Quê Hương Là Mùa Xuân

Thời buổi kinh tế càng ngày càng khó khăn. Đầu năm một tờ báo Mỹ đã in một tít lớn trên trang nhất : “Năm nay là năm của của đạm bạc, tiết kiệm”. Thế nhưng chợ búa ngày cuối tuần vẫn đông người, người ta phải ăn để mà sống và làm việc. Đi chợ Việt Nam càng đông vui hơn vì ngày Tết âm lịch sắp đến. Năm nay Tết đến sớm, nên coi như liên tục từ lễ Thanksgiving, Giáng Sinh, New Year, là đến Tết.
Tôi bước vào chợ Việt Nam, ngay phía trước là dãy bàn bày bánh mứt đủ loại, hộp tròn hộp vuông, kiểu lớn kiểu nhỏ, màu sắc đỏ rực rỡ, chưa cần biết chất lượng bên trong, nhìn mẫu mã bên ngoài đã đủ thích mắt rồi, và ai mà không khỏi xao lòng nhớ về quê hương, người thân hay bạn bè nơi phương trời xa cách trong dịp năm hết Tết đến này?
Tôi muốn mua các món trước rồi mới thong dong ngắm hàng Tết sau. Đến trước quầy cá, nhìn đàn cá sống đang bơi lội trong hồ nhởn nhơ, hạnh phúc, tôi tự hỏi chắc lũ cá chẳng ngờ rằng đang bị lọt vào tầm ngắm của mấy bà nội trợ, và sắp sửa bị đập đầu, lột da, cắt khúc làm vừa miệng con người. Mà thôi, chẳng có thì giờ đâu đứng giữa chợ suy nghĩ triết lý nhân qủa của đạo Phật, tôi cũng hớn hở order:
- Anh ơi, lấy cho tôi một con Catfish chừng 4-5 pound, nhé!
Mấy anh thợ cá hầu hết là người Mễ, to lớn trẻ trung và đẹp trai nữa, anh vớt cá trong hồ và làm cá thoăn thoắt, giỏi hơn cả các bà nội trợ chuyên nghiệp, chứ đừng nói gì đến loại vụng về như tôi. Tấm áo khoác đồng phục màu trắng của anh vương máu cá và ướt sũng nước, trông thật vất vả tội nghiệp. Nhưng chiều tối, khi hết giờ làm việc, các anh Mễ trẻ trung kia ra về với bộ dáng khác hẳn, quần jean, áo sơ mi, chân đi giày ủng và đội mũ kiểu Mễ, hào hoa phong nhã như một nghệ sĩ vừa đi trình diễn về. Tôi biết điều ấy, vì có hôm tôi đến chợ vào sát giờ đóng cửa và gặp một anh Mễ ngoài cửa chợ, gương mặt quen quen, anh ăn mặc thật bóng bẩy, nụ cười tự tin, mãi tôi mới nghĩ ra đó là anh thợ làm cá mà tôi từng thấy mặt mỗi tuần, vất vả và nhếch nhác.
Chẳng cần biết tiếng Việt Nam hay không, một anh Mễ lấy vợt ra vớt một con cá giơ lên cho tôi thấy như muốn hỏi: “Nè, chịu con này không?”. Tôi gật đầu và yêu cầu ngắn gọn, nhưng vô cùng….tàn nhẫn:
- Lột da, chặt đầu, cắt khúc nhỏ….
Một chị đứng bên cạnh, đeo kính cận ra dáng một nhà giáo, nói với tôi:
- Chị nói tiếng Việt Nam anh Mễ kia hiểu được không?
- Chị khỏi lo, nếu không hiểu thì đã có ngôn ngữ quờ quạng bằng tay, bằng cử chỉ rồi. Mỗi ngày đứng trong quầy cá nghe những người Việt Nam nói những câu tương tự như thế hàng trăm lần nên mấy anh Mễ thuộc làu. Đấy, anh ta có thắc mắc gì đâu? chỉ có chị là thắc mắc thôi.
“Cô giáo” nhìn anh Mễ làm xong con cá cho tôi đúng như ý, cô mới tin và cũng xài luôn tiếng Việt Nam :
- Này anh, bắt cho tôi con cá này đi.
Xong cô dặn dò và yên chí bỏ đi mua những món hàng khác, lát nữa sẽ quay lại lấy cá .Thế là các bà nội trợ Việt Nam vừa duy trì tiếng Việt vừa truyền bá tiếng Việt cho những chàng trai Mễ rời xa quê hương sang Mỹ, có lẽ theo diện xuất cảnh làm việc để kiếm tiền gởi về quê nhà. Những ông bà chủ Việt Nam thích thuê nhân công người Mễ, trả tiền công rẻ và nhất là họ trẻ, khỏe, cần việc làm nên chăm chỉ, không tự ái như người Việt Nam mỗi khi bị chủ bực mình phê phán. Thế nên sự hợp tác làm ăn giữa chủ và thợ mới bền lâu.
Nhiều ông bà người Việt Nam đi làm công, làm thuê nhưng vẫn mang theo mình qúa khứ xưa kia ở Việt Nam là ông này bà nọ, hay hiện tại nới xứ Mỹ con cái họ đã ăn học thành đạt, họ đi làm cho chủ là người Việt Nam để kiếm tiền mặt vì tham công tiếc việc mà thôi.
Khi tôi trở lại gian hàng bánh mứt thì gặp một chị bạn, chị Hà đang đứng bên cạnh một bà gìa mặt mày tươi vui hớn hở, tôi đoán là bà mẹ chồng. Tôi đã nghe tin vợ chồng chị mới bảo lãnh mẹ chồng từ Việt Nam qua Mỹ theo diện du lịch thăm thân nhân, nhưng mới được một tháng thì bà cụ buồn chán, khóc lóc đòi về, thế mà hôm nay phép lạ nào làm bà cụ tươi vui thế kia?
Bà cụ ngắm nghía món này và sờ món khác, hay là bà đã quen với nếp sống bên Mỹ và đang hân hoan chào đón cái Tết đầu tiên nơi xứ người?
Tôi đến bên chị Hà, chị giới thiệu ngay:
- Đây là mẹ chồng tôi mới từ Việt Nam qua chơi.
Tôi chào bà cụ và tò mò:
- Nhìn bác vui thế này, cháu biết là bác yêu nước Mỹ rồi. Bác định mua món gì cho ngày Tết đây?
Bà cụ than thở ngay:
- Cháu ơi, Tết nhất gì với mấy hộp bánh mứt này hả cháu! Trong khi ở Việt Nam cả đất trời đều là Tết, người người đều đón Tết, từ thành thị đến thôn quê, rừng núi. Giờ này người ta đang tấp nập chợ búa để mua đồ về làm bánh làm mứt hay muối dưa muối kiệu rồi.
Tôi ngạc nhiên ghé tai chị Hà nói nhỏ:
- Thấy bà đi chợ vui vẻ, tưởng bà quen nếp sống ở Mỹ rồi?
- Quen gì! Bà cụ vui như Tết vì ngày mai lên máy bay về Việt Nam đấy.
Chị Hà kéo tôi ra xa, tâm sự:
- Anh ấy bảo lãnh mẹ qua Mỹ 6 tháng, thời gian làm giấy tờ bà giục giã, náo nức mong đi Mỹ để gặp con cháu và họ hàng. Vậy mà mới ở Mỹ được một tháng bà đã than buồn và đòi về, anh ấy phải năn nỉ mẹ đằng nào cũng mất công và mất tiền vé máy bay sang đây, thì mẹ cứ ở chơi thêm, bà đành chịu trận ở đúng 3 tháng. Hôm nay coi như bà …mãn hạn tù và trở về đoàn tụ với con cháu khác ở quê nhà.
Thì ra thế! Tôi thông cảm chia sẻ với bà cụ:
- Cháu chúc bác về Việt Nam mạnh khỏe, vui vẻ nhé.
Bà cảm động, “an ủi” lại tôi:
- Thôi thì bác cũng chúc cháu ở lại vì t ương lai các con, cháu hãy ráng mà vui sống trên xứ Mỹ rộng lớn giàu có nhưng thiếu tình người này. Nhà ai nấy ở chẳng có tình cảm hàng xóm láng giềng gì cả..
- Bác ơi, lối sống của họ như thế, không có nghĩa là họ không có tình cảm đâu. Biết bao người Mỹ đã đóng góp tiền của cho xã hội, cho những người nghèo khó, không phân biệt màu da chủng tộc.
- Bác chẳng trông thấy những điều xa vời đó, chỉ muốn thấy mặt bà hàng xóm, chuyện trò, chạy qua lại thăm hỏi nhau như ở Việt Nam mà thôi.

*************

Chồng tôi cũng từng có ý định bảo lãnh mẹ sang Mỹ sinh sống, bà có hai người con trai, chồng tôi là con trai lớn, bà đang sống với vợ chồng thằng út ở Việt Nam, gia đình nó chẳng khá gỉa gì, chồng dạy học lương ba cọc ba đồng, vợ phải bươn chải bán buôn đủ thứ để nuôi đàn con ba đứa, cuối cùng tạm ổn định với nồi cơm tấm nơi đầu ngõ. Sáng sớm bà cũng phải dậy phụ việc với con dâu cho đến trưa, đã vậy cô con dâu thỉnh thoảng còn đành hanh sinh sự với mẹ chồng. Thấy mẹ vất vả, chồng tôi muốn báo hiếu đưa mẹ sang Mỹ vừa hưởng nhàn vừa hưởng cuộc sống vật chất sung sướng hơn, nhưng bà từ chối, bà nói rằng con nào bà cũng thương cũng muốn gần gũi, nhưng thằng út vất vả n ên bà muốn sống với nó để đỡ đần vợ chồng nó. Cuộc sống chung đụng nào chẳng có va chạm, con dâu đành hanh chỉ là chuyện thường, cũng có lúc nó sẽ hiểu bà khi người ta sống bằng tấm lòng. Bà chưa đến Mỹ lần nào nhưng có một bà chị họ của bà đi Mỹ về kể lại cũng đủ cho bà một quan niệm sống nơi xứ người của những người lớn tuổi.
Về đến nhà tôi kể chuyện mẹ chồng chị Hà cho chồng tôi nghe. Anh nói:
- Có lẽ hầu hết những người gìa ở Việt Nam không thích hợp đời sống bên Mỹ em ạ , nên anh không còn áy náy khi mẹ từ chối không đi Mỹ nữa.
- Anh có nhớ mùa Đông năm ngóai mình đi Chicago chơi không?, trời lạnh căm căm, tuyết mấy ngày trước vẫn còn trắng hai bên đường hay từng góc phố. Đến khu chợ Việt Nam, mình vừa xuống xe, thấy xe bên cạnh cả gia đình kéo nhau đi chợ, có bà mẹ gìa quấn mình qua mấy lớp áo ấm, theo con cháu bước từng bước khó nhọc trên con đường còn dính băng tuyết vì sợ ngã để vào chợ. Em nghĩ, bà chẳng có nhu cầu mua sắm gì ngoài chuyện đi theo con cháu cho đỡ buồn vào ngày cuối tuần, dù là trời mưa, trời tuyết. Đi chợ hay đi chùa chiền, nhà thờ cũng thế, là dịp để các cụ gìa được gặp gỡ đồng hương, được nói và nghe tiếng Việt Nam , mà cả ngày ở nhà, con cháu đi làm đi học, các cụ chỉ thui thủi một mình.
- Đúng đấy, ở Việt Nam các ông gìa bà cả chủ động được mọi thứ trong sinh hoạt hàng ngày, đi đây đó và giao tiếp với xã hội, với mọi tình huống, nên họ mạnh khỏe và tự tin hơn.
- Chị Hà kể rằng chị đã dẫn mẹ chồng đi mall sang trọng và đầy ắp hàng hóa thế mà bà cụ chẳng hề vui thích, chẳng hề chóang ngợp, chẳng thèm quan tâm tới món nào cả.
Chồng tôi phải bật cười:
- Chị Hà chẳng biết tâm lý người gìa, họ đâu trẻ trung mà thích vào mall mua sắm. Thà bà ở Việt Nam , ra đầu ngõ ăn một tô bún riêu hay sang nhà hàng xóm bên cạnh nói chuyện còn thú vị hơn nhiều. À, trong cuốn băng Vân Sơn mình vừa mới coi, chủ đề “Quê hương gặp lại” quay tại Florida cũng đủ thấy cái tình quê hương trong đó qua những vườn rau, vườn trầu, vườn cây trái nhiệt đới của những người Việt Nam . Họ không thể trở về Việt Nam thì họ mang một góc quê hương Việt Nam vào cuộc sống nơi xứ người.
Tôi reo lên:
- Anh nhắc em mới nhớ, để em gọi cho nursery của người Việt Nam hỏi xem có bán giống cây nhãn như trong băng Vân Sơn không anh nhé?.
- Ngay sau khi coi xong cuốn băng “Quê hương gặp lại” em đã có ý định dọn đi Florida làm nghề vườn trồng nhãn cơ mà? Thế em không muốn dọn đi Florida nữa hả?
- Anh đừng có trêu chọc em. Em đổi ý rồi, vẫn ở lại Texas này và mua cây nhãn về trồng. Anh hãy thử tưởng tượng nhà mình có một cây nhãn đến mùa xum xuê qủa như nhà vườn trong băng Vân Sơn, lúc nào muốn ăn ra vườn hái. Thích không?
- Em cứ bỏ tiền ra chợ “hái” là nhanh nhất. Trồng trọt làm gì cho mệt.
Tôi lườm ông chồng “hoang phí “ của tôi một cái và tìm số phone của nursery Việt Nam để gọi:
- Chào ông chủ vườn, ông có bán cây nhãn không?
Ông chủ vườn hỏi lại tôi:
- Chị lại vừa mới coi băng Vân Sơn Florida chứ gì? Đã có vài cú phone của cư dân vùng Dallas , Texas này sau khi coi băng Vân Sơn chủ đề “Quê hưông gặp lại” gọi tôi hỏi về cây nhãn rồi. Tôi cho chị lời giải đáp nhé, để chị khỏi ước mơ, nếu nơi đây trồng được nhãn thì chẳng đợi đến băng Vân Sơn Florida ra đời, chúng ta đã có nhãn ê hề, các chợ Việt Nam khỏi cần mua nhãn tươi từ Florida chở đến đâu.
Tôi thất vọng cố hỏi thêm:
- Nghĩa là Texas không trồng được nhãn hở ông?
- Vâng, mặc dù Texas không có tuyết, nhưng khí hậu nóng lạnh khác thường không thích hợp cho cây nhãn, ngoại trừ vài nơi gần biển khí hậu ôn hòa hơn.
Tôi buông phone, chồng tôi nói chơi mà đúng thật. Mỗi độ tháng 9 khi mùa nhãn chín rộ, thích ăn thì đành ra chợ “hái” với gía $3.99 hay $4.99 một pound, mà lại kèm theo cả lá, cành cho đẹp và…nặng ký thêm, tùy theo tấm lòng rộng hẹp của chủ chợ muốn lời nhiều hay ít.
Tôi thở dài:
- Ôi, có những giấc mơ bình thường, mơ được trồng cây, chủ một vườn nhãn mà cũng không xong !
- Tội nghiệp em! Anh biết em đang mơ ước được làm vườn, chân tay vất vả, nhưng mà người làm vườn triệu phú cơ, chủ một vườn nhãn rộng mấy chục acre, vừa thu hoạch huê lợi làm giàu vừa được ăn thả giàn không tốn tiền.
Tôi cãi:
- Thấy người Việt Nam mình thành công thì em muốn noi gương bắt chước, là điều tốt thôi.
- Nếu em bắt chước được là may, đằng này em chỉ bốc đồng hứng chí lên như qủa bóng vừa mới được bơm hơi ai biết sẽ xẹp lúc nào? Lần coi băng Vân Sơn Texas quay cảnh trại gà, người ta thu hoạch huê lợi cả triệu đồng mỗi năm, em cũng tính tóan chuyện dọn về nông thôn mua gà, mua chuồng trại, nhưng số tiền bỏ ra qúa lớn, vượt tầm tay em mới chịu thôi không bàn gì tới chuyện gà qué nữa. Bây giờ em lại đòi làm vườn, dù cả đời em chưa bao giờ biết trồng trọt là gì. Mỗi mùa hè em sai anh trồng mấy ây ớt, mà em còn than van nhăn nhó khi “thu hoạch” vài trái ớt chín
Tôi chịu thua:
- Em đã bỏ ý định nuôi trại gà và dọn đi Florida trồng nhãn rồi, chỉ vớt vát trồng một hai cây nhãn tại nhà mình để ăn chơi thôi. Đó cũng là tình quê mà anh.
Rồi tôi mang mấy hộp mứt mới mua ở chợ ra khoe với chồng:
- Thôi, bỏ chuyện nuôi gà, trồng nhãn đi, nói chuyện thực tế đây nè, chúng ta lại sắp sửa đón một cái Tết nơi xứ người,chỉ còn hai tuần nữa thôi. Anh xem mấy món này ngon không?
- Toàn là mứt cao cấp nhập từ Đài Loan, Việt Nam , ngon đấy, đẹp đấy, nhưng cũng chỉ là tượng trưng vì thiếu cái hồn quê, đó là lý do tại sao những người lớn tuổi sống ở Mỹ, họ không hội nhập được với nước Mỹ, nên lòng luôn canh cánh hướng về quê nhà.
Tôi vừa sắp xếp những hộp mứt, hộp trà lên bàn thờ vừa nói:
- Mẹ chồng chị Hà ngày mai bay về Việt Nam thì tha hồ vui Tết anh nhỉ?
Chồng tôi nhấn mạnh:
- Chẳng cứ gì ngày Tết, về đến Việt Nam, được sống ở Việt Nam là vui cho tuổi gìa rồi, vì quê hương là mùa Xuân bất tận mà em.

Nguyễn Thị Thanh Dương