"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Ngón Tay Chỉ Trăng

     Thuở còn ngoài Bắc, làng tôi nghèo lắm, miếng ăn cái mặc còn chưa đủ, nói gì đến việc học. Bởi vậy, dù trường chỉ có đến lớp nhất nhưng cũng chẳng có mấy ai học tới. Sau này di-cư vào Nam, làng tôi mới khá lên một chút. Số người đi học nhiều hơn.

     Tôi nhớ khi ở năm cuối của bậc tiểu-học thì lớp tôi chỉ còn lại có chị Thanh, anh Tạo, và tôi. Vì ít người nên tình thầy, tình bạn càng dễ thêm thắm-thiết. Chúng tôi xem thầy như cha, và xem nhau như anh chị em ruột. Và thầy cũng xem chúng tôi như những người con của thầy. Chị Thanh và anh Tạo hơn tôi có đến gần 10 tuổi.

     Mãn khóa, tôi được cha xứ nhận làm con tinh-thần và gởi vào tiểu chủng-viện ở Phát-Diệm. Chị Thanh và anh Tạo, để được tiếp-tục việc học, phải tự-túc. Hai người trọ học ở Thái-Bình. Tình bạn biến thành tình yêu. Được hai năm thì chị Thanh vâng lời bố mẹ về quê lấy chồng. Chị bắt đầu cuộc đời làm cô giáo từ đó. Chị giúp thầy dậy những lớp nhỏ.

     Năm tôi và anh Tạo đang học lớp đệ ngũ thì được tin thầy bệnh nặng. Chúng tôi về thăm thầy và gặp lại chị Thanh. Lúc đó, thầy tôi không còn nói được nhưng vẫn tỉnh lắm. Thầy chỉ tay vào tôi và anh Tạo, rồi lại chỉ vào chị Thanh như muốn dặn-dò điều gì. Chồng chị Thanh đứng gần bên. Hai vợ chồng chị chăm-sóc thầy những năm đó. Tôi nghĩ thầy gởi-gấm chị Thanh cho chúng tôi. Tôi nhìn anh Tạo nhưng anh yên-lặng. Được mấy ngày sau thì thầy chúng tôi mất.

     Sau đám tang thầy, tôi về lại chủng-viện, còn anh Tạo tiếp-tục việc học ở Thái-Bình cho đến khi xong trung-học đệ nhất cấp thì nghỉ. Tôi rất ngạc-nhiên vì anh vẫn thường tâm-sự với tôi là anh muốn có ít nhất cái bằng tú-tài hai trong tay để sau này dễ làm việc. Vậy mà anh đành bỏ học nửa chừng để về quê giúp chị Thanh dạy học vì chị không quán-xuyến nỗi việc nhà và việc trường.

     Vào Nam, tôi học ở đại chủng-viện Sài-Gòn và trở thành linh-mục đầu tiên trong làng, còn chị Thanh và anh Tạo tiếp-tục công việc của một nhà giáo là mở trường dạy học. Năm 1968 thì chị Thanh mất. Sau năm 1975 thì anh Tạo được mời nghỉ dậy. Khi về làm lễ tang cho chị Thanh, tôi nghe kể lại là chị bị lạc đạn khi đang ôm đứa học trò nhỏ chạy đến trường để tránh pháo-kích. Tôi vẫn tin vào sự quan-phòng của Thiên-Chúa nhưng nước mắt tôi chảy dàn-dụa. Chị mất trước khi thấy trường làng mình được phép mở thêm chương-trình trung-học đệ nhất cấp, một ước mơ của chị và anh Tạo mà nhờ vào cái danh linh-mục tôi đã giúp thực-hiện được.

     Chị Thanh và anh Tạo đã dành trọn cuộc đời mình để làm tròn cái thiên-chức của nhà giáo. Hầu như trong làng ai cũng là học trò của chị Thanh và anh Tạo. Dù không có mấy ai đỗ-đạt thành-tài trong xã-hội, nhưng ai cũng nên người. Vì thế, đám tang chị Thanh lớn lắm. Chị được yên-nghỉ ngay bên cạnh mộ của người cha tinh-thần của tôi, là người đã đưa dân làng chúng tôi từ Bắc vào Nam.

     Vì việc mục-vụ nên tôi không có mấy dịp về lại làng cũ. Và cũng vì thế mà ít có dịp gặp lại anh Tạo. Cho mãi đến năm vừa rồi, khi tôi về bốc mộ bố mẹ và người cha tinh-thần vì nhà nước có lệnh giải-tỏa đất thánh để làm sân chơi golf, tôi mới gặp lại anh. Anh đã già lắm. Phải nói là già nhất trong làng bây giờ. Trong lúc hàn-huyên, tôi tò-mò hỏi anh lý-do nào đã khiến anh làm nhà giáo, có phải vì chị Thanh không? Anh lắc đầu nói:
 - Cậu chỉ vớ-vẩn. Có lẽ vì khi ấy cậu còn nhỏ nên không để ý đến lời thầy dậy lúc chúng ta xong năm lớp nhất. Nhưng lúc thầy mất, thầy chỉ tay vào cậu và tôi, rồi thầy chỉ qua chị Thanh. Ý thầy muốn chúng ta tiếp-tục con đường của thầy là làm công việc giáo-dục như chị Thanh đang làm.  Khi đó cậu đã lớn, có lẽ cậu còn nhớ.

     Tôi giật mình. À, thì ra thầy tôi đã chỉ trăng mà tôi đã không thấy trăng cũng như ngón tay của thầy.

Ngục-Thu-Yên