"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Ẩn Sĩ Và Hoa

    Vào đời vua Trần Nhân Tông, dưới chân núi Thiên thai có một ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi, quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.
    Gia tài của cha mẹ để lại có đến trăm vạn, thêm vài trăm mẫu ruộng nhưng lần hồi Khưu ẩn sĩ cũng bán sạch. Hễ nơi nào có giống hoa qúi, hoa lạ thì với gía nào cũng mua cho bằng được. Nếu không đủ tiền mua, chàng đổi bằng của cải, tài sản. Mới hơn mười năm, chàng đã có hơn mấy nghìn loại phong lan ngoài các loại danh hoa như trà mi, mẫu đơn, tảo mai, mộc cẩn, thục quỳ, oanh trúc… khổng kể xiết. Trước khi đến khu nhà ở, khách phải đi qua một khu rừng trúc. Trúc thì cũng nhiều loại, sưu tầm từ các nơi xa xôi. Có những danh trúc như Tảo Đằng, Tuyết Đầu, Thiên Bút, Cao Phong, Vân Lôi…chàng phải đặt mua từ các dãy núi Thiên Sơn, Côn Luân tận Tây cực Trung Hoa.
     Qua khỏi rừng trúc, khách thường dừng chân bên một con suối thơ mộng. Ở đâu đó nước chảy ra bên kẽ đá, trôi lặng lờ trên mặt đá cuội trắng tinh, rồi vỗ nhẹ lên mấy đám cỏ biếc nở hoa li ti ngũ sắc. Cá lội từng đàn đủ loại, đủ vẻ, đùa giỡn với những bọt nước lónh lánh phù du, thanh bình như giữa cõi bồng lai tiên cảnh. Đứng mỏi, khách ngồi trên những phiến đá lưu niên cổ đại, tượng đứng, tượng ngồi, tượng nằm, sắc đá loáng thoáng rêu phong xanh xám, ẩn hiện nhợt nhờ sương khói như một bức tranh vĩnh tịch.
     Đi qua suối, bên cạnh chiếc cầu đá cong cong, ai đó viết nguệch ngoạc vài câu thơ không rõ nét nhưng trông cũng phóng khoáng phiêu bồng quá. Một tảng đá thẳng đứng cao có đến chục mét, chỏm đá xám bạc, chân rêu xanh, nổi lên hai câu thơ, nét đại tự sắc mạnh như vệt dao chém giữa hư không:
      “Thiên hạ hốt nhiên đại định
       Tứ thời tịch mịch hoa khai”
Thoáng qua, không có gì đặc sắc lắm trong hai câu thơ, có vẻ đại ngôn và tầm thường. Nhưng nhìn ngắm kỹ kể ra cũng có khí phách ngang tàng, nhưng đâu là sự đại toàn? Giữa giòng tuyệt bích, rơi xuống vài nét chấm phá, tạo cho ta một vài cảm giác mạnh bất ngờ đột ngột.
     Người ta gọi chàng là Khưu ẩn sĩ. Nhưng cái danh của chàng, tay chơi kỳ hoa dị thảo trên núi Thiên thai đã làm rung chuyển tận chốn đế đô, thu hút nhiều danh sĩ, đạo nhân, tao nhân mặc khách đền thăm.
     Cách đây mấy hôm, đi qua chân núi Thiên thai là hai tăng nhân bộ hành phong trần, đến khu rừng trúc, họ dừng chân lại.
Một người nói:
     “Cái thú say mê hoa kiểng thì thế gian chỉ có Khưu ẩn sĩ là một ”.
Người kia đáp:
     “Họ say hoa thì chúng ta say Phật. “Tục, Thanh” hay “Thoát” tuy khác nhau nhưng cũng là một cách say đó thôi!” Nói xong, y cười ha hả, giở chiếc nón rộng vành, lộ ra khuôn mặt gầy ốm thanh tú, đôi mày sắc và nước da ngăm đen. Y trông còn trẻ. Tuy khoác chiếc aó nâu rộng bạc màu nhưng không dấu được nét phong lưu kỳ mỹ.
Người kia thì đã đứng tuổi, to lớn, cằm vuông. Y nhăn mặt: “ Pháp đệ nói như vậy không sợ làm giảm cái gía trị cuả đạo ta sao. Hoa mà dám ví với Phật!”
     “ Có gì đâu mà Pháp huynh bảo dám và không dám. Tăng nhân trẻ chợt cao giọng - Phật là Hoa. Hoa là Phật. Phật là tối thắng hoa, diệu thắng hoa. Pháp huynh vì không thấy Phật nên không thấy hoa. Hoặc giả, Pháp huynh bận đi tìm Phật nên chẳng thấy hoa bao giờ ”.
Tăng nhân đứng tuổi nhíu mày có vẻ trách móc nhưng nhẫn nhịn không nói gì. Ngay khi ấy có tiếng reo từ rừng trúc vọng lại.
     “ Hay lắm! Sư bác luận thế nào làm cho kẻ quê mùa dốt nát này bái phục. Phật là hoa, hoa là Phật, hay lắm!”
Câu nói vừa dứt, thì một người gầy gò, mặc aó bào xanh, chống cây gậy trúc từ sau vòm cây bước ra, dáng dấp tiêu sái, nhàn thoát, khó đoán được tuổi tác. Y cung hai tay trước ngực chào đón, phong cách lễ độ.
Vị tăng trẻ đáp lễ rồi hỏi:
     “ Ấn giả là chủ nhân chốn kỳ hoa? ”
Người ấy là Khưu ẩn sĩ, cười đáp:
     _ “ Vâng, xin thưa! Nhưng chữ “chủ nhân”kia thật qúa lời, lạm dụng. Ai tự xưng là chủ hoa thì kẻ đó quả thất lễ với trời đất. Kẻ ngu hèn đâu dám thế. Hoặc Sư bác muốn chỉ dạy một bài học về “tâm pháp” chăng?”
Vị tăng lớn tuổi bây giờ mới quay laị chăm chú nhìn người lạ mặt một lúc rồi đáp:
     _ “ Quả thật danh bất hư truyền. Ngài đúng là phong độ của cao nhân ẩn sĩ . Chúng tôi xin chịu thất lễ. Nhưng bây giờ thì xin cáo từ.”
Vị Tăng trẻ nói:
     _ “ Sư phụ chúng ta Pháp Loa Tôn Giả có lẽ chưa về núi, hiện đang còn ở Yên Tử cũng nên. Hay là chúng ta nên qúa bộ vào trong kia một lát cho mãn nhãn cái kiếp nhân sinh chăng.”
Vị tăng đứng tuổi “ hừ ” một tiếng:
     _ “ Hoa sắc, sắc hoa đều là hiện thân của ma vương. Pháp đệ hãy lưu tâm. Sinh tử là việc lớn, trăm năm nào có mấy khắc, chớ có say mê hoa thơm của lạ dọc đường để ngàn thu ân hận.”
Khưu ẩn sĩ tủm tỉm cười:
     “Mời qúy Sư ông, Sư bác vào tệ xá uống vài chung thanh trà lấy thảo. Pháp Loa Tôn Giả và ngu lão đây vốn có tình quen biết. Mỗi khi đến Thiên Thai, Đại Sư cũng dừng chân nơi đây giây lát để ngắm hoa và thưởng trà.”
Vị Tăng trẻ nói:
     “Vậy thì xin phép chủ nhân cho chúng tôi được quấy quả.”
Vị Tăng đứng tuổi miễn cưỡng đi theo. Cảnh trí đẹp thơ mộng như cảnh giới thiên thai khiến vị Tăng trẻ ngẩn ngơ thán phục. Bước qua cây cầu, y dừng chân ngắm xem hai câu thơ thật lâu, trầm trồ khen ngợi không hết lời. Vị Tăng đứng tuổi vẫn tỏ vẻ khó chịu, xăm xăm bỏ đi trước.
Ôi! Thật không kể xiết được những kỳ hoa dị thảo khắp moị nơi. Trên cội cây, trong hốc đá, bên lối đi, bờ suối triền non…đâu đâu cũng trăm sắc nghìn vẻ. Lời đồn đại của thế gian là mười mà chưa nói lên được một, trăm nghe không bằng một thấy. Cảnh trí u nhã làm tâm hồn lâng lâng lắng dịu. Chủ nhân và vị Tăng trẻ có vẻ tâm đầu ý hợp, trò truyện tâm đắc.
Khi rời rừng hoa để bước vào Thảo nhai đình, là một chái mây nhô ra bên bờ vực, mây trắng lãng đãng lưng đồi, là nơi thưởng trà, vọng ngyệt. Vị tăng trẻ cảm khái ngâm mấy câu thơ lục bát, nhã ý tặng Khưu ẩn sĩ:
      “Trần gian một thoáng không dài
       Có khi mộng hóa liên đài cũng nên!
       Thềm mây đọng bóng chân thiền
       Ai ngờ tâm pháp một miền cỏ hoa!”
Vị Tăng lớn tuổi lòng ngổn ngang trăm mối, nhìn Pháp đệ của mình hành xử phóng túng. Vừa qua chung trà thứ nhất, y đã cất giọng nói lớn:
     “ Chủ nhân có một đời sống thanh cao lắm, nhưng xin thưa thẳng một điều: tự mình chọn đời sống nhàn lạc ở góc núi tựa tiên cảnh này, danh lợi thị phi, đắc-thất như gió thoảng ngoài tai, dẫu vậy, cũng còn vướng trong cái “ngã aí” chật hẹp lắm ư ? ”
Ẩn sĩ họ Khưu mỉm cười mà rằng:
“ Dạ phải, Sư ông dạy thì phải”
Vị Tăng đứng tuổi cười nhạt:
“ Khưu ông mang cốt cách, phong thái của một dật sĩ, năm kinh ba giáo xem chừng đã ghé mắt xem qua. Vậy thì lời dạy của thánh hiền phải chăng là sở đắc, là trụ xứ này? Thử hỏi một đời sống nhàn lạc ích kỷ riêng tư, phó thác cho giòng đời sinh tử trôi qua, thì có ích lợi gi cho chúng sanh chứ ?”
Ẩn sĩ họ Khưu vẫn cúi đầu nhũn nhặn:
     “ Dạ phải. Sư ông dạy phải ”
Vị Tăng trẻ thấy thế làm khó chịu:
     “ Pháp huynh sao lắm lời. Mỗi người ai chí nấy, nhân nào quả nấy, tâm nào cảnh nấy. Đức Thích Ca bao nhiêu năm thuyết pháp không hề nói một chữ Tu Bồ Đề, im lặng thiền định mà Chư Thiên rải hoa chung quanh. Tâm Pháp mà có thể nói thành lời được ư ! ”
Vị Tăng đứng tuổi, khuôn mặt thoáng rắn lại, rồi bật cười ha hả:
     “Hay lắm. Cám ơn Pháp đệ đã thuyết Bát Nhã Tánh Không cho ta nghe. Cám ơn Khưu ẩn sĩ đã cho bần tăng lãnh hội tri kiến Pháp Hoa Kinh. Thậm tri! Thậm tri! Vậy thì quí vị cứ tâm đắc thù tạc, cho phép bần tăng khiếu từ.”
Ẩn sĩ họ Khưu chợt nói:
     “ Xin Sư ông nán lại một chút. Có mấy đóa Bạch Vân trà vừa mới mãn khai. Đây là loại hoa tinh khiết, vương giả giữa trăm hoa, không để dành cho Sư ông thưởng ngoạn thì biết để dành cho ai”.
Nói xong, ông biến mất sau mấy cụm Bích đào. Thoáng chốc ông đem ra một chậu Trà Mi trắng, trân trọng đặt trên phiến đá cẩm thạch. Cả hai vị sư đều sửng sốt.
Trong chậu, mấy đóa hoa trà mi trắng nõn nường, như lục, như thủy tinh, như sương? Có lẽ không phải thế. Nó như màu nguyệt bạch hoặc màu bạch ngọc nhìn qua làn trăng mỏng. Cũng không hẳn thế. Thôi, chỉ biết diễn tả là đẹp lắm, tuyệt vời không gì so sánh được, không ngôn từ nào diễn tả được. Từng cánh hoa mềm mại cong cong xếp lại. Mỗi cánh là mỗi nét yểu điệu, diễm kiều cuả tiên nữ…Còn nữa, những đường vân tinh vi trên lá, khi ẩn khi hiện qua lớp ánh sáng như đã được chắt lọc tinh khôi, vô nhiễm.
Khưu ẩn sĩ, nhìn đôi mắt sửng sốt cuả hai vị khách Tăng, lấy làm mãn nguyện, rung đùi cảm khái:
      “ Tướng Phật, tướng hoa: vô nhị tướng
       Tánh hoa, tánh Phật: bàn lai đồng!”
Vị Tăng trẻ cũng nhã hứng, thốt lên:
      “ Biệt biệt, nhấn trần vô cá biệt
       Khán hoa kiến Phật, liễu vô cùng!”
Khưu ẩn sĩ đứng dậy cung hai tay hoan hỉ tán thưởng. Vị Tăng đứng tuổi chép miệng, ngữa mặt nhìn trời mà than thở:
     “Ôi đảo điên đến thế là cùng! Pháp lộn Tâm. Tâm lộn Pháp! Không hiểu đầu đuôi gốc ngọn ra sao mà dám ví Phật, Hoa là đồng đẳng. Khán hoa kiến Phật! Than ôi! Phật pháp suy vi đến thế là cùng! Kẻ học Phật ngày nay ngông cuồng đến thế sao!”

Thế thì ai đúng, ai sai ?

Trung Đạo