"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Làm Thế Nào Để Làm 1 Bài Thơ Được Nổi Tiếng?

Thử lạm bàn về thơ.

Làm một bài thơ cũng giống như họa sĩ vẽ một bức tranh, cần phải tô màu cho thích hợp với cảnh mình muốn diễn tả và quan trọng phải biết dùng ánh sáng thì bức họa mới đẹp và nói lên được ý nghĩ của tác giả. Cũng như trong âm nhạc, người nhạc sĩ phải biết dùng hợp âm thuận và có thêm hợp âm nghịch, pha trộn tiết tấu, nhịp điệu, lời ca, v. v… thành một bài hát hay làm cho người nghe cảm thấy say mê thú vị hơn.

Đem áp dụng vào trong lãnh vực làm thơ, và qua kinh nghiệm nhiều năm sáng tác nhạc và phổ nhiều bài thơ thành ca khúc cho một số tác giả, trong đó có một số đồng hương, tôi xin được góp ý chia sẻ cùng các bạn làm thơ để hy vọng sẽ có nhiều bài hay hơn nữa trong vườn thơ và may mắn nếu có nhạc sĩ nào đọc được tác phẩm của các bạn thì từ một bài thơ phổ nhạc thành một ca khúc sẽ dễ dàng hơn, dễ hát hơn và dễ đi vào lòng người hơn.

1) Tựa đề bài thơ:

Nên tìm một tựa đề dễ nhớ, đẹp, ngắn gọn, dễ đọc và tượng hình gần gũi với thiên nhiên. Cần xem thử đã có ai đặt tựa đề như vậy chưa. Tránh viết tựa đề đã được sử dụng rồi. Phương pháp hay nhất là có thể đảo ngược chữ để tránh sự trùng hợp tựa đề của các tác giả khác, hoặc thêm con số vào phía trước hoặc sau tựa đề. Thí dụ: MƯA ĐÊM còn có thể đổi thành ĐÊM MƯA.

2) Cấu trúc bài thơ:

Nên chia làm 3 hoặc 4 phần. Phần dẫn nhập (phần đầu) đừng đi quá xa của tựa đề. Nếu bài thơ có 3 phần thì phần 2 nên dùng ý thơ đối lại phần 1. Thí dụ như phần 1 vui thì phần 2 phải buồn hoặc ngược lai; hoặc giả phần 1 nói về ánh sáng thì phần 2 nên diễn tả bóng tối v. v… Phần 3, nên tìm những ý thơ, lời khác hẳn với 2 phần trước và chuẩn bị kết bài tùy theo tâm trạng của chúng ta muốn cho người đọc phải đau khổ, vui hoặc suy tư thêm… Trong lời của bài thơ cần phải có tựa đề của bài thơ. Không nên làm bài thơ quá dài, có thể 12, 14 hoặc 16 câu, không nên làm dài hơn vì người đọc sẽ có cảm giác khó nhớ và nhàm chán, trừ một số như sớ táo quân, thơ diễu, thơ đặc biệt, v. v…; nếu phổ nhạc, bài thơ quá dài gây nhiều khó khăn cho ca sĩ nhớ bài, đồng thời, rất khó cho nhạc sĩ phổ nhạc và người nghe dễ chán.
Có thể theo tâm lý chung, nhiều nhạc sĩ sẽ bỏ qua những bài thơ dài và ca sĩ cũng vậy. Tóm lại, làm một bài thơ dài vừa mất công viết nhưng mức độ phổ biến lại quá ít, không tạo được nhiều sự chú ý của người đọc.

3) Ý thơ:

Nên tìm những cảnh vật thiên nhiên dễ nhớ để thi vị hóa vấn đề hoặc màu sắc, ánh sáng, tiếng động, âm thanh, v.v…

4) Lời thơ:

Tiếng Việt đã có 5 dấu: Nặng, Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã là một bộ ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ hay Hò, Xứ, Xang, Xê, Cống) là những thứ âm điệu tự nhiên đã có sẵn nhạc ở trong đó rồi. Nên tìm ghép các chữ, vần thơ tạo cho âm điệu dễ đọc và có ý nghĩa, đừng quá gập ghềng trắc trở; nên dùng các từ ngữ thông dụng thường dùng trong dân gian, câu ca dao, các điệu hò; tránh dùng các từ Hán Việt quá cổ xưa.
Chúng ta có thể viết thơ thành 3 đến 10 chữ. Tránh dùng lặp lại nhiều lần hoặc nhiều từ ngữ đã dùng rồi. Như vậy mới gọi là sáng tạo và bài thơ sẽ hay hơn nhiều cũng như tạo cho người đọc khỏi nhàm chán.
Từ đầu cho tới cuối bài thơ nên để ý đừng viết lạc tựa đề, và các ý thơ nên khéo léo dẫn nhập để từng câu thơ gần gũi thân thiết nhau, tạo cho người đọc nhiều sự mới lạ, ngaïc nhieân nhưng không nhàm chán. Câu thơ lúc được đọc lên phải thanh thoát tự nhiên, không bị gò bó gượng ép. Đừng nói rõ, nói thẳng vấn đề mà phải thi vị hóa.

5) Cốt thơ:

Nên viết về những câu chuyện thực đã xảy ra, hoặc nghe biết đến, tìm hiểu thêm tài liệu trên sách vở báo chí, v. v… thì bài thơ mới có thể nổi lên. Hãy tìm xem thị trường thơ đang cần những loại thơ nào. Người yêu thơ đang khao khát tìm kiếm chủ đề gì. Chúng ta cần tìm hiểu để biết và phục vụ cho người đọc.

Đời đã nhiều chuyện buồn rồi, có rất nhiều tác giả khai thác chung một ý nghĩ suy tư. Chúng ta nên thử tìm một lối đi mới, sáng tạo tìm kiếm khai thác những vấn đề hoặc các lãnh vực khác đang bị bỏ sót hoặc chưa ai khai thác thì sẽ hay hơn. Nên cố gắng viết để làm cho người đọc bớt buồn, tìm được một tia hy vọng mới trong cuộc sống, chia sẻ niềm vui cho nhiều người hoặc an ủi nỗi buồn cho người cần đến. Nếu buồn thì đừng làm quá tuyệt vọng, để không gây thêm người chán đời.

Sau khi đã làm xong bài thơ, nên đọc thật nhiều lần xem xét cẩn thận để có thể sửa, đổi lại chữ, câu, ý thơ, v. v… làm sao phải tốt hơn lúc đầu, rồi mới đem thơ ra phổ biến.

Làm một bài thơ như thế nào thì tùy ý riêng, tùy theo kiến thức trình độ của từng cá nhân lúc sáng tác, nhưng để đạt được một bài thơ hay chúng ta cần phải say mê sáng tạo thêm nhiều điều mới lạ, tìm hiểu học hỏi thêm tài liệu. Hãy tìm xem nhiều bài thơ hay đã được phổ thành ca khúc, để có thể tự học hỏi thêm kinh nghiệm. Những bài thơ viết về dân quê, cảnh sống sinh hoạt hằng ngày... thông thường được đón nhận tốt hơn, còn tùy thuộc vào trình độ kiến thức ngòi bút diễn tả của tác giả bài thơ.

Khi làm thơ, tựu ý chính mình muốn truyền đạt tư tưởng cảm xúc riêng tư một vấn đề gì đó… qua ngòi bút chảy trên những vần thơ cho nhiều người đọc. Có rất nhiều bài thơ, tập thơ đã được xuất bản, nhưng tại sao chỉ có một số ít bài thơ được phổ biến rộng rãi, nổi tiếng và có nhiều độc giả đọc hoặc trở thành 1 ca khúc hay? Câu trả lời này tôi xin dành cho các bạn.

Vì cảm thông được với các bạn làm thơ qua một số các bài thơ đã đăng trên mạng internet, sách báo, những bài thơ gởi tới nhờ tôi giúp phổ nhạc... nên tôi muốn giúp ý kiến để vườn hoa thơ nhà có thêm nhiều hương thơm, hoa sẽ đẹp hơn và hy vọng nhiều người sẽ say mê sáng tác thơ hơn.

Một vài suy nghĩ đơn sơ xin đuợc gởi đến tất cả các bạn. Tuy rằng đã cố gắng nhiều, nhưng có lẽ cũng không tránh được sự thiếu sót , mong tất cả quý vị góp ý. Chúc tất cả các bạn thành công. Cám ơn.

(Mr.) Mai Phạm
Melbourne, Australia 21-03-2007