Bài Học

Nguyên-tác: Lesson Of My Father
Tác-giả: LaVonn Steiner
Lược dịch: Triệu Lệ-Nga

“Bạn kiếm sống bằng cái gì bạn nhận được nhưng bạn tạo ra sự sống bằng cái gì bạn cho”  Vô-Danh

     Gia-đình chúng tôi có khiếu làm thương-mại. Cả bẩy người con trong gia-đình đều làm việc tại tiệm của cha chúng tôi:”Tiệm Bán Vật-Liệu Sắt & Đồ-Đạc” tại Mott, North Dakota, một tỉnh nhỏ trên cánh đồng cỏ. Chúng tôi bắt đầu học nghề bằng cách làm những việc vặt-vãnh như phủi-bụi, thu-xếp các giá đựng hàng và gói đồ, rồi sau đó tiến dần đến việc phục-vụ khách hàng. Trong khi làm việc và quan-sát, chúng tôi biết được rằng lối cư-xử còn quan-trọng hơn cả sự sinh-tồn và bán được hàng.

     Một bài học vẫn còn lại trong trí nhớ tôi. Lúc đó gần lễ Giáng-Sinh. Tôi học lớp 8, làm việc vào buổi chiều và đang sắp xếp lại khu đồ chơi. Một cậu bé khoảng năm, sáu tuổi bước vào. Cậu mặc cái áo choàng nâu rách nát, cổ tay đã sờn bẩn. Tóc cậu bù-xù ngoại trừ một chỗ dựng trên đầu. Đôi giầy cậu trầy-trụa và một sợi dây giầy đã đứt. Cậu nhỏ có vẻ nghèo, quá nghèo để có thể mua nổi cái gì. Cậu nhìn quanh khu đồ chơi, cầm cái này, cái nọ lên và thận-trọng để lại chỗ cũ.

     Cha tôi bước xuống thang tiến về phía cậu. Cặp mắt xanh tươi cười, cái má lúm đồng tiền lộ ra khi ông hỏi cậu bé xem ông có thể giúp được cái gì . Cậu nói rằng cậu đang tìm quà Giáng-Sinh cho đứa em. Tôi cảm-phục Cha đã đối-xử với cậu bé như là đối-xử với một người lớn. Cha bảo cậu cứ từ từ mà kiếm. Cậu cũng đã làm như thế…

     Khoảng 20 phút sau đó, cậu thận-trọng cầm chiếc máy bay, bước lên chỗ cha tôi mà nói: ”Thưa ông, cái này giá bao nhiêu?”. Cha tôi hỏi lại: ”Thế cháu có bao nhiêu?”

     Cậu bé mở bàn tay. Tay cậu in hằn những vết bẩn ướt vì nắm chặt tiền. Trong tay cậu là hai đồng 10 xu, một đồng 5 xu và 2 đồng 1 xu. Tổng-cộng là 27 xu. Giá tiền của chiếc máy bay mà cậu chọn là $3.98.

     Cha tôi nói khi bán món đồ: ”Khoảng đó được rồi”.

     Câu trả lời của cha bây giờ còn vang vọng trong tai tôi. Tôi nghĩ tới những gì mình đã thấy khi gói món đồ. Lúc cậu bé bước ra khỏi tiệm, tôi không nhìn thấy cái áo choàng rách nát, mái tóc bù-xù hay là chiếc giầy dây đứt. Cái tôi nhìn thấy là một đứa bé rạng-rỡ với một kho tàng.