Căn Phòng Màu Đen

   Ngôi nhà của vợ-chồng bà bác-sĩ Quỳnh-Hoa nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Sau nhà là một con suối. Cây cầu gỗ cong-cong bắc ngang qua bên kia đồi. Nhiều loại thảo-mộc. Hoa nở theo mùa.

   Chồng bà bác-sĩ là thầy giáo. Ông dậy chương-trình tiểu-học ở một trường công trong phố.

   Tôi quen gia-đình bà bác-sĩ Quỳnh-Hoa từ ngày thành-lập cộng-đoàn. Cũng đã hơn mười năm. Hai vợ-chồng thường mời tôi đến nhà trong những dịp lễ lớn. Không dám gọi là quá thân-thiết như ruột thịt, nhưng phải nói là rất thân-tình. Tôi gọi vợ-chồng bà bác-sĩ Quỳnh-Hoa là vợ-chồng ông Hoàng. Hai vợ-chồng cũng thích thế.

   Năm nay, vì cái nạn dịch bắt nguồn ở Vũ-Hán, vợ-chồng ông Hoàng không tổ-chức mừng Lễ Tạ-Ơn lớn, chỉ mời riêng tôi. Tôi lấy lý-do phòng-ngừa dịch nên đã từ-chối. Thật ra, sau mười năm, cứ mãi phải nghe một chuyện cũ những lần gặp mặt, tôi đã thấy... chán.

   Để hiểu vì sao tôi chán, thiển-nghĩ tôi nên nói vì sao tôi thích trước đây.

   Ngoài việc bác-sĩ, bà Quỳnh-Hoa còn là một nhà văn, nhà thơ. Bà không nổi tiếng vì chỉ chia-sẻ sáng-tác của mình trong vòng thân-hữu.

   Ngoài việc dậy học, ông Hoàng còn là một nhạc-sĩ, họa-sĩ. Cũng như vợ, tiếng dương cầm, vĩ cầm, tiếng đàn bầu hay sáo, nhạc và tranh của ông... cũng chỉ được phổ-biến rất giới-hạn.

   Tôi thích những đêm văn-nghệ bỏ túi ở nhà ông Hoàng. Được nghe ngâm thơ, đuợc nghe lại tiếng đàn bầu... để liên-tưởng đến những lúc mẹ tôi hát ả-đào và bố tôi đệm đàn đáy là điều làm tôi hạnh-phúc. Ngoài ra, tôi không hiểu-biết gì về nghệ-thuật hay tư-tưởng trong những sáng-tác của hai vợ-chồng ông Hoàng. Qua những buổi sinh-hoạt này, tôi được biết thơ có âm-điệu, có tĩnh-từ, có danh-từ... còn nhạc chỉ có tĩnh-từ. Để đem tư-tưởng, triết-lý, màu sắc vào nhạc, ông Hoàng mượn thơ của vợ làm lời ca. Đôi khi ông còn diễn-tả thơ của bà Quỳnh-Hoa qua những bức họa của ông.

   Tôi kể dài-dòng như thế chỉ để muốn nói hai vợ-chồng ông Hoàng rất tâm-đắc, rất hợp-ý nhau. Nhưng dù tâm-đắc, dù hợp-ý, nó vẫn không cắt nghĩa được vì sao cái phòng sinh-hoạt gia-đình của vợ-chồng ông Hoàng vẫn còn là một mầu đen đến giờ. Năm nào cũng vậy, dịp nào cũng thế, hai vợ-chồng lại đem chuyện mầu sắc ra... phàn-nàn với khách.

   Tôi cần nói thêm một lý-do khác là tôi quý-trọng hai vợ-chồng ông Hoàng. Đó là sự khiêm-tốn và lòng yêu nước của họ. Phải nghe ông Hoàng đàn, phải nghe bà Quỳnh-Hoa ngâm mới cảm được phần nào cái đau tột cùng của một nước nhược-tiểu... Tôi đã khóc ngày Trung Cộng đem giàn khoan vào lãnh-hãi nước nhà qua tiếng đàn và giọng ngâm của vợ-chồng ông Hoàng.  Tôi quý-trọng hai vợ-chồng hơn khi được biết họ nằm trong nhóm người phản-đối việc lập viện Khổng-Tử, dựng tượng-đài Quan-Công, xây Vạn-Lý Trường-Thành khi mà những công-trình văn-hóa dân-tộc cần được ưu-tiên hơn.

   Trở lại chuyện mầu sắc của gian-phòng. Bà Quỳnh-Hoa muốn mầu vàng và trắng hòa lẫn vào nhau. Bà gọi đó là mầu vàng trắng. Cũng đồng một ý với vợ, cùng một dung-lượng vàng trắng ấy, ông Hoàng muốn mầu trắng hòa chung với mầu vàng. Ông gọi đó là mầu trắng vàng.

   Tôi không biết về hội-họa, nhưng tôi hiểu là sau khi hòa chung cùng một dung-lượng, thì cái mầu sắc cuối cùng nó phải giống nhau. Thế thì trắng vàng hay vàng trắng phải giống nhau, còn cái tên gọi vàng trắng, trắng vàng, hay là gì gì đi nữa không còn quan-trọng. Ấy thế mà đã hơn mười năm qua, và có thể còn lâu hơn nữa, vì tôi cũng chỉ mới quen biết hai vợ-chồng ông Hoàng kể từ ngày lập cộng-đoàn ở đây, phòng sinh-hoạt gia-đình vẫn còn là một mầu đen.

   Tôi nhớ đến chuyện phản-đối việc lập viện Khổng-Tử, xây Vạn-Lý Trường-Thành, dựng tượng Quan-Công... Cũng đã quá lâu nhưng vẫn chưa có sự đồng-nhất của những người trong nhóm.

   Sau mười năm quen biết, tôi từ-chối đến dự Lễ Tạ-Ơn.

Ngục Thu Yên