"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

Canh Me

Hai chữ canh me tượng hình. Cho ta tô canh thơm ngon, có vị chua của trái me. Canh chua cá bông lau, canh chua thơm, canh chua đậu bắp… Canh me trong bài viết này không là món ăn thường ngày ngon ngọt. Canh me cho ta biết thêm một điều mới lạ. Hy vọng chúng ta hiểu thêm tình cảnh của một góc trời. Có lẽ, chỉ xảy ra sau lần dòng đời chắt chiu, chật vật… mà thôi.

Tháng tư ngày cuối khép màn
Tháng năm lặng lẽ sang trang sử buồn
Sài Gòn ướt đẫm lệ tuôn
Cửa nhà đóng kín, cuống cuồng ra khơi

*

Đi tìm vầng sáng cho đời
Nhanh chân chạy thoát vùng trời sục sôi
Bao người kẹt lại… nổi trôi
Tìm đường vượt biển xa xôi muôn trùng

*

Triệu người đều muốn vẫy vùng
Có vàng hy vọng vượt trùng dương mơ
Không vàng khắc khoải... đành chờ
Chờ thời cơ đến, ai ngờ ngày mai?


*

Canh me đêm vắng, thính tai
Ngủ bờ, nghe ngóng tiếng ai rù rì
Dò theo từng bước chân đi
Chui lên cá lớn… tức thì nhổ neo

Sau những ngày Sài Gòn hoảng loạn trong hấp hối, người dân phải tạm quên nỗi hoang mang lo sợ. Mọi người cố gắng gượng trở về đời sống, sinh hoạt bình thường. Vì kế sinh nhai, vì chén cơm manh áo, nên ai nấy đành phải xếp cất nỗi buồn trong ngăn tim thầm kín. Cúi đầu vượt qua khúc quanh lịch sử của vận nước.

Đây cũng có thể nói, là lần đổi đời của người dân miền Nam trong nghẹn ngào. Những ai đã may mắn cao bay xa chạy, nhanh chân rời xa cái nôi chào đời trước ngày đen tối này. Họ đang tập tễnh bước vào đời sống mới nơi xứ lạ quê người.

Người bị kẹt ở lại chịu đựng khốn đốn, nhọc nhằn nổi trôi theo dòng chảy mới. Tinh thần sa sút, vì đầu óc ai cũng choáng váng lên cơn sốt bàng hoàng! Muốn được bình yên, người dân hiền lành cố đè nén những mất mát. Vừa về tài sản, vừa về người thân ruột thịt. Biết bao gia đình bị thất lạc người nhà, vào giờ phút sau cùng… đổi ngôi..

Cuộc sống xáo trộn, không còn bình yên nữa. Nhà cửa không còn là nơi ấm áp, che nắng trú mưa. Diễn biến xã hội không còn êm đềm. Dân lành câm nín. Khi mà tiếng gào thét của ai đó, như nước chảy lá môn. Sống chết mặc bay.

Thấp cổ bé miệng, người dân an phận lặng thinh. Khi nhìn thấy bao điều oan trái, đi ngược với lương tâm con người. Nghịch cảnh xảy ra nhan nhãn trước mắt. Triệu câu chuyện trớ trêu sau khúc quanh nghiệt ngã, là thước phim buồn. Tím ruột thắt gan! Không bao giờ có đoạn kết.

***

Tất cả những điều ấm ức bị dồn nén trong lòng người. Tức nước vỡ bờ. Đây là động lực thúc giục, trở thành đầu mối tạo ra làn sóng vượt biên giới, vượt đại dương. Nhiều người ngày đêm trăn trở, tự hỏi chính mình:

· Tại sao mình không đi tìm cái sống trong cái chết?
· Mặc dù biết rằng, mặt đại dương bao la, nhìn vào rất êm ả, hiền hòa phẳng lặng. Nhưng…!!!
· Nhưng… trong lòng đáy biển sâu thăm thẳm, lúc nào cũng chứa đựng những cơn sóng ngầm tử thần, bão tố không ngờ.

Gia đình nào khấm khá có vàng chi trả cho chủ tàu, thì còn rộng đường tìm nhiều phương cách vượt đại dương. Người nào không có vàng, chỉ ngồi mơ… chờ sung rụng. Họ chờ ơn trên ban phước lành kỳ diệu mà thôi.

Nếu ai lanh lẹ, lần mò tới các bãi đậu ghe. Lân la làm quen người dân địa phương. Vào một đêm không trăng sao, thiên thời tỏa sáng ánh hào quang, giúp cho họ có cơ may bất chợt. Họ được đi không tốn một đồng xu nào. Bái phục! Quá tài tình!

Phương cách này được gọi là Canh Me, hay Đi Hôi. Trên ghe của tôi, có nhiều người Canh Me. Sau này chủ ghe mới biết, chỉ lắc đầu mà thôi! Dù sao cũng đã nhập đảo Pulau Bidong rồi. Tôi kể cho vui.

Kính mời quý độc giả đọc, Cánh Buồm Căng Gió trên Youtube. Bài viết liên quan tới một người đi canh me. Hy vọng, các bạn rời Sài Gòn trước ngày ba mươi tháng tư, có chút khái niệm về chuyện vui, cũng như chuyện buồn vượt biển.

Bạch Liên

5/4 (May 4) – 2023