"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

 Little Gidding (Little Gidding)

21bhvhlg1 

 Little Gidding

...We shall not cease from exploration

And the end of all our exploring

Will be to arrive where we started

And know the place for the first time.

Through the unknown, unremembered gate

When the last of earth left to discover

Is that which was the beginning;

At the source of the longest river

The voice of the hidden waterfall

And the children in the apple-tree

Not known, because not looked for

But heard, half-heard, in the stillness

Between two waves of the sea.

T.S. Eliot

Little Gidding, from the Four Quartets

 

Little Gidding

Chúng ta sẽ không bao giờ thôi thăm dò tìm kiếm

Và  nơi cuối cùng của tất cả cuộc dò tìm của chúng ta

Sẽ là nơi chúng ta từng khởi hành

Và chúng ta  sẽ biết chỗ đó lần đầu tiên.

Qua  cánh cổng mà mình không biết, không nhớ

Khi nơi cuối cùng trên trái đất còn sót lại để dò tìm

Là nơi mà mọi sự từng bắt đầu;

Tận nguồn của con sông dài nhất

Tiếng của dòng thác ẩn mình

Và những trẻ nhỏ trong cây táo

Mình không biết chúng, vì không tìm

Nhưng vẫn nghe, thoang thoảng, trong sự lặng thinh

Giữa hai ngọn sóng biển.

Chú thích:

Bài thơ trên đây nằm trong đoạn cuối của bài thơ dài ‘Little Gidding”, một trong bốn thành phần của tập thơ “The Four Quartets” của  Thomas Stearns Eliot, bàn về thời gian, tầm nhìn xuyên qua quá khứ hiện tại và tương lai, thân phận con người và sự cứu rỗi, được xuất bản năm 1942, sau khi bị hoãn lại vì nước Anh bị Đức Quốc Xã thả bom trong thế chiến thứ hai và do tác giả sức khỏe kém, việc sáng tác Little Gidding kéo dài hơn một năm, phải viết đi viết lại nhiều lần.

Little Gidding là tên của một cộng đồng Anh giáo bảo thủ nặng ảnh hưởng công giáo (“High Anglican”) do Nicholas  Ferrar thiết lập năm 1626. Cộng đồng này bị phân tán qua cuộc nội chiến Anh và chấm dứt sau khi Ferrar chết năm 1657.(Hình dưới: Nhà thờ Thánh Gioan, được xây dựng lại năm 1714) tại Little Gidding -nguồn Wikipedia).

Thomas Stearns Eliot (1888-1965) sanh tại St Louis, Missouri, Mỹ  nhưng dọn qua sống ở Anh từ năm 25 tuổi. Sau 1927, ông theo Anh giáo, lấy quốc tịch Anh và sinh sống tại nước này. Tuy sự nghiệp nổi tiếng trong thi đàn, ông cũng viết đoản văn (essayist), viết kịch, phê bình văn học, dạy trung học và đại học,  và làm việc cho nhà xuất bản phụ trách về thơ

21bhvhlg2Tôi chọn dịch bài này vì  nhiều lần được nghe trích dẫn bốn câu đầu trong các phim ảnh của Anh Mỹ. Lần chót là phim Philonema (2013) do tài tử lão luyện Judy Dench đóng vai, dựa trên một câu chuyện thật, nói về một người mẹ  xứ Ái Nhĩ Lan tên Philomena đi tìm con (tuy trong phim có những biến đổi hư cấu không đúng sự thật có vẻ bất công với giáo hội công giáo).

Vào khoảng năm 1952, lúc còn vị thành niên, Philomena sanh một cậu con trai không cha, cô phải làm việc  cho tu viện không công trong bốn năm để trả công các xơ đùm bọc lúc sanh con và chăm sóc em bé khi cô thiếu nữ bị gia đình ruồng bỏ. Tuy nhiên, vì gặp khó khăn nuôi con không cha trong xã hội Ái Nhĩ Lan công giáo bảo thủ thời đó, cô gái đã miễn cưởng để các nữ tu cho em bé đi Mỹ cùng với cha mẹ nuôi là vợ chồng một bác sĩ người Mỹ giàu có. Năm mươi năm sau, bà quyết định đi tìm con nhờ sự giúp đỡ của một nhà báo vô thần có tư tưởng cấp tiến. Bà tìm ra tung tích con trai mình; người này từng là một luật sư nổi tiếng làm việc cho hai đời tổng thống Mỹ nhưng là người đồng tính, và đau đớn thay cho người mẹ mất con, đã chết trước đó 8 năm vì bệnh AIDS. Trước khi chết, anh ta cũng từng về cô nhi viện cũ tìm mẹ ruột, nhưng vì các nữ tu dấu tông tích của mẹ, anh không thể gặp được mẹ trước khi qua đời. Cuối cùng anh được chôn tại nghĩa địa cô nhi viện ở Ái Nhĩ Lan, quê hương của anh, nơi “chôn nhau cắt rún”. Mẹ anh thăm mộ con, và người mẹ cũng như người con, sau một cuộc du hành tìm kiếm , cũng đều “gặp” nhau  ở quê hương, ở diểm khởi đầu.

21bhvhlg3

 

Có rất nhiều tranh luận về ý nghĩa bốn câu thơ trên của T. S. Eliot. Từ cách hiểu theo Thiên Chúa Giáo, nơi khởi đầu là Chúa, hay Thiên Đường (Paradise, Vườn Eden) và nơi trở về cuối cùng cũng là nơi đó sau khi đã được gội sạch bụi trần gian. Nhưng chúng ta cũng có thể như các nhà xã hội học, nhân chủng học và gọi đây là một trường hợp về “hành trình của nhân vật anh hùng” (the hero’s journey). Người hùng như Ulysses của Homer hay nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du ra đi vào cuộc phiêu lưu thám hiểm, bị thử thách cám dỗ,  vào sinh ra tử, suýt chết và có cảm giác sống lại (rebirth), khám phá bản thân, trở thành con người mới và về lại nơi cội nguồn của mình.

Có lẽ cũng giống như lúc chúng ta bói Kiều, chúng ta nhìn thấy  chính mình ở trong đó và chúng ta thấy hay hiểu những gì chúng ta muốn thấy, muốn hiểu. Người tỵ nạn chúng ta có thể sau trên 45 năm rời bỏ quê hương, lưu lạc hay du lịch khắp nơi trên thế giới, học và nói đủ thứ tiếng Anh, Pháp, Na Uy, Tàu , Nhật, … và nhận biết quê hương Việt Nam (trong thực tế hay trong tâm tưởng ) từ đó mình ra đi , và lần đầu tiên, nhận biết quê  hương là gì, mình là ai, “căn cước “ của mình là gì, và mình muốn để gì lại cho thế hệ sau.

Hồ Văn Hiền

Mùa Phục sinh

Ngày 1 tháng 4 năm 2021

 

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 64.0% Viet Nam
United States of America 21.2% United States of America
Canada 4.0% Canada
France 2.0% France
Germany 2.0% Germany
Japan 1.9% Japan
Singapore 1.3% Singapore
Australia 1.1% Australia

Total:

53

Countries