Bố Sẽ Về

Đáng lẽ bố sẽ về Việt Nam vào mùa Hè này, suốt mấy tháng nay bố tôi vui vẻ đợi chờ một chuyến đi xa, bố đã vài lần chuyện trò với tôi, giải thích cho tôi hiểu rằng bố về Việt Nam lấy vợ, sẽ là một người phụ nữ nào hiền lành, từ tâm để thông cảm cho hoàn cảnh của bố và nhất là sẽ thương yêu tôi hết lòng. Tôi chẳng vui với lời giải thích ấy, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng vì không muốn làm bố buồn.

Căn bệnh ung thư máu của bố đã vài lần tưởng như đứng bên bờ tuyệt vọng, nhưng cách đây 2 năm chú Bảo, em ruột của bố đã hi sinh sang chất tủy cho anh, nên sức khỏe của bố đã phục hồi, mỗi lần đi bệnh viện tái khám theo dõi tiến triển của máu, của tủy , đều đạt kết qủa tốt. Bố lạc quan yêu đời hẳn lên, vài người bạn thân trong cộng đồng Việt Nam của bố đã khuyến khích bố nên lấy vợ để có người bạn đời chăm sóc cả bố lẫn con, họ đã giới thiệu hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác, hầu hết ở Việt Nam, vì họ quan niệm rằng những người còn ở Việt Nam sẽ dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh của bố tôi, vừa nghèo, vừa qua một cơn bệnh ngặt nghèo.

Bố xiêu lòng vì những lời khuyên ấy khi cảm thấy sức khỏe của mình đã ổn định hơn trước nhiều.

Vậy mà mấy tuần nay bố bỗng thấy trong người mệt mỏi bất thường, bố không ăn, kém ngủ và gầy hẳn đi. Bố lại liên tục ra vào văn phòng bác sĩ, đến bệnh viện như những lúc căn bệnh hoành hành trước kia.

Đột nhiên bố mang tôi đến gởi ở nhà chú thím Bảo, căn phòng apartment trả lại cho chủ như chúng tôi sẽ đi xa không hẹn ngày về.

Tôi ngạc nhiên và lo lắng hỏi bố:

- Tại sao chúng ta lại về nhà chú Bảo? bố vẫn còn việc làm cơ mà…

- Bố cần tiền để chữa bệnh. Chúng ta phải tiết kiệm.

Tôi năn nỉ bố:

- Con thương chú Bảo và hai em nhưng con không thương thím Bảo, mà thím cũng không thương con đâu. Bố hãy thuê bất cứ căn apartment rẻ tiền nào cũng tốt cho con hơn, con hứa với bố con sẽ làm được tất cả như một người lớn, dọn dẹp và nấu cơm giặt giũ.

Bố an ủi tôi:

- Bố biết rồi, nhưng ở nhà chú Bảo sẽ đầy đủ và an toàn cho con những khi bố vắng mặt... Chỉ một thời gian ngắn thôi, rồi bố sẽ khỏe mạnh lại như bố đã khỏe mạnh cách đây hai năm, và bố sẽ về.

Tôi lấp lánh niềm hi vọng trong đôi mắt và trong giọng nói:

- Bố lại thuê Apartment nhé, nhà của mình vẫn hơn.

Ngôi nhà của chú Bảo rộng lớn 4 phòng, họ chỉ xử dụng hết ba phòng, còn một phòng để dành cho khách, nhưng khách phương xa mấy khi đến, mà hai bố con tôi đã đến ở nhiều lần trong những năm trước đây, khi bố tôi bị chẩn đoán ra căn bệnh và phải chữa hóa trị , uống thuốc, bố qua lại giữa văn phòng bác sĩ và bệnh viện thường xuyên, nhiều lần , nên phải gởi tôi ở nhà chú thím Bảo.

Tôi đã tưởng không có ngày phải đặt chân vào căn phòng này nữa, nhà đẹp với những đồ đạc trang hoàng lộng lẫy nhưng chẳng làm con bé 13 tuổi như tôi háo hức thích thú, chỉ vì thím Bảo, linh tính của một đứa bé cũng đủ cho tôi biết thím xem tôi như một món nợ bất đắc dĩ mà thím phải gánh chịu và chỉ muốn chúng tôi sớm ra khỏi nhà. Dạo chú Bảo hiến tủy cứu cha tôi, hai vợ chồng chú đã cãi nhau kịch liệt, con nhỏ Hồng, em họ của tôi đã kể thế, mẹ nó không muốn dính líu gì đến cha con tôi, vì họ giàu sang, cả hai vợ chồng chú Bảo đều tốt nghiệp đại học, làm lâu năm lương bổng cao, còn bố tôi chỉ là một anh thợ, một công nhân lại nay yếu mai đau với đứa con không có mẹ.

Thím Bảo rất ác miệng, nói xấu mẹ tôi không tiếc lời, rằng mẹ tôi là một cô Mỹ gốc da đỏ hoang dã và hư hỏng, vô lương tâm và ích kỷ, đã bỏ rơi tôi khi mới một tuổi, suốt mười mấy năm qua vẫn biệt tăm như trên cõi đời này cô ta chưa hề sinh ra tôi. Những lúc ấy cõi lòng tôi đau đớn, dù thực sự mẹ tôi là người như thế, tôi vẫn cảm thấy oán trách thím Bảo đã chửi mắng mẹ tôi, một người vắng mặt. Có đôi lần chịu không nổi tôi đã cố bào chữa cho mẹ, những điều đã nghe được từ bố:

- Không phải tất cả người nào bỏ rơi con mình cũng đều tệ hại, biết đâu cũng có lý do, và biết đâu ngày nay mẹ cháu đã chết rồi nên mới biệt tăm biệt tích.

Mỗi lần đi học, nhìn những đứa trẻ khác có mẹ đưa đón, những bà mẹ người Mỹ chắc cũng giống mẹ tôi, họ đã chăm lo cho con cái , tôi thấy mủi lòng chẳng dám nhìn lâu.

Thím Bảo đã mỉa mai:

- Thế à! vậy cháu cứ ráng đợi mấy chục năm nữa đi, biết đâu sẽ có ngày gặp mẹ nếu cô ta còn sống.

Nhưng bố tôi thì ngược lại, luôn nói về mẹ tôi với giọng dịu dàng, cho tôi biết rằng còn có một người mẹ, sẽ thương yêu tôi khi gặp lại, và tôi cũng phải luôn nghĩ về mẹ với tình yêu thương như thế.

Bố thương yêu tôi và thương yêu cả cháu của mình, mỗi lần dắt tôi đi mua sắm đều có Hồng, hai đứa cần gì, thích gì bố đều làm vui lòng ngay. Có lần bố mua cho Hồng một cái váy khá đắt tiền, cái món mà dù có thích tôi cũng không dám đòi hỏi vì tôi biết bố không có nhiều tiền, tôi tự biết hạn chế tiêu xài, biết lo toan việc nhà. Khi chỉ còn hai bố con, tôi đã trách bố:

- Chú thím Bảo giàu, họ mua sắm cho em Hồng thiếu gì quần áo đẹp, bố chưa được nhìn tủ quần áo của nó đâu, con mơ ước đấy. Sao bố lại tốn tiền mua thêm cho nó cái thứ luôn sẵn sàng và dư thừa trong tủ?

Tôi tưởng bố sẽ hối tiếc, nhưng bố vẫn mỉm cười:

- Không cần nhìn bố cũng biết tủ em Hồng nhiều quần áo đẹp rồi, nhưng bố vẫn vui nếu mua cho Hồng món mà Hồng thích, cũng như con vậy.

- Nhưng thím Bảo chưa làm thế với con bao giờ. Thím chỉ vơ vét cho con mấy bộ váy áo nào mà em Hồng chê không mặc nữa mà thôi.

Bố gạt đi:

- Mình không nên so sánh và đòi hỏi lại những gì đã cho người khác, thím Bảo vẫn là người tốt, đã lo cho con những chuyện khác, chúng ta đã ăn ở nhà thím, và nhất là chú Bảo đã hiến tủy cứu mạng sống cho bố.

Quả đúng, bố con tôi đã nhờ vả nhà chú thím nhiều quá. Bây giờ chúng tôi lại trở về đây dù thím có mời đâu, chỉ có chú Bảo mà thôi, nhà có hai anh em , cha mẹ không còn, biết nương tựa vào đâu khi hoạn nạn, ngoài chú Bảo?

Ở trong căn phòng xinh đẹp này mà tôi bồn chồn lo lắng, ngày nào cũng mong đợi hình ảnh bố trở về. Tôi mơ thấy bóng bố hiện ra nơi khung cửa với khuôn mặt tươi vui và bố sẽ bảo tôi:

- Nào, con yêu. Bố đã trở về, bố hết bệnh rồi, chúng ta lại thuê căn apartment như cũ.

Ôi, tôi sẽ sung sướng nhảy lên ôm choàng vai bố:

- Ngay ngày hôm nay bố nhé. Ở căn nhà của mình, con sẽ nấu cơm cho bố ăn.

Và bố tôi đã trở về, đã hiện ra ở khung cửa nhà chú thím Bảo, nhưng vẫn nét mặt tái xanh vì mất máu và người càng gầy gò đi. Bố vào phòng thu xếp ít quần áo rồi bất chợt nắm tay tôi:

- Con gái bé bỏng đáng yêu của bố, con ở nhà ngoan nhé, bố phải vào nằm bệnh viện đây.

Tôi linh cảm điều hệ trọng đang xảy ra cho bố:

- Bố lại bệnh nặng phải không?

- Có lẽ trục trặc gì đó mà thôi, sau khi được sang tủy các bác sĩ đã bảo sức khỏe bố sẽ dần dần phục hồi mà.

- Vậy sao bố phải vào ở bệnh viện? Bố nói dối vì sợ con buồn phải không?

Bố lúng túng giải thích:

- Chắc là… để bác sĩ tiện theo dõi, dù sao bệnh nhân ở sẵn trong bệnh viện vẫn tiện hơn là đi đi về về.

Tôi đã nhận thấy nét mặt lo buồn của chú Bảo, và vẻ thương hại lẫn khó chịu của thím Bảo. Tôi hiểu bố tôi đang thật sự bệnh nặng. Tôi biết làm gì cho bố bây giờ?

Đêm đêm tôi cầu nguyện phép màu cứu bố, trong giấc ngủ của tôi bao giờ cũng có hình ảnh bố sẽ khỏe mạnh trở về.

Những ngày bố nằm bệnh viện tôi lẻ loi hơn bao giờ. Sáng tôi và em Hồng cùng dậy chuẩn bị đi học, em thua tôi một tuổi, cùng trường nhưng khác lớp. Thím Bảo lấy đồ ăn cho chúng tôi mang đi ăn lunch, Hồng nhõng nhẽo đòi mẹ lấy thứ này bỏ bớt thứ kia, còn tôi, đã là “người lớn” từ lúc nào không biết, ở với bố tôi đã tự làm đồ ăn cho mình, cho cả bố mang đi làm, cho nên ở nhà thím Bảo, thím muốn lấy gì tôi cũng vui vẻ nhận, ngay cả món mà tôi không thích.

Ở trường tôi có một con bạn chơi thân, nó thích tôi và tôi cũng thích nó, thỉnh thoảng tan học về tôi theo Amanda đến nhà nó chơi, mẹ nó hay giữ tôi ở lại để ăn cơm chung với Amanda, và khi bố đi làm về tôi gọi phone cho bố đến đón tôi về, mấy lần như thế, bố tôi đã trở thành bạn thân của cha mẹ Amanda, và bố con tôi có thêm nơi chốn để lui tới, chuyện trò...

Khi có lần Amanda hỏi tôi về người mẹ vắng mặt, tôi đã nói:

- Mẹ bỏ đi từ khi tôi còn bé, nhưng có thể một ngày nào đó mẹ sẽ tìm tôi và sống với tôi, vì mẹ rất yêu tôi. Bố tôi đã bảo thế.

Nó đã tò mò hỏi tiếp:

- Nếu mẹ bạn yêu bạn sao lại bỏ đi lâu thế?

Tôi lại bào chữa:

- Vì một lý do nào đó làm sao tôi biết được, nhưng bố tôi đã bảo thế.

Amanda hóm hỉnh chọc tôi:

- Bạn là một con bé ngoan, luôn nghe lời bố, lúc nào cũng “ bố tôi đã bảo thế”.

Trong đời tôi chỉ có bố là người thân yêu nhất, tôi không tin lời bố thì tin vào đâu?

Hôm nay tôi đến trường với nét mặt rầu rầu và long lanh nước mắt khi báo tin cho Amanda:

- Bố tôi lại vào bệnh viện rồi.

Amanda cũng rưng rưng nước mắt:

- Tội nghiệp bố của bạn quá, Chủ Nhật này theo mẹ đi lễ mình sẽ cầu nguyện cho bố bạn mau khỏi bệnh.

*************

Bố tôi nằm đó, mặt bố sưng và tay chân cũng sưng phồng đau đớn, những dây gắn ở mũi bố hình như để nối liền bố với sự sống, nhưng bố chẳng biết gì, chẳng biết con gái bố đang ngồi bên cạnh với hoang mang sợ hãi. Bố mẹ Amanda cũng đến thăm và chỉ lặng lẽ nhìn bố rồi vuốt ve lên bàn tay sưng phồng của bố thay cho lời thăm hỏi an ủi.

Đêm hôm ấy tôi ngủ thấy ác mộng, tôi giật mình và khóc nức nở trong mơ. Tỉnh dậy thì ra tôi khóc thật, nước mắt ướt nhạt nhòa khuôn mặt.

Chú Bảo xin nghỉ làm, ở bệnh viện chăm lo cho bố. Vài ngày sau bố tôi tỉnh lại, ánh mắt bố dáo dác như tìm kiếm đứa con gái duy nhất và bất hạnh của bố. Khi chú Bảo gọi về nhắn tin thím Bảo đưa tôi đến bệnh viện thì không kịp nữa, bố tôi đã nhắm mắt lìa đời.

Đám tang bố đông người đến tham dự, tôi nghe loáng thoáng những lời người ta nói với nhau về bố tôi, họ khen bố hiền lành, tử tế, vợ bỏ đi vẫn ở vậy nuôi con cho đến khi tôi bảy tuổi, chưa kịp lo cho hạnh phúc của riêng mình thì lại phát giác ra bệnh ung thư. Nhiều bà, nhiều cô nắm lấy tay tôi để chia sẻ nỗi buồn mà nước mắt rưng rưng, tôi nói lời cám ơn họ trong đau đớn có chút tự hào về người cha đáng yêu của mình.

Chú Bảo lên đọc vài dòng cảm nghĩ về anh mình, kể lại những kỷ niệm thời ấu thơ, những ngày hai anh em mới đến Mỹ, bố tôi đã đi làm để nuôi chú Bảo tiếp tục học hành.

Chú Bảo nói trước khi nhập viện bố tôi đã hiểu những ngày còn lại của đời mình không còn nhiều, bố dặn dò chú Bảo là bố còn ít tiền để dành trong ngân hàng cùng với tất cả tiền phúng điều khi bố chết đi, chú Bảo hãy giữ để lo cho tôi. Tôi đã khóc và nghe nhiều tiếng khóc sụt sùi quanh tôi.

*************

Bây giờ tôi là một đứa trẻ mồ côi, sống nương nhờ nhà chú thím Bảo, người mẹ vắng mặt của tôi có thể chẳng bao giờ xuất hiện, bố đã ra đi và mang theo niềm tin ấy rồi.

Amanda đã cho tôi biết một sự thật, những gì cha mẹ nó nói chuyện với nhau, họ hiểu bố tôi thương yêu tôi, lo cho tôi vì luôn lo sợ mình chết đi khi con chưa đủ tuổi khôn lớn, nên bố vẫn hi vọng dù mong manh là mẹ tôi sẽ trở về tìm đứa con côi cút, bố không muốn tôi giận hờn, thù oán mẹ nên luôn nói tốt về mẹ, cũng như bố đã nói tốt về thím Bảo, người mà tôi sẽ chung sống khi bố qua đời.

Tôi không còn niềm hi vọng chờ đợi gì nơi bố, nhưng mỗi khi nghĩ về bố, trong tim tôi vẫn còn nghe vang vọng lời hứa hẹn “Bố sẽ về” và tôi lại nhìn qua khung cửa sổ, nơi ấy những ngày tháng qua, đã nhiều lần bố tôi từ bệnh viện trở về và cho tôi nỗi vui mừng khôn xiết.

Tôi chỉ còn tìm niềm vui trong kỷ niệm mà thôi.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Father’s day -2009)