Mùa Giáng Sinh Đang Đến

Còn một tháng nữa mới đến ngày lễ Giáng Sinh mà nhà chị Bông đã bận rộn hẳn lên. Chị đã mua mấy tấm thiệp thật đẹp để gởi chúc Giáng Sinh và Năm Mới đến những người thân, còn đa số bạn bè vợ chồng chị Bông đều nhận và gởi những thiệp chúc qua email vừa nhanh vừa tiện.

Ba đứa con chị Bông là Tabi, Betsy và Holden nhất định phải có thiệp gởi cho ông bà nội của chúng, thiệp tự tay chúng vẽ kiểu và trang trí rồi mới viết lời. Nhận những tác phẩm vừa… xấu vừa rẻ tiền của ba đứa cháu, ông bà nội nó đều thích mê, gọi phone khen rối rít.

Giờ này ông bà đang chờ mong nhận thiệp các cháu lắm đây, cứ như người ta sung sướng chờ đợi nhận món quà đặc biệt hay đẹp và đáng giá lắm.

Ba chị em nó thi nhau cắt giấy, tô màu và ghi những lời “vàng ngọc” đến ông bà nội, chị Bông sẽ xem lại từng tấm thiệp trước khi chúng bỏ vào phong bì dán kín và bỏ vào thùng thư.

Cô trưởng nữ Tabi viết rằng ”Chúc ông bà nội Giáng Sinh và năm mới vui vẻ. Cháu yêu ông bà như yêu phở nhưng nhiều hơn một chút”.

Chị Bông lẩm bẩm:

- Con ơi là con, sao lại so sánh phở với ông bà nội chứ.

Anh Bông thở phào nhẹ nhỏm:

- Tabi thích ăn phở, may mà phở vẫn đứng sau ông bà nội.

Cô con gái thứ Betsy thì sau những lời chúc thông lệ cô bé viết thêm: “Năm nay cháu “khổ” lắm vì tiền để dành của cháu ít hơn Tabi và Holden”.

Đến thiệp của thằng út Holden, cháu nội đích tôn của ông bà hứa hẹn rằng: “cháu sẽ mang về Texas một món quà tặng ông bà.”

Chẳng cần biết là quà gì nhưng chắc chắn ông bà nội sẽ… mòn mỏi từng ngày chờ cháu về thăm để nhận quà tặng của cháu.

Chữ nó viết lúc to kềnh càng như đá tảng lúc thu nhỏ lại như con kiến, kiểu chữ gà bới chị Bông nhìn vào đã hoa cả mắt, ông bà nội dù đeo kính lão chắc cũng điên đầu luôn. Thế mà mấy lần trong quá khứ ông bà không chê chữ thằng cháu nội viết xấu còn hí hửng tiên đoán với nhau:

- Chữ xấu… di truyền từ bà nội nó có gì lạ đâu. Thế mới là con cháu nhà này.

- Những người thuận tay trái đều tài giỏi hơn người, thằng Holden chẳng những viết bằng tay trái lại thêm chữ xấu mai mốt là bác sĩ đấy, bà thấy có bác sĩ nào viết toa thuốc đọc ra hồn đâu? chữ ngoáy tít trời xanh thì chỉ có trời mới hiểu ông ấy viết gì.

Bà nội lo âu:

- Nhưng ông ơi thằng cháu Holden cứ đòi mai mốt lớn sẽ làm lính cứu hỏa, cứu người mới là anh hùng thì làm sao thành bác sĩ được?

- Làm lính cứu hỏa cũng tốt chứ sao, mà con nít cái gì chúng chả ước mơ, từ nhỏ tới lúc lớn sẽ thay đổi ước mơ hàng trăm lần bà đừng lo kẻo bà đã già đã xấu càng thêm già thêm xấu.

Ba lá thiệp được bỏ vào thùng thư. Thế là xong một việc quan trọng và cần thiết. Bởi nếu thiệp đến trễ ông bà nội lại sốt ruột liên tục gọi phone hỏi thăm:

- Các cháu viết thiệp cho ông bà chưa? gởi nhanh cho ông bà để ông bà treo thiệp cháu lên cây Giáng Sinh.

Những tấm thiệp của ba đứa luôn được ông bà nội treo lên cây Giáng Sinh để… khoe với mọi người những lời chúc mừng đáng yêu của các cháu.

Ba đứa cháu nội cứ như gia tài lớn nhất quý hóa nhất của ông bà, mỗi đứa có một đặc điểm riêng để bà yêu bà nhớ, cô Tabi đôi mắt to đen tinh khôn, chuyên môn ăn hiếp hai em, những đồ chơi chung của ba chị em có món tự nhiên… biến mất. Chị Bông tìm mãi không ra nhưng khi dọn dẹp nhà cửa thì thấy chúng trong closet, trong ngăn kéo quần áo… thì ra cô Tabi ưa thích chúng đã cất dấu đi để làm của riêng.

Cô Betsy thuở bé có thói quen bú ngón tay cái, bú đến mòn cả móng tay mà không chịu thôi dù chị Bông đã bôi vào đầu tay nó chút dầu xanh con ó mùi cay cay cho nó sợ. Betsy còn có thói quen nằm ngủ xấp, mông cong lên như con bọ ngựa thật dễ thương.

Thằng Holden thì có gương mặt bầu bĩnh và đôi môi cong láu lỉnh duyên dáng. Mỗi khi Holden khóc thì dai dẳng hơn cả những cơn mưa Ngâu tháng bảy.

Mỗi mùa Giáng Sinh hoặc ông bà nội đến thăm Utah hoặc gia đình chị Bông từ Utah về Texas thăm ông bà nội, dù ở Utah hay Texas thì bà nội cũng sẽ đi lễ nửa đêm cùng gia đình chị Bông, chị đạo công giáo trong khi nhà chồng đạo Phật, bà mẹ chồng dễ tính và cởi mở chẳng phân biệt đạo nào cả, vẫn thích đi lễ nhà thờ cùng con cháu trong đêm Giáng Sinh huyền diệu ấy dù mùa đông xứ núi Utah tuyết nhiều gió lạnh căm căm bà cũng chẳng ngại ngần.

Năm nay anh chị Bông vừa mua nhà mới nên bận rộn hơn mọi năm vì còn phải xã giao với những cư dân hàng xóm trong mùa lễ tết đầu tiên tại thành phố Kaysville này nên chị chưa dò tìm vé máy bay.

Chị Bông đã đi tiệm mua được mấy món quà tặng Giáng Sinh cho hàng xóm thân cận đáp lễ lại ngày gia đình chị mới dọn vào nhà họ đã đến làm quen tặng quà và chúc mừng người hàng xóm mới. Chị mang quà đến để trước cửa vài nhà hàng xóm lân cận nhất.

Cả khu nhà mới này chỉ có nhà chị Bông và một gia đình người Nhật là dân Châu Á. Bà hàng xóm Nhật Bản đã thân thiện sang làm quen với chị Bông trước và bà nói một câu đầy tự tin và… tự hào:

- Khu nhà của chúng ta đẹp thế này chắc chắn hai gia đình Châu Á chúng ta sẽ ở lâu dài nhưng những nhà Mỹ kia thì không chắc, ít lâu sau thế nào cũng có người treo bảng bán nhà vì… mất việc, vì li dị v..v.. không thể trả nổi mortgage.

Anh chị Bông chẳng mấy khi cho các con tiền vì không muốn chúng tiêu xài vớ vẩn, ngay cả tiền quà tặng sinh nhật hay tiền mừng tuổi của ông bà gởi cho chúng cũng vào tay bố mẹ… giữ giùm. Nhưng mỗi đứa vẫn có vài đồng tiền lẻ hiếm hoi, là khi đi hội chợ tết Việt Nam được một bao lì xì màu đỏ có tờ 1 đồng mới tinh bên trong hay khi chúng làm bài vở giỏi cũng được bố mẹ thưởng tờ một đồng. Thế là 3 chị em đứa nào cũng có tí vốn riêng để dành.

Hôm qua Holden nói với bố sau khi đã tính toán chi li:

- Bố chở con ra “ 1 dollar store” để con mua quà Giáng Sinh tặng cho nhà mình và ông bà nội. Ai cũng sẽ có quà.

Có vẻ như Holden giàu có nhất so với hai bà chị, vì bà chị cả Tabi luôn xài hết tiền trong túi, cuối tuần trước Tabi được phép đi mall theo gia đình một đứa bạn, chị Bông cho nó 5 đồng để uống nước, chẳng biết nó uống nước gì mà còn thiếu tiền bạn nó và về nhà phải… vay nợ Holden 1.25 đồng để trả bạn.

Còn cô chị Betsy thì cẩn thận tiêu xài hơn, gia tài có 3 đồng chỉ dám tiêu 2 đồng vẫn còn lại 1 đồng dằn túi.

Nghe kể qua phone tình hình tài chính của 3 cháu bà nội thương quá.

Thương Holden tài chánh eo hẹp nhưng biết tính toán chi tiêu, muốn mua quà tặng cả nhà phải vào tiệm bình dân món gì cũng đồng hạng 1 đồng .

Thương cháu gái Tabi lâm vào vòng túng quẩn, mang nợ chưa biết khi nào có tiền trả Holden 1 đồng 25 cent.

Thương cô Betsy phải “thắt lưng buộc bụng” xài dưới mức “thu nhập”.

Nhưng ông bà nội cũng tự hào biết bao khi biết Holden chi tiêu căn cơ thế mà rất hào phóng khi có lần ở trường nó đã tiêu hết 3 đồng vốn liếng, mua những món quà do các bạn trong trường làm để góp qũy. Holden nói đó là cách donate cho trường và sung sướng nhất là được làm chủ chính mình, được tự quyết định chi tiêu không phải thông qua bố mẹ.

Cả ba đứa đều có lòng thương người, mùa Giáng Sinh nào đi mall, đi chợ thấy người rung chuông xin tiền cho người nghèo, ba chị em đều móc hết tiền trong túi ra cho và còn bảo bố mẹ cho thêm vì những đồng tiền của chúng ít ỏi quá. Hay khi thấy người homeless đi thất thểu ngoài đường trong gió lạnh mùa đông chúng đều băn khoăn thương xót muốn chia sẻ cho họ chiếc áo khoác hay đôi giày ủng ấm áp .

***************

Chiều nay chị Bông đi làm về ghé vội vào chợ Việt Nam mua vài thứ để làm món bánh đúc mà chị mới học trên net tối qua. Lúc ra quầy tính tiền có một bà lớn tuổi đứng đằng sau hớn hở bắt chuyện:

- Chị mua hộp vôi làm bánh đúc hả? Chị làm bánh đúc cách nào chỉ tôi với, tôi thích ăn bánh đúc lắm.

Bà này giỏi thật, chỉ nhìn hộp vôi mà đoán không sai. Đang bận và vội về nhưng chị Bông vẫn vui vẻ xã giao:

- Vâng, bác đợi tính tiền xong cháu và bác đứng ra chỗ kia nói chuyện để khỏi làm phiền người khác.

Chị Bông trả tiền xong đẩy xe chợ ra một chỗ và sốt ruột đợi bà vừa quen đang tính tiền, khi bà ta đến nơi chị Bông liền tỉ mỉ chỉ cách làm bánh đúc, bận thì bận đã giúp người thì làm đến nơi đến chốn. Chị cẩn thận dặn dò:

- Bác nhớ canh chừng cho nước ở độ lỏng vừa phải nhé, bột đặc quá bánh không mượt mà, bột lỏng quá bánh đúc không cứng dòn.

Nghe xong bà già thản nhiên cười:

- Chị ơi, ở tuổi bà nội bà ngoại như tôi mà quậy bánh đúc không xong thì mang tiếng là phụ nữ Việt Nam làm gì, từ bé đến lớn tôi đã quậy bánh đúc hàng bao nhiêu lần rồi, tôi hỏi chị là để… cho vui và thử tài chị thế nào thôi. Tôi có nhắm mắt lại vẫn quậy xong mẻ bánh đúc tuyệt vời ngon đấy nhá.

Chị Bông cụt hứng, tiếc công mình đứng đợi và chỉ cho bà già cách làm bánh đúc.

Thấy vẻ mặt tiu nghỉu của chị Bông, biết là mình ăn nói vô duyên bà già vội nói:

- Thôi bỏ qua món bánh đúc, gần đến lễ Giáng Sinh chị chỉ tôi làm bánh Giáng Sinh đi, món này thì tôi chưa biết làm bao giờ.

Chị Bông thành thật:

- Cháu cũng không biết làm bánh Giáng Sinh, khó ở chỗ trang hoàng bánh… …

Chị Bông chợt lóe lên một niềm vui và không còn trách bà này nữa, vô tình bà đã nhắc nhở chị món bánh Giáng Sinh, món bánh mà ba đứa con chị đều thích.

Nhất định chị sẽ xem cách làm trên youtube và khi mang các con về thăm ông bà nội ở Texas chị sẽ trổ tài làm một ổ bánh Giáng Sinh mấy tầng hay ổ bánh hình khúc cây thật đẹp thật dễ thương cho cả nhà cùng ngắm, cùng ăn, cùng thêm vui trong không khí đại gia đình đoàn tụ bên nhau khi ngoài trời mùa Đông gió lạnh đầy.

Chị Bông đẩy xe chợ và nói với theo bà già khi bà đã quay lưng bước đi:

- Bác ơi, cháu sẽ học cách làm bánh Giáng Sinh trên net, năm nay nhà cháu sẽ có một Giáng Sinh đặc biệt vì món bánh tự làm ở nhà. Chúc bác và gia đình mùa Giáng Sinh sắp đến thật vui vẻ nhé…

Nguyễn Thị Thanh Dương