"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Edmonton Có... Ma

Sắp hết giờ làm, chị bạn làm chung nhìn tôi than thở:

- Cái xe của chị bị hư mang đi sửa, mấy bữa nữa mới xong!

- Ủa, vậy hồi chiều chị đi làm bằng gì?

- Thì chị đi xe bus…

Nghe vậy, tôi nhanh nhẩu:

- Để em đưa chị về, chứ mùa này tối thui, mà ban đêm nửa tiếng mới có chuyến xe bus chạy tới trạm, chờ được xe thì người đã lạnh cóng!

Nói xong, tôi cũng nhớ ra, nhà chị kế bên cái khu đất, nơi có một bệnh viện nhỏ đã bị bỏ hoang khá lâu, cỏ cây xung quanh úa màu, hoang lạnh, ít người dám bước qua. Chị đã từng kể về những chuyện rợn tóc gáy mà chòm xóm xung quanh kể cho nhau nghe. Có khi nửa đêm người ta thấy một căn phòng trên lầu bệnh viện sáng đèn và một bóng người bên cửa sổ lặng lẽ nhìn xuống đường phố, hoặc có người đi làm về khuya ngang qua đây đã nghe tiếng phụ nữ khóc nức nở, và có lần người ta thấy một người ngồi cả đêm trên chiếc ghế đá bên trạm xe bus trước cửa bệnh viện nhưng khi đến gần thì bóng người ấy biến mất.

Nhớ lại những chuyện đó, tôi cũng hơi rùng mình, nhưng đã lỡ làm… “quân tử nhất ngôn”, nói rồi không thể nuốt lời chỉ vì... sợ ma (là người ai làm thế!). Vả lại, trên xe sẽ có tôi và chị, thì có gì phải lo!

Mười một giờ đêm, hết giờ làm, chúng tôi pha ly White Hot Chocolate mang lên xe uống cho ấm áp. Trời tháng mười năm nay nhiều gió lạnh, từ 4 giờ chiều đã âm u xám xịt. Đường khuya vắng vẻ, khác với mùa hè, chả ai ra đường giờ này nếu không có việc. Để không khí bớt căng thẳng và ám ảnh bởi mấy chuyện “ma quái”, tôi nói chuyện về mùa Giáng Sinh sắp tới. Đến đầu đường, có một ngôi nhà thờ cổ sừng sững mấy cây cổ thụ to đen dưới bóng tháp chuông làm tôi hết hồn, cứ tưởng có ai đứng đấy… đợi chúng tôi vào giờ này. Đây là đoạn đường một chiều khá dài. Dân cư san sát nhau nhưng cửa đóng then cài im lìm, ánh đèn trước ban công mờ ảo vàng vọt, làm trời đêm thêm ảm đạm theo từng cơn gió rít.

Rồi cũng đến khu bệnh viện, dù tôi cố ý không nhìn, vẫn lắng nghe chị bạn nói chuyện, nhưng mắt tôi vẫn thấy bãi đất hoang ấy, ngay bên trái, sát tầm mắt. Building bệnh viện xa xa, cũ kỹ đổ nát, và những lùm cỏ dại cao ngang lưng người lay động trong bóng đêm, tạo thành những hình thù chập chờn, quái dị. Dù sao, cảnh vật hoang tàn nơi nào cũng như nhau, nhất là vào ban đêm. Chúng tôi nói chuyện, cười đùa, và chẳng có gì xảy ra khi xe chạy ngang qua bệnh viện. Vậy là “thoát” rồi, tôi thầm nghĩ khi dừng xe, thả chị bạn xuống trước cửa nhà, rồi ấn nút lock các cửa xe, chuẩn bị “an toàn trên xa lộ”.

Nhưng khi xe vừa lăn bánh thì tôi thấy trên màn hình xe, dấu hiệu nhắc nhở “seatbelt” đỏ đèn liên tục! Kỳ vậy cà? Thường thì cả hai người ngồi hàng trên (tài xế và ghế bên cạnh) phải cài seatbelt, nếu cả hai, hoặc một trong hai người quên cài, thì dấu hiệu ấy sẽ nhấp nháy để nhắc nhở. Giờ trên xe chỉ còn mình tôi, vẫn seatbelt từ lúc rời chỗ làm, chị bạn đã xuống xe, hay là chị ấy để quên đồ đạc trên ghế nên dấu hiệu vẫn nhắc vì tưởng còn người ngồi? Tôi quờ tay qua chiếc ghế bên cạnh, không có đồ vật nào còn sót lại, kiểm tra dây seatbelt bên đó có vướng víu, cũng không có gì, mà dấu hiệu màu đỏ ấy vẫn cứ đập vào mắt tôi, là sao?! Tôi bắt đầu đổ mồ hôi, tim đập hối hả! Có lẽ nào, khi chị bạn mở cửa xe bước xuống, đã có “ai đó” bước vào xe ngồi cạnh tôi, nên dấu hiệu seatbelt mới nhắc nhở?! Xe vẫn chạy và dấu hiệu ấy vẫn lì lợm ngoan cố, khiến tôi hoảng sợ, không dám nhìn qua chiếc ghế trống, người run lên muốn khóc. Tôi không biết phải làm gì, vì không thể dừng xe bước ra ngoài giữa đêm vắng còn nguy hiểm hơn. Tôi có nên gọi số khẩn cấp 911 cho cảnh sát hay là gọi chồng tôi đến… giải cứu?! Tôi bắt đầu rối trí, lắp bắp gọi tên Chúa, Phật, Thánh Alla, và các thần linh trên cõi đời, rồi lấy hết can đảm, run rẩy quay qua thầm thì với… chiếc ghế bên cạnh:

- “Người ấy” ơi! Nếu “người ấy” quá giang một đoạn đường trên xe tôi để tìm chút hơi ấm trong đêm Thu giá lạnh, thì bây giờ xin người hãy xuống xe, để tôi còn về!

Vừa dứt lời thì đến ngã tư, có tiệm Mc Donalds đèn sáng thì kỳ diệu thay, dấu hiệu seatbelt cũng vụt tắt, không còn nhấp nháy nữa.

Về đến nhà, còn chưa hoàn hồn, tôi lật đật lên mạng tìm Googles thì biết thêm thông tin về cái bệnh viện ấy. Charles Camsell Hospital, được xây dựng từ 1945 là nơi chữa bệnh lao phổi giai đoạn cuối cho những người dân da đỏ, sau đó liên tiếp là những câu chuyện tang thương lẫn huyền bí xảy ra, như có tiếng la hét vào đêm khuya, hoặc ai đó hát khe khẽ trong gió, và hiện nay bệnh viện đã bị bỏ hoang hơn 20 năm. Tôi lập tức kể cho chồng tôi nghe toàn bộ câu chuyện, anh ấy cười khẩy:

- Em bị thần hồn nát thần tính đó thôi, vì cái sensor của seatbelt đôi khi cũng bị hư.

Tôi quả quyết:

- Xe mình từ ngày mua đến nay cũng mấy năm, chưa bao giờ có vấn đề như hôm nay.

- Chưa có không có nghĩa là không có, và đêm nay xảy ra thì có gì lạ!

- Sao nó không hư lúc khác mà đúng lúc em đi qua bệnh viện bỏ hoang đó, và sau khi em năn nỉ “người ấy” là hết ngay tức khắc?

- Em mệt rồi nên đi ngủ, đừng nghĩ suy vớ vấn nữa, chả có ma cỏ gì đâu!

Sáng hôm sau là cuối tuần, tôi đang ở trong bếp hầm nồi bún măng vịt cho bữa trưa thì chồng tôi mở cửa bước vào, hớn hở báo tin:

- Đã có câu trả lời cho em rồi nhe! Anh mới mang xe đi thay nhớt, họ bảo cái sensor của seatbelt bị lỗi, nên có khi nó “sáng nắng chiều mưa”, em nghe rõ chưa?

Tôi nghi ngờ:

- Thế à? Anh có chắc không?

Anh ấy chợt nhìn tôi, dè dặt hỏi:

- Vậy em đã kịp kể chuyện “bí hiểm” này cho ai nghe chưa? Anh hy vọng là chưa!

Tôi thú nhận:

- Em vừa nói chuyện phone với chị Nở, trưởng nhóm “Loan Báo Tin Mừng” của nhà thờ, hay nói đúng hơn là chị ấy phone dặn dò em chiều nay đi đọc kinh, nên nhân tiện… vui miệng em lỡ kể cho chị ấy nghe rồi!

- Trời! Chị Nở là trưởng ban “Loan Báo Tin Mừng” mà anh cứ ngỡ chị là trưởng ban “Loan Báo Tin Đồn” cơ đấy, coi như cả xứ đạo biết rồi còn gì! Vậy còn bên Hội Người Việt em đang làm thiện nguyện, em đã kịp… vui miệng cho ai nghe chưa?

- Thì sáng nay lúc đi bộ ra hồ tập thể dục, em có gặp… bác Tám là mẹ của anh Nam, Hội trưởng Hội Người Việt, mà bác Tám cũng là phật tử siêng năng của Chùa Trúc Lâm…

Chưa nghe dứt câu, chồng tôi đưa hai tay lên trời:

- Thôi rồi! Thế thì cả thành phố Edmonton đã biết hết! Rồi họ sẽ đi loan truyền câu chuyện “Edmonton có ma” của cô Loan MC, và có người sẽ bảo em mê tín, hoang tưởng!

Tôi đâm ra hoang mang:

- Vậy những tin em đọc được trên Googles về Bệnh Viện Hoang này thì sao???

- Bệnh viện hoang và người chết là có thật, còn những chuyện “ma” trở về đó cũng là chỉ là tin đồn, vả lại, chuyện của em là sự ngẫu nhiên tình cờ, em không nên vội vàng kết luận rồi loan tin không chính xác…

Tôi bỗng thấy ân hận vì cái tật nhanh nhẩu đoảng của mình, dù đã “biết bao lần tôi đã hứa, hứa cho nhiều rồi lại… quên!”. Nhìn nồi bún măng tôi chẳng còn hứng thú nêm nếm vẽ vời gì nữa, thì chồng tôi, một lần nữa, sáng mắt reo lên như thuở xưa Archimedes la lên Eureka:

- A! Anh biết rồi! Tháng mười là tháng Halloween, coi như câu chuyện của em chỉ là chuyện… hài hước nhân mùa Lễ ma quỷ, không sợ ai hiểu lầm gì nữa.

Vậy mà tôi không nghĩ ra. Tôi mừng rỡ, nhìn chồng âu yếm, thầm cám ơn anh đã cứu tôi khỏi “một bàn thua trông thấy”. Tôi cũng reo lên:

- Để em phone cho chị Nở và bác Tám ngay bây giờ!

Kim Loan