"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Thơ Tình Trong Hộc

  - Eo ơi!  giờ chào cờ hôm nay sao mà dài thế?  Tự dưng hôm nay lại có thêm tiết mục tưởng niệm gì nữa.  Vô duyên tệ.  Ấy chết bà Hiệu trưởng lại phát biểu ý kiến nữa rồi.  Đúng là lắm chuyện dài hơi...
   Tôi bồn chồn, thấp thỏm, rộn ràng đứng không yên.  Giọng nói Bắc kỳ pha lẫn một chút Nam kỳ ngọt ngào dễ thương mà tôi hằng ưa thích của bà Hiệu trưởng không lọt vào tai tôi tiếng nào.  Tôi đang lo cho số phận của lũ me, cóc, ổi mà tôi đã bỏ quên trong hộc bàn từ sáng hôm qua.  Ngọc-Oanh đánh thật mạnh lên vai tôi:
 - Mày làm cái giống gì mà như khỉ mắc kinh phong vậy?
   Tôi nhăn mặt:
 - Trời ơi! còn phải hỏi nữa.  Tao đang nhớ đến hương vị đậm đà, chua chua, ngọt ngọt, chát chát, thêm tí muối với ớt nữa sẽ có thêm hương vị mặn mặn, cay cay.  Chao ôi!  mày nhắc đến làm tao tăng thêm cơn thèm.
   Oanh nuốt nước miếng:
 - Mày làm tao động lòng rồi đây nè.
   Tôi thở ra mệt mỏi:
 - Đúng là gừng càng già càng cay.  Tao thấy bà Hiệu trưởng càng lúc nói càng nhiều đó mày.
 - Không phải là mày mê giọng nói của bà ấy lắm hay sao?
 - Mê thì vẫn còn mê nhưng mà cơn ghiền me dốt đang hành hạ dạ dầy tao biết làm sao bây giờ?
   Chợt tôi nghe tiếng vỗ tay inh-ỏi:
 - Mô phật! cuối cùng rồi bà Hiệu trưởng cũng xong bài diễn văn dài lê thê.  Tôi đưa mắt nháy Ngọc-Oanh.
   Hai đứa liền nhập vào đám đông vỗ tay hoan hô hết mình.

**
*

   Vừa vào đến lớp tôi vội đưa tay lục trong hộc bàn.  Ơ hay! tôi mò từ trái sang phải, từ đầu đến cuối hộc bàn nhưng cũng chẳng tìm thấy ma nào trong đó.  Tôi cúi xuống nhìn trong hộc bàn xem có sót chỗ nào không.  Tôi và Oanh trợn mắt nhìn nhau.  Chưa bao giờ chúng tôi thấy hộc bàn của mình sạch đến thế.  Tôi bực mình ké sang mấy hộc bàn khác xem có bị bọn nó chôm chỉa không.  Đang lay-hoay tìm kiếm, bỗng dưng có ai chọi vật gì lên đầu tôi nghe cái cốc.  Đang bực bội, định lượm vật đó chọi lại.  Tôi hết hồn: "Chết chưa! Thì ra là cục phấn".
   Tôi chưa biết tính sao chợt giật mình khi nghe cô giáo gọi:
 - Xuân-Phương! em làm gì đó?
 - ...
   Tôi lay tay nhỏ Oanh.  Nó nhanh nhẩu:
 - Thưa cô, Xuân-Phương mất đồ ạ.
 - Mất đồ! mất cái gì vậy?
   Tôi cũng lanh không kém:
 - Dạ thưa cô, em mất cái kẹp tóc.
   Cô nghiêm nghị:
 - Một chút nữa hãy tìm.  Bây giờ chúng ta bắt đầu vào giờ học.
   Tôi dạ nhỏ rồi ngồi xuống.  Giờ luận văn, môn ruột của tôi, thế mà tôi không thể nào để tâm trí nghe những lời vàng ngọc của cô.  Đầu óc tôi đầy ấp những nghi vấn.
 - Nhất định là nhỏ Lan-Chi rồi.  Hôm qua tôi không cho nó chơi nhẩy dây chung cho nên nó ôm hận trả thù tôi.  Phải rồi hén.  Hôm nay là tổ nó trực mà.  Nhất định là vậy rồi.  Sáng nay vô làm vệ sinh, nhìn thấy những món ăn tinh thần của tôi nó đã dã man hốt hết.
 - Ơ mà chắc không phải nó đâu.  Cho dù nó có lấy thì chỉ lấy những thứ ăn được thôi còn các rác rưởi và hột trái cây thì sao? Nó đâu đến nỗi tốt bụng mà dọn dẹp cho tôi đâu nhỉ.  Nếu thấy bàn tôi dơ bẩn như vậy nó sẽ không bỏ qua cơ hội đi mét cô liền chứ ở đó mà để cho tôi được yên thân như bây giờ.
 - Vậy thì ai là thủ phạm đây?
 - Chắc là người lao công vào quét dọn nhìn thấy hộc bàn của tôi đầy nhóc những món thuần túy học sinh nên đã không ngần ngại tự chiêu đãi mình cũng không chừng.
 - Ơ nhưng mà chắc không đâu.  Bà thương tôi lắm mờ, thường hay kêu tôi là con nuôi.  Bà sẽ không làm vậy đâu.
  Tôi đưa tay nhịp nhịp lên bàn ra chiều suy nghĩ.  Ngọc-Oanh khều nhẹ lên chân tôi:
 - Ê! Cô giáo chiếu tướng mày nãy giờ đó.  Coi chừng bị la nữa bây giờ.
  Tôi bực bội gạt tay nhỏOanh ra.  Ráng ngẫm nghĩ xem lý do không cánh mà bay của các người tình me dốt.  Lại một cái cốc lên đầu.  Ngước lên nhìn vẽ mặt giận dữ của cô, tôi chợt nhớ đến những tên du đảng ghẹo gái trong những truyện tôi đã xem.  Họ thường trêu ghẹo thêm khi cô gái đó đã nổi giận.  Nào là: "Cô càng giận càng đẹp" hay: "Trời ơi! Giận đến đỏ cả mặt, trông dễ thương ghê nơi".
   Bây giờ nhìn thấy cô Trang mặt đỏ hồng, ôi! Nó đẹp làm sao.  Tôi chợt buột miệng:
 - Hôm nay cô đẹp quá.
   Cô Trang cố nén giận:
 - Em hãy giảng ý nghĩa của đoạn văn cô mới nói xem.
   Chết chưa, đoạn văn gì? Nãy giờ tôi đâu có tâm trí để nghe những lời oanh vàng của cô đâu.  Tôi lay áo Oanh cầu cứu.  Ở phía sau Lan-Chi nói nhỏ, cốt chỉ để cho tôi nghe:
 - Lần này cô Trang chắc phải đi tìm con nuôi mới rồi.  
Tôi ném cho nhỏ Chi một cái liếc thật dài.  Ngọc-Oanh đưa tay che miệng thì thầm:
- Cô đang giảng một đoạn trong truyện Kiều:

      "Mối tình đòi đoạn vòi tơ
Giấc hương-quan luống ngẩn ngơ canh dài!
      Song ra vò vỏ phương trời
Nay hoàng-hôn đã lại mai hôn-hoàng!"

   Tôi nhanh miệng:
 - Dạ thưa cô, ý đoạn văn này muốn nói lên nỗi lòng của Thúy-Kiều lúc bấy giờ, cô đơn, lẻ loi, một mình nơi phương trời xa thẳm, buồn bã nghĩ quê hương và mối tình dang dở.  Cuộc sống của Thúy-Kiều bây giờ thật nhàm chán, ngày nào cũng như ngày nào, đều đều như nhau.
   Cô mỉm cười vui vẻ:
 - Giỏi lắm, em ngồi xuống đi.
   Tôi thở phào nhẹ nhõm.  Lan-Chi có vẻ tức-tối lắm.  Tôi nghếc mũi, chu miệng chọc tức nó.  Hết giờ việt-văn, tiếp theo là các giờ toán, sử trôi qua một cách chậm rãi.  Tôi không thể nào còn tâm trí để nghe những lời giảng dậy của thầy cô.  Nhất là giờ toán.  Không hiểu sao tôi ghét cay ghét đắng giờ này.  Tôi có thể viết hàng trăm bài luận văn trong một thời gian ngắn, hoặc trả lời trôi chảy các di tích lịch-sử, ngoại trừ môn Toán khô khan, cằn cổi này, tôi đành phải bó tay chịu thua.  Thường ngày đã không mấy thiện cảm với môn này, sẵn hôm nay có chuyện cần tìm người thanh toán, nên tôi tha hồ để hồn mình đi hoang và cuối cùng tôi bị đuổi ra khỏi lớp vì cái tội lơ đểnh.
   Đứng ở ngoài lớp, tôi cảm thấy càng ghét kẻ thủ phạm rỉa đồ của tôi hơn.  Đến giờ ra chơi tôi và Ngọc-Oanh bắt đầu suy đoán kẻ nào là đạo-chích.  Oanh chợt kêu lên:
 - Phải rồi, tại sao mình không nghĩ tới những anh chị học lớp chiều.  Chắc chắn là họ.
  Dường như vừa được gãi trúng chỗ ngứa, tôi hùa theo:
 - Nhất định là như vậy.  Bây giờ mình làm gì để trả thù họ đây?
   Oanh cười:
 - Hay là viết thư chửi họ đi.
 - Ý kiến hay.  Giỏi lắm, cho mày 10 điểm.
   Thế là hai đứa tôi vui vẻ chuẩn bị kế hoạch phục kích.  Tôi mua một trái ổi thật xanh, vỏ xần xùi, ai lỡ dại cắn vào là coi như đem hai hàm răng đi thẩm mỹ viện.  Tôi bao trái ổi lại thật kỹ, rồi vẽ thêm hình người đang nhăn răng, phía dưới ghi mấy hàng chữ: "Đá cha tên vô loại nào chôm hết những trái cây trong hộc bàn này".
   Rồi tôi cẩn thận để ở phía ngoài cho dễ nhìn.
   Oanh lo sợ:
 - Ghi như vậy có nặng lắm không?  Coi chừng họ giận lên sẽ đón đường đánh mình đó.
   Tôi bĩu môi:
 - Sợ gì chứ.  Tao còn muốn nói nặng hơn như vậy nữa kìa.  Chắc bữa nào phải học một khóa chửi lộn của nhỏ Lan-Chi mới được.  
   Tuy nói vậy nhưng trong lòng tôi lo sợ không kém gì Ngọc-Oanh.  Nhưng vì quá giận nên tôi cũng không màng.  Nhỏ Oanh lắc đầu, chắt lưỡi:
 - Bà chằng!
   Tôi cười khì cù lét nó.  Chưa lúc nào tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái như lúc này.  Tôi tưởng tượng đến bản mặt háu ăn của kẻ trộm khi đọc những giòng chữ của tôi, chắc là giận lắm.

   Tôi vội vã đi thật nhanh đến trường.  Đêm qua vì mãi mê đọc truyện đến gần 3 giờ sáng tôi mới tắt đèn đi ngủ.  Sáng nay thức dậy, người mệt đừ, không kịp ăn điểm tâm, để bụng đói ôm cặp đến trường.  Khi đến nơi cổng trường đã đóng chặt.  Nhìn sân trường vắng tanh, tôi đứng lấp ló phập phồng lo sợ.  Thoáng thấy người gác cổng tôi mừng quýnh gọi nhỏ:
 - Bác Hai! Bác Hai!
   Ông vừa mở cửa cho tôi vào vừa khiển trách:
 - Đêm qua lại xem tiểu thuyết nữa phải không?  Vô nhanh đi kẻo bà hiệu trưởng thấy thì nguy.
   Tôi nịnh hót:
 - Bác Hai đúng là người tốt bụng nhất trên thế gian này.
   Vừa nói xong chợt nghe tiếng tằng hắng.  Tim tôi muốn lọt ra ngoài khi bà hiệu trưởng đang từ từ bước tới.  Tôi nhín thở chờ đợi.  Bà nói gọn:
 - Em đi theo cô.
   Ôi! Cái giọng ngọt ngào truyền cảm hằng ngày, bây giờ trở nên thật lạnh lùng dữ tợn.  Tôi nhìn bác Hai le lưỡi rồi im lặng đi phía sau bà.  Vào đến văn phòng câu đầu tiên của bà là:
 - Tại sao em đi trễ?
   Câu hỏi của bà thật ngắn gọn nhưng thật khó trả lời.  Chẳng lẽ tôi lại nói:
 - Thưa cô, đêm qua vì ham xem tiểu thuyết nên sáng nay dậy trễ.
   Thật nham nhỡ.  Cũng may nhờ trời ban cho tôi một trí óc lanh lợi, tôi nhanh nhẩu trả lời một hơi:
 - Dạ thưa cô, tại mấy hôm nay phải lo tập dượt văn nghệ cho tuần tới, ngày nào em cũng phải ở lại trường cho đến chiều, về đến nhà em phải lo bài vở cho đến khuya mới đi ngủ cho nên mới bị trễ như thế này.  Cô thấy không, em la hét hối thúc tụi nó đến khan cả cổ luôn.  Không biết đến ngày văn nghệ em có còn đủ hơi để hát hay không nữa.
   Cô mắng:
 - Em có biết bổn phận của em hôm nay là bắt bài hát dưới sân cờ hay không?  Mọi người chờ hoài mà vẫn không thấy trưởng ban văn nghệ đâu, làm chậm trễ giờ vô lớp.
   Tôi nói lí nhí:
 - Thưa cô, lần sau em không dám nữa.
 - Được rồi, em vô lới đi.
   Tôi dạ một tiếng thật lớn rồi ôm cặp chạy vèo ra khỏi phòng.  ngồi xuống cạnh Ngọc-Oanh thở hì-học.  Nó nhéo thật mạnh lên tay tôi:
 - Quỷ sứ, giờ này mới đến.  Ta chờ mi đến sốt cả ruột.
 - Vậy hả? Tội nghiệp hôn!  Nhớ anh lắm hả cưng?
 - Còn giỡn.  Ê!  biết gì không?  Nhà mi có thơ đó.
   Tôi làm bộ hồi hộp:
 - Thơ gì? Của ai gởi dzậy?  Có kèm theo hình không?  Nếu là của kẻ bí mật  nào là tao không thèm đâu.  Con trai mà nhút nhát quá xin miễn đi.
   Oanh trêu:
 - Không biết mắc cở.  Sao mày biết thơ của con trai gởi chứ?
   Tôi đỏ mặt:
 - Không thèm nói chuyện với mày nữa.  Thơ đâu?
   Oanh trợn mắt:
 - Thơ này mà mày cũng dám đọc nữa sao?  Biết của ai hôn?  Kẻ thù của mày đó.
 - Mày làm ơn làm phước đừng có lôi thôi như mấy bà bán hàng ý.  Có gì thì nói lẹ lên.
 - Nè.  Thì của đạo chích học lớp chiều đó.
  Tôi giựt lấy thơ hỏi dồn:
 - Sao, thơ nói gì?  Chắc chửi rủa mình lắm hả?
 - Tao cũng sợ như vậy cho nên đâu dám mở ra coi.
   Phía trên, thầy giáo lên tiếng biểu im lặng.  Hai đứa đành nén lòng đợi đến giờ ra chơi.  Chuông vừa rung, việc đầu tiên tôi làm là mở lá thư ra xem.  Lá thơ xếp kiểu cách xem rất đẹp nhưng không có bao thơ.  Chỉ thấy đề phía ngoài: "Gởi cô bé lớp sáng".  Tôi trải lá thơ lên bàn.  Ngọc-Oanh cũng chụm đầu vào, bốn mắt cùng dán lên lá thơ.

   "Cô bé,
    Oan cho anh quá đi.  Người ta tốt bụng dọn sạch hộc bàn cho, không có một lời cám ơn mà còn trách nữa.  Bé phải đi mắng vốn mấy bà hàng me, hàng cốc mới đúng, bởi mấy món đó bị hư hết, đã vậy còn bị chảy nước dơ cả hộc bàn làm anh bận cả buổi mới lau sạch được.  Chưa hết đâu, trong đó còn đầy cả kiến, buộc anh hôm đó phải ra tau sát sanh.  Còn nữa, chữ bé đẹp như vậy dùng để viết văn, làm thơ chắc hay lắm.  Đừng dùng để chửi người ta nữa nha, thật uổng..."

   Đọc đến đây, tôi tức giận vò nát lá thơ.  Oanh la:
 - Trời ơi!  Sao lại xé đi, còn tới nữa phần sau mình chưa đọc xong, với lại chưa biết người viết là ai mà.
 - Không thèm, không thèm đọc nữa.  Hắn chưởi xỏ mình mà đọc làm gì.
   Tôi vừa xé nát lá thư vừa la:
 - Đồ vô-duyên, đồ cà-chua, đồ đạo-chích, đồ...
   Oanh phì cười:
 - Trời ơi! Cô Bạch-Tuyết của tôi nổi giận rồi kìa.
   Tôi chợt nẩy ra ý kiến vội rút giấy viết ra, Oanh hỏi:
 - Bộ tính viết thư chửi lại người ta nữa hay sao?
 - Chứ còn gì nữa.  Nếu làm thinh người ta tưởng mình hiền sẽ ăn hiếp cho xem.
   Và lần này tôi viết càng đanh đá hơn:

   "Này nhá, thứ nhất tôi không có bà con, họ hàng gì với anh hết, đừng có hết nhận làm cô rồi lại nhận làm bé.  Khó nghe hơn nữa là ghép hai chữ đó chung vào, vừa già vừa trẻ nghe thật chói tai, đọc thật gai mắt.  Thứ hai đừng có lộn-xộn.  Đồ tui để đó ai biểu xí-xọn làm chi.  Mai mốt tui nuôi kiến vàng cho ai hết táy máy tay chân.  Còn nữa, chữ viết của anh hết đá đông lại đá tây.  Đúng là người sao văn vậy.   Thật là ba-đá quá mà..."

***
*

   Thế là bắt đầu từ đó, thơ qua, thơ lại.  Hộc bàn là thùng thơ bí mật của chúng tôi.  Có lúc tôi còn nhận được vài món quà nhỏ như cốc, ổi, chùm ruột, me dốt.  Ngọc-Oanh lo:
 - Có bạn kiểu này lời nhỉ.  Ờ mà mày phải coi chừng anh chàng có dụng ý gì khác đó.
   Tôi cười:
 - Sợ gì.  Tên họ mình hắn còn không biết.  Với lại tự hắn muốn hối lộ chứ mình đâu có hứa hẹn gì đâu mà sợ.  Rồi tôi cầm trái ổi cắn ăn ngon lành.

***
*

   Đã mấy hôm rồi thùng thơ bí mật trống rỗng, lạnh tanh.  Tôi bồn-chồn không biết hắn ra sao.  Ngọc-Oanh cũng lo.  Một tuần, rồi hai tuần lặng lẽ trôi qua.  Tôi bắt đầu thấy giận.  Ngọc-Oanh định viết thư tôi cản:
 - Thôi đừng.  Làm vậy hắn tưởng mình cần hắn thì phiền.
   Nói thì nói vậy nhưng tôi cũng mong Ngọc-Oanh viết vài hàng thăm hỏi.  Nhỏ Oanh coi vậy đôi lúc vâng lời đến phát ghét.  Tôi bảo không là nó chẳng dám viết khiến tôi tức đến điên.
   Tất cả mọi chuyện rồi cũng trở lại bình thường.  Tôi vui vẻ đùa giỡn với đám bạn.  Hát vẫn hay, nhảy dây vẫn cừ, luận văn, lịch sử đều trôi chảy, và môn toán vẫn luôn là môn học nhức óc, khô khan, cằn cổi, khó nuốt.  Mấy hôm nay cứ phải thức đêm gạo bài, mặt mày đứa nào cũng bơ phờ.  Đúng là gặp hoạn nạn mới thấy thân tình.  Lan-Chi và tôi bắt đầu làm hòa.  Thân nhau rồi tôi mới thấy phục nó.  Đối với môn toán cay nghiệt, mỗi công-thức, định-luật, nó thuộc làu như tôi thuộc vanh vách những bài thơ tình của Xuân-Diệu, Nguyễn-Bính.
   Tôi đang đứng trước lớp ráng nhai đi nhai lại mấy công thức Lan-Chi đã tóm tắt cho tôi dễ nhớ, chợt Ngọc-Oanh chạy ra kéo tay tôi lôi đi như chạy giặc.  Vừa vào đến lớp nó ấn đầu tôi nhìn vô hộc bàn.  Chao ôi!  Hộc bàn đầy ắp những me, cốc, ổi, se-ri.  Đặc biệt hơn nữa là đĩa sầu riêng vàng óng thơm phức.  Tôi cầm những trái nhung to, tròn, mềm-mại trong tay lòng rộn ràng hỏi Oanh:
 - Ê! có thơ không?
 - Không biết nữa, tìm thử xem.
   Oanh lôi ra tờ giấy học trò xếp kiểu cách.  Nhìn những giòng chữ quen thuộc:
 - "Gởi hai bé lớp sáng!"
   Oanh hồi hộp mở thư ra xem.  Lan-Chi cũng chụm đầu vàọ  Lá thư viết rất dài, phần nhiều là những câu xin lỗi lý do vì bận thi cử nên không viết thư.
   Cơm tối xong, tôi phụ mẹ dọn dẹp rồi đi ngủ thật sớm.  Nằm trên giường trằn trọc tôi ráng ôn lại các bài thi xem có thiếu sót phần nào không.  Tôi chợt thấy vui vui khi nghĩ đến lá thư sáng nay và cuộc hẹp gặp mặt vào ngày mai.  Tôi phân vân:
 - "Có nên đi hay không?"
 - "Thôi kỳ chết được"
 - "Nếu không đến, hắn giận thì sao?"
   Rồi tôi kéo chăn trùm kín đầu, điểm một nụ cười nhẹ:
 - "Hãy cứ để anh chàng nếm mùi vị chờ đợi là thế nào."  Và tôi nhắm mắt từ từ đi vào giấc mộng.

Xuân-Phương