"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Thư Con Gái Kính Gởi Ba
(Về Khi Còn Nhỏ)

Ba ơi! Càng gần đến ngày Fathers’Day thì con càng thấy lòng xốn xang, nỗi nhớ thương về Ba càng nhiều thêm. Khi ở Việt Nam mình không có lễ cha như ở Mỹ, nơi con đã chọn làm quê hương thứ hai, con vẫn nhớ ba, qua đây có lễ lạc nhắc nhở thì càng nhớ thêm thôi. Kể từ ngày Ba mất, dù đã bao nhiêu năm qua, dù con không giổ kỵ hằng năm theo Đạo Ông Bà, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhờ cha cố ở họ đạo gần nhà làm lễ “Cầu cho linh hồn Lorenso được lên Thiên Đàng”, và vẫn luôn thấy hình ảnh của Ba trong tâm trí, nhất là những lúc con buồn vì tình duyên, vì những khó khăn trong đời. Con vẫn quay quắt vì không nói được nên lời, không tâm sự được cùng ai cho vơi bớt những nhớ tưởng ray rứt này vì sợ làm người khác buồn lây, hay cười chê mình đã già đầu rồi mà còn bám theo cha mẹ như con nít. Nhưng con biết, dù con lớn bao nhiêu thì đối với ba mạ, con vẫn còn nhỏ dại như những ngày còn thơ.

Ba của con đã biết, khi nhỏ con rất ít nói, rất hiền, thường bị anh chị lớn ăn hiếp. Cả mấy đứa em cũng hùa theo chọc ghẹo con. Trong lúc mạ không nói gì thì Ba từ tốn khuyên họ rằng trong nhà anh chị em nên thương yêu nhau, đừng làm buồn lòng nhau. Ba vẫn để ý để con không bị ăn hiếp nữa. Còn nhớ ngày con mới 6 tuổi, chỉ vừa mới có trí nhớ mạ đã bắt xâu lỗ tai để đeo đôi bông tai vàng có hai hột to tướng, bị nhiểm trùng đau khóc lên khóc xuống hoài. Sau đó mạ đưa con lên đò đi về trường Dòng Kim Đôi, bỏ con lại đó cho các bà Soeurs mà quay đi mặc cho con chạy theo khóc lóc kêu Ba ơi Ba hỡi, và bị các soeurs tóm cổ lôi về trường. Con kêu cứu Ba mà Ba đâu chẳng thấy nên con trách mạ, trách cả Ba luôn. Con bị cho ở chung, học chung, và trần truồng tắm chung với mấy đứa con trai (cháu của các soeurs tu trong dòng đó). Con khóc la không chịu tắm truồng thì bị các soeurs dọa đánh đòn. Không có ai để kêu nài nên con tập nuốt hết thương nhớ trách móc vào lòng, và từ đó càng âm thầm, ít nói hơn. Khó tả nổi sự nhớ thương của con đối với ba, mạ, và tất cả anh chị em con dù họ đã chọc ghẹo làm con buồn hoài. Từ đó con đã nhiều phen nghĩ rằng ba mạ đã vô tình, không biết thương đứa con bé bỏng. Sau này con mới được thân nhân lớn tuổi kể cho hay chính Mạ khi nhỏ cũng đã được ông ngoại (lúc đó là quan huyện Hương Trà) gửi học nội trú ở trường Công Giáo này. Họ cũng kể rằng thời đại đó các soeurs cũng như ngoài đời còn quan niệm con gái không cần học chữ nhiều, mà chỉ cần học công dung ngôn hạnh như nói năng, đi đứng, nấu ăn, may vá, thêu thùa để lo cho gia đình, chồng, con. Họ không cho biết mạ đã học tới đâu, nhưng chúng con từng rất hãnh diện khi hằng tuần và các ngày lễ lớn mạ vẫn thường đọc sách Thánh trong các buổi lễ ở Đại Thánh Đường Phú Cam ở Huế. Mạ hay ăn mặc rất đẹp, khi thì áo nhung, khi thì áo gấm mỗi lúc một màu, cổ đeo chuổi ngọc phĩ thuý. Mỗi lần thấy người ta ngưỡng mộ nhìn mẹ mình trong chiếc áo dài nhung đen hay tím tay cầm quyển Sách Thánh cất bước uyển chuyển quý phái đi ngang qua các hàng ghế, bước lên cầu thang xoắn ốc để lên Bục Giảng, rồi sang sảng đọc Kinh Thánh và những câu xướng để cho bao nhiêu người đáp/lập lại, chúng con yêu kính khâm phục mạ vô cùng. Ba mạ hay Chúa đã sinh con ra với bản tính hay buồn hay khóc, nên con buồn khóc vì nhớ nhà hoài. Ngay cả đêm ngủ nằm mơ còn khóc tớt. Con chỉ vui khi thỉnh thoảng được các soeurs cho lên đò cùng với các bạn nội trú khác đi chơi, thăm các làng mạc cảnh đẹp xung quanh, được hái hoa dại, bắt châu chấu, bươm bướm trên ruộng trên đồng. Con cũng vui khi hàng ngày nhìn thấy hàng trăm con chim Ổ Rột bay ra bay vào hàng trăm cái ổ kết bằng rơm rạ thật dài thật đẹp treo lũng lẵng đầy trên các nhánh cây Cóc cổ thụ đầy trái màu xanh ngay trước nhà các soeurs ở. Các soeurs thì ít, lại nhiều việc, ham đọc kinh nên không cách nào kiểm soát nổi lũ học trò chúng con. Khi những nhánh thấp không còn trái thì các anh chị leo lên cây hái ở những cành cao, rồi cao hơn. Những ổ chim cũng thế, ổ ở dưới hết trứng thì họ mò lên những ổ cao hơn. Đàn chim bố mẹ bay quanh kêu ca tìm kiếm rối rít, đã đánh nhau để giành trứng ấp chim con nên càng náo nhiệt thêm. Lũ chúng con lúc đó đâu đã biết suy nghĩ xa xôi, không biết bố mẹ chim cũng quay quắt vì mất con, thế nên chúng con háo hức cười vui. Nhưng sau lúc vui chơi ban ngày, sau mỗi lần bị bắt giăng tay lên đọc kinh chiều trong nhà nguyện, đêm về khi bị bắt vào giường ngủ sớm, con đều nhớ nhà quay quắt. Nhớ đến nổi không đêm nào khỏi khóc, khóc cả trong mơ làm đồng bạn mất ngủ. Các soeurs dọa đánh thì con tủi thân càng khóc nhiều hơn. Họ bảo là con quá cứng đầu, sau mỗi lần phạt quỳ mà con vẫn chứng nào tật nấy. Có lẽ vì không chịu nổi con, nên sau một hai năm gì đó họ đã yêu cầu ba mạ đến đem con về. Mà ngày về sao con lại buồn vui lẩn lộn thế không biết; cũng buồn vì xa người và nơi ở đã quen, lưu luyến với cả cây Cóc và bầy chim Ổ Rột nữa. Trời sinh con bản tính đa sầu đa cảm mà!
Ba ơi ba! Khi con được về nhà rồi, mỗi lần đi học về con mong có ba mạ mở rộng vòng tay ôm ấp con biết bao nhiêu. Nhưng mỗi ngày lúc nào cũng như lúc nấy, buổi sáng khi cha con mình thức giấc, ba chuẩn bị đi làm, chúng con sửa soạn đi học sau khi được chị Bông người làm cho ăn sáng, thì mạ vẫn còn nằm ngủ trong phòng. Buổi chiều, sau buổi học, chúng con ở lại trường chơi đùa với bạn bè về muộn và dơ dáy, con cũng chỉ thấy ba nhắc chúng con đi tắm rữa, thay áo xống trước khi ăn tối. Khi thức ăn đã sẵn trên bàn ăn con mới thấy mạ về, khi thì tươi cười lúc thì buồn bã bực bội. Ba và chúng con rất vui khi thấy mạ về ngồi ăn chung. Ba bảo chúng con quạt cho mẹ, gắp thức ăn ngon cho mạ thay ba. Vì chị Bông đã cho biết số tiền chị ấy phát cho mổi đưá hàng ngày là do mạ dặn chị ấy cho chúng con ăn quà khi mạ vắng nhà nên chúng con biết mạ cũng quan tâm đến chúng con. Thỉnh thoảng con nghe mạ khoe với ba “Mình ơi! Hôm nay tui hên lắm, thắng được...”, khi thì trở giọng buồn “Mình ơi! Hôm nay tui xui quá..” Dù mạ thắng hay thua, lúc nào trên mặt ba cũng vui vẻ, tươi cười, không hề nghe ba trách mạ một lần nào cả.
Còn nhớ rất nhiều lúc con gục đầu ngủ quên trên bàn học, mắt con nhắm, nửa tỉnh nửa mê nhưng vẫn biết được ba bồng con trên tay, cố nhẹ nhàng hết sức, đến đặt con vào giường cho con yên giấc ngủ. Những lúc con bệnh (và rất nhiều lần bệnh) lúc nào cũng thấy chỉ có ba ở bên con. Còn nhớ một lần khi con nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Huế, vì bị thương hàn hay gì đó, bị nóng sốt nổi điên thì phải. Con đã chửi ba: “Tổ cha ba” khi ba chườm nước đá trên trán con. Chắc ba đã kể lại cho mạ và các anh chị em nghe nên con cứ bị họ cười nhạo hoài. Con không ngờ đó lại là hình ảnh rất thân yêu sống để dạ chết mang theo của con.
Ba không nói phô, nhưng sao ba có thể hùng biện trong những buổi sinh hoạt về Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Maria) mà ba là Trưởng như thế? Ba nói về Thánh Kinh Tân Uớc, về Thánh Gioan đã làm chứng rằng nhờ Thiên Chúa mà mọi vật được tạo thành, và Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta nên chúng ta nên kính chúa yêu người. Ba kể chuyện Con Chiên Lạc, chuyện một người cha có con trai hoang đàng thất thểu trở về sau khi tiêu hết gia tài người cha cho. Người cha đã không từ bỏ mà còn đón tiếp long trọng, để nêu gương tha thứ cho những kẻ lỗi lầm. Các cha, cố, nữ tu, tín hữu đông đến cả ngàn người lắng nghe ba nói chuyện, có vẻ rất ngưỡng mộ, đã khen ba là thông thái, dí dõm, và có duyên. Nhờ vậy mà các bạn con trong Ban Thiếu Nhi cũng nể nang không ăn hiếp con như trước nữa.
Ở sở làm của ba, Khu Công Chánh Trung Nguyên Trung Phần, ba cũng được mọi người quý mến. Nhiều kỹ sư, thầu khoán thường đến thăm nhà mình cho con tiền, ba nhẹ nhàng khuyên con nên trả lại. Ba bảo là “Được cả và thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì...” Có lẽ ba giúp họ thầu được công trình công chánh gì đó, họ muốn trả ơn, bỏ tiền vào phong bì biếu ba mà ba không nhận nên họ cho con quà phải không ba?
Ba cho con đi học Giáo Lý, Thánh Kinh, rồi cho con nhiều dịp được thảo luận về giáo lý và thơ văn với ba. Con nhớ khi con chỉ mới 11, 12 tuổi gì đó đang học lớp Đệ Thất con đã làm thơ Nhái để in vào Đặc San của trường. Tụi bạn học của con đã phải lé mắt, anh của Hoàng Yến gọi con là “Thi Sĩ”, nhưng con chỉ thích nhất khi được ba cho con chiếc xe đạp cuối năm học. (Mùa hè năm đó, con đã đạp xe cùng chúng bạn lên núi Ngự Bình ăn bánh bèo, ngược Vỹ Dạ ăn chè bắp, xuống Thuận An tắm biển vọc cát, rồi hái hoa hái trái trong chùa nhà người ta, bị người ta đuổi chạy rất vui.)
Cái bài thơ của con rất dài, nhưng con chỉ nhớ có chừng này:

Tình Non Nước
Người yêu non nước Miền Trung
Yêu bao thắng cảnh huy hoàng Nước Nam
Yêu trời hoa lệ Miền Nam
Và yêu những cánh diều hoang trong chiều
Núi non phong cảnh mỹ miều
Với bao nét vẻ yêu kiều gió mây
Hè về má đỏ hây hây
Ngoài song hoa phượng ngất ngây hữu tình.
Xuân đến hoa cỏ tươi xinh
Em yêu non nước trung trinh một đời.
(Thơ Ái Hoa)

Con còn đóng kịch thơ, đóng vai đại anh hùng và tài nhân Nguyễn Trãi vừa ngâm thơ vừa chạy theo tù xa của cha là Nguyễn Phi Khanh khi ông bị giặc Minh bắt đưa qua bên kia quan ải. Khi chiếc tù xa chạy vòng quanh sân khấu khá lớn dựng giữa sân trường của Dòng Teresa ở Huế, con đã ngâm đến 4 bài thơ than oán của Ức Trai Tiên Sinh, nhưng chỉ còn nhớ mang máng bài thơ này

Cơm Trời Áo Cha
(Ức Trai Tiên Sinh)
Ðã mấy thu nay để lệ nhà,
Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha.
Một thân lẩn quất đường khoa mục,
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.
Tài liệt lạt nhiều nên kém bạn,
Người mòn mỏi hết phúc còn ta.
Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
Tình phụ cơm trời áo cha.

Các soeurs cũng giao cho con đọc diễn từ trước khi bãi trường nữa. Ba ơi ba! Con cũng không biết sao con có thể làm những chuyện như thế nữa? Ba bảo con giống ba, giống mặt mày, giống cả tay chân. Con rất thích được giống ba thật, nhưng mà (con nói ba đừng buồn nghe ba!) con không thích có cái chân cong cong như ba đâu. Khi con đi học ở Trường Nữ Jeanne D’Arc, khi con mặc đầm ngắn bạn bè con nhiều đứa đã chê chân con. Từ đó con mắc cỡ không dám mặc váy ngắn nữa. Khi lớn lên, con thèm có cặp chân dài, thẳng, và mủm mỉm để làm dáng, đến nay con vẫn còn thèm mà không được ba ơi!

Thời gian qua nhanh, từ những đứa con nít, các con ba đã trưởng thành. Đứa đi lấy chồng, đứa đi lấy vợ ở riêng. Con cứ tưởng rằng ba cưng mình con thôi, nhưng thật là bất ngờ khi con nghe các anh, chị, và em con người nào cũng có những kỷ niệm vui buồn và người nào cũng nghĩ là ba cưng họ nhất. Chị Hải con kể khi chị nhỏ ba thường chở chị đi phố bằng xe mobilette, mua cho chị bất cứ đồ chơi nào chị thích (ở Huế, mỗi lần đi sắm đồ ở các tiệm dọc đường Trần Hưng Đạo và Ngã Giữa thì gọi là Đi Phố), rồi còn mua đủ thứ trái cây ở chợ Đông Ba cho chị. Các em Hương và Hồng thì kể lại cho con chuyện Tấm Cám, Cô Bé Choàng Khăn Đỏ, Cô Bi Rét (đi mang liễn sữa), chuyện Phù Đổng Thiên Vương bay lên trời, sự tích Hoàng Tử Lang Liêu làm bánh chưng được vua cha Hùng Vương truyền ngôi...

Anh San con kể rằng ba đã dạy cho anh rất nhiều điều, từ cách thắt các múi giây như Kamikaze hay sheepshank gì đó để mỗi khi bị lạc vào trong rừng, phải leo núi hay xuống thác ghềnh thì biết dùng giây mà vượt qua. Khi lạc trong rừng hay bất cứ đâu nguy hiểm không người , phải nghĩ tới an toàn trước nhất. Nước uống, thức ăn, chỗ trú ban đêm, lửa là những thứ thiết yếu. Nước ở suối ghềnh không hẳn là tốt vì nó đã có thể chảy qua những nơi có xác thú đầy ký sinh trùng, vi trùng hay các cây lá có chất độc. Muốn có lửa thì phải chuẩn bị mồi khô sẵn, lấy gương chiếu thẳng vào mặt trời, hoặc dùng dao hay đá đánh vào nhau, hay đục một lổ trên thân một khúc gổ khô rồi lấy đầu nhọn của khúc gỗ kia xoáy qua xoáy về thật mạnh nhiều lần. Cẩn thận khi gặp rắn rết hay hùm beo. Lửa có thể xua thú dữ mà cũng có thể nấu nước uống hay nướng đồ ăn. Ba dạy cho anh rằng, rắn nào độc thì cũng chỉ có chất độc ở đầu, chỉ cần cắt đầu nó, đừng để dính chất độc, chôn cái đầu nó xuống sâu dưới đất để người khác khỏi bị dính độc, phần thân còn lại của rắn, mình chỉ việc lột da, moi hết ruột bên trong ra, là có thể ăn được mà thịt rắn vị giống thịt gà rất ngon. Ba dạy anh nhiều điều thú vị như khi ở trong rừng thì nên để ý tìm chổ nào có nước, theo giòng nước chảy để tìm đường ra. Khi gặp sa mạc thì phải..... Ôi! Ba đã từng một mình một ngựa đi khắp núi rừng dọc theo dãy Trường Sơn qua đến bên Lào khi còn thanh niên, đã có dịp gặp Hàn Mặc Tử những ngày ông bệnh ở Quy Nhơn, đã được ông tặng rất nhiều thơ. Ba có nhiều kinh nghiệm nên muốn truyền lại cho con trai trưởng của ba, và nhờ con trai trưởng của ba mà chị em gái chúng con cũng biết được nhiều điều thú vị.

Trước đây con không hiểu, nhưng bây giờ mới hiểu là ba đã để ý đến từng đứa con một của ba. Đứa có năng khiếu gì, sở thích gì thì ba âm thầm giáo dục cho phát triển năng khiếu đó. Ba không nói mà chỉ làm, làm việc tận tâm ở sở làm và chăm lo sức khỏe, vun bồi kiến thức cho đàn con. Ba còn không nề khó nhọc, sẵn sàng giúp đỡ cho bất cứ ai cần đến ba . Nhà mình sẵn có thầy Oanh đến chích thuốc bổ cho chị em con hàng ngày, ba không ngại tốn thêm tiềm nhờ thầy đi chữa bệnh cho những xóm giềng nghèo nàn đau ốm. Ba còn cho họ thuốc men nữa. Còn bao nhiêu chuyện về đức tính khiêm cung thương người của ba nữa mà con không thể kể hết. Thưa ba! Chúng con rất may mắn khi được làm con của ba, một người cha vĩ đại nhất trên đời. Nhờ ba mà chúng con đã lớn lên trong sung túc, chưa hề phải thiếu ăn thiếu mặc một ngày nào. Nhờ ba mà chúng con có lòng mến chúa yêu người, biết tha thứ cho những kẻ lỗi lầm, và biết giúp đỡ những người nghèo khổ.

Con xin thay mặt chị Hải, Anh San, và các em Hương, Hồng lạy tạ ơn ba yêu quý!

Ái Hoa