"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Bay Trong Gió Lộng

 

 

   Yên bước lên thềm. Ngoài trời nắng đã chan-hòa trên các ngọn cây. Có tiếng chim gáy từ xa vọng về. Giờ này ông Nguyễn đang còn ở trường đại-học. Sau lớp dậy, ông sẽ đưa nàng đi Nữu-Ước coi tranh của Ức-Viên - vợ ông- và của bà Adams.

   Vân nói với nàng:

   - Ba đặc-biệt cho chị lắm đấy. Từ trước đến giờ, chỉ có vài người được ba dẫn đi coi tranh của bà và mẹ. Một năm tranh triển-lãm hai lần. Ai khác muốn coi phải đợi.

 

   Nàng dừng chân tại phòng khách. Bốn bức tranh thêu thật lớn treo trên tường không chỉ làm đẹp căn phòng mà còn tạo thêm sinh-khí cho ngôi nhà vắng lạnh. Lần đầu tiên khi nhìn thấy những bức tranh này,Yên đã lạc giữa mầu sắc tuyệt-vời của đường kim, mũi chỉ. Bức họa làm người thưởng-ngoạn nghĩ đến cả những nét, những mầu không được không được diễn-tả trên khung vải. Mỗi bức tranh mang một vẻ đẹp riêng. Bức thứ nhất là cảnh núi cao lưng trời sương phủ. Bức thứ hai là cội hoa đào nở giữa một đồi xuân xanh. Bức thứ ba là hàng phượng hồng trong mùa nắng hạ và bức thứ tư là một con dốc vắng vào cuối mùa đông.

 

   Bà Byrne đang đứng phía ngoài nhìn vào. Bà là người chăm-sóc Vân từ thuở mới lọt lòng. Bà gần như là người quản-gia, mỗi tuần hai lần bà ghé qua chỉ bảo cho người giúp việc.

    Bà Byrne thốt lên:

   - Trời ơi! Sao cô giống Ức-Viên quá.

   Yên ngạc-nhiên:

   - Thật thế sao bà?

   Người đàn bà trả lời:

   - Phải, giống lắm.

   Rồi bà Byrne kể:

   - Cô biết không, những người sống trong nhà này đều là những nghệ-sĩ nhiều tài-năng. Bà Adams, Nguyễn và Ức-Viên. Cô để ý mỗi bức tranh đều thêu bốn câu thơ. Lúc đầu, chúng tôi chỉ thấy tranh rất đẹp cho đến khi Viên cắt nghĩa, bà Adams và tôi mới hiểu được sự vô-cùng của thơ Nguyễn. Với bất cứ đề-tài nào, Nguyễn đều có thể biến thành thơ phảng-phất những triết-lý tuyệt-vời. Từ cảnh thiên-nhiên mà cô thấy ở đây cho đến hạt bụi rơi trong một sớm mai hồng. Người nghệ-sĩ đó ghi được điều mà người như tôi không bao giờ tự nhìn ra hay nghĩ tới. Những bài thơ là nguồn cảm-hứng hội-họa cho Ức-Viên, Nhờ vậy các tác-phẩm hiếm có thành hình.

 

   Yên im-lặng. Chính nàng lúc đọc thơ Nguyễn cũng có nhừng rung-động kỳ-diệu. Nhiều đêm tỉnh giấc, nàng thèm viết. Mỗi dòng thơ của Nguyễn là những dấu nhạc không ngừng nghỉ.

 

Bà Byrne thở dài:

   - Từ khi Ức-Viên mất, Nguyễn bỏ làm thơ. Người đàn ông tài-hoa đó chỉ còn là một gốc cây già chết giữa cuộc đời này. Khi đi coi tranh của Ức-Viên tại New-York cô sẽ thấy sự kết-hợp của những tâm-hồn lớn. Nhiều đề-tài rất đơn-giản biến thành những tác-phẩm đặc-biệt đến lạ-lùng. Đó không phải lời tôi nói đâu. Bà Adams nói đó. Bà là một họa-sĩ nổi tiếng một thời.

 

   Thấy Yên lắng nghe, bà Byrne kế tiếp …

 

                                                                     * *

 

   “ Lúc mới sang Mỹ, Viên làm việc cho viện dưỡng lão. Tại đây nàng gặp bà Adams. Bà cụ hình như không mấy cảm-tình với người Á-đông. Ông David Adams, con bà, bị thương ở đầu trong một trận đánh tại Việt-Nam. Có lẽ vì thế David không được bình-thường. Ông luôn luôn bị dằn-vặt bởi thảm-họa của chiến-tranh. Trong một cơn say lái xe đi tìm tên trung-úy Cailey thiếu nhân-tính đã giết người vô-tội tại Mỹ-Lai, ông chết vì tai-nạn gần Georgia. Trong thùng xe, người ta tìm thấy nhiều chai rượu và một cây gậy baseball. Đó là cái ảo-ảnh cuộc đời và chút mộng-tưởng công-lý mà ông để lại. Bà Adams đau-khổ vô-cùng về sự ra đi vĩnh-viễn của người con một. Lần đầu tiên nhìn thấy Viên cũng là lúc bà đang nghĩ tới David. Viên chưa kịp mở-miệng chào, bà đã xua đuổi. Được dặn trước nên nàng không phản-ứng chỉ lặng-lẽ mang rác bước đi.

 

   Buổi sáng hôm sau, bà Adams yêu-cầu được gặp nàng. Bà cụ xin lỗi. Giọng bà chứa-chan tình-cảm. Viên chinh-phục bà Adams và những người trong viện một cách nhanh- chóng qua sự tận-tụy, dịu-dàng và kiên-nhẫn. Họ cô-đơn, thèm nói nhưng không có người nghe. Nhiều lần Viên ở lại muộn chỉ vì đợi người tâm-sự tạm dừng câu chuyện.

 

   Bà Adams muốn nàng đưa đi chơi mỗi tuần vài lần. Lúc đó viện dưỡng lão đang cắt giảm giờ làm của nhân-viên nên đây là dịp tốt để nàng kiếm thêm tiền. Nàng nói sẽ nhận lời nếu viện chấp-thuận. Bà Adams không còn là bà già khó tính. Đi tới trung-tâm thương-mại, bà mua cho Viên quần áo. Đi xuống phố, bà mua cho Viên những món quà bầy-biện trong nhà. Bà có thể ngồi trong thư-viện hàng giờ đọc sách với Viên. Bà thích triển-lãm nhiếp-ảnh và hội-họa.

 

   Một lần bà cụ ngậm-ngùi:

   - Cô biết không, lúc trẻ tôi là một họa-sĩ. Không biết những bức tranh thời đó của tôi bây giờ ở đâu?

   Bà cụ trầm-ngâm. Những vết nhăn trên vầng trán hơi xao-động. Khi Viên ngẩng lên, bà mờ nước mắt.

   - Tay tôi đã run. Mắt tôi không còn phân-biệt rõ mầu sắc. Đã có một thời …

   Giọng bà rất khẽ:

   - Cô thích vẽ không?

   - Tôi cũng yêu mầu sắc. Có lúc tôi vẽ, có lúc thêu tranh.

   Bà hỏi:

   - Ừ nhỉ, tên cô là Viên. Có phải biệt-hiệu cô là là Ức-Viên? Cô đã từng triển-lãm tranh tại Sài-gòn phải không?

   - Tại sao bà biết?

   Bà cụ tha-thiết nhìn nàng:

   - Viên ơi, chúng ta quen nhau tám tháng mà bây giờ tôi mới nghĩ ra. Cho tôi giải-thích sau vậy nhé.

   Cả tuần bà cụ lăng-xăng. Vài người làm việc cùng chỗ kể cho Viên hay bà gọi điện-thoại cho ai nhiều lần. Bà cụ nhắc tới tên nàng luôn.

 

   Một ngày bà cụ đưa Yên về căn biệt-thự to lớn trên ngọn đồi nhiều cây. Bốn bức tranh do nàng thêu được lồng trong những chiếc khung thật đặc-biệt. Bà ngắm-nghía một lúc lâu rồi bảo nàng:

   - David gửi cho tôi những bức này từ Việt-Nam đấy. Đã có lúc tôi nghĩ quê-hương cô chỉ có bốn bức tranh là đáng yêu mến… Tôi mới cho sơn nhà cửa và mang tranh từ New-York về. Mời cô ra đây, tôi có chuyện nói.

   Bà kéo Viên tới bộ bàn ghế cổ. Chưa bao giờ nàng thấy bà vui-vẻ như thế.

   - Tôi cũng đã đặt mua nhiều bức tranh thêu khác rồi lại cho đi. Tuy đường kim, mũi chỉ tuyệt-vời nhưng đó không phải là bức tranh của một nghệ-sĩ, không phải bức tranh của Ức-Viên.

   Bà âu-yếm nhìn Viên rồi mỉm cười:

   - Cô vừa xinh đẹp, vừa có tài. Trong cuối đời cô-độc không ngờ tôi được biết cô. Mấy tháng trước đây cô kể chuyện về một người nhạc sĩ nhà giầu. Anh có tài-xế riêng. Một lần anh nhìn thấy bản nhạc của mình để quên trên xe có ai đã soạn lời. Anh và người tài-xế kết thành bạn tâm-giao. Từ đó, một người viết nhạc, một người viết lời. Tên hai người đó là gì nhỉ?

   - Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

   Bà Adams lắc đầu:

   - Tên khó đọc quá! Nhưng này Viên, cô có muốn là bạn của ta không?

 

Cặp trẻ, già trở thành đôi tri-kỷ. Nhưng hạnh-phúc không kéo dài. Bà Adams mất ba năm sau đó. Bà được thưởng-ngoạn thêm 18 bức tranh thêu. Rồi Ức-Viên cũng ra đi. Nàng chết lúc Vân mới lọt lòng…”

 

                                                                  * *

   Yên nhìn sang ông Nguyễn. Lời ông không còn ngắn gọn đến lạnh-lùng nữa mà tràn đầy sự sống của một thời đã qua. Yên có cảm-giác ông coi mình như một người bạn thân. Lòng nàng lâng-lâng xúc-động.

   Ông nói:

   - Thơ có triết-lý, âm-điệu, mầu sắc. Họa có chủ-từ, động-từ, tĩnh-từ nhưng không có triết-lý. Nhạc thuần-túy cũng giống hội-họa ở những điểm đó phải không? Thơ dễ làm nhưng tranh vẽ đạt tới độ ai nhìn cũng thích không dễ…Tôi về Sàigòn tình-cờ ghé vào phòng triển-lãm rồi gặp Ức-Viên… Chúng tôi yêu nhau từ đó… Những bức tranh của Ức-Viên được nhiều người thích lắm. Nàng không bao giờ thêu hai bức giống nhau.   Đường nét của nàng vượt qua khung vải thành sự sống có linh-hồn.

   Yên bàng-hoàng. Một đêm trong mộng nàng nói với Ức-Viên gần như vậy. Người đàn bà đẹp, hình dáng thon gầy nhìn nàng mỉm cười. Khi nàng thức dậy, hương thơm còn thoang-thoảng trong phòng.

   Yên hỏi:

   - Chắc bà nhà đẹp lắm.

   - Vâng, nhà tôi đẹp lắm. Nhất là tâm-hồn. Ức-Viên có nhiều nét …

   Ông Nguyễn ngừng nói. Yên nhớ lại lời bà Byrne. Lần đầu tiên gặp nàng, ánh mắt ông Nguyễn đã đầy sự ân-cần. Ông ít nói chuyện mà còn giam mình trong bốn bức tường. Nhiều buổi sáng thật sớm, nàng thấy ánh điệh phòng ông còn hắt ra ngoài.          

   Ông Nguyễn ngậm-ngùi:

   - Mầu sắc trên vải phai-tàn theo ngày tháng. Những bức tranh vẽ lại, chụp lại, in lại không phải là chính bức tranh đó. Các bức họa không bao giờ sống vĩnh-viễn với thời-gian dù người ta cố-gắng gìn-giữ. Cuộc đời của Ức-Viên còn mong-manh hơn một bức tranh.

 

Có tiếng còi. Một chiếc xe trắng lạng đi rồi lao vào ngã rẽ. Những gì bên ngoài cuộc đời ông Nguyễn đang trôi đi nhanh chóng. Chỉ có ông gần như dừng lại.

   - Cô có dự-định gì cho mùa hè không?

   Yên nhẹ lắc đầu:

   - Dạ chưa. Chương-trình trao-đổi văn-hóa chấm dứt vài tuần nữa. Nhà trường đã giúp tôi xin gia-hạn lưu-trú và mời dậy hè. Còn ban nhạc đàn dây chỉ bắt đầu trình-diễn lại vào đầu thu. Bà Katz, trưởng ban nhạc, đang nằm nhà thương.     Lúc đó, có thể bà hồi-phục và họ không cần đến tôi nữa.       

   - Mùa hè này, cô dậy thêm cho cháu Vân được không?

   Yên dịu-dàng:

   - Nhạc khí chính của Vân là dương-cầm. Một tuần ba giờ vĩ-cầm với tôi là quá đủ rồi. Vải lại, tôi muốn về Korea thăm mẹ.

   Ông Nguyễn muốn giữ nàng lại nhưng cảm thấy không tiện. Ông hỏi:

   - Cô nói được tiếng Đại-Hàn không?

   - Thưa được, nhưng không bằng tiếng Việt. Ông cha kế tôi là người Korea. Ông yêu mẹ tôi lắm. Thường ông chỉ nói tiếng Việt với chúng tôi.

   Khi chiếc xe chậm lại, Yên cầm chiếc ví lên. Ông Nguyễn nói:

   - Để tôi đưa cô vào.

   Yên nhã-nhặn:

   - Cám ơn ông, tôi vào một mình cũng được.Tôi đã có thẻ của ông với mật-số nên chắc không có gì trở-ngại. Lúc 4 giờ chiều, tôi sẽ đợi ông.

   Ông Nguyễn hỏi:

   - Lúc 3 giờ chứ?  

   - 4 giờ cũng được. Để ông đủ thời-giờ lo công việc.

   - Tôi ngại cô phải đợi.

   - Không đâu. Tôi cũng cần rộng giờ một chút để ngắm tranh và đọc thêm thơ.

   Ánh mắt nhìn nhau. Ông Nguyễn thấy lòng khác lạ. Cái rung-động như giọt mưa xuân rơi xuống làm ngàn cây nẩy lộc.

   Ông ngạc-nhiên hỏi:

   - Cô… cũng thích thơ sao?

   Nàng nhẹ gật đầu:

   - Vâng, thích lắm.

   Yên hỏi mượn cây bút rồi chào ông. Nàng khoan-thai bước về phía tòa nhà lớn. Lúc lên hết những bậc thang trắng, nàng giơ tay vẫy. Ông khẽ gật đầu rồ máy xe…

 

   Ông Nguyễn đón Yên đúng giờ. Hai người đi ăn và theo dự-định sẽ coi The Phantom Of The Opera vào buổi tối. Cặp vợ chồng ngồi phía góc phòng đang than-phiền với người hầu bàn. Họ không mua được vé coi nhạc kịch tại Radio City.

    Yên nói với ông Nguyễn:

   - Tranh của chị Ức-Viên đẹp hơn lời bà Byrne diễn-tả nhiều. Còn thơ của ông …

   Ông Nguyễn mỉm cười. Yên cải-chính:

   - Tôi không có ý bất kính với bà nhà. Tôi quen gọi những người nghệ-sĩ là anh hay chị.

   - Qua lời cô nói thì dù có khen thơ tôi nhưng …cô chỉ nhận Ức-Viên là nghệ-sĩ.

   Nàng phụng-phịu:

   - Ông Nguyễn! Yên không cãi được đâu.

   Ông Nguyễn nhẹ-nhàng:

   - Xin lỗi cô nhé.

   Yên hỏi:

   - Nếu bây giờ Yên đòi về, anh …ông có ngạc-nhiên không?

   Ông Nguyễn ân-cần:

   - Không. Cô không được khỏe ư?

   Yên lắc đầu, mở ví lấy vé coi hát. Nàng tiến tới bàn bên cạnh tặng cặp vợ chồng từ California tới. Ông chồng nằng-nặc đòi trả tiền. Nàng nhẹ xua tay. Nắng bên ngoài còn vàng trên đỉnh cao-ốc. Yên cùng ông Nguyễn bước giữa đám người vội-vã sau giờ tan sở.

   Nàng nói:

   - Mình về nhà nhé. Yên muốn được khoe cái này.

 

                                                                    * *          

   Yên nghiêng đầu, cánh tay thon chuyển-động nhịp-nhàng. Âm-thanh của cây đàn vĩ cầm réo-rắt gọi một đời đã xa trở về với mùa xuân suối chẩy. Tiếng đàn ngọt-ngào đọng thành giọt sương tinh-khiết. Khúc nhạc lúc bay lên cao vút tới trời, khi âm-thầm nhẹ rơi trên rừng lá rụng.

 

   Nguyễn chìm đắm trong cảm-xúc…Em tới căn nhà này vào lúc xuân sang. Tôi như ngàn cây hồi-sinh sau mùa đông lạnh giá. Cái bề ngoài lạnh-lùng của tôi không đủ che kín sự rung-động bên trong. Em hiểu điều đó. Nhưng tôi là quá-khứ buồn-rầu mà em là tương-lai hy-vọng. Tôi xây tường ngăn-cách. Em thành chim vỗ cánh bay qua… Một tuần hai lần, tôi cầm những lá thư của Young cẩn-thận để trên bàn trong nỗi mất-mát. Vân bảo Young là người yêu của em… Tôi đã ngồi hàng giờ bên mộ Ức-Viên, nhìn tấm ảnh của vợ mà tự-biết không bao giờ quên được nàng. Khi nhận lời bà Byrne đưa em đi coi tranh, tôi mong em nhìn thấy sự gắn-bó giữa Viên và tôi mà sợ-hãi trốn chạy. Tôi sẽ cô-đơn trong ngày tháng buồn phiền nhưng tôi muốn em hạnh-phúc giữa cuộc đời đầy phức-tạp này…

    Yên gọi nhỏ:

   - Anh Nguyễn, bài nhạc Yên mới làm hôm nay.

   Ông Nguyễn giật mình choàng tỉnh. Giọng ông tha-thiết:

   - Cô cho tôi nghe thêm một lần được không?

   Nàng nhu-mì:

   - Vâng.

Lần này, Nguyễn không còn phân-tâm. Ông đắm-say trong ý thơ tan thành điệu nhạc vang lên trong buổi chiều đã muộn.

 

                                                                    * *

 

   Yên không ngủ. Bóng tối tan dần. Cả nhà có lẽ chưa ai thức giấc. Buổi sáng Young sẽ đưa nàng ra phi-trường về Korea. Young mới sang tranh giải vô-địch Twae Kwan Doo nhân-tiện ghé thăm nàng.

   Hôm đưa nàng đi ăn tối, chàng nói:

   - Chúng ta chính-thức hóa càng sớm càng tốt. Anh không thể chờ-đợi nữa.

   Yên dấu vẻ khó chịu. Young nhiệt-thành và quá tự-tin. Nàng chỉ mới có cảm-tình với người thanh-niên đẹp trai đó.

   - Em cần suy-nghĩ một thời-gian nữa.

   Young ngạc nhiên:

   - Em không yêu anh?

   Nàng thở dài:

   - Chúng ta không nên vội-vàng.

   Yên thì-thầm trong lòng:

   - Anh Nguyễn, bây giờ em không còn gì cả. Vài tuần nữa là chị Như sẽ từ France qua.

   Tâm-hồn nàng nặng chĩu nỗi buồn. Mấy hôm trước sau giờ dậy nhạc, Vân đòi Yên chở đi ăn kem. Trong lúc chờ người hầu bàn, cô bé kể:

   - Bác Như là chị họ của mẹ. Bác kém mẹ bốn tuổi; năm nay bác khoảng ba mươi. Khi mẹ mất, bà Byrne và bác săn-sóc em. Bác Như thích mua sắm và vui tính lắm. Em nghĩ ba cần một người như bác. Bác mới viết thư nói rằng từ giờ em phải coi bác như mẹ. Bác sắp qua Hoa-Kỳ trở lại.

   Yên gượng cười dấu kín nỗi đau-đớn. Dù Nguyễn không nói ra, nàng vẫn cảm-nhận được tình yêu của chàng. Nguyễn là điểm tựa tâm-hồn mà Yên không thể thiếu. Chàng là nguồn sáng-tạo âm-nhạc của nàng. Yên đã đưa những bản nhạc cho bà Katz. Bà chăm-chú đọc rồi mỉm cười:

   - Các em tôi sẽ ngạc-nhiên lắm.

   Yên tưởng bà Katz xã-giao không ngờ hôm sau bà gọi điện-thoại mời nàng tới. Ba người em bà cũng có mặt. Sau vài câu chào hỏi, bà Katz vui-vẻ nói:

   - Năm tới chúng tôi hòa-tấu nhạc của cô. Tôi sẽ soạn hòa-âm. Ban nhạc quyết-định mời cô là thành-viên chính-thức. Tôi có người bạn làm nhạc trưởng ban đại hòa-tấu. Ông ấy đang chọn một hai người nhạc-sĩ trẻ có những sáng-tác đặc-biệt. Có thể cô hội đủ điều-kiện tham-dự một số buổi trình-diền. Nhạc của cô gần-gũi với người phương Đông vì dựa trên những kết-cấu của ngũ-âm nhưng lại ở giữa chúng tôi vì phảng-phất âm-điệu cổ-điển Tây Phương. Sáng-tác của cô không còn biên-giới trong lòng người thưởng-ngoạn. Không phải ai cũng đạt được tới mức đó đâu.

   Khi nàng kể chuyện cho Nguyễn, chàng nói:

   - Ban nhạc của anh chị em bà Katz nổi tiếng thế-giới. Cô có dịp đi trình-diễn nhiều nơi. Tôi chia vui cùng cô.

   Nàng khẽ nói:

   - Yên viết nhạc cho những gì Yên yêu mến, cho niềm hạnh-phúc của mình. Việc nổi tiếng hay được đi trình-diễn không phải là sự quan-trọng hàng đầu.

   - Tốt lắm. Cô là nghệ-sĩ thực-sự.

   Yên nhìn Nguyễn:

   - Ông đang nghĩ gì. Nói cho Yên biết được không?

   Nguyễn cười buồn. Chàng lắc đầu:

   - Không, không có gì.

 

   Một buổi chiều, ông Nguyễn không ở nhà như thường lệ. Vân đi chơi với mấy đứa cháu bà Nguyễn. Yên lên đồi. Chiếc ghế đá im-lìm dưới gốc cây sồi lớn. Ông Nguyễn không ngồi đó. Lòng trống vắng, nàng bước đi không chủ-định … Vượt sườn dốc, đi qua nhiều con đường, nàng dừng lại trước mộ Ức-Viên. Yên thì-thầm với hình người đàn bà trẻ trên tấm bia.

   - Chị Ức-Viên, em có thể mang được hạnh-phúc cho anh Nguyễn không?

   Một cơn lốc xoáy lại phía nàng. Luồng gió lạ dừng lại một chút rồi từ từ cuốn đi xa. Trong đám bụi bay hình như có cả những ngọn cỏ khô. Một mảnh giấy nhỏ lượn-lờ rơi xuống trên mộ. Nàng nhặt lên. Trên miếng giấy báo vàng theo nắng gió là hai chữ “hạnh-phúc”.

   Yên không sợ-hãi. Nàng nhìn hình Ức-Viên nói:

   - Cám ơn chị.

   Yên cẩn-thận cất tờ giấy trong ví. Trước đây vào những ngày rảnh, nàng thường tới thăm Ức-Viên như thăm một người chị thân mến. Khi quyết-định bỏ đi, nàng gặp Ức-Viên buồn rầu trong giấc mơ. Yên cầm tay người đàn bà từ-biệt. Qua làn nước mắt mờ, nàng thấy Ức-Viên lắc đầu rồi bóng người mảnh-khảnh đó nhòa đi thành làn sương loãng…

 

Có tiếng gõ cửa. Vân đưa Yên một gói quà nhỏ. Cô bé cố-gắng không khóc.

   - Chị đi bình-an. Chúc chị hạnh-phúc với anh Young. Anh ấy đang đợi chị. Em cũng đã báo cho ba biết để tiễn chị. Em phải đi, Susan đã tới.

   Yên hỏi:

   - Vân này, ai bảo em chị sắp lấy anh Young?

   - Em tình-cờ nghe anh ấy nói chuyện với ba. Thôi, em đi nhé. Em..em..

   Vân không giữ được nữa. Cô ôm chầm lấy Yên khóc làm nàng khóc theo …

   Khi Young mang va-li ra thì ông Nguyễn tới. Ông bắt tay Young.

      Young nói:

     - Một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại thăm.

     Ông Nguyễn mỉm cười:

     - Hân-hạnh được biết anh.

     Young bước xuống những bực thềm. Yên nhìn vào mắt Nguyễn. Nàng biết chàng đang buồn dù khéo che dấu.

   Yên thầm nhủ:

   - Em đã hiểu. Anh không thể bộc-lộ tình yêu với em vì đã có chị Như. Em không thể làm gì hơn.

   Ông Nguyễn nói:

   - Cô Yên, cám ơn cô đã giúp-đỡ cháu Vân. Tôi ghi nhớ những gì cô mang đến cho chúng tôi.

   Yên chợt lạnh-lùng:

   - Xin cám ơn và chào ông.

   Nàng bước đi. Young mở cửa xe cho Yên. Ông Nguyễn lặng-lẽ trông theo. Chiếc xe qua con đường ngoằn-ngoèo xuống đồi. Người đàn ông nói với nỗi thương nhớ giữa trời cô-quạnh:

   - Thôi vĩnh-biệt Yên, vĩnh-biệt em!

   Bỗng chiếc xe quay trở lại. Yên tiến về phía ông Nguyễn. Nàng đặt chiếc bút vào tay ông.

   - Xin trả ông cái bút này. Tý nữa thì Yên quên.

   Ông Nguyễn nghĩ đến kỷ-niệm đẹp giữa hai người…Chiều vàng New-York… Trưa nắng Boston…Biển xanh Bridgeport…Các buổi tối nàng chơi những sáng-tác mới cho mình ông nghe.

Ông ngậm-ngùi:

- Nếu đã quen dùng, cô nên giữ lấy.

- Cám ơn anh.

   Nàng ngước lên thì-thầm:

   - Anh Nguyễn, em có một điều xin anh.

   Ông Nguyễn chờ-đợi:

   - Cô cứ nói.

   Yên thiết-tha:

   - Chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa. Yên mong anh làm thơ trở lại. Chỉ thế thôi. Anh có nhận lời em không?

   Chàng buồn-bã:

   - Cô biết tôi không từ-chối được. Phải không?

   Yên khẽ nói:

   - Em không ân-hận gì nữa. Mong anh giữ-gìn sức-khỏe.

   - Cầu mong cô luôn hạnh-phúc.

   Ông Nguyễn nhìn Yên một lần cuối cùng. Khuôn mặt đẹp đã mờ nước mắt. Nàng gật đầu. Chiếc xe lần này lăn bánh xuống chân đồi không quay trở lại.

                      

                                                                        * *

 

   Yên nhìn về phía trước. Tòa nhà lớn trên kia im-lìm giữa mùa thu rực-rỡ. Trời bắt đầu lạnh. Một đàn ngỗng đang bay về phương Nam. Rừng núi New England đổi mầu. Sông nước lung-linh. Mỗi năm gần hai triệu du-khách tới đây để thưởng-ngoạn vài tuần lá rụng.

   Yên quay về không phải để ngắm cái vẻ đẹp của thiên-nhiên mà vì sự thúc-dục của chị em bà Katz. Cùng với hai nhạc-sĩ trẻ được chọn-lựa trong mùa hòa-tấu của ban đại nhạc năm nay, Yên được thính-giả nhiệt-liệt tán-thưởng. Sau đó, nàng với ban đàn dây của chị em bà Katz đi France, England và Japan. Những kinh-thành đó có tiếng vỗ tay nhưng không có Nguyễn. Bởi vậy, Yên về lại thành phố nhỏ này.

 

   Yên thở dài. Đây là lần thứ ba, nàng nhìn căn nhà quen thuộc mà không lại gần. Dựa cây liễu rủ bên đường, nàng rưng-rưng:

   - Anh Nguyễn, tại sao em một mình đứng đây? Em không cố-ý xen vào đời anh nhưng lòng em lúc nào cũng như có ai thúc-dục. Có phải anh gọi em không? Em không có can-đảm gặp anh. Xin chào anh lần chót. Em về Korea. Rồi thì cũng xong một đời.

 

   Có tiếng gọi mừng-rỡ. Một chiếc xe mui trần dừng lại

   - Chị Yên! Chị Yên!

   Vân nói vội với người con gái lái xe rồi chạy đến với Yên.

   - Chị Yên! Chị tới hồi nào thế? Em tìm chị khắp nơi. Em viết thư mà chị không trả lời.

   Yên cảm-động:

   - Chị hay di-chuyển nên chưa nhận được thư em. Em giận chị không?

   Vân thành-thật:

   - Dĩ-nhiên. Chị có anh Young nên đâu cần em nữa? Bà Byrne nhắc tới chị luôn. Em không ngờ chị có ông chồng dễ tính tới vậy. Mới lấy nhau mà để chị đi trình-diễn khắp nơi.

   Yên nhăn mặt:

   - Em đừng đoán mò. Chị lấy anh Young bao giờ?

   Cô bé khẽ nói:

   - Sao chị không ghé thăm. Có phải em hay ba có điều gì sơ ý không?

   - Không có điều gì đâu.

Vân than:

   - Từ lúc chị đi không ai vui cả. Bác Như qua đòi-hỏi nhiều thứ quá nên ba không chiều được. Bác muốn mang tranh của mẹ đi New-York, không muốn để trong nhà. Bác muốn em đi học xa; Susan tình-cờ nghe được. Bác ghen cả với mẹ. Nếu không vì lời hứa trước khi mẹ mất, sức mấy ba để ý đến bác. May mà ba không lấy bác. Bà Byrne không ưa bác chút nào!

   Lòng Yên nhẹ-nhõm. Nàng mơ-màng nói:

   - Chị cũng không có gì vui đâu Vân. Chị nhớ em.

   Vân giục:

   - Chở em xuống phố lấy đồ-đạc. Chị dọn về với em. Nhà vắng-vẻ quá. Ba vẫn cố-gắng săn-sóc em. Còn em không làm gì cho ông vui được. Ba không yêu bác Như mà sao buồn lâu đến vậy. Ba thay đổi nhiều, ông làm thơ trở lại. Làm xong là ba xé. Em không bén nhậy. Chỉ những người nghệ-sĩ như mẹ hay chị mới hiểu ông muốn gì.

   Yên nghĩ giờ này Nguyễn chưa về. Bà Byrne còn bận-bịu tại trung-tâm giữ trẻ. Nàng giải-thích:

   - Cám ơn em. Chị đang ở với bà Katz. Bà coi chị như người trong gia-đình nên không dễ gì bỏ đi được đâu. Thôi, để chị chở em đi ăn kem bù vào được không?

   - Chị không ghé thăm ba và ông bà Byrne sao?

   - Ăn kem xong rồi thăm.

   Vân lắc đầu:

   - Chị phải thăm ba. Sau đó, chúng mình đi thăm ông bà Byrne. Mọi người sẽ mừng lắm.

 

   Xe dừng trước nhà. Yên nhìn vườn cảnh. Những luống cúc đại-đóa đã nở vàng bên lũ cây xanh-bốn-mùa. Hàng cây thánh-nhật mọc hai bên đường đỏ rộ trái mọng. Vân cúi xuống vuốt-ve bụi cúc.

   - Em dấu bác Như việc chị chọn những cụm cúc này. Nếu không, bác dám thay thế bằng đám gai dại không hoa, không lá chỉ có ong bò vẽ.

   Yên ôn-tồn:

   - Vân! Chị muốn nói với em điều này: nếu không thay đổi được kẻ khác thì đừng cay-đắng làm gì. Người bực-tức không hạnh-phúc. Dầu sao bác Như cũng săn-sóc lúc em mới ra đời. Chị muốn Vân luôn an-vui.

   Cô bé ôm tay Yên cười:

   - Em còn lâu mới giống nổi chị. Thảo nào ai cũng thích chị hết. Cám ơn chị chỉ dậy. Thôi chúng mình đi kiếm ba.

 

Hai người tiến về chiếc ghế đá dưới gốc cây sồi. Nguyễn đang ngồi ở đó trên đồi cỏ xanh non. Một cơn gió nổi lên, những chiếc là đầy mầu sắc rụng xuống trên vai. Nguyễn vẫn bất-động. Yên xót-xa. Nàng rùng mình nhìn thấy tình yêu nồng-nàn của chàng. Nếu Vân không về kịp, có thể Yên nhận lời cầu hôn của Young cho vừa lòng mẹ. Nguyễn còn gì ngoài những cơn mưa buồn-phiền đổ xuống một đời cô-quạnh …

 

   Đột nhiên, Nguyễn thẫn-thờ xé nhỏ tờ giấy. Bàn tay chàng mở rộng. Những mảnh thơ bay lên tung trong gió lộng.

 

   Vân ngước nhìn lên Yên.  Nhừng giọt nước mắt đang chẩy xuống trên khuôn mặt kiều-diễm. Cô bé chợt hiểu, nghẹn-ngào giục Yên:

   - Chị hãy nói với ba…Em xin chị…Chị hãy lên với ba.

 

Nguyễn Xuân Thiên-Tường

 

Ghi chú:

Cây xanh-bốn-mùa = Evergreen

Cây thánh-nhật = holy