"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Khách Quý Đến Chơi Nhà

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa em cũng lạy trời mưa...”

Sao mà chị Bông thích câu hát này thế, đến nỗi chị bỗng thích tháng sáu có mưa, mưa to mưa nhỏ gì cũng được.

Nhưng tháng sáu năm nay thì không, chị Bông đang lạy trời đừng mưa vì ngày mồng 7 tháng sáu này đám cháu nội chị sẽ từ Utah về chơi.

Chị muốn tháng sáu sẽ có những ngày khô ráo nắng đẹp để đón con cháu chị . Chị Bông theo dõi tin thời tiết cho cả tuần, may quá trong thời gian con cháu chị đến chơi ông trời thông cảm không mưa ngày nào.

Cây hoa Maglonia trồng giữa sân trước nhà đang ra hoa và nhiều nụ, đóa hoa này tàn thì nụ kia sẽ nở bung ra, màu hoa trắng tinh trong đám lá xanh giữa trời mùa hè nắng chói.

Còn luống hoa Hồng trước cửa nhà và hoa hồng sau vườn cũng nở tưng bừng, hồng màu đỏ, màu hồng màu vàng đủ cả, Crape Myrtle góc vườn cũng sẽ kịp ra những chùm hoa màu tím đầu mùa.

Người ta ra phi trường đón khách chỉ một bó hoa, còn chị Bông đón khách bằng mấy loại hoa tươi đẹp mọc ngay vườn nhà.

Chị Bông sắp xếp phòng, chăn gối mới, khăn trải giường mới mang ra cho con cháu.

Thấy chị Bông hớn hở lăng xăng anh Bông nói:

- Em đón con cháu mà như đón khách quý đến nhà, chộn rộn mua sắm và sửa soạn nhà cửa mấy ngày nay.

- Chứ còn gì nữa. Thí dụ vợ chồng tổng thống Mỹ có… đến chơi nhà mình em cũng chào đón thế này là cùng.

Và chị mơ màng:

- Em muốn cỏ vườn phải xanh cho thằng Holden chạy chơi, hoa nở đẹp cho hai đứa cháu gái ngắm hoa, hái hoa.

Anh Bông lo ngại:

- Coi chừng cả… ong đốt nữa nghe em. Hôm nọ em bị ong chích một lần vừa khóc vừa chạy vào nhà đó.

Ôi, con ong cho mật ngọt, mật ngọt như tình yêu mà con ong cũng châm chích người đau điếng như hận thù. Hay vì tình yêu và hận thù thường đi đôi với nhau?

Chị lau lại những khung hình các cháu treo trên tường từ hallway phòng khách vào đến phòng ngủ, hình cả nhà con trai chụp trước sân nhà ở Utah giữa ngày Đông tuyết phủ trắng xóa, hình con Tabi hồi nhỏ mái tóc xù ra to tròn như úp cả cái nồi cơm điện lên đầu thật xấu mà ngộ nghĩnh đáng yêu, hình Betsy bề thằng cu tí Holden, hai chị em ôm nhau nhếch nhác chư con mèo tha con chuột.

Anh Bông đã phê bình:

- Vào nhà này nhìn dọc ngó ngang toàn là hình cháu nội mình, làm như trên đời này không có hình ảnh nào khác xứng đáng cho em trưng bày.

- Thì cháu ở xa không có người phải có hình ảnh cho mình nhìn đỡ nhớ chứ. Em đâu dám để hình ngoài phòng khách sợ làm phiền bạn đến chơi phải ngắm cháu mình, em chỉ trưng bày trong chốn riêng tư thôi, ngó hướng nào cũng thấy cháu cưng...

Nhưng có anh thợ sửa điện đến nhà, anh ta đã vào chốn riêng tư, những bức hình treo khắp nơi trong phòng ngủ đập vào mắt anh, anh ta thắc mắc:

- Con cháu anh chị nhiều thế, tới mười mấy đứa?

Anh Bông giải thích:

- Có 3 đứa thôi, nhưng bà vợ tôi treo la liệt hình ảnh chúng từ nhỏ tới lớn nên anh tưởng nhiều.

Biết mình đã… xớn xác , anh thợ điện khen bào chữa:

- Hình mấy đứa nhỏ dễ thương quá.

Chị Bông mát ruột mát gan, giá mà hôm ấy anh thợ điện có tính tiền công đắt gấp đôi chị Bông cũng không thèm để ý và vui vẻ trả tiền...

Gần đến ngày về Texas đám cháu nội hào hứng lắm, chúng nói chúng không thể chờ đợi lâu hơn nữa.

Chúng đã gọi phone ra giá. Trước hết là thằng đích tôn Holden đã dặn dò chị Bông:

- Holden về nhà bà, bà phải hứa là không được bẹo má cháu đi. Năm ngoái bà bẹo má cháu đau nhiều lắm.

Đến cô giữa Betsy:

- Bà nội vẽ hình công chúa cho Betsy tô màu nhé.

Cô cháu cả Tabi thì đòi hỏi thực tế:

- Mỗi buổi sáng cháu muốn ăn điểm tâm hai ổ bánh mì thịt Vietnamese.

Điều kiện nào chị Bông cũng chịu, Holden không cho bẹo má nựng nịu nó thì chị sẽ hôn lên má nó. Chút tài mọn hoa tay hay vẽ của chị Bông dư sức vẽ ra những hình công chúa với đủ kiểu váy áo cho Betsy tha hồ tô màu và chị sẽ mua bánh mì thịt nóng dòn Ba Lẹ cho Tabi thưởng thức. Tội nghiệp đám cháu ở Utah, thành phố Kaysville xa khu chợ Việt Nam thỉnh thoảng mới được bố mẹ mua về mấy ổ bánh mì thịt nguội lạnh muốn ăn phải nướng lại.

Ấy vậy mà hôm sau chị Bông lại nhận phone của ba đứa cháu, Holden nói:

- Bà ơi, chúng cháu không về Texas nữa đâu, bố mẹ sẽ đưa chúng cháu đi vacation ở California có Disneyland vui lắm.

Tiếp theo là Tabi và Betsy cũng nói thế.

Chị Bông bàng hoàng chưa kịp hiểu gì thì ba đứa cháu nội cùng cười ầm trong điện thoại. Thì ra chúng nó biết bà nội mong chờ thương nhớ nên… đùa cho bà nội nó hết hồn.

Khách sẽ xuống sân bay Dallas lúc 12 giờ trưa chủ nhật, chị Bông thức dậy sớm nấu xong nồi phở mà xương đã hầm từ tối qua, sẵn sàng một bữa lunch cho khách.

Xong chị Bông đi tắm gội cho bay hết mùi phở đã ám vào người, chị thay quần áo, dùng một chút nước hoa cho thơm tho và đi cùng anh Bông ra phi trường đón con cháu .

Phi trường mùa hè đông vui nhộn nhịp, những chuyến bay đi và đến vào cuối tuần liên tục cất cánh và hạ cánh. Người ta từ đâu đến đây? Và người ta từ đây sẽ bay đến nơi đâu? Có ai chờ, ai đợi? Có ai đón? ai mong?

Cuộc đời luôn sống động những niềm vui, thế mà cách đây vài hôm chị được tin một bạn học cũ qua đời, chị buồn lắm, chưa kịp vơi buồn thì hôm sau chị nhận được lá thư, bì thư ghi đậm chữ: “Important Information” chị hồi hộp mở thư, thì ra họ quảng cáo... tang lễ nhà quàn với chương trình giá rẻ giúp đỡ người cao niên. Chị Bông càng buồn thêm, càng tưởng tượng thêm biết đâu ngày mai ngày kia đến lượt mình.

Nhưng hôm nay đến phi trường thì cảm giác buồn bã kia không còn nữa mà trái lại là niềm vui và sức sống.

Đón khách về đến nhà là chị Bông vội thay đồ để làm nhân viên phục vụ nấu phở, bưng phở, mang nước uống và gọt trái cây. Chị muốn làm tất cả những việc này cho con cháu, đây là niềm vui của chị.

Con dâu đòi phụ nhưng chị Bông bảo con mới đến còn mệt cứ để mẹ làm.

Chị Bông làm phở cho ba đứa cháu trước, con dâu nhắc mẹ chồng:

- Mom ơi, con Betsy không ăn hành ngò, nó mà phát hiện ra một chút màu xanh là nó không ăn phở đâu. Mom làm cho nó tô phở nhiều nước và thịt chín cắt nhỏ.

Chị Bông vừa làm vừa lẩm bẩm:

- Sao mà con nhà này khó tính khó nết thế, lớn lên Betsy kén chồng phải biết.

- Mom ơi, con Tabi và thằng Holden cũng không ăn hành ngò và không ăn thịt chín thịt tái gì cả, chỉ với bò viên, mà tô phở của Holden mom nhớ cắt bành phở ngắn bớt đi nó mới chịu ăn.

- Từ từ con ơi, con… order nhanh quá mẹ không nhớ kịp vì toàn là những tô phở... bất bình thường.

Vất vả vì ba tô phở cho trẻ con xong tới người lớn. Cả nhà cùng một bữa ăn đoàn tụ vui vẻ, vui nhất là ba đứa cháu ăn phở xong đều khen:

- Phở của bà nội ngon quá. Chị Bông tự hào nói với anh Bông: - Thấy chưa? chỉ có anh là chê em nấu ăn dở... Trẻ con bao giờ cũng nói thật... - Ôi, chúng nó thức dậy từ sáng sớm để ra phi trường, cuộc hành trình dài vừa mệt vừa đói thì ăn cái gì chẳng ngon. Xong một bữa ăn đầu tiên chị Bông đã thấm mệt, chị mới cảm phục các chủ nhà hàng ngày nào cũng bận rộn nấu nướng và phục vụ bao nhiêu lượt khách, mặc dù có nhân viên cùng làm việc nhưng chủ cũng bận rộn ít nhiều. Thế mà mỗi khi thấy nhà hàng nào đông khách chị Bông lại ao ước giá mà mình được làm chủ nhà hàng này nhỉ. *
***

Những ngày con cháu ở chơi, gia đình hôm đi nhà hàng hôm ăn ở nhà, chị Bông nấu đổi món mỗi ngày.

Các cháu được dịp làm khách tha hồ nhõng nhẽo và đùa nghịch.

Tabi mách với chị Bông:

- Bà ơi, bố chê mái tóc Tabi quăn như sợi mì xào dòn.

Di truyền tóc quăn là từ chị Bông, nghe cháu nội than thở chị thương quá:

- Bố cháu nói đùa cho vui mà, mái tóc thẳng hay quăn đều có cái đẹp của nó... Ngày xưa tóc bà cũng dày và đẹp như tóc cháu.

Tabi vẫn bướng bỉnh:

- Cháu thấy tóc quăn xù ra xấu lắm, cháu sẽ thắt bím cho gọn, trong youtube có chỉ thắt bím nhiều kiểu đẹp.

- Nhưng cháu nhớ là sau khi gội đầu để tóc thật khô mới thắt bím nhé.

- Vâng ạ.

Thằng út Holden thì hào hứng khoe:

- Bà ơi, khi Holden nói về thăm nhà ở thành phố Arlington Texas bạn cháu nói phải chụp hình cái sân football của đội Cowboy cho nó xem.

- Phải rồi sân vận động lớn và đẹp lắm, nhất định chúng ta sẽ đến thăm và chụp hình kỷ niệm.

Thời đại điện tử trẻ con khôn ngoan hiểu biết nhiều, đứa trẻ lên 8 cũng biết lên net , biết những chuyện khắp năm châu bốn biển. Chúng sống ở tiểu bang Utah mà cũng biết thành phố Arlington tiểu bang Texas có sân vận động của đội CowBoy nổi tiếng.

Các cháu thích chạy chơi ngoài vườn khi buổi chiều nhiệt độ dịu mát, chúng ngồi ghế xích đu, chúng cùng nhau hát hay nói chuyện.

Xung quanh chúng hoa hồng nở và những con ong bay qua bay lại lượn lờ trong vườn hoa nhưng không… dám châm chích đứa cháu nào của chị Bông cả vì chị Bông vừa chơi với cháu vừa canh chừng ong để bảo vệ các cháu cho tới khi chúng vào nhà.

Vào trong nhà lại có trò chơi trong nhà, mỗi đứa một góc với ipad, với laptop và iphone để chơi game.

Bộ sofa phòng khách chị Bông mỗi khi lau chùi còn nhẹ nhàng tay vậy mà ba đứa cháu thi nhau nhảy lên nhảy xuống. Anh Bông đọc được tâm trạng chị Bông:

- Anh biết em xót bộ ghế lắm, nhưng em cưng cháu em hơn nên cắn răng chịu đựng. Hoan hô tinh thần bà nội.

Chị Bông cười xòa tự khen mình:

- Anh thấy đó trên bàn ăn lúc nào cũng bừa bộn như vừa xong đại tiệc, cũng may cái bàn ăn mình đã cắt kính tha hồ cho chúng nó ngồi ăn, có đổ sữa, nước ngọt hay xì dầu, ketchup gì cũng không sao, mình sẽ lau chùi dễ dàng. Cái sáng kiến cắt kính mặt bàn là của em đấy nhé.

Mới tháng sáu mà Texas đã nắng nóng, ngày nào cũng 80 mấy độ F., các cháu sinh ra và lớn lên ở xứ lạnh Utah quen rồi nên chúng không chịu nổi cái nóng ngày nào cũng đòi bố mẹ đưa đi bơi, bơi xong bụng đói là đi ăn đến chiều mới về đến nhà.

Mười ngày vacation của các cháu trôi qua nhanh quá, chị Bông cũng hưởng “vacation” với các cháu luôn. Đúng là ngày vui qua mau.

Ngày mai con cháu chị lại ra phi trường về nhà... Chị Bông thấy lòng buồn bâng khuâng.

Sáng hôm sau chị Bông cũng dậy sớm như hôm đón chúng về, lần này chị nấu cơm để con cháu ăn no bụng đi đường dài, chị còn cẩn thận bảo anh Bông ra tiệm mua mấy ổ bánh mì thịt, đồ chua để riêng, để khi chiều tối về đến nhà chưa kịp nấu cơm sẽ có bánh mì mà ăn. Bây giờ đi máy bay chỉ được phục vụ ăn uống qua loa mà thôi.

Tiễn con cháu ở phi trường chị Bông ôm hôn từng đứa cháu:

- Sao bà nội khóc? Cháu thương bà nội mà.

- Mai mốt cháu lại về nữa mà.

- Hay bà dọn nhà đến Utah làm hàng xóm ở cạnh nhà cháu đi, hôm nọ cháu thấy căn nhà ấy có cái bảng “For sale” đó…

Bà cháu trao đổi thương yêu và hứa hẹn cho đến lúc chia tay.

Chuyến xe từ phi trường trở về nhà, chiếc xe trống vắng người, trống vắng niềm vui, trái hẳn lúc đón con cháu về.

Về đến nhà chị Bông lại thêm bồi hồi, tiếng cười tiếng nói và cả tiếng khóc khi các cháu tranh giành cãi nhau tưởng như vẫn còn đây, hình bóng chúng nó còn kia, vậy mà giờ này chúng nó đang ở phi trường, chốc nữa máy bay sẽ đưa con cháu chị về nhà của chúng, về với cuộc sống của chúng.

Chị cầu mong con cháu về đến nhà bình yên.

*
***

Hôm sau anh chị Bông tổng dọn dẹp lại nhà cửa cho mọi thứ trở về vị trí cũ, giặt lại khăn trải giường, gối chăn cất đi cho mùa sau khách đến, bàn ghế phòng ăn, bàn ghế phòng khách kê lại cho ngay ngắn và lau chùi tinh tươm.

Những công việc này tuy mệt nhưng làm xong dễ dàng.

Các việc vặt thế mà mất nhiều thì giờ hơn, các cháu nghịch ngợm, bình hoa vải màu tím của chị Bông để ở bàn ngủ đã tung tóe hoa lá chỗ này một cành, chỗ kia một lá làm chị phải mất công đi tìm và tỉ mỉ cắm lại, những khung hình nho nhỏ xinh xinh, hình các cháu nơi bàn ngủ chị đã sắp xếp theo kiểu dáng đẹp, hình nhỏ đến hình lớn mà mỗi tối đi ngủ chị Bông đều nhìn thấy các cháu bây giờ chúng cũng để thất lạc nơi đâu? chị phải mở từng ngăn kéo bàn ngủ mới tìm thấy. Thì ra chúng ganh tị nhau vì bà nội để hình đứa này ít hơn đứa kia hoặc tấm hình nó chê xấu nên cất dấu vào ngăn kéo...

Ra tới nhà bếp chị Bông cũng vất vả tìm đồ… đi lạc, vì con dâu thỉnh thoảng phụ nấu nướng và rửa chén bát, bộ đĩa này nó chồng lên kiểu đĩa kia, nồi chảo để không đúng chỗ, cái kéo chị Bông vẫn cất trong ngăn kéo đựng dao nỉa thì nó bỏ vào ống đũa làm chị Bông tìm hoa cả mắt.

Bếp nhà ai người ấy xử dụng là tốt nhất, chủ nhà nấu nướng hay dọn dẹp đều nhanh vì họ biết vị trí những món đồ.

Con dâu làm bếp cứ phải hỏi mẹ chồng luôn miệng:

- Mom, chai dấm đâu? lọ tiêu đâu?

Chốc nữa nó lại hỏi:

- Mom, cái thớt nào gọt trái cây, thớt nào thái thịt?

- Mom…

Chị Bông bị hỏi nhiều lần nên mỗi lần con dâu bắt đầu bằng chữ ”mom” là chị giật mình. Nhưng nó tươi cười tiếp:

- Mom... xong rồi, mời mom và cả nhà ra xơi cơm.

Nhà cửa đâu vào đấy xong, chị Bông mang máy chụp hình ra load lại những hình ảnh đã chụp các cháu, hình đứa nào cũng dễ thương, vì một người bạn chị đã nói một câu chí lý: “Cháu bà dễ thương lắm, nhưng…. cháu tôi dễ thương hơn.”

Thì ra cháu của ai thì người ấy thấy đẹp thấy thương dù chúng thế nào, bởi thế dù cháu chị Bông đứa thì cao nhòng, đứa thì bé hạt tiêu và làn da nâu nâu, đứa thì bướng bỉnh khóc dai cả giờ đồng hồ không chịu stop mà chị vẫn thương quá chừng.

Chị Bông gọi anh Bông ra xem hình ảnh các cháu trên computer và hào hứng nói:

- Anh ơi hình đẹp lắm, em sẽ chọn và rửa một số hình đẹp và…

- Mua khung hình treo lên cho em ngắm chứ gì?

Anh Bông vội vàng nói tiếp:

- Nếu cứ đà này, mỗi năm mỗi lên khung hình các cháu nội thì nhà mình sẽ biến thành phòng triển lãm mất, nào hình treo tường, nào hình để trên bàn gương trang điểm, nào hình để trên bàn ngủ, còn chỗ nào cho em khoe hình cháu nữa? Chẳng lẽ em muốn treo hình các cháu trong… restroom hay garage?

- Biết rồi, em chỉ cao hứng nói thế thôi, hình các cháu yêu quý của em phải được treo chỗ nào đẹp đẽ chứ. Em sẽ để hình trong computer khi nào thích thì mở ra xem.

Đám con cháu nhà chị Bông, đám khách yêu quý của chị Bông đã đến chơi cho chị những tình thân ấm áp vui tươi, chúng đã đi còn để lại cho chị những hình ảnh và kỷ niệm ấy.

Mỗi năm con cháu đều về chơi, vào mùa hè có khi tháng sáu, tháng bảy. Vào dịp cuối năm Giáng Sinh đến New Year, mỗi lần khác nhau để thay đổi không khí.

Không biết sang năm chúng sẽ về vào thời điểm nào…

Chị đã trở lại sống cuộc sống thường ngày của mình.

Bây giờ là cuối tháng sáu, cả tuần nay trời oi bức, chị Bông lại thèm nghe bài hát kia, bài hát có câu “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt... trời không mưa em cũng lạy trời mưa...”

Chị Bông ước một cơn mưa, các cháu không còn ở đây thì trời cứ việc mưa, mưa to gió cuốn hay mưa dầm dề lê thê chị đều thích, để có giây phút mộng mơ trải hồn theo tiếng nhạc và ngắm mưa rơi ướt đường ướt phố.

Nguyễn Thị Thanh Dương

(June,26, 2015)