"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Quán Càfé Chuồng Khỉ

 

Minh đi qua hai ba cái siêu thị rồi mà không tìm được bộ bình trà vừa ý, không phải anh khó tính, anh muốn có bộ trà đủ tiêu chuẩn tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam để triển lãm trong kỳ sắp tới. Có lẽ ở Cần Thơ thành phố nhỏ không đầy đủ mặt hàng nên khó lựa chọn, Minh định để tuần sau lên Sài Gòn chắc tìm được những thứ mới lạ.

Chiếc taxi chạy ngang qua đường Hùng Vương bất chợt Minh thấy cửa hàng Đại lý Gốm Minh Long! Ồ, không gian rộng lớn với nhiều mặt hàng gốm sứ cao cấp, sang trọng, nhìn từ ngoài đường nhưng cũng làm Minh lóa mắt:

-        Stop, stop!

Anh tài xế taxi dừng xe, Minh đi vào cửa hàng. Cô nhân viên bán hàng nhanh nhẹn, lịch sự:

-        Chào anh ạ, anh cần chi em có thể giúp?

-        Tôi cần mua một bộ bình trà có hoa văn là hoa sen hay hoa lài.

-        Vâng ạ, mời anh …

Cô chỉ về một phía của Show room, Minh đi thẳng về phía ấy. Hãng gốm Minh Long ở Bình Dương chuyên sản xuất hàng cao cấp, nhiều thứ có mạ hay viền bạc hoặc vàng 24k, có những bộ trà thật đẹp giá $15-$16 triệu VNĐ (tương đương $600 - $700 USD), thị trường Âu Châu rất ưa chuộng, còn ở Mỹ thì Minh ít thấy. Hoa văn trang nhã, anh thích nhất là nó thể hiện nét đặc trưng có thể phân biệt được với những nước khác. Thấy bộ trà Bông Lài anh mừng quá đi thẳng đến chụp lấy không cần chú ý đến người chung quanh, nhưng … đồng thời cũng có cô gái giử lấy bình trà. Cô gái mở to đôi mắt nhìn Minh, anh ôn tồn:

-        Cô có thể nhường cái bình này cho tôi được không? Xin cô!

Cô chưa kịp trả lời thì cô bạn bên cạnh nhanh nhẩu:

-        Em nhường cho ổng đi.

Cô gái chẩu môi, nhíu mày:

-        Em chọn trước mà!

Thấy thế cô tiếp thị lên tiếng:

-        Rất tiếc trong kho không còn nhưng có thể đặt trên hãng vài hôm sau hàng sẽ về.

Cô gái quay sang nhìn Minh nhíu mày rồi kéo bạn đi. Minh ngỏ lời cảm ơn:

-        “Thank you” hai cô!

Cô bạn đi cùng quay lại với cử chỉ lém lĩnh dễ mến, nheo mắt với Minh và ra dấu “bye bye”! Thấy dáng buồn hiu của cô em Minh thấy tội nghiệp cho cô ấy, thường khi anh luôn nhường cho phái nữ nhưng lần này vì thời gian ở Việt Nam không còn nhiều để đi các nơi tìm kiếm. Nhường phái nữ là thói quen từ khi Minh còn bé. Có lần Ba cho tiền anh và cô bé hàng xóm mua cà rem, mỗi cây là 5 cắc. Không có tiền lẻ nên Ba anh xé hai tờ 1 đồng Bảo Đại cho mỗi đứa 1 tấm. Ngon quá anh ăn một hơi hết cây cà rem, ngó sang bên thấy cô bé còn múc múc, anh chàng giành lấy “ăn ké” một miếng làm nhỏ khóc quá chừng! Ba anh phải cho tiền để cô bé mua cây cà rem khác, dĩ nhiên là anh bị phạt phải đứng khoanh tay nghe Ba dạy dỗ. Từ nhỏ Minh ảnh hưởng cách xã giao của Ba “ga lăng” hay “nịnh đầm” vì Ba Minh khi xưa từng du học ở Pháp. Chuyện vừa rồi Minh cảm thấy áy náy trong lòng, mà cảm giác đó nó cứ day dứt mãi!

Ra xe, trời rất nóng nực Minh định kiếm quán giãi khát, anh hỏi tài xế taxi:

-        Anh giới thiệu dùm có quán café nào cảnh đẹp và đặc biệt nha.

-        Dạ, em thấy ở Cần Thơ có nhiều quán Café ngon và đẹp lắm, … thôi, để em đưa anh lại quán này độc đáo, hết sẩy.

Quán Café ở khu công viên Sông Hậu đúng là thật đặc biệt, Minh theo dãy cầu thang bước lên các bàn được thiết kế trên mấy cành cây cổ thụ, độc đáo với cách trang trí như cái nôm đảo ngược. Ngồi trên cây cao có thể vừa thưởng thức ly Café, dưới bóng râm cành lá, gió mát ven sông và nhìn dòng sông Hậu tấp nập ghe thuyền xuôi ngược, có cả lục bình trôi lững lờ tạo cảm giác êm đềm thư thái cho khách. Anh thích thú với khung cảnh của quán nhưng hình như các bàn đã đầy nam thanh nữ tú không còn chổ trống. Đi tiếp lên cành khác Minh bất chợt khựng lại, thấy hai cô gái đã gặp ở Minh Long đang nhìn anh.

-        Chào hai cô, lại gặp nữa. Ô, xin lỗi, tôi đang tìm bàn.

-        Hết bàn rồi, ông không tìm được bàn đâu, nếu ông đi một mình thì có thể ngồi bàn của chúng tôi, còn cái ghế trống.

-        Cảm ơn hai cô, rất hân hạnh!

Một cô bạn thì luôn vui vẻ cởi mở tủm tĩm cười, còn cô mua bình trà điềm đạm mở to đôi mắt chăm chăm nhìn Minh có lẽ cô còn ấm ức vụ cái bình trà, anh có cảm tưởng là cô ta đang soi mói từng cọng tóc, hơi thở của mình. Một cảm giác mà Minh một người đàn ông từng trãi đã lâu lắm rồi không gặp phải, vừa thích thú vừa có chút hồi hộp trước ánh mắt thu hút kỳ lạ của cô gái này.

Cô tiếp viên vừa đến đưa cho Minh cái menu, hỏi:

-        Thưa anh dùng chi ạ!

Minh không coi menu, nhìn sang bên thấy hai cô chọn thức uống là nước có trái đào và trái gì đó xanh xanh anh muốn nếm thử thứ nước trái cây lạ lạ này:

-        Cô cho một ly như vậy nghe. Có cái trái gì xanh xanh vậy?

-        Dạ, quả dọc ạ.

Minh chủ động gợi chuyện:

-        Cho tôi xin lỗi chuyện vừa rồi, vì tôi rất cần cái bình đó mà tìm khắp Cần Thơ cả buổi sáng rồi mới thấy, đáng lý ra tôi phải nhường.

Ô, quên nữa tôi tên Minh.

-        Dạ, em tên Phương còn cô em nhường bình trà cho ông là Hồng Ngọc ạ. Ông là người ở nước ngoài phải không?

Minh tò mò và vui vẻ hỏi lại:

-        Cô căn cứ về điều gì để nghĩ rằng tôi là người ở nước ngoài?

-        Dễ nhận ra lắm, thứ nhất là cách nói chuyện ông luôn “thank you”, “xin lỗi” một cách tự nhiên; Thứ hai là nước trái dọc có bán từ Bắc chí Nam mà ông không biết thì ông không phải dân trong nước; Thứ ba là phong cách lịch lãm như ông thường là người có địa vị xã hội, nhưng nếu là một sếp ở trong nước thì lại… luôn có cung cách khác tỏ ra cho mọi người biết.

Hồng Ngọc cười hóm hĩnh:

-        Giới thiệu ông chị Phương là chuyên gia bất động sản, nhìn sơ qua là chị đánh giá được khách hàng là người như thế nào, chĩ còn là thầy bói nữa nên bói đâu đúng đó phải không ông?

Minh thầm phục sự nhật xét tinh tế của cô Phương, không khí cuộc gặp gở thấy cởi mở nên Minh nói chuyện tự nhiên:

-        Không biết sao cô Hồng Ngọc cũng muốn có cái bình trà hoa lài?

-        Dạ, Hồng Ngọc có ông thầy dạy ngoại ngữ người nước ngoài mãn hợp đồng sắp về nước nên Hồng Ngọc muốn tặng một món quà gì có nét riêng của Việt Nam. Còn ông chắc có lý do cũng quan trọng lắm nên nhất quyết … giành với Hồng Ngọc mua cho được cái bình trà?

-        Ô, lần nữa xin lỗi cô, vì tôi chuẩn bị cho cuộc triển lãm văn hóa Việt Nam trong Asian Festival tại tiểu bang tôi đang ở, trong đó có phần giới thiệu trà gồm các kiểu bình và loại trà. Cuộc Tea Show lần này có rất nhiều nước tham dự nên tôi muốn giới thiệu gian hàng Việt Nam quan khách nhìn vô là biết đó là Việt Nam. Một số bình trà về mỹ thuật thì hình như Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nên người Âu Mỹ họ dễ nhầm lẫn. Còn Nhật Bản hay Hàn Quốc dễ nhận ra lắm, kiểu dáng hay hoa văn đặc trưng trên bình trà. Các nước Trung Đông bình trà có nét thẩm mỹ riêng, vùng Bangal cũng vậy bình trà của họ cũng có hình dáng khác biệt. Chính vì vậy nên gặp bình trà hoa lài này tôi xớn xác chụp lấy trên tay của cô.

Hai cô gái hơi ngạc nhiên, có nụ cười thân thiện chăm chú nghe, Minh ngừng tí rồi nói tiếp:

-        Tôi cũng muốn triển lãm nhiều món gốm sứ của Việt Nam nhưng không đủ điều kiện. May mắn có được 1 bình trà men lam Huế và vài bình trà Bát Tràng. Gốm Bát Tràng người ta ưa chuộng vì nó nổi tiếng mấy trăm năm làm bằng thủ công, nhưng ngày nay gốm Bát Tràng cũng ở tại làng Bát Tràng nhưng có nhiều xưởng gốm mới thành lập sản xuất dây chuyền theo phương thức công nghiệp.

Trúng ý Hồng Ngọc nên cô ta mắt sáng lên, thích thú:

-        Ông cũng biết nhiều về gốm sứ Việt Nam chứ, Hồng Ngọc rất mê tìm hiểu về đồ gốm cổ có nhiều điều thú vị lắm. Gốm sứ đời Lý Trần, gốm sứ Chu Đậu, Men lam Huế, Bát Tràng, … một thời có thể làm mình hãnh diện, đâu thua gì Trung Quốc hay Nhật Bản.

-        Gốm sứ Chu Đậu là thế nào? chị mới nghe.

-        Chu Đậu là tên của một cái làng gốm ở Hải Dương, tương tự như người ta gọi gốm Bát Tràng vậy.

Minh nghĩ Hồng Ngọc có nghiên cứu nhiều về đồ gốm cổ Việt Nam, anh tiếp lời:

-        Điểm đặc biệt của gốm Chu Đậu là loại men trắng với hoa văn men lam nhạt. Một thời rực rở xuất cảng khắp Đông Nam Á, ở vùng Trung Đông viện bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng có lưu giử bình sứ gốm Chu Đậu nữa. Tiếc là đến cuối thời Trịnh-Nguyễn phân tranh làng gốm này bị mai một! Chỉ tìm hiểu về lịch sữ ngành đồ gốm cổ thôi cũng đã cho mình niềm tự hào dân tộc, đúng như cô Hồng Ngọc nói là rất thú vị. Cô Hồng Ngọc học về môn khảo cổ học phải không?

-        Không ạ, Hồng Ngọc theo ngành sư phạm như thích tìm tòi thêm thôi.

Lâu lâu mới gặp “bạn hiền” nên câu chuyện Gốm Sứ thật tương đắc đến hàng giờ chưa dứt, đã xế chiều rồi, cô Phương ra dấu cho tiếp viên tính tiền, Minh hiểu ý nên nói:

-        Xin phép hai cô cho tôi được trả buổi giãi khát hôm nay, thứ nhất coi như để chuộc tội làm cô Hồng Ngọc không vui lúc trưa, thứ hai là kỷ niệm buổi ra mắt những người bạn mới. Ờ, mà quán này là quán tên gì vậy?

-        Mấy người bạn trước đây giới thiệu là quán “Tòng Teng”, quán “Treo Cây”, cũng có anh chàng gọi đùa là quán “Leo Cây” vì tức giận bị cô bồ thất hẹn. Nhưng tên thật của quán là Café Ngọc Thơ mà chẳng ai thèm gọi bằng tên này.

Minh thường hay hài hước nên khi nhìn lên mấy bàn trên cành cây vội buộc miệng:

-        Các cô nhìn xem có giống cái chuồng khỉ không, quán “Chuồng Khỉ” mà!

Mọi người cùng cười, cô Phương nhanh nhẹn, nghịch ngợm lấy điện thoại bấm hình Hồng Ngọc và Minh đang đứng bên tàng cây, khoe tấm hình rất đẹp rồi đốp chát ngay:

-        Ha, hai con khỉ đứng bên chuồng khỉ! Teng teng, teng!

Chuyện đùa của cô Phương làm không thể nhịn cười được, cô xin số điện thoại của Minh để gởi tấm hình.

-        Mong gặp lại hai cô.

-        Dạ, khi có thời gian thuận tiện.

***

Có được người bạn mới “đồng điệu” trong nhiều sở thích nên Minh và Hồng Ngọc thường liên lạc nhau qua Face Book. Mỗi kỳ Minh về thăm quê thường hẹn nhau đi “khám phá” văn hóa ẫm thực Nam Bộ, mấy quán café nổi tiếng ở Cần Thơ, đi tham quan Núi Cấm, Chùa Dơi, Ao Bà Om, Tràm Chim, … Mấy lần dự định đi chơi xa đôi ba ngày nhưng không thành do thời gian công việc của hai người thu xếp không được.

Hồng Ngọc tỏ ra rất quý mến Minh, có lần Minh đề nghị xem Hồng Ngọc là cô em gái nhỏ vì tuổi đời Minh lớn hơn Hồng Ngọc nhiều “Năm anh hai mươi em mới sinh ra đời” nhưng cô chỉ cười nhẹ, và: “Hồng Ngọc muốn xem Minh là người bạn thôi, người bạn to đùng đó!”

Hôm ấy, Hồng Ngọc chở Minh xuống bến Ninh Kiều khi đó trời bất chợt đổ mưa nên ghé vào nhà hàng Nam Bộ tránh mưa và dùng giãi khát. Minh đưa Hồng Ngọc lên thẳng tầng thượng ở lầu 5, nơi đây khách có thể quan sát bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ và dòng sông.

Thấy Minh có vẻ quen thuộc với quán Hồng Ngọc tò mò:

-        Anh Minh đến quán này rồi phải không? thấy anh rành quán này quá.

-        Trước đây Minh có đến đây vài lần với một người bạn Pháp.

Anh tiếp viên đặt 2 hộp gổ có menu bên trong, lịch sự mời:

-        Thưa, mời anh chị chọn lựa ạ? Rồi anh giới thiệu một hơi các món đặc sắc của nhà hàng, Tây có, đặc sản Nam Bộ có.

-        Hồng Ngọc chọn trước đi.

-        Dạ, chắc mình dùng giãi khác thôi, cho Hồng Ngọc cam vắt.

-        Minh cũng vậy.

-        Cảm ơn anh chị.

Hồng Ngọc mới đến nhà hàng Nam Bộ này lần đầu nên nhìn quanh thích thú với cách bày trí trang nhã nơi đây, Minh giới thiệu:

-        Chủ quán là một bà Việt có ông chồng Pháp, nên Hồng Ngọc thấy đó cách trang trí, tiếp khách và thức ăn nhà hàng có nhiều món của dân Pháp. Ở đây thực khách thường là người đến từ châu Âu.

Minh rất yêu thương Hồng Ngọc hình như anh lo lắng, quan tâm cô còn hơn cho chính mình mặc dù ở xa, mỗi năm anh chỉ về nước vài tháng hầu hết thời gian là dành cho cô, anh nói tiếp:

-        Hồng Ngọc à, Minh rất lo lắng thấy Hồng Ngọc càng ngày càng gầy, đồng ý làm việc là cần nhưng phải giử gìn sức khỏe!

Rồi anh thuyết giảng một hơi về chế độ dinh dưỡng, về phương cách ăn uống cho đúng để cơ thể dễ dàng hấp thụ chất bổ.

Minh nói huyên thuyên nhưng thấy Hồng Ngọc chỉ chăm chú nhìn mình, hình như không phải đang lắng nghe. Lại ánh mắt “biết nói” đó lần đầu Minh đã gặp ở quán café “Chuồng Khỉ”, Minh hỏi:

-        Hình như Hồng Ngọc muốn nói gì với Minh?

Cô có vẻ lúng túng, có chút e thẹn, ngập ngừng và hơi cuối xuống:

-        Dạ, … Hồng Ngọc có cái thắc mắc … mình quen nhau đã lâu gần 5 năm rồi, hiểu nhau, thân thiết nhưng tình cảm đó là thế nào?

Minh biết không sớm thì muộn anh phải đối mặt với câu hỏi này và cũng phải có thái độ rõ ràng. Hồng Ngọc gần 30 tuổi rồi đâu còn nhỏ, cũng có vài anh chàng sáng giá theo đuổi nhưng hình như cô còn đang suy nghĩ. Có điều Minh không thể xác nhận là yêu cô và có ý định kết hôn hay không? Từ khi Minh ly dị đến giờ anh vẫn ở một mình, anh có điều kiện để bảo lãnh sau khi kết hôn. Nhưng anh suy nghĩ bây giờ mình đang có bệnh tim - trong tình trạng có thể cần đến phương cách ghép tim nhân tạo - Bác sĩ cho biết nếu như thế anh chỉ sống được từ 5 năm nữa thôi! Không thể đem lại hạnh phúc lâu dài cho Hồng Ngọc bộ muốn cho cô sớm làm góa phụ à? Anh cũng không phải là triệu phú sẽ để lại gia tài kết sù, chưa kể đến nếu có con cái, nó cần sự chăm sóc và yêu thương của cả cha lẫn mẹ nữa, không được.

-        Minh thấy chúng ta xem nhau như anh em là tốt hơn hết, thật sự Minh thương Hồng Ngọc lắm không nói Hồng Ngọc cũng biết rồi. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ đối diện với ánh mắt của Hồng Ngọc ở quán Café Ngọc Thơ, Minh có linh cảm là cô gái này sẽ có điều gì đó gắn bó trong cuộc đời mình.

Hồng Ngọc, làm em gái của Minh đi, chóng ngoan, cưng nhiều! Hử?!

Hồng Ngọc không trả lời, trên gương mặt thoáng buồn ngẫng lên nhìn cành hoa giấy mong manh đong đưa trong gió. Cô đứng lên đi ra “balcon” nhìn xuống dòng sông nơi có giề lục bình lững lờ trôi mãi về đâu …!

Minh cũng đi theo ra balcon hai người lặng lẽ đứng bên nhau, làn gió nhẹ lùa mái tóc Hồng Ngọc mơn man qua mủi anh như những lần cô chở anh đi dạo phố, hương tóc ấy đã từng làm say đắm hồn Minh. Bất chợt Hồng Ngọc quay sang:

-        Thôi mình về đi, chiều nay Hồng Ngọc có hẹn chở mẹ đi thăm người bà con.

-        Ừ, mình về.

Từ hôm đó Hồng Ngọc bắt đầu cố lánh mặt có ý không muốn thường xuyên gặp Minh, từ từ cô cũng ít liên lạc qua FB. Gần năm sau, Minh nhận được thiệp hồng báo tin cô lên xe hoa. Biết làm gì hơn, Minh chỉ cầu nguyện cho Hồng Ngọc mọi điều tốt đẹp “Thuyền về bến mơ”.

***

Mấy năm sau, Minh về để tìm thêm tư liệu về đề tài mà anh đang quan tâm để hoàn tất bài biên khảo. Minh nhớ đến cái quán trên cành cây bên bờ sông, anh tìm lại chốn củ!

Minh nhìn xuống bàn trên cành bên dưới, một bờ vai dáng dấp quen thuộc thân thương ngày nào, … làm anh hồi hộp nghe tim mình đập nhanh! Cô gái quay sang bên, … Ơ, không phải! Hồng Ngọc đã đi định cư theo chồng ở Sydney rồi mà.

Một ý nghĩ chợt thoáng qua, Minh phát hiện cái tình yêu chân thật nó kỳ lạ lắm, sự rung động của con tim ở tuổi nào cũng giống nhau! Anh mĩm cười bâng khuâng theo nỗi buồn man mát trong tâm tư.

Làn gió nhẹ lay cành vài chiếc lá rơi, một chiếc bay lượn nhẹ nhàng đáp xuống gần ly café, Minh cầm lên nâng niu như những cuộc tình đã qua để rồi cũng giống như chiếc lá cuối thu. Nhẹ nhàng, vấn vương, theo nhau đi qua cuộc đời anh!

Minh hát nho nhỏ cho chính mình:

“Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha, câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rức, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu! …”

Lê Hữu Uy

Arizona, May 2020

(Ghi chú: Câu chuyện là hư cấu, chỉ mượn bối cảnh vănnghệ)