"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Bão Chiều

  Chiếc máy bay từ từ dừng lại. Người tiếp-đãi viên chào Du lần cuối. Chàng theo đám hành-khách bước ra ngoài. Có tiếng gọi mừng rỡ:
    - Thầy! Em đây.
    Du giơ tay ra bắt:
    - Cám ơn Quý ra đón. Lâu quá chúng mình không gặp nhau!
    - Thầy vẫn như xưa, không thay đổi mấy.
    Du nhìn kỹ người thanh-niên y-phục đơn-giản nhưng có dáng-dấp trí-thức, tự-tin.
    - Em thật khác trước, chỉ có giọng nói thì vẫn thế.
    Quý cười vui:
    - May quá! Một người dự khóa hội-thảo thấy tên thầy trong danh-sách các diễn-giả nên gọi điện-thoại cho em. Mất hai ngày mới bắt liên-lạc được với thầy.
   Du hỏi:
   - Đợi tôi tới hãy tìm có dễ-dàng hơn không?
   - Tính em thầy đã biết. Làm gì thì phải làm ngay. À, lãnh hành-lý lối này thầy.
   - Tôi phải thuê xe đã.
   Người học trò cũ lắc đầu. Giọng anh đầm-ấm:
   -  Thưa thầy, khỏi cần. Em sẽ là tài-xế cho thầy những ngày ở đây.
   -  Cám ơn Quý. Tôi cần xe để đi loanh-quanh.
   -  Để em đưa thầy đi. Em xin nghỉ một tuần rồi.
   Hai người bỏ hành-lý vào xe. Thành-phố đã lên đèn. Du thấy lòng mình trùng xuống. Ba năm qua đi. Những con đường quen thuộc dưới kia vẫn thế nhưng ngày vui thuở đó nay đã không còn.
   Quý hỏi nhỏ:
   - Thầy có điều gì buồn?
   Du trầm-ngâm:
   - Không. Không có gì cả.
   Quý nhìn người thầy cũ ái-ngại:
   - Thầy lúc nào cũng cô-đơn. Thầy đã lập gia-đình chưa?
   - Chưa.
   - Sao vậy thầy?
   Du cười hiền-hòa:
   - Không ai lấy tôi cả.
   - Thầy chắc không? Để em giới-thiệu cô bạn em cho thầy.
   Du nhẹ-nhàng:
   - Cám ơn em. Tôi chỉ có thể lấy được người mà tôi yêu thôi. Còn em thì sao?
   Quý nhìn về phía trước. Bóng tối đã đổ xuống. Giọng chàng xa-xăm:
   - Theo tiêu-chuẩn thầy vừa nói, em sẽ không bao giờ lấy được vợ cả.
   Du ngạc-nhiên nhìn Quý:
   - Sao lại bi-quan tới thế? Cả một tương-lai ở trước mặt em.
   - Cám ơn thầy, em đùa vậy thôi.
   Du nói:
   - Thế chứ. Chẳng lẽ nào.
   Quý vui-vẻ trở lại:
    - Để em kể thầy nghe chuyện hai mối tình đầu của em.
    - Cái gì mà hai mốt tình đầu?
   Quý cười:
    - Cách đây ít lâu, tình-cờ em gặp một cô gái Đại-Hàn bán hoa bên dọc đường. Nàng có nụ cười rât xinh. Vì xe cộ lưu-thông, lần đầu em chỉ kịp trả tiền, nói vài tiếng. Người con gái đó đúng là người em mơ-tưởng.
   Quý im-lặng vài giây rồi tiếp:
   - Mấy ngày sau em vào sở xin nghỉ. Một năm có hai tuần nghỉ hè, em lấy hết để gặp nàng. Nhưng hôm sau … những hôm sau nữa … em chỉ gặp người mẹ. Bà này mảnh-khảnh cũng đẹp.
   - Và em yêu người mẹ?
   - Chưa thầy. Em dậy từ 6 giờ sáng để có mặt tại đó lúc 8 giờ mà không được gặp. Cả ngày quanh đi quẩn lại chỗ bán hoa. Gần hai tuần lễ nghỉ hè trôi qua. Tình-cờ em gặp thằng bạn Đại-Hàn cùng lớp ngày trước. Em rủ nó đi cho vui. Em lái xe. Nó ngồi bên cạnh. May-mắn em gặp nàng. Em bảo nàng là em cần một bó hoa thật đặc-biệt. Nàng không hiểu tiếng Mỹ lắm. Thằng bạn ngồi cạnh thông-dịch hộ em. Nhìn nét mặt mừng-rỡ và kiều-diễm của nàng, em thấy mát lòng. Năm phút sau, nàng sắp-xếp bó hoa mang lại. Thằng bạn bảo em đưa cho nàng hai mươi đồng. Em đưa năm chục. Nàng không đủ tiền trả lại. Em bảo cứ để đó lầ sau sẽ tính.
   Du buột miệng:
   - Khá đấy!
   Quý lắc đầu:
   - Khá gì thầy. Khi em hỏi thằng bạn xem nó đã nói gì? Nó bảo nàng làm một bó hoa thật đặc-biệt cho vợ của em; em yêu vợ lắm! Sau đó nó tán-tỉnh lấy được nàng. Thấy em chưa vợ, nó bảo mẹ nàng đẹp và còn trẻ. Nếu em đồng-ý thì vợ chồng nó hết lòng giới-thiệu.
   Quý nhún vai:
   - Mẹ em còn ở Việt-Nam. Bà mà biết em có thằng con rể lớn đến thế, chắc bà chết rét mất. Thế là mối tình thứ hai tan-vỡ!
   Du gõ nhẹ ngón tay trên cửa kính:
   - Em có óc hài-hước đấy.
   - Em không hài-hước đâu. Chuyện thật. Để em lấy ảnh cho thầy coi.
   Quý loay-hoay mới móc được ví. Chàng đưa cho Du hình một cô gái Á-Đông tóc dài, áo đỏ.
   - Đây thầy. Em không giỡn đâu.
   - Sao em có tấm ảnh này?
   - Thằng chồng nó cho em.
   Du ngạc-nhiên:
   - Em nói gì? Người chồng của cô ta cho em?
   - Vâng. Sau ngày cưới, em xin chồng nó một tấm hình hai vợ chồng chụp chung. Thầy nghĩ em giữ ảnh thằng chồng làm gì? Em lấy kéo cắt hình nó ra vứt vào sọt rác, giữ lại hình của vợ nó thôi.
   Du lắc đầu:
   - Tôi chịu cậu!
   Quý cười thành tiếng:
   - Đời buồn quá! Em giữ cho bớt cô-đơn.
   Hai người im-lặng. Quý vặn máy truyền-thanh. Tiếng nhạc dứt. Chuyên-viên thời-tiết thông-báo sáng sớm thứ hai sẽ có bão lớn.
   Quý lẩm-bẩm:
   - Hôm nay thứ sáu, chỉ còn thứ bẩy, chủ-nhật. Thứ hai lại bão mất mấy ngày. Bão lớn, sao thầy đi chơi được?
   Du trả lời:
   - Không cần. Còn công-việc của em ra sao?
   - Sau khi ra trường, em có việc tại một nhà băng.
   - Em tốt-nghiệp ở đâu?
   - Thưa thầy, Harvard.
   Du hỏi tiếp:
   - Hiện em làm gì?
   - Thưa thầy, senior vice president, phó chủ-tịch.
   - Em học Harvard từ những năm đầu của đại-học?
   - Không, em chỉ bắt đầu ở đó từ nhừng năm cao-học trở đi.
   Du vui-vẻ:
   - Em tiến nhanh đấy.
   Quý cười:
   - Nhanh gì thầy. Ngân-hàng chỉ có hai loại việc chính. Các em bank tellers tay làm, mồm đếm. Các phó chủ-tịch cổ nổi gân vì thuyết-phục khách hàng. Một nhà băng có khoảng vài ngàn tellers, hàng chục phó chủ-tịch, số còn lại là vài người dọn-dẹp. Em không có khả-năng thu tiền, hốt rác thì họ phải cho em làm phó chủ-tịch là đúng rồi.
   Du thấy bản-chất của Quý vẫn thế. Lúc còn là học sinh tuy Quý đứng-đắn, ngoan-ngoãn nhưng trong giờ vui, hễ Quý mở miệng là cả lớp cười.
   Du hỏi:
   - Người Việt vùng này bây giờ ra sao?
   - Nói chung khả-quan. Đa-số những người có uy-tín giữ thái-độ im-lặng. Những nhóm ồn-ào bị tuổi trẻ ở đây chặn họng hoài.
   Ngẫm-nghĩ một lúc, Quý nói tiếp:
   - Khởi đầu có mấy ông già đứng ra lập hội Khổng học. Tội nghiệp! Họ dành-dụm tiền lương già để làm báo. Máy chữ không biết đánh, computer không biết dùng, bài lại không biết viết nên giao cả cho tụi trẻ. Một cô sinh-viên tới xin bài, em viết vội cho mấy bài thơ ngắn. Sau này em mới biết cô ta là cháu cụ chủ-tịch. Báo tiêu-thụ nhanh chóng vì gần như phát không. Chủ-nhiệm, chủ-bút không hề kiểm-soát bài vở. Mấy hôm sau có người đọc bài thơ của em liền mách với hội. Các cụ giận lắm. Em tưởng viết bài cho sinh-viên chứ đâu ngờ viết bài cho tờ báo chính-thức của hội Khổng học.
   Du hỏi:
   - Bài thơ đó như thế nào?
   Quý đọc:

      Gặp ông Khổng-Tử bên đường,
Cầm dây ông kéo: kẻ khùng, người điên.
      Gặp ông Lão-Tử hái sen,
Nghêu-ngao ông hát: kẻ điên, người khùng (*)

   Du khen:
   - Quý làm thơ hay lắm.
   Quý kể tiếp:
   - Cám ơn thầy. Cụ chủ-tịch từ-chức. Cụ phó lên thay. Cụ này cẩn-thận hơn. Lần này, cụ và người con đích-thân coi tờ báo nhưng rồi tai-nạn vẫn xẩy ra.
   - Sao thế?
   Quý trả lời:
   - Một thằng xỏ-lá nó viết cho bài khảo-cứu về Khổng học. Bài trích-dẫn chữ Hán đàng-hoàng. Thằng này thất-tình con ông chủ-bút. Nhiều đoạn thay vì nói “Tử viết” nghĩa là “Khổng-Tử nói rằng”, nó nói “Tử xổm tọa viết”. Có lẽ ý của nó là “Khổng-Tử ngồi xổm mà nói rằng”. Ông cụ chủ-nhiệm và ông con chủ-bút đều không biết chữ Hán.   
   Quý than:
   - Một chủ-tịch nữa từ-chức. Hội Khổng học tan!
   Du hỏi:
   - Không ai thay thế à?
   Quý giải-thích:
   - Thầy thử nghĩ, có năm cụ nhịn ăn để đóng góp. Hai cụ nghỉ, còn lại ba cụ thì làm sao chịu được. Các cụ cũng cần tiền mà sống chứ.
   - Còn chuyện gì nữa không?
   Quý trả lời:
   - Thưa còn chuyện một ông bác-sĩ nói tiếng Việt không rành muốn phát-huy truyền-thống dân-tộc để lấy quỹ. Ông ấy yêu-cầu em kêu gọi sinh-viên tới nghe thuyết-trình. Ông ấy bằng lòng đãi họ một chầu phở. Vài anh sinh-viên bảo ai thuyết-trình thì họ tới, ông bác-sĩ văn-hóa kiếm tiền thì không. Lỡ hứa với ông, em gặp mấy cậu có ảnh-hưởng và các cô đẹp nhất nhờ giúp-đỡ. Kết-quả khá lắm. Chật hai xe “van”.
   Du chậm rãi:
   - Sao họ nghe em như vậy.
   Quý giảng-giải:
   -Thầy tính, mỗi khi các cô, các cậu ấy nộp đơn vay tiền, em dành cho họ nhiều dễ-dãi. Tình đồng-hương mà thầy.
   - Em là người can-đảm.
   Quý giảng-giải:
   - Nói vậy chứ họ rất thẳng-thắn. Ai trục-trặc chuyện gì thường cho em biết trước.
   Quý tiếp-tục câu chuyện:
   - Ai ngờ sau khi ông bác-sĩ thuyết-trình, mấy anh sinh-viên quay ông như chong-chóng. Họ hỏi truyền-thống là gì? Ông ấy lúng-túng nói quanh những chuyện mở lớp tiếng Việt, ăn nước mắm.
Ông kể y-phục "truyền-thống” của phụ-nừ Việt-Nam là hoa tai, áo dài, vòng vàng, giầy dép và áo lót … Các cậu vỗ tay. Các cô đỏ mặt. Ông bác-sĩ hý-hửng đắc-ý. Một cậu sinh-viên đứng lên kết-án ông ấy xâm-phạm thuần-phong, mỹ-tục.
   Du ngạc-nhiên:
   - Thế cơ à?
   Quý cười:
   - Cậu ấy hạch-hỏi: bác-sĩ nói ra tất cả mọi thứ, kể cả áo lót nhưng bác-sĩ không nói gì tới cái quần. Bác-sĩ gián-tiếp bảo người con gái Việt-Nam mặc áo dài mà không mặc quần. Nói như thế  là nói bậy. Ông bác-sĩ bực-tức bỏ phòng hội ra xe. Ông ta kết-án em xúi bẩy họ. Mệt quá! Làm ơn nên oán.
   Du nhìn sang Quý:
   - Em có ảnh-hưởng với giới trẻ nhỉ?
   Quý cười nửa miệng:
   - Cái gì mấy cô, cậu ấy làm, người ta đều cho em đứng phía sau giật dây. Sự thật không phải vậy.
   Du hỏi:
   - Còn chuyện gì nữa không?
   Quý kể:
   - Còn ông trung-tá hắc-ám. Bẩn không chịu được mà đòi thành-lập mặt trận này, mặt trận nọ. Hôm đó, trong một phiên họp, ông tự giới-thiệu và tô bóng mình lên tận mây xanh. Một anh trẻ tuổi ngứa tai đứng dậy tự giới-thiệu, anh cũng là con cháu tướng-tá nhưng là con tá …điền, cháu tướng … cướp. Cả hội-trường vỗ tay tán-thưởng. Lúc giải-tán, anh ta tìm gặp em, một điều thưa anh, hai điều xưng em. Thế là ông trung-tá đổ ngay cho em ngấm-ngầm phá-phách. Ông ấy dọa trừng-trị em.
   - Có sao không?
   Quý lắc đầu cười:
   - Không. Mấy vị đàn anh của ông ấy quý em lắm. Giới nào cũng có người đáng kính.
   Bỗng Quý đập nhẹ vào tay lái:
   - Giống hệt.
   Du hỏi:
   - Gì thế Quý?
   Quý nhìn về phía xa mơ-màng không trả lời ngay, lúc sau mới chậm-rãi nói:
   - Ngày xưa, chuyện gì xẩy ra trong trường các giáo-sư đều nghĩ có bàn tay thầy nhúng vào.  Thầy càng bị oan, không cải chính; chúng em càng thương thầy. Em nhớ khi dậy chúng em, thầy chỉ hơn đứa lớn nhất dăm tuổi là cùng. Lúc đầu, em không phục thầy nhưng tình-cảm em thay đổi mau chóng. Chỉ có thầy không coi chúng em như những con số. Thầy săn-sóc từng đứa dù dậy nhiều lớp. Thầy nhiệt-tâm và chia sẻ. Trong trường chỉ có vài giáo-sư sống theo lời mình nói.
   Du bảo Quý:
   - Đừng đả-động tới các thầy khác. Tôi lúc đó độc-thân và quá trẻ để nghĩ tới mình. Các thầy có gia-đình, con cái. Làm sao họ có giờ như tôi được.
   Quý trả lời:
   - Không phải là thời-giờ mà lòng yêu mến học trò. Nhiều chuyện thầy cao-thượng ngấm-ngầm tưởng không ai biết nhưng chúng em biết cả.
   - Em biết gì? Đừng gán cho tôi những điều mà tôi không làm.
   Quý nhìn Du trìu-mến:
   - Thầy đã yêu-thương chúng em thực-sự. Thầy là cha mẹ, là anh em, là bạn-bè. Cửa nhà thầy luôn luôn mở rộng. Thầy có mặt lúc chúng em cô-đơn, cần giúp-đỡ. Mỗi lần dậy, thầy đều bỏ ra mươi phút chia-sẻ nhừng nhận-định với học trò. Thầy vô-tình đặt một tiêu-chuẩn mới cho các giáo-sư bởi vậy nhiều ông ghét thầy lắm. Họ tấn-công thầy.
   Du ôn-tồn:
   - Quý à, em đang tô đẹp những kỷ-niệm rồi đấy.
   Quý không đồng-ý:
   - Không đâu. Như chuyện của An. An lúc đó nghèo, không đủ tiền đóng tiền học. Chị ấy bực-dọc nên thất-kính với thầy. Thầy giận đến lặng người mà chỉ thở dài. Rồi chị ấy được cha Giám-Đốc cho tiền học hết năm ấy và cả năm tiếp theo. Khi lấy chồng, chị ấy mời giáo-sư khác lại không mời thầy. Sau An mới biết thầy là người đóng tiền học. Thầy yêu-cầu phòng thâu-ngân lấy danh-nghĩa nhà trường. Chị An chẩy nước mắt mỗi lần nhắc tới thầy.
   Du không nói gì. Chàng đang nhớ tới mái trường với hàng phượng đỏ rực-rỡ trong mùa nắng hạ vàng, những buổi trưa vắng nghe người gác cổng kể chuyện quê-hương của ông.
   Quý vẫn thao-thao trong kỷ-niệm:
   - Em còn nhớ thằng Ngạc mang lựu-đạn vào trường tìm giáo-sư Đỉnh. Mọi người chạy hết. Thầy dám chặn nó lại. Khi trái lựu-đạn nằm trong tay thầy, người ta mới đòi báo cảnh-sát. Thầy phản-đối. Em chơi bóng bàn phía sau nên nghe rõ tiếng thầy tranh-luận trong phòng giáo-sư. Tụi em không ngờ thầy che-chở cho Ngạc đến như vậy: "Nó là học trò. Chúng ta không nhờ cảnh-sát trừng-phạt nó … Nó không phải là đứa học trò khó bảo …Trái lựu-đạn đã được lấy đi ngòi nổ từ trước…Tôi nhận trách-nhiệm sửa đổi Ngạc … Tôi sẽ từ-nhiệm nếu nó không tiến-bộ”.  Thằng này về sau ngoan nhất. Không ngoan cũng chả được, nó giở trò gì tụi em đánh nó mềm xương .
   Du nhăn mặt:
   - Chỉ nói bậy. Máy đứa nam sinh các cậu hung-hăng quá.
   - Thầy nhầm rồi. Tụi nữ sinh đưa ra ý-kiến đó. Bọn nam sinh chỉ sẵn-sàng thi-hành. Chúng em đâu có thể mất thầy được.
   Du dấu sự xúc-động. Lòng chàng ấm lại:
   - Không ngờ các học trò nghĩ tới tôi như vậy.
   Quý mỉm cười:
   - Lũ Hướng-Đạo cũng yêu mến thầy lắm chứ
   - Em biết gì về các Hướng-Đạo của tôi? Họ ở cả Sàigòn.
   Quý nheo mắt:
   - Em biết rõ lắm. Biết từng kỷ-niệm của những lần cắm trại. Biết những câu chuyện dưới cờ. Biết thầy đau-đớn bên người thiếu sinh bị nạn, biết liên-đoàn Sông Hồng, biết …
   - Ai nói với em?
   - Tuấn. Lê Xuân Anh-Tuấn. Nó ở chung với em.
   Du mừng rỡ:
   - Sao em không nói với tôi ngay từ đầu?
   - Nếu em nói, thầy đâu thèm nghe những chuyện khác.
   Quý trêu Du:
   - Em còn biết tên một chị Hướng-Đạo có đôi mắt rất đẹp. Người mà thầy chụp cái hình giữa  đám nữ thiếu sinh. Bên dưới cái hình là hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

   Thầy mê chị ấy phải không ?
   - Không. Tuấn nó nói gi?
   - Không nói gì. Em đùa thầy đấy. Tuấn bảo thầy không biết tán-tỉnh. Nó sợ không khéo thầy giống ông Lý Thường Kiệt. Tới khi biết thầy có thể bị đi lính, không có giấy miễn-dịch vĩnh-viễn, nó mới yên-tâm.
   Du trách:
   - Các cậu hết chuyện, đem tôi ra riễu phả không?
   Quý vừa cười vừa phân-trần:
   - Đâu có. Thằng Tuấn nó sắp ra bác-sĩ y-khoa phải trực nhà thương lu-bù. Thời-giờ đâu mà nói chuyện bá-láp. Chuyện của thầy mang đầy yêu-thương, huyền-thoại nên tụi em nói hoài không chán. Thỉnh-thoảng em bịa vài chuyện ngược đời như chuyện thầy mê cô Thục-Loan chẳng hạn.
   Du lắc đầu cười:
   - Gì nữa. Tôi có trách-phạt Quý đâu mà em ác đức quá vậy?
   - Em ngán cô ấy kinh-khủng! Em nghĩ mấy giáo-sư khác không ai cao tay hơn cô ta. May ra có thầy.
   Du hỏi:
   - Còn chuyện gì em gán cho tôi nữa không?
   Quý cười:
   - Chuyện khác không quan-trọng. Thằng Tuấn biết chuyện cô Thục-Loan là bịa ngay. Nó hiểu anh của nó lắm.
   - Thế à.
   Quý cười:
   - Em kể cho nó nghe một lần gặp thầy ngó vào nhà cô Thục-Loan như ngây như dại. Nó bảo em sạo. Thầy không bao giờ lộ-liễu như vậy.
   Du hỏi:
   - Tuấn ở đâu bây giờ?
   - Nó đi đám tang người quen ở Michigan. Hy-vọng sẽ về đêm chủ-nhật hoặc muộn nhất đêm thứ ba. Thầy đừng sốt ruột, nó kiếm thầy ngay sau khi biết tin.
   Du vui-vẻ:
   - Mừng quá. Một tuần gặp hai người thân. Nhất là thấy các em thành-công cả.
   - Về khía cạnh học-vấn thì tàm-tạm. Về khía cạnh khác thì không.
   - Khía cạnh nào?
   Lòng Quý chĩu xuống, giọng nói chợt buồn:
   - Tình yêu chẳng hạn.
   - Của em hay của Tuấn?
   - Cả hai.
   - Tôi quá tò-mò khi hỏi vào chi-tiết không?
   Quý lắc-đầu:
   - Không thầy. Để em kể thầy nghe. Tuấn hứa hôn với một người con gái. Nàng đẹp thùy-mị nhưng rất lạnh-lùng. Nàng nhận lời cầu-hôn của Tuấn sau khi mẹ nàng đau tim phải vào nhà thương.
   - Và được Tuấn săn-sóc?
   - Tuấn chưa phải bác-sĩ thực-thụ nhưng có coi hồ-sơ bệnh lý. Điều mà Tuấn dằn-vặt lo-ngại cho tới bây giờ là bà ta chỉ giả vờ đau tim để ép nàng lấy Tuấn. Tuấn biết điều đó mà không nói với người yêu.     
   Duy nhíu mày:
   - Tuấn là người thẳng-thắn. Nó không làm vậy. Liệu có sự ngộ-nhận không?
   - Không. Chính Tuấn kể với em. Tuấn bảo người yêu của nó đã biết chuyện.
   - Cô ta nói gì không?
   - Mỗi khi Tuấn đến thăm, cô ta nói vài câu rồi cáo mệt lên nhà. Tuấn sợ chuyện từ-hôn sẽ xẩy ra.
   - Sao em không góp ý với Tuấn?
   - Theo thầy, em nên khuyên nó thế nào?
   Du nghiêm nét mặt:
   -  Nói sự thật.
   Quý im-lặng nhìn vào quãng không. Người học trò cũ là bức tượng không hồn. Du thở dài:
   - Em yêu nàng phải không?
   Trầm-ngâm một lúc, người thanh-niên tiếp:
   - Em nghĩ nếu vì lời khuyên của em mà nàng từ hôn với Tuấn, em sẽ khó ăn nói. Bởi vậy em giữ im-lặng. Nhưng dù Tuấn thú-thật hay không, nó vẫn mất nàng.
   Du hỏi:
   - Sao em nghĩ như thế?
   Giọng Quý đầy xót-xa:
   - Em ghé qua trường đại-học của nàng. Một lần thấy nàng ngồi trong Cafeteria một mình nâng-niu chiếc vòng ngọc-bích như dại-khờ. Lần khác, nàng vẫn ngồi nơi cái bàn đó, đầu cúi xuống. Chiếc vòng ngọc nằm giữa hai bàn tay chập lại. Nàng đang khóc.
   - Hy-vọng ngày nào đó, người ta nhìn thấy giá-trị của người như các em.
   Quý cười buồn:
   - Không đâu thầy. Nàng là con ngựa hoang mà em không là núi cao, rừng thẳm. Tuấn không là bãi rộng, sông dài.
   Du điềm-đạm:
   - Tuấn biết em yêu nàng không?
   - Không. Chuyện này chỉ có thầy biết. Đời em rất vui, tương-lai rất hồng dưới mắt mọi người. Em không làm gì để hổ-thẹn với Tuấn dù trong ý-nghĩ.
   Du gật đầu đồng-ý:
   - Tôi biết.
   - Đáng lẽ Tuấn phải biết nàng yêu người khác. Vài năm trước nghe đâu nàng hát cho các buổi sinh-hoạt cộng-đồng. Bây giờ, nàng không bao giờ cầm lấy bản nhạc. Cộng-đồng nhờ em mời không được. Họ lại nhờ Tuấn mà vẫn không thành-công.
Quý nhìn sang người thầy cũ. Trên khuôn mặt xa vắng phảng-phất nỗi mất-mát không cùng.
   Du bảo Quý:
   - Ra exit tới nhé.
   - Khách-sạn nào thầy?
   - Marriott
   - Chương-trình những ngày tới như thế nào đây thầy? Mai thầy đi dự văn-nghệ Việt-Nam cho vui.
   - Văn-nghệ gì vậy?
   - Do cộng-đồng tổ-chức. Đủ cả văn võ bá quan.
Du hỏi:
   - Em có chân trong ban tổ-chức không?
   - Thưa thầy có.
   - Các cụ không còn giận em à?
   - Không đâu. Vùng này mọi người đều yêu hòa-bình, kể cả ông bác-sĩ, ông trung-tá kết-án nhầm em. Em theo chủ-nghĩa “dĩ hòa vi quý” của thầy. Coi ai cũng quan-trọng cả, nhất là không đả-kích, cô-lập người nào. Thầy đi dự nhé!
   - Có lẽ …
   Quý tha-thiết:
   - Em rất mong thầy đi dự.
   - Thôi được. Như thế này đi. Tôi cất hành-lý rồi chúng ta đi ăn tối. Sáng mai em đừng tới, hãy lo việc tổ-chức.
   Quý dặn:
   - Mai sáu giờ chiều em tới đón thầy.
   - Thế đi.
   - Ngày chủ-nhật sao thầy?
   Du nói:
   - Tôi đưa một người đi thăm thành phố như đã hẹn trước.
   - Ai đấy thầy?
   - Người phụ-tá của tôi. Sáng thứ hai, chúng tôi muốn coi lại bài thuyết-trình lần chót.
   - Thầy thuyết-trình lúc nào?
   - Lúc hai giờ chiều. Nếu em rảnh, chúng ta gặp nhau ngày thứ ba.
   Quý dừng xe lại. Chàng đưa chìa khóa cho nhân-viên khách-sạn mở thùng xe lấy hành-lý.
   - Thôi để thầy nghỉ-ngơi. Em gặp thầy sau. Em ghé qua chỗ tổ-chức văn-nghệ một chút. Nếu Tuấn về, em sẽ đưa tới gặp người anh mà nó hết lòng kính-trọng.
   - Quý này!
   - Thầy cần gì?
   Tiếng Du thật gần-gũi:
   - Nếu muốn, em có thể gọi tôi là anh.
   Quý cảm-động nhìn Du lắc đầu:
   - Cám ơn thầy. Cho em giữ lối xưng-hô cũ. Bao giờ thầy vẫn là người thầy của em.

***

   Du nhìn lên sân-khấu. Thùy trong chiếc áo vàng tha-thướt đang đắm-chìm trong tiếng hát xa vời. Những âm-thanh đưa Du vào nỗi buồn bất-tận. Bài hát là mưa rơi trên thành phố của một thời yêu-đương …
   Lần này Du trở về tìm lại bóng kỷ-niệm ngày cũ. Du muốn ngồi một mình trong quán xưa tưởng nhớ chút hương tàn quá-khứ của một thuở yên-vui.
   Mọi chuyện bây giờ là vô-vọng. Giữa hai người có giòng sông ngăn cách. Sự hiện-diện của Tuấn như cơn nước lũ chẩy về. Mặt sông đã dâng lên. Du không còn nhìn thấy bờ bên kia. Bài hát ngọt-ngào chỉ dành cho mình Du ngày trước, đêm nay Thùy phung-phí cho tất cả mọi người.
   Trước đây khi quyết-định rời bỏ thành phố này, Du tìm Thùy nhiều lần. Nàng không giải-thích điều gì. Buổi chiều cuối cùng thấy Thùy bơ-vơ ngồi giữa sân cỏ xanh mướt, Du bước tới:
   - Cho anh nói với em một chút.
   Thùy khẽ đáp:
   - Vâng, em cũng muốn nói với anh.
   Ngập-ngừng vài giây, Thùy tiếp-tục:
   - Em muốn xin anh thì đúng hơn.
   Du nhìn sâu vào mắt người con gái đẹp:
   - Em nói đi, không cần phải xin. Anh sẽ làm những điều em muốn.
   Thùy gật đầu:
   - Cám ơn anh. Từ nay xin anh đừng bao giờ gặp em nữa.
   Du sững-sờ. Anh đã làm gì để người yêu nói ra câu đoạn-tuyệt này! Anh đau-đớn hỏi:
   - Tại sao? Cho anh biết lý-do được không?
   Thùy cương-quyết lắc đầu:
   - Không cần-thiết nữa đâu anh.
   Hai người im-lặng. Lúc lâu sau, Du buồn-bã hỏi:
   - Đó thật là điều em muốn phải không?
   Thùy mím môi gật đầu. Du thở dài:
    - Anh chiều theo ý Thùy.
   Du lờ-mờ đoán nhận câu chuyện xẩy ra do mẹ Thùy và Kim-Anh. Kim-Anh là chị của Thùy. Đôi khi sự săn-đón nồng-nàn của Kim-Anh làm chàng ngần-ngại. Du giừ khoảng cách để tránh sự ngộ-nhận. Kim-Anh rất đẹp. Tính-tình nhậy cảm. Nàng yếu-đuối, bệnh-hoạn nên được mẹ săn-sóc nhiều hơn. Du không rung-động trước sắc đẹp bề ngoài đó. Chàng cần một người để yêu-thương, chia-sẻ và có tâm-hồn. Người đó là Thùy. Tình yêu và sự dịu-dàng của Thùy làm nguôi-ngoai những vết đau của roi đời ngày cũ. Du tìm được hạnh-phúc mà chàng mong-mỏi.
   Một lần dự tính tương lai, Thùy nói:
   - Du là mái che. Du là cột chống. Nhưng khi lấy Du, em muốn đóng góp nhiều hơn cho gia-đình.
   Du ôn-tồn:
   - Đừng phân-biệt cái gì của em, cái gì của anh.
   Thùy đồng-ý:
   - Chính vì không phân-biệt nên em mới nói như vậy. Em yêu lý-tưởng của Du. Em muốn Du thực-hiện mộng-ước của anh, của chúng ta. Khi chưa gặp Du, em đã sợ lấy phải người chồng chỉ biết đi làm, về nhà nấu bếp, giặt quần áo, coi máy truyền hình, bảo gì nghe đấy. Em không thích chồng em mềm như sợi bún, chỉ vì vợ mà dẫm lên cả những nguyên-tắc của đời sống.
   Du nghĩ tới những ngày tháng cũ, chàng nói :
   - Muốn bảo-vệ nguyên-tắc của đời sống, người ta thường phải trả giá rất đắt đấy Thùy ạ.
   Thùy âu-yếm:
   - Em biết anh đã từng trả giá để anh còn là anh. Mong anh tiếp-tục giữ điều đó.
   Du cảm-động:
   - Anh chưa bao giờ nhiều hạnh-phúc như lúc này.
   Thấy Du im-lặng, Thùy hỏi:
   - Anh nghĩ gì đấy?
   - Anh thật may-mắn. Đa số những người con gái thích người tình tài-hoa, có lý-tưởng, nhiều nghệ-sĩ tính. Sau khi lập gia-đình, họ lại thích người chồng chỉ biết mình và con cái.
   Thùy nhìn người yêu:
   - Du của em khéo nói. Em cần một người để nâng-tựa tâm-hồn chứ không cần một tên nô-lệ. Thật ra nếu em muốn một tên nô-lệ, em sẽ mất Du trong tâm-tưởng của anh. Em sợ điều đó lắm.
   - Đừng sợ. Tình yêu của anh cho em là tình yêu bền vững.
   - Chắc-chắn thế nhé.
   Du quả-quyết:
   - Anh hứa.
   Một lần Thùy mượn xe Du về nhà. Du chỉ chiếc áo khoác trên chiếc ghế cạnh Thùy. Khi lấy chìa khóa, Thùy thấy ảnh một cô gái trong túi áo. Nàng đứng lên lặng-lẽ bảo:
   - Em đổi ý. Chắc em về luôn.
   - Để anh đưa em về.
   - Thôi, mặc em. Anh cho em tự-do.
   Nhìn vẻ mặt buồn rầu của người yêu, Du lo-lắng:
   - Thùy, sao thế?
   Thùy rung-rưng nước mắt lắc đầu. Nàng ôm sách bỏ đi. Du tần-ngần ngó theo.
   - Thùy!
   Thùy vội-vã như chạy trốn. Du tìm ở nhà, nàng đi vắng. Du tới trường nàng để đón, nàng không đi học. Du gọi điện-thoại, Kim-Anh nói Thùy mệt đã ngủ. Du tìm Thùy khắp các thư-viện. Hôm đó trời mưa lớn, Du nhìn vào quán ăn nơi hai người thường ghé qua. Chàng đứng bất-động thật lâu, người ướt sũng. Không có Thùy ở đó, chàng bước xuống con đường rẽ. Có tiếng chân chạy theo. Bàn tay Thùy níu lấy Du:
   - Em đây, Du.
   - Thùy! Anh tìm kiếm em khắp nơi.
   - Em xin lỗi anh.
   Du lắc đầu:
   - Thùy, sao em trốn anh? Ướt hết rồi. Tìm chỗ trú đi.
   - Không. Anh hãy đi với em dưới mưa. Chiều em một chút. Đằng nào cũng lỡ ướt rồi.
   Hai người thong-thả đi hết phố này đến phố khác. Khi qua  một chỗ ống máng hư, nước mưa từ mái cao đổ xuống. Thùy đẩy Du vào:
   - Để em rửa sạch tội lỗi cho Du.
   Du đứng im theo ý Thùy. Nước đổ xuống đầu chàng mát lạnh. Bỗng nàng đẩy Du ra, đứng thế vào chỗ của chàng.
   - Tới phiên em.
   - Sao vậy?
   Thùy nồng-nàn:
   - Tại em muốn thay đổi quá-khứ của Du, một việc mà anh không thể làm được. Em hư quá!
   - Em nói gì?
   - Tấm hình trong túi áo anh!
   Du cười lớn, ôm lấy Thùy:
   - Ghen bậy rồi, cô bé!
   Thùy ngước mắt lên:
   - Anh nói sao?
   - Tấm hình của vợ anh Trung. Anh ấy nhờ anh mang đi phóng lớn.
   - Em tưởng cô bồ của anh.
   Du lắc đầu:
   - Nếu em nói cho anh biết có phải đỡ ngộ-nhận không?
   - Du à. Em có nhiều khuyết-điểm. Đừng chấp em. Em sẽ cố-gắng sửa đổi.
   Du than:
   - Em làm anh khổ sở quá!
   Thùy cười:
   - Anh tưởng em sung-sướng lắm sao? Em còn hồ-nghi người đó là vợ anh ở Việt-Nam nữa. Nhưng sau khi nghĩ kỹ, em chấp-nhận giải-pháp cuối cùng.
   Du hỏi:
   - Giải-pháp gì?
   - Nếu anh có hạnh-phúc với người đàn bà đó, em không gặp anh nữa. Nếu anh khổ-sở, em sẽ cướp Du trong tay họ. Du phải có hạnh-phúc.
   Du sợ sự liều-lĩnh của Thùy.
   - Thùy!
   Thùy trả lời ngọt-ngào, ngoan-ngoãn:
   - Dạ.
   Du nghiêm-trang:
   - Anh muốn nói điều này với em.
   Thùy lắc đầu:
   - Anh không cần nói điều gì cả. Em yêu Du.
   - Nhỡ anh nói dối em thì sao?
   Thùy lắc đầu:
   - Em không thấy anh nói dối ai bao giờ, dù chỉ một lần.
   Du vuốt tóc người yêu. Tay anh làm lược trên mái tóc mây sũng nước.
   -  Anh không hề yêu một người nào trước em.
  Hai người tung-tăng. Họ ngôi bên chiếc xe bán đồ ăn tầu để trú mưa, nói chuyện tự-do như ông bán hàng không là gì cả. Tới lúc trả tiền, Du hỏi:
   - How much?
   Người đàn ông trả lời bằng tiếng Việt:
   - Anh chị cho mười lăm đồng.
   Thùy che mặt cười khúc-khích:
   - Chết em rồi! Ông biết tiếng Việt!
   Ông bán hàng hóm-hỉnh:
   - Tôi chưa thấy ai yêu nhau như anh chị mà chết bao giờ.
   Du đưa Thùy ngang qua công-viên. Mưa lại giăng đầy trời. Họ ngồi trên hai chiếc đu của trẻ con đong-đưa, cười đùa. Một chiếc taxi dừng lại. Người tài-xế ngó đầu ra la lớn:
   - Are you crazy?
   Du đưa hai tay lên làm loa trả lời:
   - Yes, we’re crazy in love.
   Ông tài-xế mập giơ cao ngón tay cái chúc-tụng:
   - May God bless you!
   Khi về đến nhà, Thùy ngăn Du lại:
   - Không được. Đừng cho mẹ em thấy.
   - Sợ gì.
   Thùy nhẫn-nại:
   - Không sợ gì nhưng để từ từ đã. Mẹ nhắn Du đưa chị Kim-Anh đi bác-sĩ ngày thứ bẩy tới. Sau đó, đưa chị ấy đi Connecticut gặp một người bà con chủ-nhật sau. Anh có rảnh không?
   Du lưỡng-lự:
   - Đi nhà thương thì được. Anh nhờ Dũng đưa Kim-Anh đi Connecticut.
   - Dũng nào?
   - Dũng là người đưa mẹ em đi nhà thờ tháng trước đó. Dũng tử-tế lắm.
   Thùy lắc đầu:
   - Mẹ em chỉ tin-tưởng Du. Còn ai bà ấy cũng nghi-ngờ.
   - Anh đa-nghi giống mẹ. Dũng chở Kim-Anh đi đâu cũng được. Nếu nó chở em, chắc anh bị đau tim mà chết.
   Thùy cười sung-sướng:
   - Đừng chết! Đừng chết! Em mãi mãi là của Du.
   Câu nói đó không bao giờ Du quên nhưng với Thùy có lẽ không còn quan-trọng. Nàng từ-khước tình Du. Nàng nhận lời cầu hôn của Tuấn. Đêm nay Du nhìn Thùy một lần chót. Một lần để nhớ trọn cuộc đời. Rồi mai Du lại tiếp-tục chuỗi ngày lênh-đênh vô-định.
   Chàng toan đứng dậy thì Quý đã lên tiếng:
   - Thầy làm sao vậy?
   - Tôi hơi mệt nên về trước; sẽ gặp em sau.
   - Em đưa thầy về.
   - Em ở trong ban tổ-chức nên ở lại. Tôi đi taxi được.
   - Không, em đưa thầy về.
   Du bước ra ngoài. Đêm đã lạnh. Những vì sao lớn lên giữa khoảng mù sương. Cả bầu trời âm-u như muốn khóc. Người học trò ân-cần:
   - Em đưa thầy đi nhà thương nhé.
   - Cám ơn Quý, không sao đâu. Cứ bỏ tôi tại khách-sạn rồi quay trở lại.
   Quý nhấn ga. Chiếc xe lướt nhanh vào xa-lộ. Tiếng còi tầu từ dưới sông đưa lại như gọi hồn Du tỉnh dây.
   Quý hỏi:
   - Thầy đỡ rồi chứ?
   Giọng Du trầm xuống:
   - Tôi đã bình-thường.
   Quý dò hỏi:
   - Thùy hát hay quá, thầy nhỉ?
   - Hay lắm.
   Quý thở dài:
   - Em chỉ tội-nghiệp.
   - Hát hay mà cũng tội-nghiệp sao?
   - Thầy đã ở đây trước khi em tới. Thầy có biết Thùy không?
   - Biết.
   - Có phải …
   Quý ngập-ngừng một chút rồi nói tiếp:
   - Có phải chiếc vòng bích-ngọc của Thùy do thầy tặng không?
   Du im-lặng. Quý đưa thẳng vào chuyện:
   - Chuyện của thầy đáng lẽ em không nên lạm bàn. Nhưng em sẽ hối-hận nếu không nói. Thầy cho phép được góp ý không?
   - Em cứ nói.
   - Thùy là nạn nhân của gia-đình. Vì người chị yếu-đuối, người ta đã xếp-đặt câu chuyện để Thùy xa thầy. Sau đó để Thùy nhận lời cầu hôn của Tuấn. Kim-Anh nhất-quyết đợi thầy trở về. Mẹ Thùy là người không công-bằng. Bà lấy quyền gì mà lấy hạnh-phúc của đứa con này cho đứa con khác?
   Du hỏi mà hồn còn bay bổng nơi xa:
   - Việc Thùy cắt đứt với tôi là do sự sắp-xếp của gia-đình hay sao?
   - Vâng.
   - Sao em biết?
   - Vì sự tình-cờ, em biết rất rõ.
   Du không hỏi nữa. Qua ánh sáng lờ-mờ, Quý thấy Du vẫn bình-thản.
   - Thầy quyết-định ra sao?
   - Tôi không quyết-định gì cả, chỉ về đây lần cuối trước khi đi xa.
   - Thầy đi đâu?
   - Chưa biết. Tôi đã từ-nhiệm. Công-ty yêu-cầu tôi ở lại thêm một thời-gian ngắn.
   Quý nói:
   - Họ muốn giữ thầy đấy.
   - Điều đó thì đúng. Rất tiếc là tôi có ý-định rời khỏi Hoa-Kỳ này.
   - Tới chỗ mới, thầy sẽ cô-đơn.
   Du cười buồn:
   - Ở đâu thì cũng là nhà và cũng chẳng phải là nhà. Cô-đơn thêm chút nữa có hư-hao gì hơn?
   - Thầy làm như vậy là thầy tự làm khổ mình và nhất là giết cả Thùy.
   Du lấy giọng thản-nhiên:
   - Thùy lấy Tuấn sẽ hạnh-phúc.
   Quý bực-tức:
   - Xin thầy nghe em nói đây. Thầy hãy công-bằng với chính thầy và thương lấy Thùy. Em không tin thầy nghĩ nếu lấy Tuấn thì Thùy sẽ hạnh-phúc nhưng khi phát-biểu, thầy lại nói trái với lòng mình. Tại sao? Tại cái cao-thượng của luân-lý cứng-nhắc chụp lên đầu chúng ta hàng ngàn năm làm thầy không nói khác.
   Quý chậm lại. Chàng thuyết-phục:
   - Ngày xưa thầy dậy chúng em. Thầy bảo con đường mòn chúng ta quen đi chưa chắc đã là con đường tốt nhất. Hãy nghĩ và suy-xét lại những thói-quen mà chúng ta tưởng là chân-lý. Bây giờ …
   Du nhẹ-nhàng hỏi Quý:
   - Em muốn tôi dẫm lên tình anh em với Tuấn hay sao?
   - Em xin lỗi thầy mà nói điều này. Thầy vì tình-nghĩa anh em mà hy-sinh Thùy. Thùy là nạn-nhân của đủ thứ nhân-danh: của chị, của mẹ, của cả thầy nữa. Ai thương xót Thùy đây?
   Quý dịu giọng khi thấy mình hơi quá trớn:
   - Thầy có giận em không?
   - Không. Tôi đang nghe.
   - Tuấn là người bạn mà em hãnh-diện. Thầy đừng coi thường Tuấn. Nó có thể đau-khổ nhất thời nhưng nó yêu kính thầy. Nó bám-víu với Thùy vì chưa hiểu chuyện mà thôi.
   - Cám ơn những nhận-xét của em.
   - Thầy quyết-định ra sao?
   Du thành-thật:
   - Tôi chưa biết phải làm gì.
   -Từ-khước công việc ở ngoại-quốc đi thầy. Mà thầy định đi đâu?
   - Đài-Loan hay Ai-Cập. Tôi chưa ký hợp-đồng.
   - Xin thầy ở lại. Em chuyển tới chỗ gần thầy cho vui.
   Du hỏi:
   - Sao vậy?
   - Em cần thầy.
   - Còn công-việc?
   - Không sao. Em có thể đi nhiều nơi tại Hoa-Kỳ mà vẫn kiếm được việc tốt hơn.
   Du cảm-nhận lòng của Quý:
   - Em thật tốt với tôi.
   - Thầy nghĩ sao?
   - Có lẽ tôi đi xa như dự-tính.
   Quý hỏi lại Du:
   - Có lẽ hay chắc-chắn?
   - Có lẽ chắc-chắn.
   Quý nhìn Duy tha-thiết:
   - Thầy, Tuấn và em đều yêu-thương Thùy. Em chỉ xin thầy một lần cuối cùng rồi không bao giờ xin gì nữa. Thầy hãy quyết-định để làm sao nhiều người trong chúng ta hạnh-phúc, gần-gũi nhau được. Đừng nhân-danh bất cứ điều gì cả. Nếu thật yêu Thùy, mỗi chúng ta phải tìm cách cho nàng hạnh-phúc. Em tin ở sự công-bằng của thầy. Thầy hứa với em không?
   Du thở dài:
   - Để tôi … nghĩ đã.
   Quý thấy đã tới lúc chuyển qua chuyện khác, chàng vui-vẻ:
   - Cô Andi Brody tới lúc mấy giờ ngày mai?
   - Cô ta tới muộn. Sáng nay ra phi-trường lại quên một tập tài-liệu nên phải quay lại.
   Quý hỏi:
   - Em ghé qua ăn sáng với thầy được không?
   - Cám ơn Quý. Được chứ.
   - Nếu em ngủ quên, thầy đừng trách em nhé.
   - Không sao, nếu tiện thì tới.
   Quý dặn:
   - Khoảng 6:30 sáng thầy nhé.
   Quý thả Du xuống. Du vừa bước đi thì Quý gọi:
   - Thầy!
   - Gì thế Quý?
   Giọng Quý khẩn-khoản:
   - Thầy hãy thương lấy Thùy. Có thể Tuấn sẽ tìm thầy để xin điều đó.
   Du nghiêm mặt lắc đầu:
   - Đừng nói gì với Tuấn cả.
   Quý nhìn theo Du bước vào khách-sạn. Chàng đẩy nhẹ chiếc băng nhạc vào máy. Giọng Thái-Thanh nức-nở những nốt nhạc buồn.

***

 Du buông tờ báo xuống. Tiệm ăn lác-đác vài người. Trời còn sớm. Chàng hững-hờ cầm bảng thực-đơn. Một bóng người bước tới. Nghĩ là người hầu bàn nên Du không buồn ngước lên:
   - Chờ tôi vài phút nữa.
   Đột nhiên, có tiếng gọi nhẹ-nhàng từ quá-khứ sâu-thẳm vọng về. Giọng nói quen thuộc làm chàng tê-dại:
   - Anh Du!
   Du trông lên. Thùy đứng đó. Trên khuôn mặt xanh-xao của ngày tháng muộn-phiền là đôi mắt mở lớn.
   Thùy buồn-bã:
   - Anh cho em vài phút được không?
   Niềm đau xô tới trong Du mạnh-mẽ như cơn nước vỡ bờ. Du cố-gắng thản-nhiên:
   - Không sao. Tôi … Anh không bận gì cả.
   - Anh cho em ngồi xuống nhé.
   Du giật mình. Chàng đứng dậy, kéo ghế cho Thùy.
   - Anh thật vô ý quá. Xin lỗi Thùy. Em đưa áo khoác cho anh.
   Thùy từ-chối:
   - Không cần. Em phải đi ngay. Có người đợi em dưới kia.
   Du hăm-hở mà trong lòng vỡ-nát:
   - Tuấn hả? Để anh xuống gọi Tuấn lên.
   Thùy lắc đầu:
    - Không phải Tuấn. Hôm qua em thoáng nhìn thấy anh. Lúc sau, không thấy anh đâu nữa.
   - Anh hơi mệt nên về sớm.
   Thùy lo-ngại:
   - Anh đỡ chưa?
   Du mỉm cười:
   - Không sao đâu. Quen rồi.
   Thùy khuyên:
   - Anh nên giữ-gìn sức khỏe. Bác-sĩ nói sao?
   Du lảng sang chuyện khác:
   - Mẹ và Kim-Anh vẫn mạnh chứ?
   - Cám ơn anh hỏi. Mẹ dạo này nhiều buồn phiền. Còn chị Kim-Anh … Chị Kim-Anh … mới mất.
   Du tần-ngần nhìn Thùy. Những giọt nước mắt từ từ chẩy xuống trên làn da trắng mịn.
   Thùy nghẹn-ngào:
   - Trước khi chết chị thú-thực nhiều điều. Chị ấy xin anh tha-thứ. Tất cả chỉ vì chị ấy quá yêu anh!
   Du định nói nhưng Thùy cản lại:
   - Anh không cần trả lời em. Nếu anh tha-thứ được thì hương hồn chị ấy sẽ biết. Em mong anh rộng lượng.
   Du thở dài:
   - Tội-nghiệp Kim-Anh!  Xin chia buồn cùng em và mẹ.
   Thùy lau nước mắt, nàng tiếp-tục:
   - Cả mẹ nữa. Mẹ gầy đi vì buồn rầu. Mẹ muốn gặp anh. Mẹ quý anh lắm. Nếu anh còn chút gì xót lại cho em, xin anh bỏ qua cho mẹ.
   Du im-lặng một lúc rồi chàng trả lời:
   - Em không trách mẹ em. Coi như số mệnh của anh không tốt. Thế thôi.
  Lời nói của Du như một mũi dao nhọn đâm trong hồn Thùy. Nàng bật khóc.
   - Anh có thể … có thể thăm mẹ một lần không? Mẹ ân-hận lắm. Em xin anh.
   - Anh … cố-gắng.
  Thùy đau-đớn đến tột cùng. Thế là hết. Tình-cảm của Du với nàng hình như không còn gì nữa.
  - Anh phải cố-gắng hay sao? Em đòi-hỏi quá đáng phải không?
   Giọng Du trầm buồn:
   - Không có gì quá đáng đâu. Tại anh vụng-về thôi.
   Thùy hỏi:
   - Những ngày tới mẹ bận, có lẽ thứ sáu này khi kết-thúc chương-trình của anh ở đây thì tiện hơn. Được không anh?
   Du dịu-dàng:
   - Em cũng đã đoán biết được ý-nghĩ của anh rồi mà. Liệu có cần trả lời không?
   Thùy lấy ngón tay gạt vài sợi tóc trên trán. Bàn tay búp măng đó thuở nào thường nằm trong tay Du những lần tung-tăng khắp phố.
   Thấy Du đăm-chiêu, Thùy gọi nhỏ:
   - Anh Du!
   Du nhìn Thùy, nàng tiếp:
   - Em có lỗi với anh rất nhiều. Em không biết làm gì đền-bù hết cho anh được.
   Du xúc-động. Những rào cản chợt đổ xuống. Chàng nhẹ-nhàng bảo Thùy:
   - Anh chưa bao giờ oán-trách em. Em chỉ mong em an-vui. Được thế, anh mãn-nguyện rồi.
   - Em xin Du nói với em một lời. Du hãy nói tha-lỗi cho em. Em van Du.
   - Nếu em muốn, anh nói nhưng vẫn nghĩ em không có lỗi gì cả.
   - Cám ơn anh.
   Người hầu bàn tiến tới. Du ân-cần hỏi Thùy:
   - Em ăn sáng nhé.
   - Cám ơn Du. Anh có thực-tình mời em không?
   - Thùy, sao em hỏi vậy?
   Thùy ngẫm-nghĩ:
   - Xin lỗi anh, em lỡ lời. Thôi để cuối tuần sau khi thăm mẹ, anh đưa em đi ăn tối thì tốt hơn. Du bằng lòng chứ?
   Du nhìn Thùy gật đầu. Thùy cầm ví đứng lên.
   - Em về. Cám ơn Du nhiều. Trước khi tới đây, em nghĩ anh sẽ cay-đắng với em.
   Du buồn-bã:
   - Anh làm gì có cái can-đảm đó.
   Chàng đưa Thùy ra phía thang máy. Từng bậc trắng của chiếc thang trôi xuống phía dưới liên-tục. Chợt Thùy dừng lại. Nàng sửa cái nút cà-vạt cho Du.
   - Cà-vạt ở Le Moulin. Mầu đẹp quá!
   Du mơ-màng nhớ tới những ngày cùng Thùy đi phố chọn áo quần. Chàng khẽ nói:
   - Cám ơn em.
   - Tina còn làm ở đó không anh?
   - Còn
   Thùy thì-thầm nũng-nịu:
   - Coi chừng nàng bắt mất hồn Du đó.
   Du buột miệng:
   - Tina làm sao bắt được cái hồn đã chết của anh?
   Du bàng-hoàng vì câu nói lỡ lời trong khi Thùy lặng người. Mắt nàng rưng-rưng. Hai bàn tay nàng đặt lên vai Du thương xót.
   - Tội-nghiệp Du. Em tệ-hại quá. Em xin lỗi anh.
   Thùy thong-thả bước xuống thang máy. Du tần-ngần trông theo. Bỗng nàng quay lại, giơ tay vẫy Du. Qua cái nhìn say-đắm của Thùy, Du thấy nàng có mùa xuân hạnh-phúc.

***

   Quý gọi Tuấn:
   - Đây rồi! Concourse Ballroom.
   Tuấn chau mày:
   - Đúng không?  Hội-nghị lớn quá, bao nhiêu là phòng hội. Đi mỏi cả chân.
   Quý gật đầu:
   - Chắc rồi.
   Các hàng ghế đã đầy người. Ánh đèn của máy chiếu hình hắt lên tường đề-tài của buổi thuyết-trình. Người con gái tóc vàng bước lên máy vi-âm tự giới-thiệu:
   - Chào quý-vị. Tôi tên là Andi Brody. Đáng lẽ đề-tài hôm nay do Du Nguyễn trình-bầy nhưng vào giờ chót, ông không thể có mặt.
   Tuấn nhăn mặt:
   - Anh ấy làm sao rồi!
   Quý suy-nghĩ một lát rồi nói:
   - Có thể thầy đang đau nằm trong phòng.
   - Mày biết số phòng chứ?
   Quý trả lời:
   - Biết. 2119. Phòng 19 tầng 21. Ông bảo mày phải về. Mày cứ chần-chờ ở lại.
   Tuấn phân-bua:
   - Làm sao tao biết anh Du đến đây?
   Quý kể tội:
   - Ông chuyển bản tin cho thằng cháu của mày. Cái thằng tiếng Mỹ không biết, tiếng Việt không thông. Nó nói gì với mày?
   Tuấn lắc đầu:
   - Nó bảo tao có điện-thoại mà không nhớ tên ai gọi. Tao gọi nhà Thùy, bà cụ cần gặp tao gấp khi về nhưng không phải bà ấy gọi.
   Quý cằn-nhằn:
   - Mày ngu nhất trần đời, thiếu suy-luận, không nhậy cảm. Cháu nào chú đó. Phải hiểu là tao gọi mày chứ!
   Tuấn cười:
   - Đừng mạ-lỵ tao. Mai mốt vợ mày sanh đúng ngày ông trực, ông cho mày đợi hộc hơi ở ngoài.
   Hai người dừng lại trước phòng Du. Quý gõ cửa nhiều lần mà không ai trả lời.
   Tuấn bảo:
   - Để tao gọi nhà thương xem.
   - Khoan. Xuống lầu đã.
   Tuấn theo Quý. Cả hai không còn cười đùa. Quý tiến tới khu-vực tiếp khách chào người tiếp đãi viên:
   - Tôi muốn hỏi ông Nguyễn ỏ phòng 2119.
   Người đàn ông lễ-độ coi giấy tờ:
   -  Xin ông vui lòng đợi một chút. Ông Nguyễn phòng 2119 đã rời khách-sạn sáng nay.
   Tuấn hỏi:
   - Có phải vì ốm đau không?
   - Tôi không nghĩ vậy.
   Quý trầm-ngâm:
   - Ông ấy trả phòng lúc nào?
   - Lúc 8 giờ sáng.
   - Tôi là ông Vũ. Ông Nguyễn có để bản tin gì cho tôi không?
   Người đàn ông coi trong xấp giấy trên bàn rồi nói:
   - Có tin cho ông.
   Tuấn nhìn vẻ mặt băn-khoăn của Quý. Thấy bạn nồng-nhiệt với Du hơn mình, chàng ân-hận:
   - Đã xẩy ra chuyện gì thế Quý?
   Quý lắc đầu. Chàng cầm bức thư mà không biết có nên mở trước mặt Tuấn hay không?
   - Để tao coi thư. Thật tình tao không hiểu nổi thầy tao.
   Quý liếc nhanh trên tờ thư ngắn-ngủi:

Quý thân,
Cám ơn tất cả những gì Quý đã làm cho tôi. Cám ơn nhiều lắm.
Cho gửi lời thăm Tuấn,
Thân ái,
Thầy Du

   Tuấn bồn-chồn:
   - Anh ấy nói gì?
   - Không có gì. Ông ấy gửi lời thăm mày. Lúc nào cũng Tuấn, Tuấn, Tuấn. Mày biết thế không?
   Tuấn nghĩ-ngợi:
   - Hè này tao thăm anh ấy. Mày có đi không?
   - Đợi gần tới hè hãy hay.
   Tuấn tình-cờ quay lại. Thùy trong chiếc áo khoác đen từ thang máy bước ra.
   Trong nỗi vui mừng, Tuấn hớn-hở chạy tới. Thùy giật mình, người hơi lui lại phía sau. Thái-độ lúc đầu như đang đau-đớn rồi chuyển qua cương-quyết lạnh-lùng:
   - Anh đừng lại gần.
   Tuấn sửng-sốt đứng như trời trồng. Thùy tiếp-tục tiến về phía trước. Khi nàng tới cửa, Tuấn gọi với theo:
   - Thùy, trời bão!
   Hình như Thùy không nghe thấy tiếng Tuấn. Nàng thản-nhiên bước vào cơn mưa lớn ngoài trời.

Thiên-Tường

(*) Khuôn-phép cuộc đời  - Nguyễn Hoàng Lãng-Du