"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Ngày Tây Nguyên

Anh hát như bơi qua đoạn văn phóng túng không có dấu chấm câu.

 

Mắt ủ rượu, tay mang theo heo thiến, gà trống, gạo

Dựng lên chiếc cổng khoanh vùng nơi tìm em

Anh gọi gió thổi bay hết bụi và rác rến

Mang bảy mươi bảy ché rượu sắp hàng đôi

Chiêng knah (*) rộn rã

Đoàn thần đi như voi rừng, người đẹp cầm khiên đao

Anh ngửa lòng dâng lễ vật

Đoàn thần cây pơ lang gọi tên em từ rừng thiêng lại

Đoàn thần đất trồng cây sống đời cho em phục sinh

Tiếng chiêng dài như hơi ngựa chạy đón em

Thần linh chứng dám cơn say phù hộ anh đắm đuối

Khi mặt trời giận bóng đêm

Nóng bừng riêng tư kích thích không khoan nhượng

Rằng em ân sủng riêng anh, riêng anh.

 

(*) Chiêng K’nah của đồng bào Ê đê gồm 10 chiếc, trong đó có 3 chiếc chiêng núm, từ lớn đến nhỏ: Ana čing (chiêng núm lớn nhất), Moong čing, Mđuh čing (chiêng núm nhỡ); cùng 07 chiếc chiêng bằng: Čhar (chiêng bằng lớn nhất), K'nah Dy, H'liang, Khŏk, H'Luê Khŏk, H'Luê H'liang, H'Luê Khŏk Diêt ; biểu thị từng thành viên trong gia đình ứng với từng chiếc chiêng như: Čhar (người ông), Ana (người mẹ), Mđuh (người bố),… thường được diễn tấu ngay trong nhà dài, trên ghế K’pan; đánh chiêng ngoài trời là khi cúng bỏ mả, cúng bến nước, tang lễ…

2

Nghe tiếng em ngoài xa

Dội vào bờ vai rát bỏng

Anh chạy một hơi ra hồ Ea Kao (*)

Vài con sóng lăn tăn nhún nhảy trên thân thể em

Trời làm chiếc cầu vồng

Đôi con bò đủng đỉnh gặm cỏ bên triền đường

Diễu hành mừng cuộc gặp không có hoa hồng

Sô cô la và rượu ngoại

Em chắp cho anh đôi cánh tự do

Anh ghép thân em vào giông bão

Ngày mùa xuân bắt đầu

Ngơ ngẩn trong mắt

Trải thảm cơn mơ ngày Tây Nguyên

.

(*) Hồ Ea Kao là hồ lớn nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột, có quy mô 120 ha (chưa kể diện tích mặt hồ nước) trên khu vực địa hình tương đối đa dạng, có nhiều triền đồi, dốc, khe, nhiều cây xanh... với không gian thiên nhiên trữ tình, thơ mộng.

3

Thân chiếc lá bay trong thinh lặng

Bỏ lại khoảng trống mùa xuân rực rỡ sắc màu

Tìm em trong tâm tưởng

Trong giấc ngủ, trong hóc núi, trong giếng tưới cà phê

 

Em hóa thân thành rễ kơ nia (*)

Hay trốn trong ché túc, ché tang (**) dát vàng

Núi đồi bốc hơi thành nước, không khí và hạt sương tiếu ngạo

Mơ hồ gọi tên em trên nương dài như một tiếng chiêng ngân

Tiếng sột soạt con heo rừng gặm đá

Đâu đây tai em rộng lớn thẳm xanh

Như chiếc lưỡi câu có ngạnh ngày đàng học một sàng khôn.

 

(*) Cây Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15–30 m, đường kính 40–60 cm; lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành. Hoa màu trắng, có từ 4 đến 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá, trổ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Quả hình trái xoan dài 3–4 cm, có màu vàng nhạt khi chín và thường xuất hiện vào tháng 10-11. Hạt có chứa tinh dầu mùi thơm có thể dùng làm thực phẩm (Bách khoa toàn thư mở).

(**) Ché quý đựng rượu của người Ê đê.

 

 

4

Con voi xé nước trên hồ Lak

Kịp đến buôn M’Liêng

Em có dự lễ về nhà mới

Những con heo gọi đàn

Búi tóc ai trải lối

Đám lúa vàng nắng xanh

Chim gọi bầy làm tổ

Gió xoay tít từng đàn ong nhảy múa

Anh lòng vòng chân lún sâu

Khuỵ xuống, thăng hoa, tắm trong ché rượu cần bé xíu

Con chim sẻ mổ vào giấc mơ

Đền đáp

Và thúc hối anh tìm em.

 

5

Rã rời đến trong suốt

Không còn tiếng thì thầm

Rừng Chư Yang Sin (*) vọng thẳm

Ẩn thân vào sườn đồi tản văn trữ tình

Anh thấy mình phi hư cấu

Bóng bẩy như tùy bút được mùa

Anh hát như bơi qua đoạn văn phóng túng không có dấu chấm câu

Không cần cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết hôn em lần thứ mấy

Vì biết rằng em là tiếng đing năm (**) đâu đó

Tủn mủn vọng về

Là nguồn cội phi trung tâm

Như nước và lửa đỏ bật tung hướng về vùng ngoại biên xa thẳm.

 

(*) Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là dãy núi có nhiều đỉnh núi, nằm trên địa bàn huyện Krông Bông và Lak. Đỉnh Chư Yang Sin cao nhất trong hệ thống núi của Đắk Lắk (2.442m). Diện tích đệm của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là 183.497 ha nằm trên địa bàn của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

(**) Đing năm là nhạc cụ thổi bằng hơi của người Ê đê (người Raglai gọi nó là Ku puốt, người M’nông gọi là M’boắt) thường dùng trong các nghi lễ bến nước, cầu mưa, mừng lúa mới, tang lễ…

6

Anh bắt đầu ăn những hồi ức

Trong hang đá thời tiền sử

Nơi chúng mình từng khỏa thân

Uống vài ngụm môi nguôi ngoa trưa nắng gắt

Bọn vô lại nhìn há miệng muốn nuốt chiếc quần lót nhỏ đỏ như con mắt kiến vàng

Em ngồi kiên nhẫn trong hang đá Krông Kmar (*)

Anh vùng dậy như con hổ đói tinh nhuệ

Em tinh luyện anh

Em no anh

Trấn tĩnh

Bước đến bờ vực tìm dấu chân em

Nước réo vang mời anh về bon thần

Nơi ngàn đôi tay em kéo ra lối hẹp.

(*) Thuộc huyện Krông Bông, Dak Lak

 

7

Anh ném nỗi cô đơn phía sau

Như ném điều xui rủi

Khấn thầm những linh hồn vất vưởng

Phù hộ anh nương tựa bờ vai em

Dâng chén thịt bằm, đầu heo và rượu pha huyết

Cúng Thần Cổng dẫn lối vào nhà em

Anh tưới rượu lên cổng gần, cổng xa

Anh hát ngàn làn điệu ay ray

Tiếng đing buôt, đing tut, đing tạc tar (*) rộn ràng

Đến tận bảy ngày sau nữa (**)

Em bước ra thân hình như con đỉa

Than ôi

Tròn vo nhoi nhói  trên môi anh.

(*) Các loại nhạc cụ của người Ê đê

 

(**) Người Êđê cho rằng con số 7 là con số tâm linh, con số bình yên, no đủ, phát triển, bền vững; được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày cũng như trong văn hóa dân gian.

 

8

Ôi ước mơ tìm em sôi nước mắt

Nhịp chiêng vỡ rợn rờn cơn mưa hiu hắt

Anh sõng soài trôi trong tiếng hú rừng thiêng (*).

 

(*) Rừng có thần ở, cấm phóng uế, chặt phá hoặc làm rẫy.

 

Bùi Minh Vũ