Dàn Mướp Ở Vịnh Thiên-Đường

Lững thững từ vườn sau bước vào nhà, tôi đưa cho vợ ba quả mướp chỉ nhỏ bằng ba quả dưa leo cong queo loại vét chợ. Nàng nguýt một cái dài như đòn gánh.

“Bé tí tẹo như thế này mà gọi là mướp đấy, ông nhà nông? Ăn gì, làm cái gì với cái thứ này. Mướp miếc gì như thế, nhìn đến mắc cở”.
Giàn mướp tôi hì hục chăm sóc suốt bao lâu, chỉ sản xuất được đúng ba quả, còn bao nhiêu rụng hết.

“Thì em xào cho anh một bát mướp xào, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Suốt mấy chục năm ở Mỹ, bây giờ anh mới có cơ hội được ăn mướp xào đấy.”
“Được rồi, lát nữa em xào. Mà không biết cái thứ anh trồng có ra gì không. Người ta trồng mướp thì dài cả mét, to như cánh tay. Em không biết anh trồng cấy thế nào mà chỉ được ba cái thứ tí tẹo như thế này.”

Từ khi ương được ba hột mướp hương do ông anh vợ gửi tới, tôi hăm hở đi mua gỗ, mua lưới sắt về dựng một cái giàn cho mướp leo. Tôi tính chúng lớn đến đâu, tôi làm giàn lớn đến đó, đất vườn rộng mênh mông làm giàn dài vài chục mét cũng dư sức. Tôi không quên mua luôn mấy bao phân bón người ta đề rõ ràng phân bón cho rau đậu, cây ăn trái, hình chụp thật bắt mắt trên bao. Nhà tôi tại khu gia cư có tên thật ấn tượng “Vịnh Thiên Đường” chắc phải là thiên đường của mọi thứ, mọi người.

Tôi tưới nước chăm chỉ cả sáng lẫn chiều, không thiếu buổi nào, ngày nào. Cả ba cây mướp con cũng theo nhau leo lên giàn, có điều giây mướp chỉ nhỏ như que tăm trong khi mướp người ta trồng, tôi nhìn thấy nó phải to như chiếc đũa. Nào tôi có tiếc tiền phân bón hay công tưới nước gì đâu mà tôi lại chỉ có cái thứ dây mướp èo uột như thế này.

Dù thân dây mướp nhỏ bé, cả ba dây mướp cũng chịu khó ra được mấy chục chùm hoa nhưng hầu hết đều rụng mất tiêu và chỉ còn đậu cho tôi được 3 quả. Đợi mãi không thấy chúng lớn thêm, tôi đành cắt mang vào nhà đưa nhờ vợ làm món xào. Ở cái xứ xa chợ bán các loại rau đậu bầu bí Á đông mà người mình hay ăn, có vườn trồng lấy một vài thứ để ăn là điều thú vị. Cây nhà lá vườn thì còn gì đáng hãnh diện hơn. Nhưng nhìn cái giàn mướp nhỏ bé, thân dây mướp chỉ nhỏ như que tăm, tôi không thể hiểu tại sao lại ra nông nỗi như vậy.

Tới giờ ăn, tôi vào bếp thấy vợ để trên bàn ăn một đĩa thịt kho tàu, một đĩa cải làn xào tỏi và một bát nước sền sệt không biết là gì. Ghé mũi ngửi, có vẻ như mùi mướp hương nhưng không thấy miếng mướp nào cả. Tôi hỏi bà chủ nhà.

“Mướp hương xào đâu em?”

“Thì đấy, mướp xào của anh đấy!”

Tôi ngạc nhiên, lấy muỗng múc thử một muỗng đưa lên xem. Không thấy mướp. Múc xuống đáy bát đưa lên cũng không thấy miếng mướp nào. Cầm muỗng khuấy tới khuấy lui chỉ thấy một thứ nước sền sệt, không giống cháo mà cũng không đặc giống bánh đúc.

“Ủa! Anh tưởng mướp xào là quả mướp cắt xeo xéo, xào xong thì vẫn còn nguyên miếng mướp chứ trong cái bát này không thấy miếng nào cả là sao, bà bếp.”

“Thì ba quả mướp của anh nó ra như vậy đấy. Hồi xưa, bà nội em rồi mẹ em dạy em làm món mướp xào như thế nào thì em cứ như thế làm chứ không sáng chế cái gì. Không phải lỗi của em đâu nha!”

Làng trên xóm dưới, quý ông quý bà có ai tin là bà nội rồi mẹ nàng truyền lại cho nàng bí kíp xào mướp như một thứ cháo lỡ không? Tôi thì tôi nhất định không tin.

Cơn mưa rào bất chợt đổ xuống. Nước mưa đập xuống mái nhà nghe rầm rầm kèm theo sấm chớp và nước mưa lênh láng vườn trước vườn sau. Nhìn qua cửa sổ, cái giàn mướp khiêm tốn của tôi với ba quả mướp bé nhỏ như ba quả dưa leo to hơn ngón chân cái, dài cỡ gang tay vẫn còn đó. Tôi thật mừng.
Xứ Vịnh Thiên Đường này chẳng mấy tuần lễ trong một tháng mà không có mưa. Không mưa lớn thì mưa nhỏ. Nhờ mưa nhiều, cái bán đảo bề ngang thật nhỏ hẹp nhưng dài hàng chục dặm toàn cát trắng vẫn cây cối rậm rạp. Thông, sồi, phong, giây leo và nhiều loại cây lớn cây nhỏ khác chen chúc tranh nhau phát triển. Con người tới đây phá rừng, làm nhà, làm đường, biến giang sơn của gấu, của rắn và các loại muông thú thành các khu gia cư.
Vịnh Thiên Đường là một khu gia cư do một công ty phá rừng xây dựng khoảng 30 năm trước. Trừ những nhà sát bờ vịnh, những nhà phía trong như nhà tôi, đều được xây dựng trên diện tích đất trung bình 12,000 bộ vuông (square feet).
Tôi mua lại căn nhà ở đây từ một bà cụ già 85 tuổi. Bà là chủ thứ hai, sống một mình. Bà yêu thiên nhiên cây cỏ và là thành viên của một hội bảo tồn thiên nhiên. Bà mang từ đâu về không biết đủ mọi loại cây lớn nhỏ trồng tất tật đằng trước đằng sau.

Khi tôi mua lại căn nhà từ tay bà, tôi thừa hưởng một khu rừng nhỏ đúng nghĩa. Từ ngoài đường nhìn vào thì chỉ thấy thấp thoáng phía trước của căn nhà, còn tất cả đều bị cây cối che khuất. Bà để lại cho tôi tấm họa đồ vị trí và tên khoa học của tất cả các loại cây được bà trồng gần 2 chục năm trời.
Từng ấy năm bà ở, lá cây rụng xuống không bao giờ quét nên dầy hơn một gang tay, ẩm thấp, mục dần theo năm tháng. Ếch nhái, thằn lằn rắn mối chạy nhảy nhộn nhịp cả ngày. Và muỗi thì dày đặc. Tôi ở quận Cam California mua nhà ở thành phố nhỏ bé Gulf Breeze, Florida, qua internet vì thấy rất rẻ và hợp với khả năng tiền bạc còm cõi của mình. Mua xong, dọn nhà thẳng từ quận Cam California tới chứ không đi xem nhà từ trước.

Vợ tôi nhìn cái vườn vừa ngao ngán vừa phiền muộn cho cái anh chồng chọn mua một căn nhà để dưỡng già ở một khu gia cư có tên là Vịnh Thiên Đường mà lại oái oăm như thế này. Bà ấy cầm cái cào lá ra vườn tính cào thử xem sao thì một con rắn đen chùi chũi lằng ngoằng đuổi theo bắt con thằn lằn. Bà ấy hoảng hồn bỏ cào, phóng vào nhà.

Tôi phải gọi người tới giúp tôi cưa cây, dọn cành dọn lá suốt hai tháng trời mới phá xong được cánh rừng quanh nhà. Bà chủ cũ nếu biết được điều này chắc buồn lắm, nhưng vợ chồng tôi không thể sống giống như bà ấy được.

Như rất nhiều người Việt khác vẫn nhớ những thứ mình quen ăn ở quê hương cũ, tôi đi mua gỗ, mua lưới sắt làm một giàn nho nhỏ để trồng ít rau thơm, mùng tơi, rau dền, cây mướp, cây bầu để có rau tươi luộc hay xào, nấu canh. Nhớ hồi còn ở tiểu bang Connecticut năm 1977, một bà đi chơi thăm người thân ở Hawaii, khi về bà ấy mang về theo mấy chục ngọn rau muống.

Mỗi ngọn dài khoảng một sải tay cả rễ cả lá già lá non bà ấy bán lại cho tôi trong tình quen biết với giá một đô la. Thời gian này, mỗi gallon xăng cũng chỉ bán giá tương tự như một ngọn rau muống. Bây giờ, tại quận Cam California và những khu vực đông người Việt, chỉ khoảng một đô một bó rau muống non. Lúc đắt chưa tới hai đô một bó.

Thấy tôi sống tại một nơi hẻo lánh, xa chợ búa, xa người đồng hương, bạn bè, người thân gửi cho tôi nhiều loại hột giống. Tôi đi mua mấy bao phân bón vì sợ đất toàn cát trắng, bầu bí không thể phát triển. Rồi những hạt giống tôi gieo cũng lên thành những cây con, tôi hài lòng nhìn chúng lớn mỗi ngày vươn lên bám theo giàn tôi làm.

Thất vọng vì không được ăn thành quả của mình trồng, đêm hôm ấy, tôi tìm ông thổ địa để khiếu nại. Tốn nhiều tiền mua gỗ làm giàn, mua phân bón rồi ngày ngày chăm chỉ tưới nước với hy vọng được ăn cái mình trồng mà lại chẳng được.

“Chào ông thần thổ địa. Mừng được gặp ông đêm nay.”

“Chào anh. Có chuyện gì đấy?”

“Chẳng là cái giàn mướp của tôi ông thần thấy đấy. Tôi cũng bón phân, tưới nước đầy đủ, có thể thừa là đàng khác, nhưng chẳng hiểu sao thân mướp chỉ như que tăm mà đúng ra nó phải to bằng chiếc đũa leo ngang leo dọc trên giàn. Rồi khi ra hoa ra quả, quả mướp phải to bằng cánh tay, dài nửa mét đến gần một mét, nhiều đầy một giàn trông đã con mắt. Ông ạ. Đây giàn mướp của tôi dù được chăm sóc hết mực tận tình và tốn kém mà chỉ được ba quả bé síu. Quả to nhất chỉ bằng ngón chân cái, dài cỡ gang tay, Quả nhỏ nhất chỉ to như ngón tay cái. Nào tôi có tiếc tiền tiếc của gì đâu từ phân bón tới nước tưới, chỉ mong có vài quả mướp nấu canh hay xào ăn cho đỡ nhớ quê hương.”

“Ơ hay. Anh này lạ chưa. Ta là thần cai quản đất này chứ có phải là kẻ để anh kiện cáo chuyện trồng cấy của anh đâu.”

“Thưa ông thần. Tôi tưởng ngài là thần thánh thì phải biết hết mọi chuyện chứ. Ngài là thần đất này thì phải biết tại sao giàn mướp của tôi ra nông nỗi thế này chứ.”

“Hừm. Ngày ngày nhà anh có soi gương không?”

“Sáng nào đánh răng rửa mặt mà sao không thấy mặt mình trong gương. Tối nào đánh răng trước khi đi ngủ làm sao mà không soi gương hả ông thần?”

“Vậy anh thấy cái mặt nhà quê của anh có sáng, có thông minh không?”

Tôi chột dạ. Bạn bè nhiều người ngồi tán dóc với nhau đều lắc đầu cho rằng tôi làm cái gì cũng thất bại. Cả đời đi làm thuê làm mướn cho người ta sai vặt chứ chẳng làm được gì cho ra trò.

“Thưa ông thổ địa. Quả thật, tôi cũng chẳng thông minh gì.”

“Hừ. Thế thì anh kêu ca kiện cáo gì nữa. Ta thấy lối xóm người này cho anh ít quả cà chua, người kia cho anh ít rau cải. Người này cho anh cái này, người kia cho anh cái khác, hàng xóm người ta trồng được thì anh cũng phải có ăn như người ta chứ. Có phải không?”

Tôi ú ớ chẳng biết đối đáp thế nào với lão thổ địa để bắt đền. Bèn hỏi một câu cho đỡ tức.

“Ông thần thổ địa có dzợ không? Có mấy con trai, mấy con gái?”

Liền nghe một tiếng quát lớn và có bàn tay nhéo lỗ tai.

“À! Tên này láo, nhà anh lại dám diễu cợt, dỡn mặt thần thánh hả?”

Bị xoắn tai đau quá tôi chợt tỉnh ngủ. Nhìn thấy người nắm tai mình mà nhéo không phải là ông thổ địa mà là mụ vợ yêu quý đêm đêm chung giường đắp chung chăn. Bèn gắt.

“Tại sao em nhéo tai anh. Anh làm gì em mà em nhéo tai anh đau muốn chết.”

“Tại sao à? Anh ăn nói lảm nhảm, tay chân múa may giẫy đạp lung tung rồi khi không lại nhéo tai người ta đang ngủ là làm sao. Có ông thổ địa nào đâu. Anh không nhéo tai người ta làm người ta mất ngủ thì người ta nhéo tai anh làm chi. Đang say ngủ mà bị chồng làm phiền như thế này thì làm sao chịu nổi. Anh xéo ra ngoài sa lông phòng khách mà nằm.”

Không đợi tới tiếng quát thứ hai, tôi lẳng lặng cầm cái gối thất thểu đi ra phòng khách.

Nguyễn Tuyển