"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Mối Tình Đầu Của Tôi

.

Tôi chỉ quen cô bé chỉ có hai năm. Những ngày thơ dại đó vẫn còn phảng phất trong trí nhớ như sương khói bây giờ của tôi, nhiều thập niên sau.

Nhớ lại, tôi nghĩ rằng tôi và cô ta bằng tuổi nhau, hay chỉ có thể hơn kém nhau một tuổi thôi. Vào một ngày trong năm học lớp năm, ngày xưa gọi là lớp nhất, tôi quen cô ta. Lúc đó, biết rằng cô học khác trường nhưng cũng ở lớp năm. Nhà tôi ở một xóm gần nhà cô ta, cùng quanh quẩn ở Xóm Chuồng Bò trong các hẻm đường Nguyễn Thông nối dài. Bây giờ, có lẽ đường này đổi tên rồi, vì Sài Gòn đã đổi rất nhiều tên đường, sau khi phân chia lại các quận và phường.

Gọi “cô ta” chỉ là thói quen của chữ viết. Thực ra, lúc đó và bây giờ, cả trong suy nghĩ, vẫn gọi cô ta là “nhỏ Minh.” Đúng kiểu con nít Sài Gòn là thế, nghĩa là con nhỏ tên Minh. Nhưng hồi đó, khi nói chuyện, tôi vẫn không thể nói được ngôn ngữ bình thường như với những người bạn khác, nghĩa là không gọi đúng tên “Minh,” mà cứ phải đệm một chữ nữa, có vẻ như thế mới êm tai hơn, như “Minh này.” Tại sao phải nói thế, bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi.

Thí dụ khi nói chuyện, tôi nói, “Minh này, hôm qua đi học thế nào...” Và không bao giờ tôi gọi đơn giản là, “Minh, hôm qua đi học thế nào.” Có vẻ như, đứng trước con nhỏ Bắc Kỳ gầy nhom đó, tự nhiên tôi trở thành một thằng nhóc khác lạ.

Ngược lại, cô bé không bao giờ gọi đúng tên tôi. Lần đầu tiên gặp, cô bé gọi tôi là “Ơi... ạ ơi,” và thế rồi, gọi tôi mãi với tên đó.

Khác trường là thế này, tuy nhà chỉ cách nhau một hẻm ngoằn ngèo, vòng qua mấy bụi tre, nhưng trường tôi học là phải đi về hướng đường Kỳ Đồng, còn trường cô bé phảỉ đi về hướng ga xe lửa Hòa Hưng, tức là hướng đường Lê Văn Duyệt. Tôi chỉ biết đường Lê Văn Duyệt đã đổi tên là đường Cách Mạng Tháng Tám, còn các đường khác vẫn chưa rõ có giữ tên cũ hay không.

Con nít học lớp năm thời đó khù khờ lắm, chẳng biết gì. Tôi nghĩ, cô bé nhanh nhẹn hơn tôi nhiều, vì kiểu con gái Bắc Kỳ bao giờ cũng nhanh, cũng khéo và dĩ nhiên là lúc naò cũng xinh và như dường là ngoan hiền. Trong sân nhà cô bé có cây lê ki ma khổng lồ. Lần đó, đi ngang gần đó, tôi thấy cô bé đang đứng ở một góc mộ cổ đá tổ ong, nhón chân lên, rồi phóng người lên, mấy lần muốn chụp mấy trái lê ki ma lòng thòng... và đều trượt.

Tôi đứng nhìn, cười – mà không cười sao được, một con bé cỡ mười tuổi, gầy nhom, không dám trèo lên cây mà lại đứng trên mộ cổ cứ phóng hoài, đều trật. Cô bé nhăn mặt, nhìn tôi lại, một chặp nói, “Ơi... ạ ơi.” Tôi quay đầu ra sau nhìn, không thấy ai hết. Cô bé bảo, “Ơi... ạ ơi. Trèo lên cây, haí giùm đi, chia nhé.”

Trời ạ, giọng nói cô bé nghe như âm nhạc. Thiệt sự, tôi không hiểu gì về nhạc, cũng chưa mê nghe nhạc như sau này, vì trường học lúc đó chỉ dạy mấy bài kiểu hát làm sao cho ồn, cho vui là được, như “Hè về... trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoàì song...” và hoàn toàn không thằng nhóc nào bị than phiền là hát sai, hát trật cả. Nhưng lúc đó, tôi nghe giọng cô bé như từ trời xuống, nghĩa là từ thế giới khác, không dính chút nào với thế giới của bọn con trai chúng tôi, hễ cứ hét lên cho hết bản nhạc là được thầy giáo khen.

Tôi trèo lên cây, hái một loạt trái lê ki ma chín, đem xuống đưa cho cô bé. Cô bé chia đôi, rồi vào nhà, một ngôi nhà có những song cửa cao, kiểu các cột cao gài liền nhau. Loại cửa này bây giờ không ai xài nữa, vì người ngoài có thể nhìn vào trong nhà, và bên trong thường phải tấn thêm những tấm ván để giữ kín đaó và an toàn.

Thế là tôi quen cô bạn đầu tiên trong đời tôi, trong năm cuối bậc tiểu học, vì trường tôi chỉ toàn là con trai. Thời đó, hiếm có trường học chung trai gái, dĩ nhiên trừ bậc đại học.

Cô bé tên Minh. Và tôi cứ mãi được cô bé gọi là “Ơi... ạ ơi.” Chẳng hiểu vì sao. Sau này tôi đoán, ba của cô bé thường hát bài gì đấy, thuộc loại dân ca Miền Bắc, cứ như là có nhóm chữ “Ơi... ạ ơi,” và thế rồi tự nhiên cô bé gọi tôi như thế.

Ba cô bé cũng gầy nhom, thỉnh thoảng với tay lấy cây đàn nguyệt trên vách xuống, đàn cho tôi nghe những bản nhạc rất mực lạ lùng. Hình ảnh đó cực kỳ dị thường, in vào trí nhớ của tôi: một gian phòng trên vách có mấy tấm bảng chữ Nho, giữa là một tấm hình Đức Phật có vẻ treo cho nghệ thuật chứ không phảỉ để thờ tự, mấy cây đàn nguyệt và mấy ống sáo treo trên vách.

Tôi biết đó là dân ca Miền Bắc, nhưng chẳng làm sao nghe rõ từng lời ca được. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, nghe dân ca Miền Nam cũng không nhận rõ ra từng chữ, nói gì tới dân ca nơi khác. Nhưng tôi nhận ra một bí mật, rằng tên cô bé đặt cho tôi, “Ơi... ạ ơi” thực ra là trong một số bài dân ca bố cô ta hát.

May mà tôi còn nghe rõ mấy chữ đó, chứ còn hát bội, cải lương, hát ví, hát dặm, hát đủ thứ gì đó... thời đó là tôi chịu thua, không thưởng thức nổi. Tới mấy năm sau, khi mới vào đại học là mê liền nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương... và không bao giờ thắc mắc tại sao thời đó mình không thích cổ nhạc với dân ca.

Mẹ cô ta kẹt lại ở Miền Bắc thời năm 1954. Tôi không biết nên gọi bà cụ thế nào, vì chưa bao giờ phải xưng hô trực tiếp, chỉ nói đơn giản là “bác gái” khi nói chuyện với Thầy Ký – tôi quen gọi theo kiểu trong xóm, rằng hễ người làm công việc văn phòng như bố cô bé, là đều được gọi là Thầy Ký hết. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao gọi bác là Thầy Ký, mà không phảỉ là Thầy Hai theo lệ thường. Tôi đoán, có lẽ tên Thầy Ký là do bác hớt tóc đầu xóm đặt cho bác, thế rồi mọi người quen tên gọi như thế. Cũng không chắc là bác hớt tóc, có thể là một bác nào ưa tới tiệm hớt tóc đánh cờ tướng, rồi gọi thế chăng...

Trí nhớ mù sương của tôi không bao giờ hiểu hết mọi chuyện thời này. Nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn tới nhà nhỏ Minh để ngồi đọc sách. Bố của Minh có tủ sách đặt khắp quanh nhà. Thực ra, lúc đó có thể thuê sách về nhà đọc cũng được. Ba tôi làm ở ngành Hỏa Xa, đi theo xe lửa thường xuyên, nhưng má tôi nghiêm lắm, bắt học liên tục, chỉ tới khi vào lớp mười (lúc đó gọi là lớp Đệ Tam) mới cho tôi đọc sách thoải mái vì trên trường buộc phải tìm đọc sách của Tự Lực Văn Đoàn và thơ, truyện thời tiền chiến.

Thích thú là những khi tôi ngồi trong nhà Thầy Ký đọc sách Tam Quốc Chí, tuy thời lượng không nhiều, chỉ khoảng nhiều là một giờ một ngày, vì còn phảỉ ôm cặp chạy ù về nhà để vòng tay “thưa má, con đi học về.” Khi đọc sách, tôi ngồi trong chiếc ghế gõ gụ màu nâu, bên kia bàn là Thầy Ký có khi ngồi im lặng khảy vài nốt đàn, có khi Thầy Ký cũng đọc những cuốn sách của Thầy – chữ Hán văn (hay chữ Nôm, có Trời mà biết), chữ quốc ngữ, hay Pháp ngữ. Chúng tôi chìm đắm vào thế giới riêng của mình. Buồi chiều, nắng chiếu nghiêng qua cửa sổ, hắt lên những bàn ghế sách vở trong nhà làm mọi thứ trông y hệt như tranh cổ.

Những lúc đó, cô bé Minh đứng nấu cơm dưới bếp. Chỉ nhìn thoáng dưới bếp hình ảnh cô bé làm bếp, tự nhiên tôi thấy mình, tuy còn là nhóc tì lớp năm, nhưng cũng vào được một giai cấp thầy đồ. Nói giai cấp là không đúng, không chính xác, vì hai đứa là cùng năm học, nhiều phần là cùng tuổi... nhưng cái kiểu như thế là thế, con trai là phảỉ cầm sách đọc.

Thỉnh thoảng, Thầy Ký lấy các bưu thiếp ra xem. Những con tem, những con dấu, trên các tấm bưu thiếp, với chừng chục dòng chữ viết... Tôi quen thuộc lắm. Tôi nói với Thầy Ký, rằng ba cháu cũng có mấy tấm bưu thiếp thế này. Như thế, hoàn cảnh tôi cũng một phần tương tự với nhỏ Minh. Ba tôi người Hà Tĩnh, vào Sài Gòn từ lâu rồi, cho nên tôi sinh ở Sài Gòn. Còn cô bé Minh sinh ở Miền Bắc, do bố dẫn vào Nam hồi năm 1954.

Thầy Ký không nói chuyện nhiều, những khi tôi hỏi gì, có khi nhấp tách trà xong, một chặp sau mới nói. Có lẽ, kiểu người Miền Bắc là thế, dĩ nhiên trừ cô bé Minh, mới nói nhiều thôi.. Tôi đoán là Thầy Ký ưa thích tôi hơn những đứa trẻ trong xóm, vì không đứa nào được đặc quyền ngồi trong nhà Thầy Ký, để được cầm sách đọc say sưa như tôi.

Nói đọc say sưa là chưa nói đầy đủ. Vì tôi cầm những cuốn sách đó rất trang trọng, lật từng trang rất là khẽ khàng; ngay cả khi đặt sách xuống bàn, cũng đặt từ từ, chậm rãi như sợ những đoàn chiến binh cỡi ngựa của Quan Vân Trường rớt ra ngoài trang giấy. Không ai dạy tôi cách cầm sách như thế, nhưng chỉ là bắt chước Thầy Ký thôi.

Mấy ngày sau lần đầu gặp cô bé, tôi tự động leo cây và hái trái lê ki ma xuống, đưa cả rổ vào cho Thầy Ký. Cô bé đứng nhìn và cười. Tôi thấy hạnh phúc chiếu ngời trong mắt cô bé, dưới làn tóc cắt ngắn, một kiểu tóc được bọn nữ sinh thời đó ưa thích. Thầy Ký bảo rằng, đừng nên trèo cây, nhỡ té là nguy. Hôm sau, Thầy Ký làm một cây tre dài, nơi đầu có móc sắt và giỏ nhỏ, để ở góc nhà. Từ đó, tôi tự thấy có nhiệm vụ, hễ trái chín là ra hái cho Thầy Ký -- và dĩ nhiên, cũng là hái cho cô bé.

Đôi khi, Thầy Ký làm những bữa ăn đặc biệt. Nghĩa là, thịnh soạn hơn bình thường. Hễ thấy trên bàn có chai rượu để sẵn, tôi biết hôm đó Thầy Ký có giỗ, hay mới nhận được bưu thiếp mới từ Miền Bắc, hay có chuyện gì đấy trong lòng, nghĩa là khác với ngày thường. Tôi đọc sách chậm lắm, đúng ra, tôi không bao giờ muốn đọc nhanh, vì vẫn lo sợ khi mình đọc nhanh quá, đọc hết sách cần đọc trên các tủ sách của Thầy Ký, rồi còn cớ gì mà tới thăm nữa.

Sau này, tôi thấy niềm lo sợ đó có gì rất là tức cười, vì làm sao có thể đọc hết sách trong nhà Thầy Ký được. Sau khi cô bé dọn cơm ra bàn, Thầy Ký bảo con bé, “Con mời anh Hải ăn cơm.” Tôi bây giờ cũng vẫn ngạc nhiên, tại sao Thầy Ký không đơn giản gọi tôi, mà lại bảo cô bé mời tôi ăn cơm.

Nhưng lúc đó, cô bé bước tới gần chỗ tôi ngồi đọc sách, đứng nhìn và cười, nói, “Ơi... ạ ơi.”

Trời ạ, làm thế nào cứ mãi gọi tên tôi như thế. Khi tôi ngẩng đầu khỏi trang sách (có rất nhiều lúc, tôi giả vờ cúi mặt xuống trang sách, vì không lẽ nhìn vào mặt cô bé trước mặt Thầy Ký), và gật gù.

Nhỏ Minh nói, tới bàn ăn cơm nhé.

Tôi đứng lên và nói, ừa, Minh này, phải ăn cơm chứ.

Sau này, tôi vẫn tiếc, những khi đó, mình không nói được gì văn chương hơn, lịch sự hơn, đáng nhớ hơn. Cái chữ “ừa” nghe nhà quê thấy rõ. Cách biệt một trời một vực với cái tên cô bé gọi tôi là “Ơi... ạ ơi.”

Trong bữa cơm, cũng như hầu hết mọi khi, tôi rất kiệm lời. Chỉ nghe thôi, thế là đủ. Và bây giờ, cũng không thế nhớ đầy đủ là Thầy Ký nói những gì. Có khi ngâm hai câu thơ, có khi hát vài câu, trong khi cầm chiếc đũa cả gõ vào bàn. Có khi Thầy Ký đem cả ba chiếc đàn nguyệt xuống, để dưới ảnh Đức Phật và ngồi gật gù uống rượu; lớn lên, tôi biết đó không phải là nghi thức tôn giáo gì hết. Khi Thầy Ký uống rượu xong, là đem treo đàn lên vách trở lại. Phải chăng đây là nghi thức của nghệ sĩ dân gian Miền Bắc, tôi không hiểu.

Tôi cũng lạ, tại sao mình trở thành người duy nhất có vẻ như được Thầy Ký biệt đãi. Đâu có phải vì nhỏ Minh thích gì tôi. Chúng tôi chỉ là những đứa con nít, sắp rời bậc tiểu học thôi. Hay phải chăng, hình ảnh tôi lúng túng bên cô bé làm Thầy Ký gợi nhớ những ngày mới gặp bác gái. Có Trời mà hiểu.

Một lần, tôi thấy Thầy Ký miệt mài đọc một cuốn sách. Tôi không rõ đó là sách chữ Hán hay chữ Nôm, chỉ biết là cổ tự. Lúc đó, tôi thấy mắt Thầy Ký không rời trang giấy, nhưng đưa tay lên cầm như muốn tìm lấy tách trà để nhấp. Gần như cùng lúc với cô bé, tôi bước tới, hai tay cầm tách trà trên bàn trao tận tay Thầy Ký.

Cô bé cười hạnh phúc, cầm bính trà xuống bếp pha thêm. Khi bước lên, nói với tôi, “Ơi... ạ ơi, nhớ tiếp trà cho thầy nhé.”

Người tôi bay bổng khi nghe như thế. Hôm đó, cô bé cũng cầm một cuốn sách lên ngồi đọc. Tôi ngửi thâý mùì giấy xưa cổ, pha lẫn mùì trà thơm trên bàn, và thoang thoảng lẫn với mùi hương con gái. Nói thế nào cho dễ hiểu nhỉ... Nghĩa là, không khí lạ lắm. Một ông cụ ngồi đọc sách cổ, trong khi tôi đọc tiếp cuốn Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa – và tôi nhận ra rằng, tuy trang nào cũng gay cấn ly kỳ, nhưng ly kỳ gay cấn nhất là khi cô bé cầm sách lên và ngồi đối diện với tôi. Tôi có cảm giác như hình ảnh này không có thực, mọi thứ đều như mơ, từ nụ cười cô bé, cho tới ánh mắt, cho tới dáng ngồi đọc sách.

Khi ánh nắng chiều gần tắt, tôi đứng lên, xin phép về. Thầy Ký chỉ gật gù, mắt vẫn không rời cuốn sách đó.

Cô bé đứng lên, tiễn tôi ra cửa. Bước tới sân, cô bé nói với tôi, “Ơi... ạ ơi. Phải chi mình cứ ngồi đọc sách mãi như thế, thích nhỉ.”

Năm sau, nhà tôi dọn vào Chợ Lớn, để cho gần trường Trung Học Chu Văn An. Truyền thống lúc đó là, con trai vào trung học, phải ráng thi vào một trong hai trường lớn -- hoặc Chu Văn An, hoặc Petrus Ký.

Cô bé thi được vào Trung Học Gia Long, kể như tiện đường, vì đi xe đạp trên đường Nguyễn Thông, vượt qua Kỳ Đồng, qua Yên Đỗ là tới ngã tư trường này rồi.

Tới hè, tôi đạp xe về thăm xóm cũ, mới biết Thầy Ký dọn nhà rồi. Lúc đó, cây lê ki ma trước sân đang mùa xanh trái. Tôi đứng dươì tàng cây lê ki ma và thấy gió trong sân lạnh dị thường. Tôi ra tiệm hớt tóc đầu ngõ, hỏi xem có ai biết Thầy Ký dọn nhà nơi đâu, không ai biết cả. Từ đó, lâu lâu, tôi vẫn đạp xe quanh trường Gia Long để hy vọng có lúc nào tình cờ gặp lại cô bé; nhưng rồi vô vọng.

Tới bốn mươi năm sau, tôi chợt nhớ lại, và mới nghĩ rằng tôi có thể hiểu được câu nói của cô bé hôm đó, “Ơi... ạ ơi. Phải chi mình cứ ngồi đọc sách mãi như thế, thích nhỉ.”

Than ôi, hiểu dược thì đầu tôi bạc rồi, và người đã xa rồi. Hình ảnh trong trí nhớ chỉ là một cụ đồ gỉỏi nhiều ngôn ngữ, bên những chiếc đàn nguyệt, một bức ảnh Đức Phật, các tủ sách, và một cô bé Bắc Kỳ tuyệt vời.

Cô bé là mối tình đầu của tôi, và tôi là người có tên “Ơi... ạ ơi.”

Phan Tấn Hải