cần mẫn, và không phải là yếu tính của người có tư cách, và là một thái độ bị người bình dân châm biếm, chê bai, khinh ghét.

Nam mô Bồ Tát,
Chẻ lạt đứt tay,
Đi cày trâu húc,
Đi xúc phải cọc,
Đi học thầy đánh,
Đi gánh đau vai,
Nằm nhà nhịn đói.

Bé đi câu, lớn đi hầu.

Ngán thay cái kiếp lợn sề,
Ăn bèo với cám nằm lê trong chuồng.

Siêng ăn, biếng làm.

Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.

Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

Làm trai rửa bát, quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây.

Làm trai tập sảy, tập sàng,
Phòng khi vợ đẻ, lo làm mà ăn.

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

Ghét kẻ lười, không ai cười kẻ lấm gối.

Quan đâu thương kẻ ngu si,
Của đâu cho đứa nằm lì mà ăn.

Ai đâu thương kẻ ngu si,
Ai đâu thương kẻ nằm lì mà ăn.

Ai đâu thương kẻ ngu si,
Của đâu cho đứa nằm lì mà ăn.

Anh này rõ khéo làm ăn,
Đi cày chẳng biết, chít khăn mượn người.

Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.

Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.

Làm vậy, làm vọ; làm nọ, làm khác.

Vô tác, gác mỏ.

Củ rủ, đuổi ruồi không đi.

Lánh nặng, tìm nhẹ.

Uý trọng, cầu khinh.

Làm chẳng bằng ai, ngủ thì như chết.

Làm không đụng xác, vác không đụng vai.

Một người siêng bằng ba người nhác.

Ngồi gốc sung há miệng chực rơi.

Ăn thì hay, cày thì dở.

Ăn mau, làm chậm.

Ăn thì cúi trốc, đẩy nốc thì van làng.

Ăn thì mau chân, việc cần thì đủng đỉnh.

Sáng tai họ, điếc tai cày.

Điếc tai cày, sáng tai họ.

Sớm rửa cưa, trưa mài đục.

Sớm rửa cưa, trưa mài đục, tối giục cơm.

Kẻ kéo cho chết, người không động mình.

Trước đau, sau nhác.

Đời người chỉ được gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang.

Và những người lười biếng thường có tính ỷ lại.

Bắc nước, chờ gạo người.

Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi ăn cơm vợ.

Khi người lười biếng phải làm việc thì thường làm một cách nhếch nhác, tạo ấn tượng khó chấp nhận được:

Ăn như rồng cuốn,
Làm như cà cuống lội ngược.

Ăn thì mau chân, việc cần thì đủng đỉnh

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Ăn như thúng lủng khu,
Mần thì đủng đỉnh như du [dâu] mới về.

Làm như chỉ lộn cuồng.

Làm như chó ỉa vãi.

Làm như mèo mửa.

Làm như nhà trò giữ nhịp.

Làm như nhái bỏ dĩa.

Không những chỉ lười biếng, ỷ lại, làm việc nhếch nhác mà còn nếu có thể trốn việc được thì người lười biếng sẽ không ngần ngại, nhưng thường lại rất tham ăn.

Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

Ăn đàn anh, làm đàn em.

Ăn là anh, làm là em.

Ăn thì ăn những miếng ngon,
Làm thì chọn những việc cỏn con mà làm!

Ăn no, ngồi chỗ mát.

Ăn thì có, mó thì không.

Ăn thì cúi trốc [đầu], đẩy nốc [ghe, thuyền] thì van làng.

Người bình dân đánh giá những hạng người như thế là:

Ăn no ngủ kĩ, chổng tĩ lên trời.

Một người có tư cách không thể là một người ỷ lại, lười biếng, làm việc nhếch nhác hay trốn công việc, và tham ăn. Đây là những điểm đặc thù của những người thiếu tư cách, bị người bình dân châm biếm, chê trách, và khinh bỉ. Một người có tư cách rất trân quý danh tiếng của mình: danh tiếng tốt, ngoài những yếu tính nêu lên trong bài này đem lại còn do cách ăn ở hiền lành, phúc đức, nhân nghĩa3 tạo nên. Danh tiếng để lại cho đời trong văn hoá Việt tộc còn quan trọng hơn cả tiền của. Theo quan điểm của người bình dân thì giàu có hoặc chức phận cao sang khi tới cuối cuộc đời cũng chỉ còn lại con số không. Tất cả đều đi vào quên lãng, chỉ có danh tiếng tốt mới tồn tại mãi mãi.

Người chết, của hết.

Người chết, nết còn.

Cái áo rách, cái cách vẫn còn.

Ruộng nương là của đồng lần,
Trời đất xoay vần kẻ trước, người sau.
Chưa ai ba họ cùng giàu,
Chưa ai nghèo khổ đến đâu ba đời.
Sống trên đời, cùng nhau cày cấy,
Chết buông tay, mấy cũng thành không.
Hỡi ai độc dạ, tham lòng,
Chi bằng để một tiếng trong với đời.

Có hèn cũng ngựa nhà quan,
Kiều khấu rách nát hồng nhan vẫn còn.

Năm canh thì ngủ lấy ba,
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn.
Người ta hữu sản hữu sanh,
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

Có đỏ mà chẳng có thơm,
Như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì!

Tốt danh hơn lành áo.

Cáo chết để da, người ta chết để tiếng.

Báo chết để da, người ta chết để tiếng.

Hổ chết để da, người ta chết để tiếng.

Voi chết để ngà, gà chết để lông, ông chết để tiếng.

Người đời hữu tử, hữu sanh,
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm

Nâu sồng nào quản khen chê,
Khó thì cho sạch, rách thì cho thơm.

Tốt danh hơn giàu của.

Tốt danh hơn lành áo.

Bán gia tài, mua danh phận.

Hổ chết về da, người ta chết về tiếng.

Mai cốt bất mai danh.

Chơi thì chọn chốn cho thanh,
Chơi thì phải nhớ cái danh để đời.

Chơi thì chơi chốn thập thành,
Lời ăn tiếng nói giữ danh giá mình.

Chữ rằng hổ tử lưu bì,
Làm người phải để danh gì mai sau.

Cáo chết để da, người ta chết để tiếng.

Chẳng chua cũng thể là chanh,
Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây.

Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp.

Một miếng thịt làng hơn một sàng thịt chợ.

Tốt danh hơn lành áo.

Tốt danh hơn giàu của

Hoa thơm ở chốn lầu cao,
Gió nam thổi xuống, hướng nào cũng thơm.

Như đã nói trên, danh tiếng tốt thường do cách ăn ở phúc đức, nhân nghĩa đem lại; nhưng tiền của, chức phận cũng là ước muốn tự nhiên của con người và cũng đem lại danh tiếng tốt nếu sự giàu sang và chức phận do khả năng và tài giỏi tạo nên chứ không phải do những phương cách độc ác, lươn lẹo, gian manh, và luồn cúi một cách nhục nhã đem lại.

Tài trai chí phải cho bền,
Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con.
Dù cho biển cạn, non mòn,
Công danh phải đạt cho tròn mới thôi!

Vì vậy mới có hiện tượng phụ nữ Việt Nam mơ ước lấy được tấm chồng có chức phận, và do có đó danh vọng.

Một ngày quân tử nằm kề,
Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm.

Mảnh chồng quan bằng đàn chồng dân.

Mảnh chồng quan hơn đàn chồng dân.

Một ngày đứng mũi thuyền rồng,
Còn hơn chín tháng ở trong thuyền chài.

Xin nhấn mạnh ở đây là trong quan niệm của người bình dân, danh tiếng tốt rất được trân quý, trân quý hơn cả sự giàu sang, quyền quý, nhưng quan niệm này không có nghĩa là người bình dân chê bai, bài bác giàu sang, phú quý. Ngược lại, họ rất trân quý sự giàu sang, phú quý, và chức phận. Họ chỉ khinh chê những người tham lam, độc ác, gian manh, lươn lẹo, luồn cúi chịu nhục để đổi lấy giàu sang, phú quý mà thôi:

Chết đứng hơn sống quỳ.

Nghèo mà quân tử hơn giàu tiểu nhân.

Đói cơm hơn kẻ no rau,
Nghèo mà quân tử hơn giàu tiểu nhân.

Đói miếng hơn tiếng đời

Áo rách vẫn giữ lấy tràng.

Giấy rách, giữ lề.

Giấy rách, giữ lấy lề.

Váy rách vẫn giữ lấy lề.

Đói cho qua, nết phải giữ.

Khó sạch, rách thơm.

Đói cho sạch, rách cho thơm.

Khó cho sạch, rách cho thơm.

Lành cho sạch, rách cho thơm.

Để nhấn mạnh thêm quan điểm này, người bình dân đã đối chiếu sự nhục nhã mà con người phải gánh chịu khi có hành vi xấu xa với sự thanh cao của những hành vi trong sạch:

Chết trong hơn sống đục.

Chết trong còn hơn sống đục.

Sống đục sao bằng thác trong.

Chết vinh còn hơn sống nhục.

Chết đứng còn hơn sống quỳ.

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa,
Tiếng lành tiếng dữ, đồn ba ngày đường.

Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa,
Tiếng lành, tiếng dữ đồn ba ngày đường.

Tiếng lành đồn xa,
Tiếng dữ đồn ba ngày đường.

Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục,
Sống mang tiếng đục sao bằng thác đặng tiếng trong.

Thế gian còn mặt mũi nào,
Đã nhổ lại liếm, làm sao cho đành.

Ở đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc là danh tiếng trong bối cảnh văn hoá dân gian không những chỉ được kiến tạo bởi hành vi cá nhân mà còn bởi trách nhiệm tập thể. Một cộng đồng gia tộc có thể cảm thấy hãnh diện hay nhục nhã vì một hành vi nào đó của một cá nhân trong gia tộc. Cộng đồng quốc gia Việt Nam có thể cảm thấy hãnh diện hay nhục nhã chỉ vì một hành vi nào đó của một người mang danh Việt Nam.

Xã hội học phân tích văn hoá thành hai loại: (1) văn hoá đặt nặng tội lỗi (guilt culture) và (2) văn hoá đặt nặng nhục nhã (shame culture). Trong những nền văn hoá thuộc loại (1), người làm điều sai quấy nhận thức được mình tội lỗi và sự sai lầm của mình là riêng tư không ảnh hưởng đến người khác. Dĩ nhiên là nhận thức về một tội lỗi nào đó không được phổ quát hoá và có thể khác nhau tuỳ quan điểm suy luận của từng cá nhân sai phạm. Trong những nền văn hoá thuộc loại (2) người làm điều quấy cảm thấy nhục nhã, hổ thẹn vì bị những người chung quanh – bà con, hàng xóm -- phê bình, chê bai, khinh bỉ. Và dĩ nhiên là phán đoán về hành vi đúng hay sai của những người sống trong nền văn hoá thuộc loại (2) bị quy định, áp đặt, và kiểm soát bởi những phạm trù quy ước của xã hội, và do đó, được đồng bộ hoá và phổ quát hoá. Lí do chúng tôi nêu lên nhận xét này là vì trong một bài nghiên cứu “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”4 (Tin Lành và Công Giáo: Cùng chung Đạo đức Cần lao, Khác Đạo đức Xã hội) đăng trên tờ The Economic Journal, 2010, 120 (547), 890-918 (Barcelona Economics Working Paper Series Working Paper nº 497), tác giả Benito Arruñada đưa ra 3 yếu tố thúc đẩy những quốc gia chịu ảnh hưởng của Tin Lành phát triển kinh tế mạnh hơn những quốc gia chịu ảnh hưởng của Công Giáo, vì (1) tín dồ Tin Lành có khuynh hướng kiểm soát lẫn nhau về hành vi đạo đức hơn tín đồ Công Giáo; (2) tín đồ Tin Lành tôn trọng luật pháp và các thể chế pháp lí hơn tín đồ Công Giáo; và (3) tín đồ Tin Lành có một hệ thống giá trị đồng nhất hơn tín đồ Công Giáo. Văn hoá đặt nặng danh tiếng của Việt Nam đáp ứng yêu cầu (1) và (3). Hơn nữa, một nền văn hoá được quản lí bởi thể chế quân chủ tập trung suốt mấy ngàn năm như Việt Nam cũng cho phép chúng ta kết luận là dân chúng rất tuân thủ luật pháp. Nói tóm lại, ngoài những yếu tính như kiên trì, cần cù, tiết kiệm, ba yếu tính nêu trên là những điều kiện “cần” rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia; và điều kiện “đủ” là tự do5.

Trở lại vấn đề danh tiếng tốt do giàu có, chức phận đem lại là những ước muốn tự nhiên tạo nỗ lực nơi con người tranh đấu cho cuộc sống , nhưng khi xác định danh tiếng tốt, người bình dân nhấn mạnh danh tiếng do cách ăn ở hiền lành, phúc đức, nhân nghĩa, và khả năng chứ không khẩn thiết chỉ do – theo nghĩa hẹp – giàu có và quyền cao chức trọng đem lại, mặc dù tiền của, quyền cao, chức trọng tạo nên danh tiếng. Để cảnh báo thực tế của danh vọng theo nghĩa hẹp này, người bình dân nhắn nhủ người đời là:

Cây cao gió vật gió vờ,
Chẳng bằng cây thấp, gió đưa dịu dàng.

Cây cao thì gió càng lay.

Cây cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dày gian truân.

Khi người bình dân đặt nặng danh tiếng hơn tiền của, chức phận không có nghĩa là họ không lo lắng đến vấn đề kinh tế. Họ rất cần cù trong công việc làm giàu:

Năm canh thì ngủ lấy ba,
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn.

Dù cho biển cạn, non mòn,
Công danh phải đạt cho tròn mới thôi!

Họ nhận thức rõ ràng sự cần thiết của nhu cầu vật chất và khẳng quyết là mặc dù danh tiếng rất quan trọng cho đời sống của con người, nhưng việc xác định thứ tự ưu tiên giữa tiền của, chức phận và đạo đức lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Quan niệm này cũng không khác với mô hình nấc thang nhu cầu của Abraham Maslow cho rằng những nhu cầu sinh lí như ăn uống, bài tiết và những nhu cầu về an ninh bản thân phải được thoả mãn trước khi đáp ứng những nhu cầu xã hội như bạn bè, tình yêu và những nhu cầu về tâm linh và tri thức.

Có thực mới vực được đạo.

Dân dĩ thực vi tiên.

Dĩ thực vi tiên.

Đi đạo lấy gạo con ăn.

Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người bình dân thì những giá trị vật chất chỉ thích hợp và có ý nghĩa tương ứng với nhu cầu thực sự của mỗi cá nhân mà thôi.

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu.
Phú ông xin đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim.
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.

Không những chỉ người bình dân mới suy nghĩ như thế mà ngay cả tầng lớp trí thức Nho học cổ truyền mà đại diện là Nguyễn Công Trứ cũng cùng quan điểm:

Tri túc, tiện túc, hà thời túc.

Và tiền của, chúc phận không khẩn thiết sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.

Giàu sang không mang lại hạnh phúc.

Phú quý như phù vân.

Rất nhiều người sẽ không đồng ý với quan điểm này vì nghĩ rằng lập trường này chỉ đưa đến nghèo đói và rằng hiện nay hầu như tất cả mọi người cũng như mọi quốc gia trên thế giới đều đang ào ạt tìm cách làm giàu, và rằng không có tiền thì chẳng làm gì được, ngay cả để đầu tư vào những chương trình khoa học đem lại tiến bộ cho loài người. Suy luận này bắt nguồn từ sự hiểu lầm quan điểm của người bình dân là chỉ quý trọng đạo đức mà khinh bỉ sự giàu sang và chức phận. Việc người bình dân đặt nặng danh tiếng do đạo đức, nhân nghĩa, và khả năng của mình đem lại không có nghĩa là họ phủ nhận sự giàu sang mà chỉ có nghĩa là một cảnh báo, nhắc nhở con người là không nên chỉ chú trọng đến tiền của, chức phận – những mục tiêu đương nhiên của con người -- mà không quan tâm đến những tệ hại mà sự tham lam, độc ác -- những hệ quả gần như tất yếu của những hệ thống kinh tế tư bản man rợ – mang lại từ việc muốn làm giàu hay muốn đạt được chức phận.

Của gian, của độc.

Ích kỉ hại nhân.

Ở quỷ gặp quái, gian tà gặp nhau.

Ở tinh, gặp ma, ở quỷ gặp quái, gian tà gặp nhau.

Ăn thịt người không biết tanh.

Uống máu người không tanh.

Coi mạng người như ngoé.

Sâu ao lắm cá, độc dạ khốn thân.

Có nghĩa có tình, có mình có ta,
Còn như bạc ác, tinh ma,
Trôi sông giạt bể, ai mà vùi cho.

Những người bất nghĩa, bất nhân,
Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài.

Thiên bất dung gian.

Dối trên, hại dưới.

Lật như bàn tay

Một miệng, hai lòng.

Một gươm đôi lưỡi.

Phật khẩu, tâm xà.

Na-Mô một bồ dao găm.

Ném đá dấu tay.

Ở dữ, Trời nào chứng cho.

Thôi đừng giấu kim trong tay áo.

Cây khô có lộc, người độc không có con.

Tu thân rồi mới tề gia,
Lòng ngay nói vậy, gian tà mặc ai.

Ngoài miệng thì niệm Nam Mô,
Trong lòng thì chứa một bồ dao găm.

Ngoài bụng thì tụng Nam Mô,
Trong lòng thầm đặt một bồ dao găm.

Đi lên đi xuống bờ dừa,
Lấy ai có chửa, đổ thừa cho tôi!

Nọc người bằng mười nọc rắn.

Ao sâu béo cá, hiểm dạ hại mình.

Hại nhân, nhân hại.

Ai mà nói dối với ai
Thì Trời giáng hoạ cây khoai giữa đồng.
Ai mà nói dối với chồng
Thì Trời giáng hoạ cấy hồng bờ ao.

Độc ác là một điều xảy ra thường xuyên trong bất cứ xã hội nào, nhưng người có tư cách thì luôn luôn cần phải tránh xa sự độc ác. Và những hành vi độc ác thường gây ra oán thù. Người bình dân đã bài bác tham lam, độc ác thì cũng phải bài bác oán thù.

Oan oan tương báo.

Oán thù nên giải, không nên kết.

Oán không giải được oán.

Lấy oán báo oán, oán đầy chất chồng.

Cho nên, người có tư cách không nên thù oán:

Đấng trượng phu, đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng, đừng oán mới hay.

Đấng trượng phu, đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng, đừng oán mới nên.

Kiện cáo cũng gây nên oán thù. Trong hệ thống pháp lí của một chế độ dân chủ tân tiến, kiện cáo thường có ý nghĩa nỗ lực tìm kiếm công lí, giành lại sự công bằng cho mọi người. Trong hệ thống pháp lí Nho giáo cổ truyền, vi phạm luật pháp có nghĩa là vi phạm những phạm trù đạo đức của Khổng giáo vì Khổng giáo dựa trên đức trị (hay nhân trị) thay vì pháp trị. Mặc dù đến đời Tần Thuỷ Hoàng (251-210 TCN), nước Tàu dùng pháp trị dưới ảnh hưởng của Thương Ưởng (290-338 TCN), Hàn Phi (280-233 TCN), và Lý Tư (284-208 TCN), nhưng pháp lí của Tần Thuỷ Hoàng không phát xuất từ nền dân chủ pháp trị nhắm đến mục tiêu công bằng mà chỉ dùng hình luật để cai trị và củng cố nền quân chủ tập trung và bảo vệ vương quyền mà thôi. Ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa trên những nước đồng văn như Cao Ly (và sau đó là Triều Tiên), Nhật Bản, và Việt Nam vẫn còn rất nặng về ảnh hưởng đức trị của Khổng giáo. Do đó, kiện cáo, trong văn hoá Việt tộc, thường mang ý nghĩa tố cáo người khác vi phạm luân lí, đạo đức, làm mất danh giá của người bị tố cáo, nên dễ gây nên hận thù. Vì vậy một người có tư cách sẽ không tham lam, độc ác, gây hận thù và do đó cũng sẽ tránh kiện cáo.

Một đời kiện, chín đời thù.

Rủ nhau làm phúc, chớ giục nhau đi kiện.

Xui nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện.

Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc.

Vã lại trong bối cảnh pháp lí cổ truyền, kiện tụng thường cũng chẳng đem lại lợi lộc gì:

Thua kiện mười bốn quan năm,
Được kiện mười lăm quan chẵn.

Trong những thời đại quân chủ tập trung của Việt tộc, mặc dù đất nước đã có Quốc Triều Hình Luật (Bộ Luật Hồng Đức) từ thời nhà Lê , dưới triều vua Lê Thánh Tông (1470 – 1497) và Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt Luật Lệ, 1815) dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng nói chung thì pháp đình chỉ là nha huyện và quan huyện cũng thường là quan toà. Không có tam quyền phân lập. Quan huyện thanh liêm thì xử án dựa trên nguyên tắc đạo lí. Quan huyện thối nát thì xử án tuỳ tiện. Người đi kiện chính là người dân, không có luật sư đại diện. Bị cáo cũng tự minh oan, không có luật sư bào chữa. Nhưng đến khoảng tiền bán thế kỉ 20, Việt Nam bắt đầu nghiêng về pháp trị: có toà án, có quan toà, có luật sư cho đương đơn cũng như cho bị cáo, có công tố viên (biện lí), và có bồi thẩm đoàn. Xử án dựa trên Dân luật (Hộ luật và Hình luật) với mục đích đưa đến công lí và công bằng cho người dân. Trên thực tế, người dân có hưởng được công lí và công bằng hay không còn tuỳ thuộc vào thể chế chính trị có tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập hay không, nhưng người đi kiện không còn mắc phải cái nhãn hiệu là người thiếu tư cách nhắm làm hại thanh danh của người khác nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hoá Việt, một người kiện cáo người khác, nhất là kiện cáo người trong vòng bà con, vẫn sẽ không được người chung quanh quý trọng.

Một yếu tính khác của người có tư cách là từ chối bạo lực vì không những bạo lực tạo ra oán thù mà còn gây nên những hệ quả luật pháp tiêu cực khác nữa.

Chửa đánh được người, mày xanh mặt tía;
Đánh được người rồi, hồn vía lên mây.

Chửa đánh được người, mặt đỏ như vang;
Đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ.

Nhất là người có tư cách không dùng bạo lực đối với phụ nữ: Đánh đập vợ rồi thì còn đâu mặt mũi để nói lời yêu đương. Người bình dân phản ánh hành động “nói lời yêu đương” bằng một thứ từ ngữ rất thực tế và giản dị:

Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm.

Giơ roi đánh thiếp sao đành,
Chàng ơi, nhớ thuở rách lành có nhau.

Xưa kia ở với mẹ cha,
Em được yêu dấu như hoa trên cành.
Từ ngày tôi ở với anh,
Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi.
Đất xấu, nặn chẳng nên nồi,
Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng.

Một yếu tính khác rất trội nổi của người có tư cách là tính chuyên nhất của lời nói và việc làm. Đã nói ra là phải giữ lời, không tiền hậu bất nhất, hay thất hứa. Không vì hoàn cảnh khó khăn mà thay đổi lập trường.

Ai ơi! Giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng, đổi nền, mặc ai.

Nói như đóng đanh vào cột.

Nói như đá ném xuống vực.

Nói như rựa chém xuống đất.

Quân tử nhất ngôn.

Trơ như đá, vững như đồng.

Dù ai nói đông nói tây,
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng.
Dù ai nói ngả, nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.

Vàng tâm xuống nước vẫn tươi,
Anh hùng lâm nạn, cứ cười cứ vui.

Chim quyên xuống đất cũng quyên,
Anh hùng lỡ vận cũng nguyên anh hùng.

Đây ta như cây giữa rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
Vàng tâm xuống nước vẫn tươi,
Anh hùng lâm nạn, cứ cười, cứ vui.

Trăm câu nói không bằng hòn dọi [dây dọi] chứng cho.

Nước có khi trong khi đục,
Người có kẻ tục kẻ thanh.
Hễ con cá khôn lựa vịnh, con chim khôn lựa nhành.
Mặc ai nay dỗ mai dành,
Bền lòng quân tử tánh lành chẳng xiêu.

Và phản đề của chuyên nhất là tính bất nhất, điều mà người có tư cách phải tránh xa.

Nói một đàng, bắt quàng một nẻo.

Nói chín thì nên làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười, người chê.

Nói một đàng, làm một nẻo.

Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay.

Nói thì phải làm, không làm thì đừng nói.

Nói lời thời nhớ lấy lời.

Nói lời thì giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

Nói thì dễ, làm thì không.

Nói thì hay, cày thì lỗi.

Năng thuyết bất năng hành.

Nói thì có, làm thì không.

Nói trăm thước không bằng bước một gang.

Nói thì như mây như gió, cho thì thằng mõ không xong.

Nói thì như mây như gió, làm thì khi có khi không.

Một yếu tính không kém phần quan trọng của người có tư cách là sự kính trọng người khác. Tự thân, con người đáng được kính trọng. Thứ đến, có kính trọng người khác thì mình mới được kính trọng. Khinh khi người khác, nhất là khinh người nghèo khó, có thể đưa đến những sai lầm khó sửa sai vì sự thật lắm lúc không hẳn nằm ở bề ngoài mà ta nhìn thấy hoặc hoàn cảnh có thể thay đổi rất nhanh chóng làm cho phán đoán của mình dễ sai lạc.

Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời.

Người còn thì của cũng còn,
Miễn là nhân ngãi vuông tròn thì thôi.

Trọng người, người lại trọng thân,
Khinh đi, khinh lại như lần trôn quan.

Quý mình, đừng khinh người.

Trông người nửa con mắt.

Ru con nhớ mấy lời quê,
Thấy ai đói rách, chớ chê đừng cười.

Đừng khinh khó, chớ cậy giàu.

Từ sự kính trọng người khác đến việc chấp nhận sự khác biệt chỉ là một bước tiến tự nhiên của con người có tư cách. Mặc dù vậy, trong một xã hội mà danh tiếng là quan trọng, có nghĩa là những lời phê bình tốt xấu của những người chung quanh có ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân và có tác dụng đồng bộ hoá các tiêu chuẩn về tư cách sống thì sự khác biệt không phải là một vấn đề dễ chấp nhận. Tuy nhiên, người bình dân chấp nhận sự khác biệt như là một hiện tượng của thiên nhiên: có người thông minh; có người trì chậm; có người to lớn, khoẻ mạnh; có người nhỏ thó, yếu ớt; có người giàu có vì tài giỏi; có người nghèo đói vì thiếu khả năng hoặc thiếu cơ hội. Do đó, người ta chỉ có thể đòi hỏi công bằng về cơ hội đồng đều nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể thăng tiến, chứ không thể đòi hỏi bình đẳng trong ý nghĩa là mọi người đều phải ngang nhau.

Trăng mờ còn sáng hơn sao,
Bực kia có lỡ còn cao hơn bờ.

Trăng mờ còn tỏ hơn sao,
Dẫu rằng núi lở, còn cao hơn đồi.

Tối trăng còn hơn sáng sao,
Phơn phớt lòng đào hơn thắm màu vang.

Tối trăng còn hơn sáng sao,
Dẫu rằng núi lở, còn cao hơn đồi.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi, núi còn trơ trơ.

Một hệ luận của chấp nhận sự khác biệt là bài bác ganh tị. Con người có thể tranh đấu để có cơ hội đồng đều, nỗ lực để thay đổi thân phận, chứ không thể ganh ghét sự khác biệt nguyên thuỷ phát sinh từ thiên nhiên.

Ăn không được, chê là hôi.

Ăn không được, đạp đổ.

Vô duyên ghét kẻ có duyên,
Không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay.

Một yếu tính khác của con người có tư cách là phải nhớ đến và tri ơn cội nguồn, gốc gác của mình:

Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Cây có cội mới nẩy nhành, xanh ngọn.
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.

Lá rụng về cội.

Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội.

Uống nước nhớ nguồn.

Cây có cội, nước có nguồn.

Nói tóm lại, một người có tư cách là người thường biểu lộ những yếu tính như tự lập; trách nhiệm cá nhân; trách nhiệm tập thể; cần mẫn; làm việc đến nơi, đến chốn; ăn ở phúc đức, nhân nghĩa, và nỗ lực đạt được những thành quả tốt đẹp, như sự giàu sang và chức phận, do chính công lao và khả năng của mình đem lại; chuyên nhất trong lời nói và việc làm; kính trọng người khác; chấp nhận sự khác biệt; và luôn nhớ đến và tri ơn cội nguồn của mình. Ngược lại, những người thiếu tư cách thường hay ỷ lại vào người khác; không nhận lãnh trách nhiệm; lười biếng; làm việc thì nhếch nhác, hay tránh hoặc trốn việc; tham ăn uống; thường làm giàu hoặc cầu xin chức vị bằng những phương cách tàn độc, lươn lẹo, gian manh, và sẵn sàng luồn cúi mà không cảm thấy nhục nhã; nói một đàng, làm một nẻo; sẵn sàng dùng bạo lực; thích kiện cáo; không kính trọng người khác; không chấp nhận sự khác biệt và do đó hay ganh tị; và nhất là thường hay vô ơn, bạc nghĩa nên không nhớ đến cội nguồn.

Không phải ai có tư cách cũng đều có tất cả những yếu tính nói trên, cũng như không phải người nào thiếu tư cách đều có tất cả những tính xấu như đã liệt kê. Đa số, ai cũng có những tính tốt cũng như tính xấu. Nhưng những người được gọi là có tư cách thường có nhiều tính tốt hơn là tính xấu. Và mặc dù từ “tư cách” có nghĩa là lề lối hành sử riêng tư của từng cá nhân, nhưng những yếu tính của “tư cách” như tự lập, trách nhiệm, cần mẫn, v.v…đã được đồng bộ hoá và phổ quát hoá do sự theo dõi, thẩm định, đánh giá, và chấp nhận của cộng đồng như là những tiêu chuẩn mẫu mực của tư cách nên đã mang tính hiện hữu khách quan và đại chúng. Những yếu tính của tư cách do đó không còn là sở hữu riêng biệt của mỗi cá nhân nữa. Phần riêng tư của tư cách chỉ là ở mức độ mỗi cá nhân đạt được bao nhiêu trong số những yếu tính khách quan này. Một cá nhân đạt được và biểu lộ càng nhiều yếu tính của tư cách tốt thì vị trí danh tiếng về tư cách tốt của cá nhân đó trong cộng đồng càng vững vàng. Và nỗ lực đạt được những yếu tính này – qua bao nhiêu tranh đấu cam go với hoàn cảnh -- là một công trình hoàn toàn riêng biệt của mỗi cá nhân, hoàn toàn do cá nhân tự lựa chọn và quyết định.

Dầu cho năm lọc bảy lừa,
Giàu sang tại số, nên hư tại mình.
Thui ra mới biết béo gầy,
Đến khi cả gió biết cây cứng mềm.

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Pennsylvania, Ngày 10 Tháng 3 Năm 2023

_________________________________________

CHÚ THÍCH

1 Hán Việt Tự Điển Trích dẫn. http://vietnamtudien.org/hanviet/
2 Từ Điển Hán Nôm. https://chunom.net/Tu-dien-Han-Nom
3 Nguyễn văn Thái. “Nhân Nghĩa trong Văn chương Bình dân” (Pennsylvania,Ngày 5 tháng 3 Năm 2020). https://tiengnuisong.blogspot.com/2020/03/nhan-nghia-trong-van-chuong-binh-dan_6.html.
4 Arruñada, Benito. “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”, Barcelona Economics Working Paper Series Working Paper no 497, The Economic Journal, 2010, 120 (547), 890-918. Sept. 2010. https://bse.eu/sites/default/files/working_paper_pdfs/497.pdf
5 Nguyễn Văn Thái. “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”. (Pennsylvania, Ngày 2 Tháng 9 Năm 2022.) https://www.uybantruyto.com/2022/09/nhung-gia-tri-ve-can-lao-trong-van-hoa-cua-nguoi-binh-dan-viet-nam-nhu-la-nhung-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te/