"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Là Mẹ

(Cảm tác theo chùm ảnh của Lại Diễn Đàm)

Giếng làng mẹ đã một thời con gái,
Gánh nước về đôi chân khỏe bước nhanh,
Gánh nhẹ nhàng trên vai áo thanh tân,
Giếng nước trong soi gương hình bóng đẹp.

Giếng làng ấy chưa bao giờ khô cạn,
Nhưng tuổi thanh xuân mẹ đã cạn mòn,
Giếng cũ rêu phong, lối cũ hãy còn
Đưa chân mẹ, mẹ lưng còng gánh nước.

Cánh đồng ruộng mẹ một thời mới lớn,
Bước chân ra đồng gieo mạ, cấy cầy,
Sóng lúa chín vàng tóc mẹ gió bay,
Chiều làng quê mộng bình thường êm ả.

Con đường làng phơi thơm mùi rơm giạ,
Đống rơm khô, khói bếp đã bao mùa,
Bao mùa ruộng xanh nhưng mẹ đã già,
Dắt trâu ra đồng chậm chân mẹ bước.

Thời còn trẻ mẹ đảm đang công việc,
Vất vả nuôi tằm lại ngồi quay tơ,
Tơ vẫn vàng khi tuổi mẹ mắt mờ,
Bàn tay vụng nhưng đường tơ không đứt.

Những khi đình làng vào ngày lễ Tết,
Mẹ vui tuổi già tay xếp lá trầu,
Cầm con dao sắc mẹ bổ múi cau,
Cau và trầu một thuở nào duyên nợ.

Thuở mẹ lấy chồng cuộc đời vất vả,
Xong vụ cấy cầy lại đến ruộng vườn,
Cắp thúng trên tay ra chợ sớm hôm,
Kiếm từng đồng để nuôi con no ấm.

Con ra đón mẹ mừng vui tấm bánh,
Để con trong thúng mẹ đội con về,
Hai mẹ con vui trên quãng đường quê,
Đơn sơ thế cũng là tình mẫu tử.

Bây giờ mẹ già, con không còn bé,
Chẳng thể đội con hay cõng trên vai,
Chiếc thúng ngày xưa như vẫn đâu đây,
Hình ảnh con vẫn còn ngồi trong thúng.

Là mẹ đấy, những đường đời ai đếm?
Bao nhiêu buồn vui mẹ đã đi qua?
Từ tuổi thanh xuân đến tuổi mẹ già,
Mẹ đời thường, mẹ cũng là huyền thoại.

Nguyễn Thị Thanh Dương