"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Ngày Ấy...

 

   Khi tôi viết những dòng này kể về anh và tôi, mặc dù thời gian đã qua lâu lắm rồi, chúng tôi không còn có thể tìm về cái tuổi học trò với những mẩu chuyện vu vơ, nhưng tôi vẫn như còn nghe văng vẳng giọng huýt sáo từ kỷ niệm với anh vọng về, vẫn hình dung được một cách nguyên vẹn gốc cây táo nhỏ sau vườn nhà, nơi anh và tôi, mỗi người một bên hàng rào, với đủ thứ chuyện trường lớp, bạn bè, và... ngày ấy...

 

   Ngày ấy, chúng tôi ở sát cạnh nhà nhau. Cùng học một trường, ngôi trường nhỏ bé tại thành phố biển. Anh hơn tôi 2 tuổi và học trên tôi 1 lớp. Hoàn cảnh và tính tình hai đứa khác xa nhau. Anh là con út một gia đình khá đông con nhưng nề nếp, bản tính anh hiền lành đôi lúc nhu mì như con gái, nhất là anh hay cười, nụ cười răng khểnh rất duyên mà ngày ấy, tôi vẫn hay đùa mượn của tôi không chịu trả. Còn tôi, là con một nên chẳng có anh chị nào để vòi vĩnh như anh. Mẹ tôi suốt ngày bận bịu với tiêm may và thợ thuyền, ba tôi là một công chức với những công việc riêng ít khi gần gũi vỗ về tôi. Ngoài giờ ở trường, bạn bè tôi chỉ có anh.

 

   Thời cấp 1, chơi đồ hàng bao giờ anh cũng là người mua, tiền của chúng tôi không là lá cây như như các bạn khác, tôi rất thích thú với những đồng tiền anh vẽ rất đẹp trên giấy, chỉ một loáng là anh đã ''giàu có ''với xấp tiền sặc sỡ trên tay. Anh biết bày những trò chơi rất ngộ nghĩnh: đóng 2 chiếc đũa hai đầu, giăng sợi dây thung thật căng ở giữa, sau đó, bứt từng cọng cỏ màng trầu anh khéo léo bẻ cong lại, rồi thả lên sợi dây thung, rồi anh kiếm cho tôi và anh mỗi đứa một miếng gạch bể, cà nhè nhẹ vào 2 đầu chiếc đũa cho 2 cọng cỏ mà lúc này theo trí tưởng tượng của tuổi thơ là những con gà đá rất dũng mãnh. Cứ thế, ''gà '' của hai bên tiến gần nhau, bên nào hất được bên kia rớt xuống là thắng cuộc. Và bao giờ cũng vậy, anh là người phải thua tôi, nếu không ...tôi rơm rớm nước mắt, điều mà anh chẳng thích chút nào ..

 

   Thời gian dần trôi qua, chúng tôi không còn những giờ nhẩn nha chơi đồ hàng hay ''đá gà '' nữa . Vẫn ở cạnh nhà nhau, nhưng bản tính tôi vốn hay bắt nạt anh, lại thường phá phách nghịch ngợm nhiều lúc anh chỉ biết lắc đầu, chiều theo tôi vẫn với nụ cười răng khểnh hiền lành ...Trước nhà anh có cây chùm ruột rất ngọt, mùa trái năm nào cũng chẳng bao giờ thiếu tôi trên ngọn cây. Anh còn là một học sinh giỏi, khá về văn chương và hội họa, cũng chính anh không ít lần đã giúp tôi mỗi lúc vò đầu nhăn mặt trước bài bình giảng, bài thơ Đường, hoặc một bài phân tích rắc rối. Tôi còn nhớ có lần thi học kỳ, tôi cắn muốn dập cán bút trong phòng thi vì đề toán quỹ tích, môn mà tôi không có thiện cảm tí nào. Bỗng, lỗ tai tôi bị một loại bì bằng giấy cuốn tròn bắn trúng đau điếng .Tôi ngẩng phắt lên giận dữ tìm ''thủ phạm'', thì thấy anh thong thả đi qua, còn ngoái đầu lại, khoe răng khểnh cùng cái nheo mắt đáng ghét, rồi quay lưng đi thẳng. Kết quả, tai tôi sưng đỏ nhưng điểm toán rất cao năm ấy, điều mà chưa bao giờ tôi đạt được. Sau này, với tôi, đã thành kỷ niệm mỗi khi nhớ về thời đi học của mình...

 

   Mặc dù bản tính tôi nghịch ngợm, trong khi ba anh lại khá nghiêm khắc khi cho là tôi chả giống con gái tí nào, nhưng cũng không cản được chúng tôi thân nhau. Khổ nỗi, tôi và anh lại hay học khác buổi, hễ tôi học sáng thì anh học chiều hoặc ngược lại. Thế là nếu muốn gặp anh nhờ giảng về một bài toán hay thêm ý cho bài văn, chỉ là buổi trưa hoặc khi chiều xuống. Anh có thói quen khi làm việc hay huýt sáo theo đủ thứ tiếng chim kêu nghe rất vui tai, thấy tôi thích, anh đã tận tình hướng dẫn từ cách chúm môi đến cong lưỡi đưa hơi ra ngoài để thành giai điệu như ý muốn. Dần dần thành quen, và cũng không biết từ bao giờ, tiếng huýt sáo đã trở thành ''ám hiệu ''để anh hoặc tôi muốn gặp nhau. Sau vườn nhà tôi có gốc táo rất sai trái, thích nhất là tôi và anh, mỗi người một bên hàng rào, với những trái táo ngọt lịm và đủ thứ chuyện cùng kể sau khi học hành, rời trường lớp ..

 

   Mùa hè năm ấy, ba tôi đổi công tác, gia đình phải di chuyển đi nơi khác. Ngày chia tay, tôi hồn nhiên huýt sáo gọi anh sau vườn nhà, với ngọn táo và bầu trời vẫn xanh vời vợi trên đầu, anh đưa tôi một mẫu vẽ còn dở dang mà anh biết tôi rất thích, dự định vẽ xong tặng tôi nhưng không kịp. Anh gượng cười, chúc tôi vui vẻ và học tốt, hẹn ngày gặp lại. Lần đầu tiên, tôi không thấy chiếc răng khểnh của anh...

 

   Mấy năm sau, tôi mới có dịp về lại nhà cũ, cũng vào mùa chùm ruột trĩu trái, những chùm trái chín vàng rụng đầy sân mà nhà anh cửa đóng im lìm. Tôi chạy một mạch ra sau nhà, nỗi vui mừng được gặp anh òa vỡ trong tôi, nên tôi cũng chưa kịp để ý đến điều khác lạ kia. Cây táo sau nhà vẫn xanh thắm, cũng như cây chùm ruột, trái rụng đầy gốc. Tiếng huýt sáo chim kêu của tôi cất lên lạc lõng ...1 lần ...rồi...2 ... 3 lần, không có tiếng huýt sáo đáp trả, chẳng thấy bóng dáng thân quen. Tôi nghiêng người nhìn qua hàng rào: khoảng sân sau nhà anh vắng lặng, cửa đóng kín ...

 

Thẫn thờ vào nhà, tôi hỏi thăm hàng xóm mới biết, gia đình anh cũng đã dời chỗ ở từ lâu ...Lúc đó, tôi mới thấm thía nhận ra rằng, mình sẽ không bao giờ tìm lại được khoảng trời xanh ngày cũ được nữa. Thời gian dần trôi đi, mặc dù tôi đã cố gắng dò hỏi thăm anh qua những người quen biết, nhưng anh đã như cánh chim mất hút vào cuối trời kỷ niệm.

 

   Cho đến bây giờ, không biết ở nơi nào, anh có còn nhớ ...? Riêng tôi, mỗi lần vô tình chúm môi huýt sáo điệu chim kêu, tôi vẫn hình dung thật rõ nét: anh và tôi ...ngày ấy ...

 

Tương Giang