"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Quẩy Gánh Non Sông (2)

(tiếp theo)
(Cô gái chăn trâu)    

 

   Nàng xua lũ trâu trở lại phía cái miếu tìm Vĩnh. Thấy chàng đang đắm mình trong suy-tưởng, nàng gọi nhỏ: 

   - Ông Vĩnh!

   Vĩnh quay lại:

   - Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?

   Ngọc-Kiều dịu-dàng tiến lại gần.

   - Mấy hôm nay tôi sơ-ý quá. Ông đừng buồn tôi nhé.

   - Buồn chuyện gì?

   - Tôi mê-mải học võ không để ý gì tới ông cả.

   Vĩnh cười, che-giấu sự cảm-động:

   - Cô nghĩ tôi là đứa bé hay sao?

   Ngọc-Kiều trở nên lúng-túng:

   - Không phải … nhưng … nhưng tôi cảm thấy không chu-đáo với ông.

   - Trước khi gặp cô, tôi lo-liệu lấy được. Một ngày gần đây…

   Người con gái biến sắc:

   - Ông tính … bỏ đi hay sao? Đừng giận tôi. Tôi… tôi không có ý để ông ở đây một mình.

   Thấy Ngọc-Kiều săn-sóc mình, Vĩnh nhớ tới Lệ-Nhu. Năm ấy nàng được thầy cứu về.

Gia-đình nàng bị cướp giết chết hết. Thầy của chàng đã có ba học trò. Người anh đầu của chàng là Đại-Minh lúc ấy 25 tuổi, Vĩnh 16 tuổi và Ngọc-Đại 14 tuổi. Lệ-Nhu mới 12 tuổi.

   Đại-Minh tính-tình tận-tụy, cẩn thận. Ngọc-Đại nhanh-nhẹn, nóng nẩy. Lần đầu tiên nhìn thấy Lệ-Nhu, Vĩnh đã thích nàng. Sống với các anh vài tháng, Lệ-Nhu gần-gũi Ngọc-Đại nhất. Hai người cùng học võ, đi chơi với nhau. Vĩnh cảm thấy mất-mát, cô-độc. Chàng âm-thầm không nói gì.

   Đại-Minh giao cho mỗi em chăm-sóc một mảnh vườn nhỏ. Lệ-Nhu cuốc sới chậm. Buổi sáng nàng thường dậy trễ lại hay đi bắt bướm với Ngọc-Đại. Một hôm thầy bắt gặp Vĩnh ngủ gật trong lúc nghe giảng. Ông nghiêm-khắc mắng Vĩnh. Vĩnh quỳ suốt sáng để tỏ lòng hối-lỗi.

   Sợ bị phạt, Lệ-Nhu ra vườn chăm-sóc những luống rau của mình. Nàng nhận ra việc làm cao đẹp của Vĩnh. Người anh thứ hai mỗi ngày dậy sớm để lo cho em.

   Nước mắt đầm-đìa, nàng chạy vào quỳ bên cạnh anh.

   - Anh hai tốt với em quá!

   Thầy biết chuyện gọi Vĩnh vào bảo:

   - Ta hồi nhỏ giống con.

   Từ đó hai anh em thân nhau. Lệ-Nhu vẫn đuổi bướm, hái hoa với Ngọc-Đại nhưng chỉ với Vĩnh nàng mới thích tâm-sự. Có lần thầy cho Lệ-Nhu một trái cam. Nàng tìm Vĩnh nói:

   - Của anh đấy!

   Vĩnh cảm-động:

   - Em ăn đi.

   - Em để dành cho anh. Em không thích cam.

   Vĩnh cao-thượng:

   - Hay em mang cho anh Ngọc-Đại.

   Lệ-Nhu nói nhỏ:

   - Anh ba là người tốt nhưng anh ba không thể so-sánh với anh được. Em quý anh hơn nhiều.

   Lần khác Vĩnh đang vá áo thì nàng giằng lấy.

   - Tại sao anh không bảo em? Anh cả, anh ba đều nhờ em hết.

   Vĩnh mơ-màng trong kỷ-niệm cũ. Tiếng nói của Ngọc-Kiều làm Vĩnh trở về với thực-tại.

   - Ông Vĩnh nghĩ gì thế?

   Chàng mở túi ra lấy một miếng vải:

   - Tôi biếu cô cái này may áo.

   Ngọc-Kiều ngập-ngừng:

   - Cám ơn ông.

   Nàng nghĩ ra điều bất-tiện, đưa miếng vải lại cho Vĩnh:

   - Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Mặc áo mới người ta..

   Vĩnh xót-xa nói:

   - Tôi vô ý quá!

   Ngọc-Kiều mỉm cười, nàng lấy lại miếng vải trong tay Vĩnh.

   - Tôi đổi ý. Ông kiếm kim chỉ nhé.

   - Có phải cô định may áo cho người khác không?

   Ngọc-Kiều gật đầu:

   - Phải, cho ông.

   Vĩnh trầm-ngâm như đang đắn-đo việc gì. Chàng với cái que nhỏ dưới đất lên, bẻ làm hai đưa cho nàng.

   - Cô thử dùng que. Tay phải vẽ vòng tròn. Tay trái vẽ hình vuông được không?

   - Được chứ. Lúc nhỏ mẹ đố tôi rồi. Tôi chơi như vậy hàng ngàn lần. Mỗi lần nhớ mẹ, tôi thường làm như thế.

   - Cô cho tôi xem.

   Ngọc-Kiều mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền duyên-dáng lũng xuống. Tay phải nàng thay đổi từ hình ba góc đến hình vuông rồi chuyển qua hình tròn. Tay trái vẽ một hình khác tay phải. Hai tay nàng chuyển-động mỗi lúc một nhanh. Những đường vẽ liên-tục bất-tận.

   Vĩnh kinh-ngạc:

   - Lạ thực!

   Ngọc-Kiều không hiểu, nàng hỏi:

   - Ông nói gì?

   - Cô có thể là một cao-thủ trong thời-gian ngắn. Bây giờ tôi dậy cô những thế võ khác nhé.

   Ngọc-Kiều mừng rỡ:

   - Học võ khác? Ông bằng lòng với những tiến-bộ của tôi phải không?

   Vĩnh dè-dặt lời khen:

   - Bằng lòng. Tuy nhiên cô nên luôn ôn-tập khi rảnh. Đừng khinh thường thế võ nào cả. Bất cứ một thế võ nào dưới tay người giỏi đều trở thành tuyệt chiêu được. Văn ôn, vũ luyện.

   Chàng tận-tình chỉ dậy cho Ngọc-Kiều. Nàng có trí nhớ tốt, học rất nhanh. Ngọc-Kiều chưa thấy lúc nào chàng vui-vẻ như hôm nay.

   - Cô tập mỗi ngày những điều đã học. Tôi dậy tiếp sau. Mai là ngày có phiên chợ. Cô muốn mua gì không?

   Ngọc-Kiều reo lên:

   - Ông đi chợ sao? Tôi không cần gì. Ông định mua gì đấy?

   - Tôi cần một con dao. Con dao cũ mất rồi.

   - Ông đánh mất ở đâu?

   Chàng chỉ xuống giòng sông âm-thầm chở nước về phía trời xa. Mùa này, nước chưa rút hẳn. Những làn sóng xô nhau che-giấu cái bí-mặt làm dân làng sợ-hãi.

   - Chỗ kia.

   Ngọc-Kiều nói với chàng:

   - Ông đi với tôi. Tôi tìm lại con dao cho ông.

   Nàng bước nhanh xuống sườn dốc, Vĩnh theo sau. Tới bờ sông, Ngọc-Kiều hỏi chàng:

   - Chỗ kia phải không?

Vĩnh cản:

   - Không cần-thiết lắm đâu. Dưới lòng sông có đá ngầm. Nguy-hiểm lắm.

   Ngọc-Kiều cười:

   - Không sao đâu.

   Nàng rảo bước thì Vĩnh gọi giật lại:

   - Con dao sắc, cô nên thận-trọng.

   Ngọc-Kiều sung-sướng thấy Vĩnh quan-tâm đến mình. Thoắt một cái nàng đã bơi tới chỗ chàng chỉ. Nàng lặn xuống một lúc thật lâu. Khi trồi lên nàng lắc đầu, giơ tay lên cao vẫy Vình. Trước khi chàng kịp nói, nàng biến mất trong nước. Cứ như thế vài lần mà không có kết-quả gì. Lần cuối Vĩnh lo-ngại. Nàng lặn xuống lâu quá. Rồi đầu nàng nhô lên trên những đợt sóng...Nàng thoăn-thoắt bơi vào.

   Vĩnh bước tới đón:

   - Cô làm tôi lo-ngại.

   Nàng đưa con dao cho Vĩnh:

   - Con dao của ông đây.

   Ngọc-Kiều bước lên tảng đá. Vĩnh thấy nàng thật đẹp. Khuôn mặt không còn nhọ-nhem. Nụ cười tươi. Hai hàm răng đều-đặn.

   Chàng phê-bình:

   - Cô trông khác quá.

   - Khác gì ông Vĩnh.

   Người đàn ông nói lảng:

   - Hôm nay tôi biết một bí-mật. Hàng ngày cô cố-tình làm mặt nhọ-nhem cho xấu-xí đi.

   Ngọc-Kiều nhăn mặt trêu Vĩnh. Ánh nắng rực-rỡ của buổi chiều chiếu xuống làm nàng càng thêm duyên-dáng.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Tôi cũng biết một bí-mật. Ông Vĩnh tài kinh trời đất, biết cả việc giết người nữa. Ông giết tên Mai-Hạ, võ sư của nhà ông Bá Hạc. Hắn mất tích lúc ông bị thương.

   - Cô chỉ giỏi đoán mò.

   Ngọc-Kiều giải-thích:

   - Con dao của ông chuôi bằng ngà, sắc lắm. Có lẽ là một kỷ-vật. Người như ông làm sao đánh rơi dao giữa sông được… Ông bị thương…Hắn bị chết. Trận đấu khốc-liệt lắm phải không?

   Vĩnh không giấu-diếm:

   - Nhờ may-mắn tôi mới thắng. Hắn bị đấm vào thái-dương ngã xuống. Lúc sắp chết, hắn nhờ tôi chuyển cỗ tràng hạt trên cổ cho người em gái. Mặt hắn tái đi. Giọng hắn nhỏ dần. Tôi cúi xuống để nghe cho rõ thì hắn dồn hết sức đánh tôi một chưởng. Tôi đấm hắn tung xuống nước rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy thuyền dạt vào bờ. Tay hắn còn bám vào cuối thuyền. Hắn kiệt-sức không leo lên được. Tôi vùi tạm hắn bên bờ sậy xong lết lên miếu.

   Ngọc-Kiều thân-mật trách:

   - Tại ông dễ tin người.

   Vĩnh cười:

- Đa-tạ trời đất! Nếu không bị thương thì làm sao tôi biết được cô Ngọc-Kiều tốt bụng? Cô ngồi xuống đây đi.

   Ngọc-Kiều nghe lời chàng. Vình dặn:

   - Cô đừng hỏi gì nữa. Hãy nhớ lấy những lời tôi sắp dậy. Cố mà nhớ chứ không cần hiểu ngay.

   Ngọc-Kiều tròn mắt:

   - Tại sao?

   Vĩnh lắc đầu:

   - Đừng hỏi. Bây giờ tôi dậy cô bài võ này. Cô nên chú-tâm kẻo tôi đổi ý.

   Đọc xong vài lần, Vĩnh hỏi Ngọc-Kiều:

   - Cô nhớ hết không?

   - Nhớ hết.

   Vĩnh xúc-động ân-cần dặn:

   - Cô chú-tâm học nhé. Bài võ vừa rồi tên là Việt Nữ Kinh.

   Nói xong Vĩnh bước đi. Nét mặt phảng-phất nỗi buồn câm nín.

   Ngọc-Kiều gọi theo:

   - Ông Vĩnh!

   - Cô cần gì nữa không?

   Nàng lắc đầu:

   - Không. Tôi đã làm điều gì khiến ông buồn?

   Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều:

   - Không phải đâu.

   Ngọc-Kiều nhận thấy mỗi khi Vĩnh thân-thiện với nàng, chàng lại buồn-bã, ray-rứt ngay sau đó.

   Nàng cắn ngón tay:

   - Tại tôi vụng-về, xấu-xí, quê mùa, ăn nói vô duyên phải không?

   Vĩnh cười buồn:

   - Cô thông-minh, xinh đẹp. Cô như… như…

   Ngọc-Kiều chăm-chú nhìn chàng.

   - Như gì?

   Giọng Vĩnh là làn gió thoảng:

   - …một vị phúc-thần.

   Ngọc-Kiều bẽn-lẽn:

   - Ông khéo nói quá!

   Vĩnh lảng sang chuyện khác:

   - Tôi muốn nhờ cô một việc.

   Ngọc-Kiều sốt-sắng:

   - Tôi sẵn-sàng.

Vĩnh chỉ về phía phải. Bờ sông nơi đó hẹp, hai bên um-tùm những cây cổ-thụ.

   - Tôi muốn bắc một chiếc cầu dây qua sông. Mong cô giúp tôi một tay. Tôi đã tìm ra được vài dây song thật lớn, to bằng cố tay dùng làm dây chính. Tôi kiếm được khá nhiều dây mây nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, tôi ngâm cả dưới sông.

   - Ông muốn tôi kiếm thêm phải không?

   - Đó chỉ là một phần. Tôi muốn cô giúp tôi buộc các sợi dây mây từ miếng gỗ làm cầu lên dây song lớn bắc ngang hai bên để đỡ cầu.

   Ngọc-Kiều đùa:

   - Mai này tôi ngồi thu tiền kẻ nào qua cầu cho ông nữa chứ.

   - Nếu thích thì cô làm. Tiền thu được biếu cô nhé.

   Ngọc-Kiều tươi cười:

   - Đâu dám. Dạo này khách miền xuôi từ phía Nam lên hay người buôn-bán từ phía bắc xuống thưa dần vì vụ hà-bá giết người. Họ đi qua ngả Đại-Bình cách đây hai mươi dặm. Nếu ở đây có cầu, một số sẽ quay trở lại. Dân hai làng sẽ hồi-tâm mà tiếp-tục bắc nốt cái cầu làm dở phải không?

Vĩnh ngạc-nhiên sự nhận-xét của nàng đúng y như trong ý-nghĩ của mình. Chàng khen:

   - Cô thông-minh lắm.

   Nhiều tuần sau, việc làm chiếc cầu dây tiến-triển trông thấy. Ngọc-Kiều miệt-mài trong công việc. Mỗi ngày, Vĩnh đều dậy nàng học võ. Chàng không ngờ nàng có khả-năng tiếp-nhận vượt bực.

   Một hôm ngồi nghỉ, Ngọc-Kiều gọi nhỏ:

   - Ông Vĩnh!

   - Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?

   Nàng lo-âu thở dài:

   - Mấy hôm nay có người theo dõi tôi. Tôi cảm thấy mơ-hồ chứ không dám chắc.

   Vĩnh đưa nàng con dao ngắn:

   - Cô giữ lấy nhỡ khi cần dùng.

   Ngọc-Kiều từ-chối:

   - Tôi không dám nhận. Con dao này quý lắm.

   Vĩnh ân-cần:

   - Cô giữ cho tôi yên lòng.

   Người con gái cảm-động:

   - Cám ơn ông.

   Lúc sau, Ngọc-Kiều gọi:

   - Ông Vĩnh!

   Chàng nhìn nàng:

   - Cô cần chuyện gì nữa không?

   - Sao không lúc nào ông vui-vẻ?

   Vĩnh cười gượng:

   - Cô thấy tôi buồn lắm à?

   Ngọc-Kiều trả lời. Âm-thanh ngọt-ngào:

   - Vâng. Nhiều lúc tôi muốn hỏi chuyện mà sợ phiền ông.

   Vĩnh ngẫm-nghĩ rôi công-nhận:

   - Cô trách cũng đúng. Từ nay tôi không còn là kẻ “thiếu chân-tình” nữa.

   Ngọc-Kiều ngượng-nghịu:

   - Xin ông bỏ qua lời nói không ý-thức của tôi lúc trước.

 

   …Vĩnh bắt đầu câu chuyện. Giọng chàng chĩu nặng buồn rầu:

   - Chúng tôi có bốn anh em học cùng thầy. Mỗi người được thầy thu-nhận trong những hoàn-cảnh khác nhau. Tôi không rõ gia-thế của người anh lớn. Hừ, đến bây giờ tôi không biết anh là bậc chí-tình, đại-nghĩa hay kẻ dơ-bẩn, hèn-hạ. Tôi không biết nên gọi là anh em sống chết hay kẻ thù cần tận-diệt. Sẽ có ngày tôi tìm ra sự thật. Tôi là người thứ nhì trong bốn anh em. Kế tiếp là Ngọc-Đại. Người em út là Lệ-Nhu. Lệ-Nhu gặp hoàn-cảnh bất-hạnh được thầy chúng tôi cứu về.

   Vĩnh mơ-màng:

   - Năm ấy Lệ-Nhu còn nhỏ. Mắt nàng to và đen. Nàng không thích học võ. Anh Đại-Minh không hiểu nên có phần nghiêm-khắc với nàng. Một lần, tôi thấy Lệ-Nhu ngồi khóc bên bờ rừng. Tôi an-ủi nàng, lúc đó mới biết nàng thích thơ văn hơn võ-thuật. Cha mẹ nàng bị giết bởi lũ người biết võ. Chuyện nàng không thích là lẽ dĩ-nhiên. Tôi biết chút ít thơ văn. Nàng nhờ tôi chỉ bảo. Sau mỗi lần anh Đại-Minh cằn-nhằn, nàng phải nhờ Ngọc-Đại dậy thêm xong kiếm tôi tâm-sự. Tôi cắt nghĩa cho nàng rằng học võ không có nghĩa là giết người mà để giữ-gìn cho thân-thể khỏe-mạnh, lại có thể tự-vệ nữa. Tôi nói với nàng nếu võ lên tới trình-độ cao thì cũng thành Kinh như trong thơ văn vậy. Nàng lắng nghe thích-thú. Kể từ đó, Lệ-Nhu học võ nhanh hơn nhiều. Càng lớn Lệ-Nhu càng đẹp và dễ thương. Anh cả chúng tôi thấy nàng chịu khó nên hết sức dậy thêm.

   Ngọc-Kiều khẽ hỏi:

   - Ông cũng dậy nàng chứ?

   - Tôi không có giờ. Thầy đích-thân dậy tôi về thơ văn và đôi khi còn khảo-sát võ-thuật. Tôi còn phải học võ cùng với Ngọc-Đại, Lệ-Nhu nên không nhiều dịp gặp riêng nàng.

   Ngọc-Kiều nhìn xuống đất nhưng rồi cũng hỏi:

   - Ông thích chị Lệ-Nhu lắm phải không?

   - Nàng thật tội-nghiệp.

   Ngọc-Kiều che-giấu cảm-xúc:

   - Bây giờ chị ấy ở đâu?

   Giọng Vĩnh lạnh-lẽo như băng:

   - Chết rồi.

   Ngọc-Kiều bứt một sợi cỏ. Cả hai im-lặng. Nàng an-ủi Vĩnh:

   - Chị Lệ-Nhu ở dưới suối vàng chắc-chắn vẫn giữ mãi mối tình không phai với ông.

   Giọng Vĩnh khô-khan:

   - Nàng không được nghĩ đến tôi.

   Ngọc-Kiều đang ngạc-nhiên thì Vĩnh tiếp:

   - Lệ-Nhu là vợ của Ngọc-Đại.

   Vĩnh đứng dậy cười… Tiếng chàng vừa u-uất vừa ngạo-nghễ bay xuống giòng sông tan vào sóng nước.

   - Thôi ta về!

   Ngọc-Kiều ngơ-ngẩn nhìn chàng bước về phía cái miếu hoang. Trên không một cánh diều no gió chao đi mấy vòng rồi vút lên cao. Nàng thì-thầm trong nỗi xót-xa:

   - Ông Vĩnh, tôi phảI làm gì đây?

 

                                                            *     *

                                                               *

   Vĩnh bàng-hoàng giữa đêm. Chàng gặp Lệ-Nhu ngồi bên rừng thuở trước. Vĩnh mừng rỡ tiến tới.

   Lệ-Nhu hỏi:

   - Anh đi đâu?

   - Anh kiếm em khắp nơi.

   Lệ-Nhu trách:

   - Đừng kiếm em. Kiếm Ngọc-Kiều. Tại sao anh bỏ nàng một mình?

   Vĩnh khẽ nói:

   - Em đừng lo. Nàng biết võ.

   Lệ-Nhu lắc đầu:

   - Anh biết người muốn hãm-hại nàng là ai không? Đừng nghĩ tới em. Hãy săn-sóc Ngọc-Kiều.

   Nói xong, Lệ-Nhu biến thành một giải sương mờ từ từ tan vào khoảng không.

   Vĩnh gọi lớn:

   - Lệ-Nhu!

   Chàng tỉnh dậy buồn-bã bước ra ngoài. Ánh sáng lờ-mờ của vầng trăng sắp mọc chỉ đủ để bầu trời không tối đen. Đột nhiên, một bóng người từ xa chạy tới. Khi dến gần miếu, bóng đen chậm lại. Vĩnh nhận ra Ngọc-Kiều. Hai tay nàng run-rẩy nắm chặt cánh tay Vĩnh.

   - Ông Vĩnh!

   - Ngọc-Kiều, chuyện gì thế?

   Ngọc-Kiều không nói. Nàng khóc nức-nở. Vĩnh trấn-an:

   - Bình-tĩnh lại đi, đừng sợ.

   Ngọc-Kiều buông tay chàng. Vĩnh thấy vai áo nàng rách một mảnh lớn.

   Nàng nói:

   - Nó…nó… định bắt tôi.

   - Nó là ai?

   Ngọc-Kiều trả lời:

   - Là tên võ-sư Tôn-Cầu.

   - Ở đâu?

   - Chỗ tôi ngủ. Nó nắm được vai áo. May tôi vùng ra được.

   Ngọc-Kiều kể:

   - Gần đây hắn cứ nhìn tôi. Tôi sợ lắm mà không dám nói với ai. Đêm đêm tôi để bó rơm chỗ thường nằm. Tôi ngủ gần đó với cành chanh bên cạnh. Hắn chụp trúng bó rơm. Tôi đâm cành chanh đầy gai vào mặt hắn. Trời tối đen nên hắn không tránh được.

Hắn nắm được vai áo. May mà tôi thoát được.

   Vĩnh cảm thấy nhẹ-nhõm:

   - Cảm-tạ trời đất!

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Ông nói gì?

   - Cô không phải sợ gì nữa.

   Chàng quay vào lấy cái áo đưa cho Ngọc-Kiều khoác. Lúc đó chàng mới biết nàng đang cầm chắc con dao. Vĩnh liên-tưởng tới sự cương-quyết của mẹ nàng. Chàng rùng mình hứa:

   - Kể từ nay, tôi che-chở cô.

   Ngọc-Kiều òa lên khóc:

   - Tôi không sợ chết. Chỉ sợ ông…ông không có người săn-sóc.

   Những ngày qua, Ngọc-Kiều thường thổi cơm cho chàng. Vĩnh bắt cá ở dưới sông, gài bẫy bắt chim làm thức ăn. Bên đống lửa đợi chờ cơm chín, hai người nói chuyện thật vui-vẻ tương-đắc.

   Vĩnh ân-cần:

   - Cô đừng buồn nữa. Đợi trăng lên, chúng ta đi kiếm nó.

   Thấy nàng mất hồn, Vĩnh gọi khẽ:

   - Ngọc-Kiều!

   Người con gái trả lời:

   - Dạ.

   Vĩnh đề-nghị:

   - Chúng ta kết-nghĩa anh em. Cô nghĩ sao?

   - Đừng…nhắc tới chuyện này nữa.

   Vĩnh ngạc-nhiên hỏi:

   - Tại sao?

   Ngọc-Kiều thở dài:

   - Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Lúc trước tôi tưởng ông là người tầm-thường nên mới…

   Vĩnh ngắt lời:

   - Tôi luôn luôn là người tầm thường.

   - Tôi không tài-giỏi như chị Lệ-Nhu.

   Vĩnh trả lời:

   - Lệ-Nhu mộc-mạc, vui-vẻ. Cô tận-tình, khả-ái. Cả hai cùng tốt với tôi.

   Ngọc-Kiều êm-ái hỏi:

   - Có phải đúng như thế không?

   Vĩnh mỉm cười:

- Đúng. Tuy nhiên nếu bằng lòng, cô phải hứa ba điều.

   Ngọc-Kiều mạnh-dạn:

   - Bất cứ điều gì cũng hứa. Ừ, ừ…mà không được đâu.

   - Sao thế?

   Ngọc-Kiều trả lời:

   - Nhỡ ông bảo tôi phải tha-thứ cho kẻ thù giết mẹ thì sao?

   Vĩnh nói:

   - Điều tôi muốn cô làm là chính-đáng. Kể cả cha mẹ cô nếu còn sống cũng mong-ước mơ-tưởng.

   - Thế thì được.

   Vĩnh đọc lời thề trước. Tới phiên Ngọc-Kiều nàng dõng-dạc lên tiếng:

   - Trên có Trời, dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, sẽ là người em tốt của anh Trần Xuân Vĩnh. Tôi hứa luôn luôn trung-thành với anh.

   Vĩnh nhăn mặt:

   - Không được. Thề lại đi.

   Ngọc-Kiều lặng-lẽ:

   - Sao vậy anh?

   Vĩnh nghiêm-nghị:

   - Em thề lại. Trên có Trời. Dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, cùng anh Xuân-Vĩnh kết-làm anh em. Tôi thề sẽ hết lòng giúp-đỡ khi anh dấn-thân cho Nghĩa Lớn và diệt-trừ khi anh xấu-xa, đê-tiện.

   Ngọc-Kiều từ-chối:

   - Xưa nay có ai thề quái gở như vậy. Em không muốn.

   Vĩnh lạnh-lùng:

   - Em không nghe lời anh!

   Ngọc-Kiều mấp-máy môi:

   - Thôi, em thề.

   Sau lời thề, nàng cúi xuống quỳ lạy anh. Mặt Vĩnh rạng-rỡ:

   - Anh vui mừng được kết-nghĩa với em.

   Ngọc-Kiều bảo chàng:

   - Nếu anh không tốt thì cả hai chúng ta cùng chết vậy.

   Thấy nàng có tình ý sâu nặng như vậy, Vĩnh giảng-giải:

   - Không bao giờ xẩy ra chuyện đó. Anh chỉ muốn em biết rõ con đường anh phải đi.

   Nàng cắn môi hỏi nhỏ:

   - Tại sao anh còn bắt em hứa ba điều.

   - Sau này em sẽ hiểu.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Anh nói thì em làm. Việc gì phải như vậy?

   Vĩnh không trả lời. Chàng bước về phía trước mấy bước:

   - Thôi, bây giờ chúng ta sửa-soạn tìm gã Tôn-Cầu.

   Vĩnh mang theo thanh sắt tròn và một cây gậy. Khi tới gần dinh-cơ của ông Bá, chàng bảo:

   - Em núp trong bụi cây để anh dụ nó ra.

   Vĩnh nhẩy qua bức tường cao, quay lại mở cánh cổng nhưng cổng không cài then. Chàng tiến tới căn nhà nhỏ gần sân phơi lúa.

   Chàng nhặt mấy viên gạch vỡ ném vào nhà tên võ-sư. Một người đẩy cửa bước ra, tay lăm-lăm cầm thanh kiếm.

   Gã quát:

   - Ai?

   Vĩnh ném thêm một hòn đá lớn. Gã giận dữ chạy đến. Chàng phóng ra ngoài dụ gã đuổi theo. Tới gần chỗ Ngọc-Kiều núp, chàng đứng chờ. Gã võ-sư nhào tới. Chàng chống cây gậy xuống đất không xử-dụng, dùng thành sắt làm kiếm.

   Ngọc-Kiều thốt lên:

   - Ủa!

   Thì ra chàng xử-dụng võ của bố nàng. Đường quyền hóa thành thế kiếm nom oai-dũng vô-cùng. Đánh được một lúc khá lâu, chàng không xử-dụng thanh sắt, dùng tay trái cầm gậy đánh với gã. Được vài thế, gã nhẩy ra la lớn:

   - Ngươi… ngươi

   Gã ngạc-nhiên vì Vĩnh xử-dụng võ của môn phái hắn. Hai bên không phân-biệt thắng bại. Chàng nói to:

   - Tròn, vuông, ba góc.

   Ngọc-Kiều hiểu ngay là Vĩnh nhắc nàng để ý chàng sắp dùng hai tay tấn-công địch-thủ. Tay trái chàng dùng võ của hắn, tay phải dùng những thế võ của bố nàng. Gã chưa đỡ được thế này, thế kia đã tới. Bỗng dưng, tay phải chàng xử-dụng võ của môn phái hắn, tay trái chàng xử-dụng những thế đầu của Việt Nữ Kinh. Gã nhẩy ra ngoài định chạy. Vĩnh quát lên một tiếng, thanh kiếm của gã bay xa cùng với vài ngón tay. Chàng rút trong áo ra cái quạt giấy của tên Mai Hạ ném xuống đất:

   - Ngươi biết cái quạt này không?

   Gã không trả lời. Vĩnh quát:

   - Đi ngay! Ngươi còn dở trò chó má nữa ta sẽ không tha.

   Tên võ-sư nhịn đau chạy mất. Ngọc-Kiều bước tới vui-vẻ.

   - Đa-tạ anh dậy em thật tỷ-mỷ.

   Vĩnh gật đầu:

   - Khi hắn khỏi, em trả thù cho mẹ.

 

(muốn coi tiếp bấm số 3)

 

Nguyễn Xuân Thiên Tường

                                                                    

                                                                                   1   2   3   4