Hành-Trình Yêu-Thương  

 

   Con là Nguyễn Văn Chúc, học trò cũ của thầy đây. Mấy hôm trước có người cho con địa-chỉ điện-thư của thầy nhưng mãi đến hôm nay con mới được dịp xuống phố dùng Internet. Chỗ con ở không có điện-thoại, chỉ có rừng núi hẻo-lánh và trăng sao.

 

   Nhắc đến trăng sao con lại nhớ những đêm tới thăm thầy. Hai, ba thầy trò nằm trên sân cỏ nhìn trời … đây là chòm Thần Săn … đây là chòm Tua Rua ….đây là chòm Bắc Đẩu … đây là chòm Ngỗng Trời… đây là chòm Thần Nông … đây là chòm Cái Gầu … đây là chòm Con Vịt … Thầy kể cho chúng con nghe những sự-tích nhân-gian, những câu ca-dao về sao. Thầy mở rộng chân trời yêu-thương quê-hương mình cho chúng con.

 

   Thầy trò mình có khi ngủ quên trên bãi cỏ xanh cho đến khi sương lạnh đánh thức dậy. Có đêm con thấy thầy đứng im-lìm như bức tượng hướng về phía trời xa. Hình như thầy cô-đơn lắm. Thầy làm gì đâu ngoài việc tận-tụy, yêu thương học trò. Lúc sau này con mới hiểu sự ghen-ghét, đố-kỵ là gì? Con thương thầy vô cùng.

 

   Một lần các bạn của thầy tới thăm. Mấy đứa con tình-nguyện giúp thầy. Cả ngày các bạn thầy vui-vẻ lắm. Con tưởng thầy cũng vậy. Khi đêm về dưới ánh lửa, cô Vy ngâm tặng thầy một đoạn thơ mà bây giờ con còn nhớ lõm-bõm:       

 

                                     ”…Ta là sao Tinh-Đẩu

                              Cao vút trời cô-đơn

                              Sáng không đủ soi đường cho người chừ đêm chưa đành tắt.    

                              Một mình ta với lòng ta chừ bão táp không nguôi“

 

   Ánh lửa bập-bùng … Con nhìn thấy nhừng giọt nước mắt trên má cô… Mọi người im-lặng… Chỉ còn tiếng tí-tách của những thanh củi đang biến thành than, tro… 

   Con thích bài Khúc Ca Phạm Thái đó lắm. Tác-giả là ai? Có phải là Nguyễn Đình Toàn không thầy? 

   Rồi thầy đọc thơ. Giọng thầy vang dội cả vườn soài, thẩm-nhập vào lòng người:

 

                             “… Ai đã gõ trên đôi bờ luyến-tiếc,

                                  Sông Núi buồn say tỉnh khiến em mong.

                                  Trong chén đắng môi xanh vầng Nhật Nguyệt.

                                   Người có buồn khi nhắp với ta không?” 

                                        (Biển Đông Sóng Giục – Nguyễn Hoàng Lãng Du)

 

   Thật tội-nghiệp thầy! Bây giờ chén đắng cũng đã vỡ. Thầy nói với con:

   - Sinh, Ly, Tử, Biệt là chuyện của đời thầy.

 

   Con được thầy đón nhận đặc-biệt vì con có quá nhiều bất-hạnh… 

   Một hôm anh Túc trình-bầy về một đề-tài ngắn thầy cho. Anh ấy kết-luận:

   - Chúng ta là những người nghèo hèn. Cha mẹ trả cho tiền học đúng hạn đã là may lắm rồi.

   Thầy hỏi:

   - Trong các em, ai đồng ý với Túc?

   Hầu hết cả lớp giơ tay. Lần đầu tiên con thấy thầy tức-giận. Thấy  đấm mạnh xuống hộp phấn bằng gỗ. Hộp phấn bị bể thành nhiều mảnh. Cả lớp sợ hãi không hiểu tại sao.

   Lúc sau, thầy nghẹn-ngào dậy chúng con:

   - Thầy cấm …các em được nói như vậy. Các em nghèo nhưng có hèn đâu? Hãy cố-gắng tiếp-tục như thế. Phải tiếp-tục như thế.

   Rồi giọng thầy bình-thường trở lại:

   - Ngày xưa thầy nghèo lắm. Các em biết thế không?

   Chuông reo hết giờ. Cả lớp đứng lên vỗ tay. Chúng con chưa bao giờ cảm thấy gần-gũi thầy như vậy.

   Chị Huệ từ bàn trên bước xuống đưa con cái khăn tay. Con lên băng cho thầy. Chiếc khăn có máu đó nằm trên bàn làm việc của thầy. Con giữ nó nhiều năm cho đến khi vợ chồng Huệ xin lại làm kỷ-niệm. Chiếc khăn trở thành bảo-vật. Thầy dậy chúng con: " Trong yêu-thương cái gì cho thì còn, cái gì gìữ thì khó tồn-tại lâu dài”.

 

   Con nhớ vào một lần thi cuối tháng bị Nam trêu chọc, con cầm thước đập vào tay Nam nhưng anh ấy rút tay kịp. Tiếng động làm nhiều người quay lại. Thầy nghiêm-nghị nhìn xuống. Con đinh-ninh là sẽ bị thầy trách-phạt nhưng thầy chỉ bảo:

   - Cuối giờ, Chúc lên gặp thầy.

   Tan học con lên bàn thầy. Thầy hỏi:

   - Có chuyện gì thế.

   Con nhận trách-nhiệm:

   - Thưa thầy, lỗi tại con. Con mong thầy tha-thứ.

   Thầy lắc đầu:

   - Thường ngày Chúc không có phản-ứng như thế. Có chuyện gì vậy?

   Con kính-phục thầy. Thầy không cứng-nhắc trong việc trách-phạt mà còn muốn hiểu nguyên-do. Tương-quan tốt đẹp giữa người và người là sự cảm-thông.

   - Thưa thầy… mẹ con… ốm nặng, không biết có qua khỏi được không?

   Thầy lặng-lẽ hỏi:

   - Sao Chúc không nghỉ ở nhà săn-sóc cho mẹ?

   Con lắc đầu:

   - Con muốn thế lắm nhưng mẹ dặn…mẹ dặn con phải đi học… Học được ngày nào hay ngày ấy chứ khi mẹ mất không thể tiếp-tục được nữa.

 

   Con tưởng thầy sẽ nói với con, sẽ an-ủi con nhưng chỉ thấy im-lặng. Đợi lâu, con ngước nhìn lên. Trời ơi! trên khuôn mặt thầy ràn-rụa nước mắt… Con mang theo hình ảnh đó suốt đời con.

 

   Nam thỉnh-thoảng đến thăm con. Chúng con ngồi với nhau hồi-tưởng những kỷ-niệm ngày còn đi học. Chúng con nói nhiều về thầy. Chuyện của chúng con không bao giờ hết. Có chuyện nhắc lại nhiều lần mà tưởng như đã lâu chưa nói tới.

 

   Mấy hôm trước Nam đến ngủ lại một đêm. Buổi sáng chia tay, Nam ngậm-ngùi:

   - Ông nghèo và cô-đơn quá.

   Nam là bạn chí thân nhưng vẫn chưa hoàn-toàn hiểu con. Cõi đời này chỉ có thầy mới biết được ý-hướng của con.

   Trong đời tu-sĩ, con có Chúa. Nơi tâm-hồn, con có thầy. Trên bầu trời rộng, con có trăng sao. Giữa người nghèo khó, con có anh chị em. Cô-đơn sao được, phải không thầy?

 

Nguyễn Xuân Thiên Tường