Chẳng Nợ Nần Nhau

Cứ mỗi hai tuần tôi lại vào “Nursing home” để thăm bà Julie, người bảo trợ gia đình tôi từ trại tỵ nạn sang Mỹ. Lần này gặp tôi, bà hớn hở báo tin:
-Tao mới biết ở trong đây có một người Việt Nam.
Không chờ tôi hỏi, bà nói tiếp:
-Tội nghiệp, anh này chỉ chừng ba mươi mấy tuổi, nghe nói bị “stroke” nên liệt nửa thân người.
Bà Julie có thói quen hay kể chuyện những người xung quanh bà cho tôi nghe, dù tôi chẳng biết họ là ai. Nào là chuyện ông Brown, chuyện bà Jackie, rồi chuyện cô y tá Sandy lén lén nhéo tay mấy người già hay la hét, dãy dụa... Tôi thường im lặng chăm chú nghe. Những lúc đó bà vui lắm, vì có dịp để nói. Nghe thì nghe chứ có mấy khi tôi nhớ hết. Hôm nay, nghe đến hai chữ Việt Nam tôi cũng tò mò nên hỏi thêm:
-Ông ấy vào đây lâu chưa?
-Chắc chừng vài tháng, nhưng tao mới nghe kể cách đây hai tuần.
Rồi bà thở dài:
-Ôi! Căn bệnh quái ác, nó tàn phá tương lai, cuộc đời của người tuổi trẻ đang dồi dào sức sống...
Bà tiếp tục than thở dùm nạn nhân. Một lúc sau bà kéo tay tôi chỉ về phía cửa:
-Kìa, con Sandy đang đẩy xe anh ấy tới kìa.
Tôi quay lại, nhìn ra cửa. Sững sờ vài giây, tôi bàng hoàng kêu lên:
-Thiều!
Người đàn ông ngồi trên xe lăn nhìn tôi, khuôn mặt tái xanh, đôi môi mấp máy không ra lời.
Bà Julie đập vai tôi:
-Mày biết anh ta hả?
Tôi gật đầu trong nỗi bàng hoàng chưa dứt:
-Bạn tôi, một người bạn rất thân.
Nước mắt tôi chợt ứa ra. Bà vỗ nhẹ lưng tôi rồi khập khễnh bước đi. Tôi và Thiều nhìn nhau. Ngỡ ngàng. Chua Xót.
Mười hai năm rồi. Mười hai năm, Thiều rời xa tôi và thành phố quen thuộc này không một lời từ giã, không một lá thư để lại. Mười hai năm, tôi về làm dâu nhà người mà lòng vẫn trĩu nặng mối tình xưa.
Tôi và Thiều quen nhau từ thời trung học. Lúc đó, gia đình Thiều từ Việt Nam mới qua, chưa có xe nên Thiều phải lội bộ từ nhà đến trường -vì đoạn đường từ nhà Thiều đến trường chưa đầy hai “miles” nên không xin được xe bus- Có những ngày mùa đông lạnh lẽo, chạy xe từ xa tôi đã thấy cái dáng lêu khêu của Thiều co ro trong từng bước chậm chạp. Tôi kể cho ba nghe và xin ba cho phép Thiều quá giang. Ba tôi đồng ý. Thế là mỗi ngày ba tôi ghé qua “apartment” Thiều đang ở để đón anh. Ba tôi rất thích Thiều, vì anh giữ đúng khuôn phép lễ nghĩa Việt Nam. Thiều nói năng từ tốn, dạ thưa đàng hoàng. Mỗi khi chào ba má tôi, anh thường vòng tay một cách kính cẩn. Ba hay nói với chị em tôi "cố mà học lấy tính tình của anh Thiều". Nhờ cảm tình đặc biệt đó mà khi tôi và Thiều thật sự yêu nhau, ba má tôi rất vui.
Gia đình Thiều còn theo nề nếp cổ kính nên có vẻ không thích tôi, một đứa con gái không được dịu dàng, đằm thắm, e lệ, thẹn thùng như các thiếu nữ Việt Nam ngày trước. Tính tôi tự nhiên, nên có lần đến nhà Thiều, mẹ Thiều vừa lên tiếng mời ở lại ăn cơm là tôi ngồi ngay vào bàn. Thêm một điều, vì gia đình tôi là người Nam, nên tôi cũng không có thói quen mời mọi người trước khi cầm đũa. Vậy là tôi cứ thản nhiên gắp thức ăn cho vào chén, trong khi mọi người chưa kịp mời nhau. Lần đó, coi như tôi mất điểm đối với gia đình Thiều. Tuy vậy, ba mẹ Thiều không lên tiếng phản đối. Vì dù sao, trong bước đầu khó khăn ở đất nước xa lạ này, tôi cũng là người đã giúp đỡ gia đình Thiều rất nhiều.
Sáu năm sau, khi đã hoàn tất chương trình đại học, có việc làm ổn định, tôi và Thiều dự định tiến tới hôn nhân thì sóng gió bắt đầu nổi lên. Gia đình tôi đạo Công giáo, gia đình Thiều đạo Phật, cả hai bên đều giữ đạo của mình một cách quyết liệt. Thiều nói với tôi, anh không câu nệ chuyện tôn giáo, vì đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành, nhưng vì anh là con trai trưởng, là cháu đích tôn trong dòng họ, sau này sẽ phải lo việc thờ cúng tổ tiên, nên không thể bỏ đạo mình để theo đạo vợ. Ba má tôi thì không đồng ý cho tôi lấy chồng ngoại đạo. Gia đình Thiều bắn tiếng "Nếu không chịu đạo ai nấy giữ thì không cưới". Ba tôi nói "Hai vợ chồng không cùng tôn giáo thì có ngày con cũng sẽ bỏ đạo". Tôi và Thiều tơi tả trong trận chiến ngôn ngữ. Với tính thẳng thắn và dứt khoát, tôi buộc Triều phải quyết định. "Quyết định có nghĩa là phải lựa chọn. Chọn em hay chọn gia đình, điều nào cũng làm anh khó xử". Thiệu ôm đầu khổ sở. Tôi nước mắt ngắn dài.
Chưa hết! Mấy cô em của Thiều còn rêu rao tôi lợi dụng chuyện ơn nghĩa để buộc Thiều chống lại gia đình. Đã thế, họ còn chê bai tôi đủ điều, rằng tôi xấu xí, không có ma nào đếm xỉa tới nên đeo riết lấy Thiều. Tự ái bùng lên, tôi buộc Thiều phải quyết định gấp, nếu không tôi và Thiều phải chia tay. Cuối cùng, Thiều đã mạnh dạn cho bố mẹ của anh biết anh không thể thiếu tôi trong cuộc sống. Tôi vui mừng đến ứa lệ khi đo lường được tình yêu Thiều dành cho tôi. Niềm vui chưa trọn thì tôi được tin mẹ Thiều tự tử để phản đối hành động bất hiếu của Thiều. Tôi ngỡ ngàng tự hỏi, đây là sự thật hay chỉ là dàn cảnh để buộc Thiều phải thay đổi quyết định. Dù sao tôi vẫn cảm thấy lòng mình ray rứt, lo âu. Tôi gọi điện thoại cho Thiều, ngỏ ý muốn đến thăm mẹ Thiều trong bệnh viện, nhưng anh can ngăn tôi.
"Cám ơn em. Nhưng tốt nhất em đừng đến vào lúc này".
Tôi nghẹn ngào:
"Anh giận em phải không?".
Giọng Thiều ngọt ngào, tha thiết hơn bao giờ hết:
"Anh yêu em. Cho dù thế nào, em cũng là người anh yêu thương nhất".
Đó là câu cuối cùng Thiều nói với tôi. Suốt một tuần tôi gọi điện thoại, Thiều không bắt máy. Hai tuần sau thì số điện thoại bị cắt. Rồi tôi được tin Thiều đã rời bỏ thành phố này. Tôi căm giận Thiều. Mới ngày nào anh còn nói tôi là người anh yêu thương nhất mà bây giờ anh lại lìa xa tôi một cách thật dễ dàng. Gia đình Thiều thắng lớn, em gái Thiều nghênh ngang nói với mọi người "Bà Trâm bị anh Thiều cho 'de' thật mất mặt. Để xem bả có lấy chồng nổi không". Tim tôi đau buốt, nhưng bề ngoài cố làm ra vẻ thản nhiên. Thản nhiên đến độ, chỉ bốn tháng sau tôi quyết định kết hôn với Vinh -người đã theo đuổi tôi từ lâu. Má tôi khóc khi nghe quyết định của tôi. Bà nói:
"Con đừng vội vã quá sau này sẽ khổ. Vinh biết rõ chuyện của con với Thiều thì sau này khó mà có hạnh phúc".
Tôi mím chặt môi để đánh ván bài định mệnh:
"Mỗi người đều có số mạng, nếu Chúa định cuộc đời con hạnh phúc thì lấy ai con cũng có hạnh phúc, má đừng lo".
Ngày tôi và Vinh trao nhẫn cưới, tôi thầm nhủ, phải quên hết chuyện cũ để tròn phận vợ, bắt đầu một cuộc sống mới như lời nhạc xót xa "người con gái cũng cần dĩ vãng mà em tôi chỉ còn tương lai".
Gần mười hai năm trôi qua, tôi được sống êm ấm trong tình yêu thương đầy bao dung của Vinh. Anh không bao giờ hỏi han, nhắc nhở quá khứ của tôi dù anh biết rất rõ. Tôi chôn sâu dĩ vãng vào tận đáy lòng, cố gắng để tâm tư mình đừng trôi ngược dòng kỷ niệm. Vậy mà ngày hôm nay. Ngay phút giây này tôi lại đối diện với Thiều. Tôi muốn bước đi thật nhanh nhưng lòng không nỡ. Nếu anh đang vững vàng, khỏe mạnh có lẽ tôi sẽ dễ dàng quay bước, bởi tôi không muốn làm vẩn đục niềm hạnh phúc tôi đang có trong tay. Nhưng khi nhìn thấy Thiều ngồi đây, phân nửa thân người nghiêng xuống nặng nề trên chiếc xe lăn buồn bã, đơn độc, chân tôi như có ai níu giữ lại. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, im lặng nhìn Thiều. Tôi muốn hỏi anh chuyện gì đã xảy ra, sao ngày xưa anh lặng lẽ bỏ đi mà không cho tôi được một lần tiễn anh buồn sa nước mắt. Và ngày nay, sao anh lại cô độc ở chỗ này. Nhưng nhìn đôi môi anh mấp máy, khó khăn lắm mới thoát ra được hai chữ "xin lỗi", tôi không đành. Thôi thì... dù là lý do nào đi chăng nữa thì tôi và Thiều cũng đã hai con đường ngăn cách, tôi cũng đã là vợ Vinh, dù tôi không yêu Vinh cuồng nhiệt như đã từng yêu Thiều.
Mười mấy năm nay, tôi cố quên chuyện buồn đau ngày cũ, cố quên Thiều như tôi từng muốn quên. Nhưng bây giờ. Ngồi đây. Đối diện với Thiều trong hoàn cảnh nghiệt ngã này, tôi bỗng muốn được gần gũi, chăm sóc, an ủi Thiều như ngày xưa chúng tôi đã từng có nhau. Tôi không ngăn được ước muốn đó, nên khi người y tá ra hiệu phải đẩy Thiều về phòng, tôi nắm tay Thiều hứa hẹn:
-Em sẽ đến thăm anh mỗi tuần, em sẽ lo lắng cho anh...
Chiếc xe lăn chuyển bánh, mang Thiều đi xa dần. Không biết Thiều có nghe lời tôi nói, có hiểu nỗi niềm sâu kín trong lòng tôi? Tôi cúi đầu đếm từng bước thẩn thờ ra cửa. Thật bất ngờ, tôi chạm mặt mẹ và em gái Thiều ngay đó. Mối hận xưa tràn về, tôi đanh mặt lại, nhìn thẳng vào mặt họ bằng đôi mắt tóe lửa. Không một câu chào hỏi cho đúng phép lịch sự, tôi quay đi như chưa hề quen biết. Dẫu sao, tôi cũng chỉ là một con người tầm thường, nên tôi không thể học đòi cách xử sự cao thượng để làm người quân tử.
Đến tuần lễ hẹn với Thiều tôi thấp thỏm chờ đợi. Chỉ còn một ngày nữa thì được tin mẹ Vinh bệnh nặng, chúng tôi phải tức tốc bay về New York. Khi trở lại nhà, tôi hối hả tìm cớ nói dối Vinh:
-Em phải vào thăm bà Julie, không biết có chuyện gì mà bà ấy nhắn em.
Vinh đưa tôi ra cửa, thấy trời mưa như trút nước anh nói:
-Anh phải đưa em đi, trời mưa lái xe nguy hiểm lắm.
Tôi thoái thoát:
-Không sao, em sẽ chạy cẩn thận. Anh trông con dùm em. Mưa thế này mà mang con ra xe tội nó.
Trên đường đến ”Nursing home” lòng tôi bồn chồn không yên. Tôi cảm thấy có lỗi với Vinh. Nhưng rồi tôi lại tự biện hộ, tôi không làm điều gì sai quấy, chỉ là an ủi một người tật nguyền đang cần được an ủi.
Bước đến phòng Thiều, tôi ngỡ ngàng nhìn chiếc giường trống trơn. Hỏi người y tá thì được biết người nhà đã mang Thiều về. Tôi đi ra bãi đậu xe dưới cơn mưa tầm tả. Những bước chân về chầm chậm, không vội vã như những bước chân đi làm lòng tôi lắng xuống. Ngước mặt lên trời, hứng lấy những giọt mưa lạnh buốt, tôi như chợt tỉnh. Tôi đã thoát một cơ hội để phạm tội ngoại tình, dù chỉ là ngoại tình trong tư tưởng. Bởi vì chính tôi cũng không dám bảo đảm với tôi rằng, sẽ không bao giờ xảy ra chuyện "tình cũ không rủ cũng đến". Lòng thương hại đôi khi cũng là một hiểm nguy chẳng thể lường trước được.

Ngân Bình