Hoài Bão

   Thức là người có học chưa đến vận, bẩm sinh ít nói, thường hay nhìn trời mây biến đổi để suy nghiệm cuộc đời. Chốn xa gần đồn đại anh là người quán thông thiên văn, nhân sinh, địa lý. Anh sinh ra và lớn lên trong buổi nhiễu nhương, mơ ước hun đúc chữ nghĩa trong đầu để an bình thiên hạ. Anh ít giao tế và có nét kiêu hãnh của những người cô độc. Một hôm giặc từ phương bắc đến gây họa, lửa cháy tận kinh thành. Xóm nhà anh tan nát làm lạc mất gia đình, anh theo đám người chạy lọan khắp nơi. Mãi bước bôn ba, một hôm lạc đến chân một ngọn núi. Trời sập tối, bốn bề vắng ngắt không một xóm nhà, chỉ có một lối mòn dẫn lên trên núi. Anh nghĩ chắc phải có người ở trên cao, liền dấn thân bước lên. Đường lên núi hẹp dần, cỏ cây sương giăng mờ mịt, cảnh thái lạ lùng. Cuối cùng Thức nhìn quanh và thấy dưới ánh trăng, một đốm lửa từ xa. Đó là căn nhà nhỏ tựa như một thảo am. Anh được một ông già ra đón tiếp, cho ăn uống và ngủ lại đêm. Thức đến rồi ở luôn đây.

   Thấm thoát một thời gian dài, ông già dạy anh nghề thuốc. Thế gian ở tận nơi xa mờ mịt. Đây có sự an tĩnh, no đủ và có nàng. Thức không còn nghĩ đến chuyện ra đi. Giấc mơ đổi dời thiên hạ năm xưa hầu như chết hẳn. Nàng là người con gái duy nhất của ông gìa. Nàng đẹp như buổi sáng mùa xuân. Mắt nàng trong vắt như bầu trời. Da thịt nàng như tuyết mùa đông. Hơi thở nàng thơm ngát, là nơi chốn êm ấm để trở về trong những buổi chiều thu.
Hai người quyến luyến nhau trước cặp mắt thản nhiên của ông gìa. Nàng ngây thơ tinh khiết, và chuyện đời nếu biết là nhờ qua những lần nghe ông gìa và Thức trò chuyện.
Một buổi chiều đi lấy nước ở suối về, Thức bị cơn mưa núi kéo đến ập lên người. Gió cuốn tứ phương, tứ bề trắng xóa. Thức rét run, thân cây Thức đang tựa lưng oằn oại rồi bật gốc. Giữa giây phút sinh tử, Thức bỗng nghe như có những tiếng kêu gào trong cơn ly loạn năm xưa. Lòng Thức hừng hực lửa, bỗng nghĩ đến chuyện thế gian. Ngay đêm đó, dưới ánh sáng lù mù của ngọn nến, chàng thưa cùng ông già ý nguyện và hoài bão cuả mình. Ông già đưa tay ngăn lại:
Ta biết con không thể ở mãi nơi này. Con còn trẻ như ta khi xưa. Một ngày nào đó ta cũng phải dục con đi. Nhưng ta muốn con phải sẵn sàng.
Từ đó Thức bỏ nghề thuốc và được ông già truyền cho nghề kiếm.

   Những qui củ cuả nghề kiếm, Thức đã luyện thành sau vài năm. Có thể hái trăm hoa trong một thế kiếm, múa kiếm quanh người mưa rơi không uớt. Trong mắt Thức đã nhen nhúm niềm kiêu hãnh. Cho rằng tài kiếm đã thành, Thức xin thầy xuống núi. Ông gìa lắc đầu:
Con vẫn chưa qua bước đầu học kiếm. Con mới biết Nghề kiếm nhưng chưa biết Thuật. Thức đành ở lại học thuật kiếm.Thời gian thấm thoát, sân đá sau nhà đã mòn với những bước chân khổ luyện. Hoài bão đã kết thành một khối đỏ sắc máu trong lòng Thức. Chàng bây giờ có thể nương theo kiếm lơ lững trên cành cây như chim, nhào lộn dưới nước như loài cá.
Thức cũng quên chăm sóc người con gái. Trên mặt nàng đã thoáng nét buồn.
Thức thường chỉ tay xuống núi, đến những nơi chốn xa xăm. Chàng kể cho nàng nghe hoài bão của mình và cuộc đời của những bậc anh kiệt. Chàng muốn tung hoành thiên hạ và nàng chỉ biết thở dài. Kiếm trước đây đã hái cho nàng những vòng hoa, theo đó vô tình cắt cả một đoá hoa quí nhất là sự ngây thơ của nàng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thức lại xin đi.
Ông già giữ lại, nói rằng Thức mới biết Thuật mà chưa biết Đạo. Nghề kiếm là kiếm với thân, thuật kiếm là kiếm với tâm, Đạo kiếm mới là toàn bích.
Từ đó trong những đêm trăng, những buổi sáng sớm khi mặt trời lên, những buổi chiều khi chim rừng về tổ, Thức được nghe và thể hội những điều ông già nói về Kiếm Đạo. Suốt thời gian này Thức không đụng tới kiếm, mà hòa kiến thức vào hơi thở, giữ thân thanh khiết, thần thái ôn hoà, gạt bỏ tạp niệm để đón gió kiếm.
Người con gái ngày một xanh xao, ủ dột, nàng bé nhỏ, lẫn vào ánh chiều tà trên vách núi.
    Một đêm ông già lấy trong hầm đá một thanh kiếm cổ trong vỏ nạm bạc, tuế nguyệt đã phủ lên vỏ kiếm một lớp bụi mờ. Ông đặt kiếm vào tay Thức:
Đây là bảo kiếm. Gần nửa thế kỷ nay, ta không đụng đến nó, nay ta giao cho con. Con hãy dùng kiếm này để thực hiện hoài bão cuả con, cũng là hoài bão không thành cuả ta.
Ông già rút kiếm ra khỏi vỏ. Một tiếng động khẽ vang lên. Kiếm chưa động mà ánh kiếm lạnh sắc xanh biếc, lung linh hoa mắt. Ông già nói tiếp: Thiên hạ hỏng rồi, lòng người ly tán. Lửa cháy khắp bốn phương, nếu kiếm sĩ không đi, lửa nhân gian cũng sẽ tìm đến.
Thức im lặng nghe giọng ông già vần vũ dưới trăng:
Ta chỉ có một kiếm. Đạo cuả ta là đơn kiếm. Con sẽ đi thẳng một mình một kiếm vào chốn trần gian. Con là kiếm. Kiếm là đạo làm người.
Ông già chùng người xuống, nâng kiếm ngang mày như một vệt trăng.
Thức thấy mắt mình hoa lên. Một cành hoa bạc nở tung như xác pháo. Chàng chớp mắt không thấy kịp ông già chuyển kiếm, ông vẫn đứng yên một chỗ như cội tùng gân guốc, và thanh kiếm báu vẫn ngang mày như một vệt trăng. Ông tiếp tục nói, hơi thở thư thái : Kiếm đã tung hoành nhưng con không kịp thấy vì yếu tố bất ngờ. Kiếm khi tĩnh phải như non, khi chuyển phải như nước, và khi tiến phải đạt được chỗ bất ngờ. Kiếm cầm trong tay, phải từ ngón tay mà rung, từ cổ tay mà chuyển, không động đến cánh tay. Kiếm phải sát theo thân, thân phải tuỳ nơi kiếm. Kiếm tiến mà thân lùi là hỏng. Kiếm chuyển trước để chiếm thượng phong, lần chuyển sau là tìm ưu thế. Đã xuất kiếm là phải đạt, phải có máu rơi. Kiếm không phải để đỡ hoặc tránh né. Đỡ không là thuật tranh đấu, tránh không phải là thuật thâu phục. Muốn đạt phải tiến. Kiếm tiến là thân đạt tới. Dụng kiếm để đỡ gạt là hàng tục sĩ.
Ông già mỉm cười, nhìn Thức lúc đó như xuất thần, ông nói tiếp:
Mùa trăng đầu, kiếm là kiếm. Mùa trăng sau, kiếm là cánh tay. Mùa trăng kế tiếp, kiếm là cổ tay, thấm thoát kiếm là ngón tay. Rồi tới mức toàn thân là kiếm, và lúc đó chỉ nghĩ đến thân, quên mình có kiếm, kiếm khi đó đã đạt.
Ý và kiếm hoà làm một thì nhìn trong thiên hạ không thấy nhiễu nhương, thiên hạ sẽ hàng phục theo về.
Kiếm đạo là đạo làm người.
Thức, đầu óc bừng bừng, tưởng đang có trời đất trong tay.
Hãy nhìn cây sơn thảo mọc bên đầu vực. Con hãy xuất kiếm, cây bị cắt đôi mà không biết lưỡi kiếm đã đi qua, là đạt.

   Thức bắt đầu suy nghĩ. Chàng đứng bất động trong hai ngày đêm, vẫn chưa xuất kiếm được. Kiếm vẫn sáng ngời bên mình. Bóng dáng chàng trộn lẫn trong làn khói sương lung linh mờ ảo, tay nắm chặt đốc kiếm. Không khí như cô đọng, trang nghiêm tĩnh mịch đến lạnh người.
Ông già bước ra sân như mọi đêm, nhìn Thức bất động, mặt như phiến đá.
Bỗng nhiên trong không gian có tiếng reo hân hoan. Kiếm loé sáng dưới ánh trăng. Thức quay lại phủ phục trước mặt ông già. “Thưa con đã làm đúng lời thày dặn, đã ngộ được phép dụng kiếm. Kiếm chuyển đi từ tâm ý.”
Ông già hân hoan, đặt tay lên vai Thức:
Có những kẻ suốt đời giữ kiếm trong bao, đi lại trong thiên hạ, ngửa mặt nhìn trời, ngạo nghễ tự hào mình không cần rút kiếm mà vẫn an thân. Nhưng giữ kiếm trong bao chẳng khác nào không kiếm. Kiếm không phát huy thì sao giữ được thần, không năng dụng sao thành tinh thuật? An thân chỉ dành cho bọn tục sĩ chí cả hẹp hòi. An thiên hạ mới là kẻ chí lớn. Có kẻ cho rằng không dùng kiếm là không phiền kiếm, mới đáng mặt kiếm vương. Thật sai lầm. Nếu không rút kiếm chi bằng hãy rửa tay gác kiếm, an phận suôi theo giòng đời.
Ông gìa ngừng nói, nhìn chàng rất lâu và tiếp:
Còn một điều quan trọng nữa : Đã đi vào dân gian thì phải tích cực, dứt khóat, đừng viễn vông.
Đó là Kiếm đạo khi dấn mình trong thiên hạ. Lời dặn cuả ta mấy đêm trước đôi khi không cần phải theo đúng. Lời dặn đó, đi vào cõi nhân gian có lúc thành vô lý, phải uyển chuyển thì trăm trận trăm thắng.
Thức bỗng hiểu, hiểu tất cả, thấu đáo. Ông già nói tiếp, ta không còn sống được bao lâu nữa, nhưng ta vui vì có duyên gặp được con. Con từ chốn loài người điên đảo đến đây, có duyên học được Kiếm Đạo của nòi giống Việt. Con đừng làm ông cha chúng ta hổ thẹn. Giọng ông bỗng tha thiết hơn:
Nhưng hãy nhớ rằng kiếm sẽ hư nhược nếu người ta chỉ muốn làm anh hùng, để thoả chí. Ta đến cuối đời mới học được điều này.
Trời hừng sáng. Thức rung tay, kiếm uốn thành điệu vũ tưng bừng. Kiếm chuyển dịu dàng như gió, trụ vững như non, gầm thét như sấm sét.
Ông già đưa tay ngăn lại.
Đủ rồi con. Kiếm đừng vung thừa thãi. hãy giữ lại đơị đến một ngày. Hãy hàm dưỡng kiếm bằng khí cuả trời đất và chí cả cuả bậc anh tài.

   Thức qùy xuống bái tạ ân sư để ra đi. Người con gái tiễn chàng đến lưng chừng núi. Thức hứa rằng anh sẽ trở về khi hoài bão đã thành. Và lần đầu anh thấy nàng khóc, úp mặt trên cổ anh, thổn thức: Thiên hạ xa lạ dưới kia có gần gũi anh như em không? Anh chỉ sống một đời, làm sao lo trăm họ được muôn kiếp? Anh lo cho họ hay thật ra là lo cho anh ? Còn em thì sao? Anh hẹn sẽ quay về. Sao anh không ở lại, sao phải đị rồi lại quay về? Hoài bão sẽ ngày càng lớn với bước anh đi. Em sợ để trở về anh sẽ phải mang một hoài bão mới : Hoài bão trở về. Anh muốn thấy thiên hạ trùng trùng vây quanh anh như sóng biển. Anh muốn tận thu thiên hạ. Thiên hạ không phải là một người, mà là muôn vạn, chém giết lẫn nhau để làm anh hùng. Anh đã từng nói thế mà. Làm sao yên ổn được? Anh hãy quên đi thiên hạ. Cha em đã lầm lẫn nên phải đắng cay. Nay lại là anh. Tại sao người ta cứ dấn thân vào những chốn vô vọng...
Thức thở dài: Em không hiểu được đàn ông, không hiểu được hoài bão của họ. Anh đã quyết tâm. Không đợi được thì hãy quên anh đi. Thời gian không đợi ai. Thức cúi xuống uống những giọt nước mắt của người con gái, dứt khoát quay mặt bước đi.
Đi một đoạn xa quay nhìn lại, Thức thấy nàng rũ xuống như cây sơn thảo gẫy gục bên bờ vực. Kiếm chàng khi thành tưụ, trước khi vào thiên hạ, đã cắt phải một người!
    Năm tháng qua đi. Mải mê cùng khói lửa, Thức quên cả thời gian. Thiên hạ ngày càng đổi đời. Xong một việc lại bày ra muôn việc khác. Thức như lạc chốn biển người. Có những lần anh tạm thoả chí khi có tiếng âu ca thanh bình đâu đó. Rồi ngoài xa mịt mờ, tai ách lại réo gọi anh đi. Thức mãi miết sống làm anh hùng. Và sắc kiếm hình như cũng phai mờ do lỗi lầm của năm tháng chồng chất.
Một hôm anh dừng chân bên bờ suối soi dung mạo. Thức giật mình: Thật đã khác xưa! Khói lửa nhân gian đã trụ trên gương mặt phong sương cằn cỗi. Chàng thấy mình già. Rồi cơn gió thu thổi đến gợi nhớ ngày xưa…
“Kiếm sẽ hư nhược nếu người ta cứ muốn mãi làm anh hùng...” Lời thày dặn năm xưa còn văng vẳng bên tai. Thức chợt ngộ, nhận ra mình bất xứng. Giữa đêm thanh vắng muôn vàn tinh tú, chàng nhận ra rằng phải muôn ngàn kiếm cùng tung hoành may ra mới đủ. Và Kiếm đạo cho cùng cũng chỉ là trò chơi của kẻ muốn vượt cao hơn người, nhưng đi vào loài người sao tránh khỏi điều không trọn vẹn. Thức suy nghĩ mấy đêm, rồi rửa tay ra khỏi việc đời, tìm đường về lối cũ.
Thức tìm đường lên núi. Bốn bề vẫn khói sương hiu quạnh. Hỏi người gần xa, ai cũng lắc đầu không biết dấu tích người năm xưa. Đỉnh núi bây giờ chỉ còn là sương mù mây xám. Sân đá ngày xưa vẫn loang loáng ánh trăng. Thời gian không biết đã đi rồi quay lại bao lần.Thức uống rượu ba đêm liền. Chàng quên ngọai cảnh, quên bản thân, quên cả sự sống chết. Tình yêu, công danh, sự nghiệp, ưu hận đều là không. Thức bỗng giác ngộ. Đêm thứ tư chàng múa một bài kiếm, rồi chôn kiếm bỏ đi. Bên tai chàng văng vẳng từ thế giới tâm linh nào đó:
Này con, Ta có mấy lời tâm huyết, hãy nghe mà lập tâm lập hạnh, và nếu có sa vào chốn ngũ trần, vẫn thong dong tự tại. Phàm đã tu Phật, một niệm phóng đi đã tác thành nhân quả, nghiệp báo.
    Dân cư quanh vùng thường kể cho nhau nghe chuyện những đêm trăng trên đỉnh núi, phát ra luồng khí xanh biếc lạnh lẽo và văng vẳng có tiếng than khóc của người đàn bà.

Trung Đạo