"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

 

Tình Người Nấu Phở

 

Vĩnh theo người hầu bàn  của tiệm ăn vào chỗ ngồi thì nhận ra một người quen cuối dẫy bên kia đang vẫy tay chào chàng. Vĩnh bước tới nói vài câu hỏi thăm, lúc quay lại đã có  một cô gái ngồi vào chỗ của mình. Người xếp chỗ đang lúng-túng thì Vĩnh đã nhẹ-nhàng nói không có gì quan-trọng, chàng sẽ đợi. Người con gái thấy thế mời chàng ngồi chung.

Vĩnh mỉm cười:
-   Cám ơn cô.
-   Tên tôi là Liên.
-   Còn tôi là Vĩnh.

Khi người hầu bàn quay lại, Vĩnh mời nàng gọi thức ăn trước. Liên ngạc-nhiên thấy chàng không nói gì mà nhà hàng bưng ra giống hệt của mình: một bát phở tái và một ly nước cam vắt.
- Cà phê của anh đâu?
- Tôi không uống cà-phê.
- Thế còn bia của anh?
- Tôi cũng không uống bia.

Liên tò-mò:
- Anh là khách quen thường-xuyên phải không?
- Tôi ở xa đến. Một năm tới đây 3, 4 lần.

Liên mở to mắt:
- Lạ quá. Làm sao họ nhớ ra anh?

Liên thoáng thấy hình một cô gái đẹp treo trên tường nên mỉm cười:
- Đoán ra rồi!
- Đoán ư?

Liên nói:
- Thế nào anh? sai rồi phải không?

Vình giải-thích:
- Hơi sai, các em hầu bàn ở đây là sinh viên nghèo. Thỉnh-thoảng tôi gửi giúp chung cho họ nên có người không biết mặt tôi nhưng vẫn nhớ tên tôi
- Tốt đẹp quá!
- Tôi không làm gì tốt quá đâu. Thay vì giúp các cơ-quan từ-thiện khác thì tôi đóng-góp với các em một chút.

Khi nói chuyện về phở, Vĩnh tuy không thao-thao bất-tuyệt nhưng kiến-thức khá rộng-rãi. Chàng kể rắng mấy người người Mỹ quen thích phở đến nỗi họ dự-trữ những miếng thịt bò khô ướp hương-vị phở tại nơi làm việc. Liên chưa có dịp du-lịch California nên chàng nói đến những tiệm ăn tại Quận Cam nơi có hàng trăm tiệm phở. Có tiệm đóng nhưng có tiệm lại bắt đầu mở. Có tiệm đông khách nhưng có tiệm sale 50% vẫn không đủ người vào.  

Liên hỏi:
- Theo anh thì tiệm nào ngon nhất?
- Làm gì có tiệm nào ngon nhất với mọi người? Chỉ có tiệm hợp miệng với một số người mà thôi.

Vĩnh nhìn sang Liên. Những ngón tay búp măng vặt những cọng húng quế nhẹ-nhàng. Nàng xếp rau và giá trên bát phở nom đẹp mắt trước khi trộn chung. Vình mỉm cười vì nghĩ tới có người vội-vàng  thêm rau, thêm giá, thêm gia-vị lộn-xộn nhưng lại có người trang-nhã như Liên.

Liên hỏi:
- Có chuyện gì vậy anh?

Vĩnh trả lời:
- Chỉ nhìn cách ăn phở người ta có thể đoán ra cá-tính của con người.

Liên hỏi:
- Anh đoán tôi ra sao?
- Chắc là  thuộc  gia-đình nề-nếp.

Nàng nói:
- Tôi cũng biết nấu phở và  chưa chắc tôi nề-nếp như anh nghĩ.
- Bên Mỹ này gia-đình nào cũng nấu phở nhưng vẫn đoán được phần nào.

Giọng Liên trở nên xa-xôi:
- Mẹ tôi khi còn sống thường nấu cho ba và tôi ăn. Trước khi chết, mẹ xin ba thỉnh-thoảng nấu cho tôi đỡ thèm. Ba nhận lời dù không làm bếp bao giờ. Hai cha con sống với nhau cho tới khi tôi vào nội-trú đại-học. Tháng nào ông cũng tự tay nấu.

Vĩnh hỏi:
- Làm thế nào mà ông biết nấu?
- Ông tìm tiệm phở ngon ở Việt-Nam thời đó đề-nghị trả tiền cho công-thức nấu của họ. Ông hứa là làm cho con ăn và không mở tiệm cạnh tranh với ai cả. Tôi xót-xa vô cùng. Chỉ có người đàn ông yêu vợ và thương con mới làm được như vậy.

Giọng Vĩnh xúc-động:
- Tôi cảm-phục lối sống đặc-biệt của gia-đình cô. Đấy là cái “tình đạo” của người Việt không phải ai cũng làm được trong thời-buổi này. Tôi mong gia-đình của tôi trong tương-lai cũng có đươc những tình-cảm đậm-đà như thế.
- Hình như bao giờ anh cũng có thể tổng-quát và còn cả chi-tiết hóa được vấn-đề. Anh đã dọc thêm được gì từ những điều tôi mới kể.
- Gia-đình cô giầu.
- Không giầu lắm nhưng đủ sống. Ba tôi là bác-sĩ chuyên-môn, một cardiologist. Ông qua đời khi tôi sắp ra trường,

Vĩnh an-ủi:
- Cho tôi chia buồn cùng cô.
- Cám ơn anh.

Im-lặng một lúc, Vĩnh lại hỏi:
- Phở chuyên-nghiệp mà cô học được có những gì đặc-biệt?
- Thì có lẽ là những điều thông-thường thôi. Nếu là phở bò thì bánh phải mềm, thịt phải mềm, nước không những phải ngọt do xương bò mà còn phải trong. Phở gà cho thanh-thoát thì chỉ nấu với xương gà, thịt muốn mềm thì không cắt thành miếng lớn mà xé nhỏ ra.
Mỗi hiệu phở có những đặc-điểm riêng. Không hẳn luôn giống nhau.

Vĩnh cười:
- Phở ở các tư-gia bây giờ không ai chính-thức học ai mà vẫn thành-công. Phở nào cũng là nhất với gia-đĩnh của mình và là điểm gặp-gờ chung những ngày cuối tuần.
Phở gia-đình là món tự-do pha-chế. Nước có thể đục vì vô tình vặn to bếp cho chóng xong, không buộc thịt. Muốn sang thì bỏ thêm xương đuôi bò. Muốn đẹp thì chọn lá húng quế thật to, thật xanh nhưng  có  thể vì vậy mất mùi thơm.
Thế mà ăn một bát phở bây giờ vần còn nhớ phở ngày xưa. Tương-tự như Nguyễn Bính nhớ Xóm Ngự-Viên:

Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên

Liên cười:
- Anh vui thật! Còn kỷ-niệm nào của anh về phở không?
- Có một kỷ-niệm đáng nhớ nhưng lại buồn.
- Xin lỗi anh.
- Đời tôi may-mắn tìm thấy hạnh-phúc giữa niềm bất-hạnh. Tôi không được nấu-nướng hay đi chợ. Nhà nghèo. Mẹ muốn tôi dành thời-giờ để học và nghỉ-ngơi. Ba tôi đã mất. Tôi có người em nhỏ. Mẹ  muốn tôi thành-tài và khỏe-mạnh để lo cho em trong trường-hợp bà có mệnh-hệ gì. Lúc đó, tôi đang học đại-học và đi dậy kèm để kiếm chút tiền đóng góp với mẹ. Thỉnh-thoảng vào buổi sáng sớm trước khi rời nhà, tôi được mẹ cho ăn phở. Bát phở không đặc-biệt gì nhưng cũng có thịt. Một lần tôi quên cuốn sách nên quay về nhà. Mẹ đang cho em ăn cơm nguội. Mẹ hứa tuần sau em sẽ được ăn phở. Em mừng lắm. Nghe tiếng động, mẹ quay lại ngỡ-ngàng nhìn tôi. Tôi chỉ biết ôm mẹ khóc. Tội cho mẹ vô cùng.

Liên xúc-động chẩy nước mắt. Từ khi lên đại-học, nàng chỉ khóc lần ba nàng mất. Đời sống của nàng phẳng-lặng không có những cơn sóng lớn. Lần đâu tiên nàng thấy hạnh-phúc và đau-khổ  quyện lại chung nhau và  tình-yêu giữa mẹ con được tôi luyện trong hoàn-cảnh thiếu-thốn như thế nào.

Vình ngồi lặng yên cho đến khi Liên lên tiếng:
- Bây giờ tôi mới hiểu được sự quan-tâm của anh với những em sinh-viên nghèo ở đây

Bỗng có bóng người con gái bước tới.
- Chào anh Vĩnh  và chào cô. Phở có vừa miệng không?

Vinh giới-thiệu:
- Đây là cô Chi, chủ tiệm phở. Đây là cô Liên.

Liên suýt-soa
- Trời ơi! Chị Chi đẹp quá!

Chi tươi cười:
- Anh Vĩnh cho tôi lên chức rồi. Tôi chỉ là con ông chủ tiệm, thỉnh-thoảng tới giúp ba tôi sổ sách mà thôi.Tôi định khen cô Liên thanh-thoát, xinh-đẹp: ai ngờ cô nhanh miệng hơn tôi. Anh Vĩnh có người bạn gái như vậy mà cứ dấu kín lâu nay không ai biết.

Liên phủ-nhận:
- Không...

Vĩnh khôi-hài:
- Chúng tôi quen nhau “từ lâu”, khoảng gần tiếng đồng hồ trước.

Chi cười:
- Làm gì mà anh cải chính dữ vậy. Cuối tuần này người ta giới-thiệu một người đẹp với anh phải không?

Vĩnh lắc đầu:
- Không phải. Giới-thiệu cho anh Đình mới đúng. Anh chỉ là người tháp-tùng mà thôi. Anh Đình kể với em đúng không?

Chi lai cười:
- Còn ai vào đây nữa?

Vình lắc đầu:
- Anh Đình muốn thử lòng cô chủ tiệm phở đấy.

Chi cười:
- Để xem cô hàng phở này có héo-hon mà chết không? À, cuối tuần này anh rảnh chứ?

Vĩnh lắc đâu
- Anh chỉ ở đây chừng hai ngày. Tuần tới bận. Tuần tới nữa có thể rảnh. Có chuyện gì không?
- Tưởng tuần tới anh rảnh thì chụp cho nhóm thời-trang chúng em vài tấm hình. Anh bận gì lắm thế?
- Anh cùng đứa em đi coi bóng rổ.  Anh Đình có lẽ rảnh. Em nhờ anh ấy chụp cho.

Chi than:
- Nhưng ai cũng muốn anh chụp. Em cũng vậy. Anh khó quá! Lúc nào cũng giữ khoảng cách.

Vĩnh lăc đầu:
- Các bà, các cô đẹp nhờ chụp hình thì chỉ nên đứng xa mà nhìn. Nhất là các nàng độc thân. Kiếm vợ phải nhớ lời các cụ dậy.
- Dậy gì?
- “Xú phụ chân gia-bảo”. Vợ xấu là của quý trong nhà.

Vĩnh xê-dịch vào trong rồi nói:
- Em muốn ngồi xuống nói chuyện không?
- Xin lỗi anh, em không ở lâu được.

Vĩnh nhìn Liên rồi nói:
- Có cô Liên làm chứng. Chi không thích gần anh nhé.

Chi mỉm cười thân ái trêu lại:
- Em không muốn làm vỡ đồ gia-bảo đẹp của anh.

Khi Chi bước đi, Liên khen với Vĩnh:
- Chị ấy vừa có nhan-sắc lại vừa duyên-dáng.

Rồi tới lúc sửa-soạn đi về. Khi Vĩnh đứng lên thì người hầu bàn hỏi nhỏ:
- Chị Chi hỏi anh cần chị đưa về không?
- Thôi đi taxi được rồi. Cám ơn chị ấy dùm anh.
Liên nói:
- Để em đưa anh về.
- Nhà cô có xa đây không?
- Cũng xa xa. Còn nhà anh?
- Cũng xa xa.

Liên lý-luận:
- Nhà anh xa xa. Nhà em xa xa. Như vậy là không thật xa. Em chở anh về .
- Cô nói gỉ?
- Ba em nghiên-cứu về ngữ học. Ông bảo tiếng Việt “đo đỏ” là hơi đỏ, “hồng hồng” là hơi hồng, “xanh xanh” là hơi xanh  Vậy “xa xa” là hơi xa thôi. Chúng ta có dịp nói chuyện thêm.

Khi hai người lên xe, Liên hỏi:
- Chị Chi nói anh đi gặp ý trung nhân phải không?
- Không phải. Có cặp vợ chồng họ muốn giới-thiệu cho anh Đình cô nurse ở trọ nhà họ. Nghe nói cô ta đứng-đắn, xinh-đẹp lại chịu khó.
- Anh Đình là người thế nào?

Vĩnh không tiếc lời khen:
- Anh Đình nhanh-nhẹn, tháo-vát. Anh ấy làm marketing được xếp hàng đầu trong hàng trăm người của sở. Tiền thưởng có năm gấp đôi tiền lương. Anh ấy động tay vào cái gì là có tiền.
Nghề tay trái của tôi là chụp hình. Bao nhiêu năm chỉ có tiêu ra, không thu vào được đồng nào. Hai năm trước, chúng tôi đi New York. Anh ấy bán một tấm hình cho hãng làm post-card 50 ngàn dollars.
- Hình anh chụp phải không?
- Phải.
- Anh chia cho anh ấy bao nhiêu?
- Chúng tôi đồng ý mỗi người một nửa.

Liên gật đầu:
- Còn chuyện quen chị Chi?
- Chi và người em họ mở  tiệm ảnh. Đình tìm tới chụp cho mấy tấm hình mẫu bầy ở ngoài. Nhờ thế đông khách hơn,
- Nghề chụp của anh Đình có khá không?

Vình khen:
- Dĩ-nhiên là khá. Giỏi nữa là khác

Liên mỉm cười:
- Mà vẫn có người hơn, đúng không?

Liên cho xe chậm lại. Vĩnh nhìn thấy xe Đình đậu một bên nhà để xe. Chàng bước xuống. Lấy hành-lý xong, chàng tiến tới chỗ Liên định cám ơn nhưng nàng đã dặn:
- Để em cất xe trong ga-ra. Một, hai phút thôi rồi đưa anh vào nhà.

oOo

Đây là lần đầu tiên Liên dự một bữa cơm với gia-đình anh chị Hòa.  Liên thuê nhà nhưng không ăn chung với chủ nhà. Hàng ngày nàng đi từ sớm, đôi khi đêm muộn mới về. Cửa phòng thường đóng. Có lẽ nàng ngủ bù sau những giờ làm việc, Nàng ít khi nói về mình. Chị Hòa biết nàng làm ở nhà thương nên đoán rằng nàng là y tá 4-năm đại học. Chủ nhà và người thuê không ai tò-mò về nhau nên cả hai bên đều cảm thấy dễ chịu.

Chị Hòa là chị họ của Đình. Chị không có ý nghĩ giới-thiệu Đình với Liên cho đến một ngày mẹ của Đình nhờ tìm vợ cho chàng. Chị kể chuyện về Liên cho mẹ Đình. Bà vui mừng muốn có mặt cùng con nhưng anh Hòa cho rằng như vậy là quá sớm.

Khi Đình cho biết là có cả Vĩnh tới. Chồng chị rất mừng. Anh và Vĩnh biết nhau thuở còn đi Hướng-Đạo. Chị Hòa thì ngần-ngại Vình có thể là địch thủ của Đình nhưng Đình gạt đi:
- Không sao đâu. Chị coi thường khả-năng của em chị quá. Để em nói với Vĩnh tới cho cô “nurse” xem mặt luôn

Buổi gặp mặt đầu tiên khá vui. Đình và chị Hòa kẻ tung, người hứng làm chàng là người nổi bật. Đinh kể những thành-tích đặc-biệt trong công việc. Những thành-tích này không những làm Liên chú tâm mà cả Vĩnh cũng thích nghe. Đình cũng giới-thiệu Vĩnh là “manager” của “Engineering Department”.
Cuối bữa ăn, anh Hòa tình cờ biết được là Vĩnh sẽ trở lại chụp hình cho Chi và nhóm bạn hữu. Anh Hòa mời Vĩnh tới nhà trong những ngày đó mặc dù Chi muốn lo-liệu tiền máy bay, khách-sạn và các chi-phí khác.

Đình thốt lên:
- Không ngờ cô chủ tiệm phở sang đến vậy.

Chị Hòa cười:
- Coi chừng như cá mắc câu rồi cả đời phải chụp hình cho vợ,

Liên nhìn sang Vĩnh nói:
- Chị Chi đẹp, giầu và khôn-khéo. Chiều vợ như vậy cũng đáng.

Đình hỏi:
- Cả cô Liên cũng biết Chi?
- Thưa anh biết. Anh Vĩnh giới-thiêụ.

Đình ngạc-nhiên:
- Bất ngờ thật.

Bữa tiệc tái-ngộ tại nhà hàng của Chi được tổ-chức trong một phòng riêng. Mới đầu anh Hòa đặt tiệc thì Chi ngần-ngại vì phòng đó chỉ dùng cho người thân quen nhưng khi anh nhắc đến tên Vinh thì nàng đổi ý. Anh mời Chi tham-dự luôn.
Anh Hoà mở đầu bữa tiệc bằng câu chuyện nhiều thân ái. Anh và Vĩnh đều sinh-hoạt trong phong-trào Hướng-Đạo. Cái lý-tưởng của đoàn thể, cái lối sống của Vĩnh đã làm anh chị em gần-gũi với nhau. Vĩnh mang được cái tình-cảm ra nối-kêt mọi người mà anh chưa găp được ở những nơi khác. Tình của Vĩnh và anh như ruột thịt.

Chị Hòa cũng kể về cuộc giới-thiệu Đinh cho Liên tại nhà hôm trước. Chi đứng lên bắt tay chúc mừng Liên,

Liên giơ tay. Mọi người im-lặng. Nàng nói:
- Cám ơn anh chị Hòa đã có ý giới-thiệu cho em. Cám ơn chị Chi chúc mừng. Tuy nhiên, anh Đình và em mới chỉ gặp nhau một lần, chưa hề có tình-cảm với nhau. Vả lại, em còn dư-định tiếp-tục việc học.  

Liên liếc nhìn Vĩnh thấy chàng đang ngước lên nhìn mình.

Chi cho biết mấy người bạn chụp hình mỗi người ủng-hộ một, hai trăm cho quỹ sinh-viên nghèo mà Vĩnh đề-xướng. Anh Hòa nói không ngạc-nhiên nhìn thấy dấu vết để lại trên những ngả đường Vình đi qua. Vợ chồng anh ký-ngân phiếu 500 USD. Chi đóng 400 USD. Cả Liên cũng ký 400 USD. Sau cùng, Chi kết-thúc chuyện bằng cách cho biết Vĩnh và Đình tặng cả số tiền công chụp lần này.

Đình cười vui:
- Thảo nào khi ăn ở đây mấy đứa hầu bàn lần nào cũng hỏi-han bạn tôi trước!

oOo

Như mọi người đồng ý trong  bữa tiệc là cuộc du-ngoạn sẽ ghé thăm Arizona và Las Vegas. Trong lúc nhìn xuống vực sâu tại Grand Canyon thì  có vài đứa  trẻ chạy qua. Mặc dù  chỗ đứng còn xa bờ  nhưng Liên vẫn mất thăng-bằng ôm chầm lấy Đình đúng lúc Vĩnh đang đi tới.
Đình ôn-tồn giải-thích:
- Đừng sợ, ngoài ra còn có hàng rào.

Liên quay lại thì Vĩnh đã rẽ sang hướng khác.

Đình và nàng đi ăn  trưa. Khá đông người xếp hàng, may có hai người vừa đứng lên, Đình chen ngay vào rồi nói nàng ngồi đợi còn minh đi mua thức ăn. Vài phút sau thì Vĩnh lững-thững tới.  Chàng nhìn vào chỗ trống thì Liên đã buột miệng:
- Chỗ đó là của anh Đình.

Vĩnh ôn-tồn
- Xin lỗi em.

Chàng đứng dậy đi vào trong nhà mua đồ ăn. Một lúc thật lâu sau, chàng cần miếng hamburger ra ngồi bệt xuống chỗ dốc, hai chân duỗi thẳng  thoai-thoải theo sườn đồi, dáng-dấp rất nghệ-sĩ,

Liên bưng ly nước tới gần Vĩnh mời:
- Mời anh uống nước.
- Cám ơn em, anh không khát.

Liên nhìn Vĩnh mà không biết chàng nghĩ gì:
- Anh ra ngồi với anh Định nói chuyện. Em đi lang-thang một lúc cho dãn xương cốt. Xin lỗi anh nhé.
- Em về lại chỗ kẻo anh Định buồn. Em đã xử-sự đúng. Tại sao phải xin lỗi?

Liên thở dài:
- Em không khôn-khéo đủ.

Vình lắc đầu:
- Phải mạnh-mẽ lên! Cái gì hợp lý thì cứ thẳng-thắn mà làm. Đừng sợ ai giận.

Khi lên lại xe buýt thi Liên ngồi phía trước. Vĩnh lên sau, chọn phía cuối. Lúc mọi người gần ổn-đinh thì nàng xuống ngồi cạnh Vĩnh.

Liên ân-cần hỏi chàng:
- Cho em mượn bàn tay anh. Em cần sức mạnh. Điều này hợp-lý không anh?

Chàng mim cười bắt tay nàng.

oOo

Nhóm du-ngoạn tới Las Vegas vào buổi chiều muộn.
Hai ngày tiếp theo, anh chị Hòa và Đình thăm gia-đình bà con. Lúc đầu dự-định có Liên đi cùng nhưng sau nghĩ nhà người quen không đủ phòng ngủ nên nàng ở lại,

Sau khi làm thủ-tục lấy phòng tại khách-sạn. Đình dặn Liên:
- Anh đã chọn phòng em và phòng anh Vĩnh gần nhau. Cần gì thì cứ liên-lạc với anh Vĩnh. Sáng mai anh đi sớm. Em ngủ ngon nhé.

Buổi sáng, lúc Liên mở cửa thì tình-cờ Vĩnh cũng vừa ra khỏi phòng.

Vĩnh vui-vẻ hỏi:
- Chương-trình của em như thế nào?
- Hôm nay không có. Sáng mai em đi nhà thờ. Còn anh?
- Có lẽ anh gặp cô em họ một lúc rồi mới tính. Ngày mai có phải lễ giỗ của ai không?
- Của ba em.

Vĩnh bùi-ngùi nhìn Liên:
- Anh có thể đi nhà thờ cầu-nguyện với em không?

Liên trả lời:
- Cám ơn anh.

Vĩnh ngẫm-nghĩ một lúc rồi nói:
- Anh có một đề-nghị. Anh gọi cô em họ của anh tới cùng ăn sáng rồi xem cô ta có góp ý giúp vào chương-trình của em được không? Tên cô ta là Hương.
- Sao lại chương-trình của em?
- Ừ thì chương-trình của chúng ta.

Liên gật đầu nhìn Vĩnh:
- Vâng, của chúng ta.

Hương thật bặt-thiệp. Chỉ sau bữa sáng Liên đã thấy như quen nàng từ lâu. Hương mời hai người ghé qua nhà.

Trong khi làm bếp sửa-soạn bữa cơm tối và tiệc giỗ ngày hôm sau, Hương cho biết người mẹ mà Vĩnh thân-thiết bây giờ không phải là mẹ ruột của chàng. Bà lấy bố chàng rồi có một đứa con với ông. Bà không mạnh-khỏe. Em chàng lại hay ốm đau bệnh hoạn. Từ khi bố mất, gia-đình túng-quẫn hơn. Vĩnh may-mắn tìm được một, hai nơi kèm học. Chàng phải trả tiền học, góp với mẹ một phần. Một hôm khi dọn-dẹp bà thấy một phong-bì lớn đựng tiền trong đó có cuốn sổ để dành cho em chàng ghi rõ cả ngày tháng. Hầu hết tiền kiếm được Vĩnh không chi-tiêu cho mình. Bà mẹ kế ôm chàng ứa nước mắt:
- Con ơi, con không phải làm thế

Vĩnh nghẹn-ngào:
- Nhưng con hứa với bố rồi.
- Con đã hứa điều gì?
- Con … con nói từ nay mẹ là mẹ ruột của con … Em là em ruột của con. Nếu nghèo quá phải chết đói, con sẽ chết trước.

Mẹ òa khóc thành tiếng:
- Trời ơi, con tôi!


Rồi gia-đình Vinh sang Mỹ. Dù vất-vả nhưng do sự liên-tục khuyến-khích của mẹ, Vĩnh tiếp-tục học đại học. Chỉ trong vòng thời-gian tương-đối ngắn, chàng hoàn-tất cao học.

Hương kể Vình có cô bạn gái nhan-sắc, Cô này làm nghề trang-điểm sắc đẹp. Nhờ khéo-léo, chăm-chỉ và may-mắn nên cô thành-công nhưng tình-tình cô nóng-nẩy,
Vĩnh mua được ngôi nhà rộng lớn. Chàng sang tên nhà cho mẹ. Bà chỉ tình-cò biết được khi thuế gửi về đòi lúc chàng đi vắng. Cô bạn gái  than rằng viêc này không có sự đồng ý của cô.  Hương nói hai người đã hẹn-hò gì  mà cô phản-ứng như vậy? Không biết chuyện sẽ đi đến đâu.

Nhà Hương chỉ có hai phòng ngủ nên Vĩnh phải ở trong phòng khách. Chàng lên sân thượng vì không ngủ được. Ngắm bầu trời khoảng-khoát chàng thiếp đi lúc nào không biết. Buổi sáng chàng xuống nhà thì hai người con gái đã dậy. Họ sửa-soạn để sẵn-sàng đi lễ. Chàng hỏi:

- Các cô ngủ ngon chứ?

Hương vui-vẻ trả lời trước khi bước lại vào phòng của minh.
- Rât ngon. Một giấc không biết trời trăng là gì.

Vĩnh ân-cần hỏi Liên:
- Còn em?
- Có lẽ vì lạ nhà nên hơi khó ngủ.

Vĩnh nói với Liên:
- Cám ơn đã mang chăn lên sân thượng đắp cho anh. Em không nên làm như vậy.
- Tại sao?
- Lần này thì vậy nhưng những lần sau lại lạnh, liệu có ích gì.

Liên buột miệng:
- Thì đi đâu hãy để em đi cùng

Cả hai nhìn nhau im-lặng.  Lúc sau, Vĩnh mới hỏi:
- Anh đang nằm mơ phải không?

Liên dịu-dàng lắc đầu:
- Anh tỉnh. Em đang ở cạnh anh đây!

oOo

Hương đưa mọi người đi lễ cầu-nguyện cho ba Liên. Khi về lại nhà, một điều bất ngờ là bữa tiệc giỗ khá thịnh-soạn. Liên xúc-động vì đây là ngày tưởng-niệm chung đầu tiên từ ngày ba mất. Sống cô-độc một mình, không họ hàng, miệt-mài với việc học cho xong những năm cuối. Nàng chỉ tới nhà thờ đi lễ rồi quay lại nhà thương trong ngày giỗ.

Nàng ôm lấy người bạn mới quen, nói trong nước mắt:
- Cám ơn Hương làm một việc mà tôi không bao giờ ngờ tới

Những ngón tay Hương đập nhè-nhẹ trên vai Liên:
- Không có gì đâu chị.

Trong khi nói chuyện, Liên mới biết Hương là cháu họ xa của mẹ Vĩnh. Nàng đang làm cho một tiệm ăn, cũng vất-vả. Mẹ của Vình muốn nàng về giúp tiệm làm móng tay của bà. Tiệm trong “mall” có 12 thợ, thu-hoạch khá nhưng cũng có nhiều vấn-đề. Nàng hỏi ý kiến Vĩnh. Chàng trả lời:

- Đã gần tới lúc mẹ anh cần nghỉ-ngơi. Mẹ không cần một người quản-lý mà thôi mà còn phải là một người sau này cùng làm chủ, một người chia sẻ tâm-tình. Mẹ phải nghỉ bớt. Anh không tiếp tay được. Em thì lại được!

Suy-nghĩ một lúc Hương hỏi:
- Ý-kiến gọi em về là của bác hay của anh?

Vình nhìn Hương đầm-ấm:
- Cả hai.

Hương lườm Vĩnh:
- Biết ngay mà.

Liên thoáng buồn khi nghĩ tới tình-cảm thân-thiết của hai người cho đến khi Vĩnh nói:
- Nếu Liên muốn, em có chỗ làm móng tay miễn phí suốt đời đấy.

Liên khả-ái:
- Rất thích là có điều-kiện này nhưng móng tay em không sơn  được. Em phải nấu phở.

oOo

Ngồi trong phòng khách tại nhà, thấy vợ mình và Liên mệt sau cuộc du-hành nên anh Hòa nói:
- Thôi, chúng ta sửa-soạn đi ngủ. Ngày mai Vĩnh phải đi sớm và Liên lại đi làm.

Vĩnh đứng lên bắt tay anh chị Hòa và Đình. Khi cầm tay Liên chàng ân-cần hỏi nhỏ:
- Em có chuyện gì vậy. Phải vui lên chứ!
- Không hiểu sao em thấy buồn buồn.

Chàng nắm chặt tay nàng hơn:
- Đây anh tiếp sức! Vui hơn chưa?
- Hơn rồi.

Vinh dặn:
- Có gì chúng ta liên-lạc bằng điện thoại.
- Vâng.

oOo

Vĩnh ra đi thật sớm. Liên dậy từ lúc 6 giờ sáng định đưa chàng ra phi trường thì gặp anh Hòa trong phòng khách. Anh nói  Vĩnh muốn đi gấp nên đã ra phi trường đổi vé. Cả ngày Liên gọi điện-thoại cho chàng không được. Buổi tối hôm đó, chị Hòa cho biết  Vĩnh để quên điện-thoại.trong phòng ngủ.

Hai ngày hôm sau nữa vẫn không thấy chàng liên-lạc nên Liên gọi Hương. Hương gọi mẹ Vĩnh. Bà cho biết chàng chưa về. Mọi người nghi-ngờ chàng bị tai-nạn nên Liên càng sôt ruột,

Anh ở đâu? Anh biết em lo-lắng tới mức nào không? Khi  em xao-động, anh cầm tay cho em thêm sức mạnh. Khi em thoáng buồn, anh cầm tay cho em vui hơn. Nhưng bây giờ không có anh, em không vui được; em không mạnh-mẽ được. Em cần anh. Em yêu anh! Anh đang ở đâu. Vĩnh ơi!

Anh Hòa gọi Đình. Đình liên-lạc nơi phòng kỹ-sư của Vĩnh hỏi mới biết là Vĩnh nghỉ thêm 7 ngày nữa. Anh Hòa không còn nghĩ Vĩnh bị tai-nạn nên đỡ lo nhưng chỉ được một hôm thì Đình nhìn thấy Vĩnh trên đài truyền hình địa-phương. Chàng cùng nhóm rodeo cưỡi bò, cưỡi ngựa biểu-diễn cho khán giả mê đời sống cao-bồi coi.

Trong giấc ngủ Liên gặp nhiều ác mộng. Khi thì  con ngựa tung chàng rơi xuống gẫy tay. Khi thì con bò dữ-tợn xông tới húc lúc chàng thất thế.

Hai ngày sau trên đường tan sở về, Liên bị tai-nạn. Từ bên này đường xe vượt sang bên kia. Nàng ngất đi lúc được  xe cấp-cứu chở vào nhà thương .

oOo

Vĩnh vội-vã tới thăm Liên. May mà chuyến máy bay còn chỗ.

Liên nằm trên giường bất-động. Thỉnh-thoảng nàng rên lên một tiếng nhỏ. Có lúc nàng khóc. Chàng không dám đánh thức nàng. Vài tiếng đồng hồ sau y-tá mới gọi Liên đậy uống thuốc. Nàng thốt lên khi thấy Vĩnh:
- Anh đấy ư?

Chàng cầm tay nàng xót-xa:
- Em có đau lắm không?

Liên gượng-gạo:
- Đã đỡ rôi anh.

Vĩnh thở dài:
- Thôi, em ngủ đi. Anh ngôi đây canh cho em ngủ.

Liên không trả lời  Nước mắt trào ra. 

Vĩnh dịu-dàng hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?

Liên òa khóc nức-nở:
- Anh không yêu mẹ, không yêu em sao? Nếu anh có mệnh-hệ nào thì em không muốn sống nũa. Em khổ quá!

Vĩnh  dỗ-dành:
- Từ nay anh sẽ không tham-dự rodeo nữa.

Liên sụt-sùi:
- Không... không thi cưỡi bò?
- Ừ, không thi cưỡi bò.
- Không... thi cưỡi ngựa?
- Ừ, không thi cưỡi ngựa,

Liên thở dài:
-  Em không hiểu… tại sao anh lại thích trò mạnh-bạo này?
- Tại anh sợ. Điều tránh sự sợ-hãi là trực-tiếp đương đầu với nó. Tuy nhiên, rodeo là trò choi an-toàn. Có người phải tập-luyên nhiều tháng mà chưa được nhập-cuộc.
Liên suy-nghĩ rồi mơ-màng hỏi:
- Em nên tới thăm mẹ của anh không?
- Tùy em thôi. Em muốn có một thời-gian độc thân theo ý mình không? Mai mốt khỏi tiếc-nuối gì nữa.
Nàng khẽ lắc-đầu:
- Hạnh-phúc của em là sống bên anh và các con chúng ta. Những gì khác là thứ yếu. Tuổi của đàn bà  chỉ  có một thời-gian tốt đẹp để sinh con. Nếu không, con cái có thể bệnh tật  bất thường. Mặc dù xác-suất không cao nhưng em vẫn sợ.
- Bác-sĩ nào nói thế?
Nàng trả lời:
- Bác sĩ Liên.
Vĩnh mỉm cười:
- Thế  bác sĩ Liên muốn có mấy đứa con?
Bàn tay phải của Liên giơ hai ngón nhưng Vĩnh cũng nhìn thấy bàn tay trái của nàng đưa ra hai ngón nữa.
Vĩnh hỏi lại:
- Mấy đứa?
- Ông kỹ-sư giỏi của em không biết làm tính cộng sao?

Vĩnh lắc đầu. Liên nũng-nịu:
- Sao lại không được hả anh?

Giữa lúc ấy một nữ y-tá bước vào cho biết có 3 người  tới thăm. Cô đã đưa họ đến phòng tiếp khách chung gần đó.

Khi Vĩnh đẩy xe của Liên vào thì chị Hòa đứng lên ân-cần hỏi:
- Em đã đỡ đau chưa?
- Cám ơn chị rất nhiều, em đã đỡ. Em cũng chân-thành cám ơn anh Hòa và anh Đình.
Chị Hòa lại hỏi:
- Vĩnh tới từ bao giờ? Hai em có chuyện gì bất đồng không?
- Thưa chị, anh Vĩnh tới từ lúc em còn ngủ. Chúng em không có gì bất đồng. Anh ấy biết hướng-dẫn em.

Rồi nàng nhĩn Vĩnh tình-tứ nói:
- Lời của anh ấy nếu được nghe lại thì em vẫn  còn muốn nghe.
Đình bỏ tờ báo cũ trên bàn hỏi:
- Thật đáng ái-mộ! Anh Vình đã biết Liên là bác sì y-khoa chưa? Trong báo có đăng bác-sĩ Liên bị tai-nạn.Vinh trả lời:
-  Biết mười phút trước.
-  Cái gì? Sao không nói với nhau sớm hơn?
Liên đỡ lời cho Vĩnh:
- Tại chúng em có nhiều việc quan-trọng khác cần bàn.
Đình trầm-ngâm một lúc mới hỏi:
- Xin lỗi Liên anh tò-mò. Ước-vọng của em là gi?
Liên dịu-dàng trả lời:
- Trước đây, em muốn tiếp-tục học để làm bác-sĩ chuyên-môn như ba em. Bây giờ em muốn có một gia-đình hạnh-phúc thỉnh-thoảng ỏ nhà nấu phở cho chồng con thưởng-thức.


Nguyễn Xuân Thiên Tường

Viết trong mùa bão lớn 2021