"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Quẩy Gánh Non Sông (3)

(tiếp theo)
(Cô gái chăn trâu)     

 

   Chiếc cầu bắc ngang sông im-lìm trong bóng cây. Hai người ngồi nghỉ trên bờ cỏ. Bóng trăng vàng như nắng. Ngọc-Kiều chăm-chú nghe Vĩnh nói: 

   - Năm ấy, thầy sai anh làm một việc. Sau đó anh ghé qua Hà-Đông. Ở đây, anh kết-giao với hai người bạn mới. Một người là học trò nghèo và người kia quét chợ. Ba người mua thức ăn đánh chén. Bọn anh say túy-lúy ra sông tắm, khi về uống rượu thi. Vui không thể tưởng! Anh không biết uống rượu nên đến canh ba đã gục. Gã quét chợ được cuộc. Gã bắt người học trò nghèo đánh đàn bầu cho hắn nghe. Gã ra lệnh cho anh đi xin chữ ông đồ Tiếp-Dư làng Bạch-Hạc về treo trong căn chòi rách nát. Ông đồ là người khó tính. Xin được chữ của ông không phải dễ.

   Ngọc-Kiêu chăm-chú hỏi:

   - Anh xin được không?

   - Lúc đầu người nhà nói ông đi vắng. Anh mượn cây bút lông viết vài chữ xin tiếp-kiến, hẹn sẽ quay trở lại. Trưa hôm sau, ông đồ tiếp anh rất niềm-nở. Ông khen chữ anh có thần. Tưởng tới ông một lúc, ai ngờ anh ở đó hơn một tháng trời.

   - Sao lâu thế anh?

   - Ông đồ và anh luận về các loại trà rồi lại nói chuyện về hoa. Lúc bấy giờ trời sắp sang xuân. Ông giữ anh lại để gọt thủy-tiên. Ông gọt một giò và anh gọt một giò. Anh không từ-chối vì thầy lúc đó đã cùng anh Đại-Minh, Ngọc-Đại và Lệ-Nhu đi thăm một vị sư trên núi Yên-Tử.

   - Hoa của ai nở đúng hẹn?

   - Lấy giao-thừa làm thời-điểm thì thủy-tiên của anh nở sớm hai giờ, hoa của ông nở muộn khoảng hai giờ.

   Ngọc-Kiều lý-luận:

   - Anh hơn ông đồ. Người ta gọt thủy-tiên để đón xuân. Như thế có nghĩa là hoa phải nở trước giao-thừa chứ. Anh kể tiếp cho em nghe đi.

   Vĩnh nói:

   - Không nên nói chuyện hơn kém làm gì. Hai tâm-hồn tài-tử mang chút nghề mọn làm vui người tri-kỷ chả thích hơn sao? Ông đồ và anh chơi cờ. Một hôm ông đang chơi thì có người mời đi thăm một bệnh nhân bị ngã từ nóc nhà xuống. Ở nhà lúc đó có ông em ruột. Ông này ngẫm-nghĩ nước cờ thật lâu, lắc đầu gọi cô cháu ra. Bàn đó anh thua.

Cô ta giỏi lắm. Trong mấy ngày cô ta và anh đánh tất cả năm ván. Ông chú ngồi bên ủng-hộ người cháu hay giám-sát thì không biết.

   - Ai được hả anh?

   Chàng trầm-ngâm:

   - Anh thắng ba. Cô ta thắng hai. Thật ra anh thua. Bàn cuối, có lẽ cô ta nhường anh.

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Cô ta đẹp lắm phải không?

   Chàng thở dài:  

   - Cô ta đẹp. Lúc đó anh không để ý vì mải tập-trung vào những thế cờ mà thôi. Khi anh về, Lệ-Nhu đòi anh kể chuyện chuyến đi. Nàng thích trí cười luôn miệng. Đến lúc nói về người con gái ông đồ, nàng không cười nữa.

   Ngọc-Kiều nhìn chàng:

   - Chị Lệ-Nhu muốn biết người con gái nói gì với anh phải không?

   - Phải.

   Tiếng Ngọc-Kiều như cơn gió thoảng:

   - Nàng nói gì?

   - Cô ấy mong một ngày hầu-tiếp gỡ bàn thua.

   Ngọc-Kiều nhận-xét:

   - Cô ta để ý tới anh rồi. Chị Lệ-Nhu bực mình là phải.

   Vĩnh buồn rầu:

   - Nửa năm sau thầy sai anh mang thư cho ông đồ Tiếp-Dư. Anh không ngờ thầy là bạn thân của ông. Thầy dặn nếu ông đồ đi vắng thì đợi thư trả lời. Thầy cho anh được tự-do một thời-gian để học hỏi. Buổi sáng hôm khởi-hành bất-ngờ thầy giục anh đi sớm. Anh không kịp giã-từ Lệ-Nhu. Mọi chuyện là số mệnh. Ông đồ đi hái thuốc trên Ba-Vì mãi chưa về. Anh ghé qua người bà con ở Yên-Lãng, Phúc-Yên. Yên-Lãng là quê của Hai Bà Trưng, em biết không? Tại đây anh sáng-tạo nốt cuốn Việt Nữ Kinh tặng Lệ-Nhu.

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Chị ấy chắc thích lắm.

   Vĩnh im-lặng một lúc lâu, nhìn về phía trước mặt nhưng hình như không còn thấy gì rồi chàng ngậm-ngùi kể-tiếp:

   - “Khi anh về thì Lệ-Nhu đã nhận lời lấy Ngọc-Đại. Nghe anh Đại-Minh nói, anh gượng vui-vẻ bề ngoài. Những lúc thụ-huấn với thầy, anh đặt nhiều câu hỏi hơn. Anh về phòng đóng cửa lấy cớ cần nghiên-cứu lời giảng-huấn. Lệ-Nhu đến bên cửa sổ gọi khẽ anh hai lần. Giọng nàng khổ-sở lắm. Anh không trả lời. Được một tháng, anh xin phép thầy đi xa. Đêm ấy anh lang-thang thì thấy ánh lửa đốt bên rừng. Anh bắt gặp anh Đại-Minh đang buồn-bã đến nỗi khi bỏ đi quên cả bầu rượu. Thì ra anh Cả yêu Lệ-Nhu…

Anh đến ngồi đó cho đến sáng. Lúc đứng dậy anh ném cuốn Việt Nữ Kinh vào lửa, bước ra đường cái. Lệ-Nhu đang ngồi đợi. Nàng hỏi anh:

   - Em muốn nói với anh.

   - Anh có việc bận phải đi ngay. Để lúc khác được không?

   Lệ-Nhu lắp-bắp. Mặt nàng trắng bệch:

   - Anh… anh không chúc mừng em sao?

   - Chúc em và Ngọc-Đại ý-hợp tâm-đầu, trăm năm hạnh-phúc.

   Lệ-Nhu nhìn anh không chớp. Thật lâu sau nàng mới lên tiếng:

   - Em chúc anh và chị Tuyết-Minh vạn sự như ý. Thầy khen chị ấy mấy lần.

   Tuyết-Minh là người con gái chơi cờ với anh. Anh chợt hiểu. Lệ-Nhu nhận lời lấy Ngọc-Đại vì bực-tức tưởng anh bỏ-bê nàng. Nếu Lệ-Nhu biết anh luôn luôn nghĩ tới nàng thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay”.

   Ngọc-Kiều an-ủi:

   - Tội-nghiệp anh! Bây giờ chị ấy đã biết.

   Vĩnh đau-đớn:

   - Không bao giờ anh gặp lại nàng nữa! Hạnh-phúc cuộc đời này sao mong-manh quá.

   Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều nói:

   - Thôi… chúng ta còn nhiều việc phải làm.

   - Em giúp được gì không?

   - Những việc sắp làm gần đây, anh phải tự tay giải-quyết. Anh đi về bất-thường, em đừng buồn.

   Ngọc-Kiều nhẫn-nại:

   - Em đâu dám.

   Vĩnh dặn:

   - Cây cầu gần xong, em cứ việc làm tiếp nhé.

   - Vâng.

   Vĩnh lấy từ trong người một túi vải đỏ. Chàng trịnh-trọng rút ra một cuốn sách. Bằng một giọng thân ái, chàng bảo:

   - Anh tặng em cuốn Việt Đạo Tâm-Pháp này. Đây là tác-phẩm anh mang hết tâm-huyết ra để sáng-tạo. Anh đã nghĩ nhiều tới em.

   Ngọc-Kiều mỉm cười. Nước mắt cảm-động chạy dài trên gò má. Nàng khẽ nói:

   - Cám ơn anh. Chưa bao giờ em sung-sướng như lúc này.

   Vĩnh giảng-giải:

   - Việt Đạo Tâm Pháp không phải chỉ là cuốn sách võ. Quyển sách này gồm ba phần. Phần đầu gọi là Chính Kinh dựa trên cốt tủy của Đạo Việt mà soạn ra để kính nhớ ơn sâu nghĩa nặng của thầy anh. Chính Kinh là căn-bản võ-thuật để tập-luyện hai phần sau. Phần thứ hai là Kinh Dân-Gian. Phần thứ ba là Kinh Sử. Anh sáng-tạo hai cuốn kinh này khi bị thương được em giúp-đỡ. Phần sau cùng là Kinh Ca-Dao thì anh chưa nghiên-cứu xong.

   Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:

   - Mới vài tháng mà anh đã hoàn-tất được hai cuốn kinh sao? Anh đúng là bậc thầy của võ-đạo.

   Vĩnh khiêm-tốn:

   - Nền-tảng của Việt Đạo Tâm-Pháp được thành-hình từ lâu rồi. Việt-Đạo Tâm-Pháp không phải do mình anh hoàn-thành. Trong đó phảng-phất tư-tưởng của người thầy khả-kính của anh, của bạn-bè kết-giao khắp thiên-hạ và của cả em nữa.

   Ngọc-Kiều trìu-mến nhìn Vĩnh. Chàng luôn ca-tụng người, chưa bao giờ nàng nghe Vĩnh chỉ-trích, chê-bai một ai.

   - Em làm gì trong đó?

   Vĩnh giảng-giải:

   - Lý-luận của em làm anh mở rộng tầm mắt. Khi mới dậy võ cho em, anh bảo: Sông Núi này bền-vững là do hùng-tâm của kẻ trượng-phu. Vị cô-nương bên tòa miếu hoang cãi lại: ông nói sai rồi. Trưng Nữ Vương là kẻ trượng-phu sao? Hai Bà đứng lên dẹp quân bạo-tàn đấy. Trong khoảng 200 năm sau khi Hai Bà tuẫn-tiết, có đấng tu-mi nam-tử nào đứng lên hay phải đợi người con gái họ Triệu tuốt gươm đuổi giặc? A ha,.. Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối. Câu nói khí-phách đó còn vang vang trong chính sử. Sao ông dám coi thường phụ-nữ Việt?

   Ngọc-Kiều nhăn mặt nũng-nịu:

   - Sao anh nhớ dai đến thế?

   Vĩnh thẳng-thắn:

   - Không có em làm gì có những bài Mê-Linh Phẫn-Nộ, Đạp Đường Sóng Dữ, Ỷ-Lan Trị Nước trong Kinh Sử. Làm gì có bài Quẩy Gánh Non Sông trong phần Chính Kinh?

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Còn Kinh Dân-Gian?

   - Kinh Dân-Gian là những bài võ cảm-hứng từ cổ-tích từ thuở dựng nước hoặc những truyền-thuyết trong dân-gian. Ba thế võ Vuông Tròn Hiếu Đạo, Làng Gióng Mây Bay, Lên Núi Trông Chồng được thêm vào là nhờ em cả.

   Ngọc-Kiều say đắm nhìn Vĩnh. Người đàn ông tưởng như gỗ đá, lạnh-lùng lại có tình-cảm nồng-nàn tới vậy.

   Vĩnh nói tiếp:

   - Khi hoàng-tử Tiết-Liêu làm bánh dầy, bánh chưng dâng lên vua cha, cậu chỉ có tấm lòng thành và thực-phẩm thông-thường của nhân-gian biến-chế ra. Mẹ chết, cậu không có các sơn-hào, hải-vị như các anh em. Tròn là bánh dầy, vuông là bánh chưng. Tròn là Trời, vuông là Đất. Mộng của Tiết-Liêu là làm vừa lòng vua cha bằng phẩm-vật nhân-gian. Mộng của chúng ta là đuổi quân bạo-tàn ra khỏi bờ-cõi cho non-nước thanh-bình. Thế võ Vuông Tròn Hiếu-Đạo này đánh ra, địch-thủ có cảm-giác như bị hai người tấn-công. Thật ra, Trời Đất là hai mà khi kết-hợp lại là một. Cha Mẹ hoặc Vua Dân cũng thế. Hiểu thấu được lẽ này thì mới phát-huy được uy-lực trọn-vẹn.

   Ngọc-Kiều kính cẩn:

   - Em xin ghi nhớ.

   - Thế Làng Gióng Mây Bay là do câu chuyện Phù-Đổng Thiên-Vương. Từ một đứa bé con, cậu vươn vai đứng dậy nhờ cơm gạo của người dân. Ngựa và kiếm sắt là của vua ban. Lúc đuổi giặc, kiếm bị gẫy. Cậu nhổ bụi tre làm khí-giới. Tre tượng-trưng cho văn-hóa dân-tộc. Thế võ này chỉ ảo-diệu khi biết phối-hợp giữa Chính Kinh, khối óc và chân tay. Cậu bé thắng địch là nhờ sự phối-hợp của giới cai-trị, nhân-dân và văn-hóa truyền-thống.

   Vĩnh ngừng lời. Chàng bảo Ngọc-Kiều:

   - Trời muộn rồi. Thôi để hôm khác anh tiếp-tục.

   Ngọc-Kiều như bị mê-hoặc. Nàng năn-nỉ:

   - Chưa muộn đâu. Em muốn nghe nữa. Anh luận thêm về Văn-Hóa Truyền-Thống đi.

   Vĩnh thiết-tha:

   - Trong một nước, người dân là chủ-yếu. Truyền-thống là những gì tốt đẹp người dân cưu-mang từ đời này sang đời khác. Tách rời Văn-Hóa Truyền-Thống là xa rời lòng người. Dòng-dõi nhà Nguyễn sợ ảnh-hưởng của vua Quang-Trung nên mang luật-lệ, phong-tục ngoại-bang áp-đặt trên muôn dân. Thậm chí buộc cả người đàn bà bỏ váy mặc quần như người Mãn-Thanh. Hừ, tổ-tiên nhà Nguyễn vất-vả mở rộng cõi bờ, công-nghiệp to lớn biết bao nhiêu sao con cháu lại thiếu sáng suốt như thế?

   Giới quan-lại chẳng hơn gì. Lúc nào cũng nghĩ nho giáo là nhất, không biết cái tinh-túy của dân-tộc Việt. Hừ, tại sao người phụ-nữ phải theo tam-tòng của nho giáo?

   Người phụ-nữ Việt ra ngoài góp phần thua gì người đàn ông, sách Tầu còn ghi. Hàng ngàn năm qua, vai-trò của người phụ-nữ trong gia-đình, ngoài xã-hội khác hẳn với quan-niệm của mấy người khoa-bảng nghĩ. Vô số phụ-nữ Việt đã đứng lên tranh-đấu cho giống nòi: Bà Lạc-Tướng Trương-Quán, Đông-Cung Tướng-Quân Hoàng Thiệu Hoa, Nữ Tướng Phùng Thị Chính, Lê-Chân, Cao-Nhự, Đoan-Trang Công-Chúa…Đâu có phải chỉ có các bà Trưng, Triệu. Phụ-nữ Việt không bị buộc vải bó chân, giữ ở trong nhà để chiều theo cái ích-kỷ của nam giới.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Nếu anh làm vua…

   Vĩnh mỉm cười:

   - Anh không nuôi mộng đế-vương, chỉ mong sau này thanh-bình làm một gã lang-thang chia sẻ vui buồn cùng thiên-hạ.

   Chàng hạ thấp giọng hỏi:

   - Ngọc-Kiều, em có ngạc-nhiên không?

   Ngọc-Kiều tình-tứ:

   - Không. Em chỉ ước-mơ là cô gái chăn trâu học theo chàng lãng-tử.

 

                                                    *       *

                                                        *

 

   Nhà sư từ xa tiến lại. Tay ông chống chiếc gậy sắt. Bộ áo nâu khoác trên người đã bạc mầu. Trên khuôn mặt khắc-khổ chỉ còn cặp mắt tinh-anh.

   Vĩnh đứng dậy:

   - Xin kính chào chưởng môn.

   Nhà sư trầm-trầm:

   - Chào em. Gọi nhau là anh em tốt hơn. Hơn một năm chúng ta mới lại gặp nhau. Ta tìm em từ nhiều tháng nay.

   Vĩnh giấu sự lạnh-nhạt:

   - Thưa anh Cả, có chuyện gì cần không?

   Giọng nhà sư buồn rầu:

   - Anh muốn biết lý-do em bỏ đi.

   - Em đã kính thưa anh, em có việc quan-trọng phải giải-quyết.

   Nhà sư lau mồ hôi mệt-nhọc. Ông chậm rãi nói:

   - Anh hiểu rồi.

   - Thưa anh Cả, anh vẫn bình-thường chứ?

   Nhà sư lắc đầu:

   - Tình-trạng nghiêm-trọng. Vì nghĩa lớn, anh tới để yêu-cầu em.

   Vĩnh khẳng-khái:

   - Nếu liên-quan tới nghĩa lớn, em không chối-từ.

   Nhà sư tha-thiết:

   - Em phải trở về trước khi nghĩa-quân tan-rã. Anh biết em đang điều-tra cái chết của Ngọc-Đại. Em hồ-nghi anh mà chưa có bằng chứng phải không?

   Vĩnh nhìn Đại-Minh. Nhà sư đau-đớn nói tiếp:

   - Cả tháng nay anh điều-tra mà vô-vọng. Anh không bao giờ chứng-minh được mình vô-tội nữa.

   Vĩnh chậm rãi nói:

   - Người ta nghi-ngờ anh nhưng không ai có quyền kết-án anh cả cho tới khi mọi chuyện rõ-ràng.

   Đại-Minh trả lời:

   - Lý-lẽ là thế, thực-tế thì khác. Em đi không từ-biệt anh chị em. Ta bị nghi-ngờ đã giết em.

   Nhà sư cười cay-đắng:

   - A ha! Ta giết Lệ-Nhu! Ta giết Ngọc-Đại! Ta giết Xuân-Vĩnh! Toàn tội to lớn cả. Một buổi tối, giữa lúc mấy chục anh chị em họp mặt. Cai Kim đứng dậy nói: chủ-tướng, tôi phải đi kiếm Xuân-Vĩnh! Anh ấy không khéo chết rồi. Cai Kim là người ngay thẳng, nghĩ gì nói đấy. Cây bút chì của hắn nhiều lần nhuộm máu quân Pháp. Bút chì là loại vũ-khí tấn-công từ xa cho nên lợi-hại vô cùng. Không ai muốn Cai Kim đi. Chúng ta có thể rèn trăm thanh sắt cứng nhưng chúng ta không có người nào xử-dụng được một thanh sắt như Cai Kim. Ta vô-tình nhấn mạnh tới lời thề sống chết thì Cai Kim tức giận trả lời: tôi tới đây vì người họ Trần. Tôi thề chết sống và trung-thành với anh ấy. Chỉ có Xuân-Vĩnh mới có quyền với tôi. Ai nói tôi lỗi đạo hãy đứng lên mà xử Kim này! Ta không chết vì giặc Pháp mà chết vì anh chị em mình sao?.

   Anh em họ Lê, ba người cùng đứng dậy nói:”Cai Kim, chúng tôi theo anh”.

   Sự ra đi của bốn người làm nghĩa-quân xuống tinh-thần. Cứ một vài tháng lại có một, hai người lấy cớ bỏ ta. Những người còn lại viết tên em vào thẻ tre đặt trên bàn thờ của Minh Nghĩa Đường. May nhờ Cai Cơ trung-thành nên đa-số còn ở lại.

 

   Một hôm thơ-thẩn trong rừng, ta nghe vợ chồng Cai Cơ tranh-luận dưới suối. Người chồng giải-thích: chủ-tướng thận-trọng, anh-hùng, nguyên-tắc. Xuân-Vĩnh đa-tài, hào-hiệp, tận-tụy với mọi người. Anh chị em hướng về Xuân-Vĩnh vì họ yêu chú ấy, xa dần chủ-tướng vì ông luôn luôn mang luật ra bó-buộc mọi người. Người vợ nói: liệu chủ-tướng giết chú Xuân-Vĩnh không? Nếu quả thật ông ấy giết Ngọc-Đại, Lệ-Nhu thì ông ấy dám giết người anh em của chúng ta lắm. Cai Cơ quả-quyết: không đúng, sao em dám nói nhừng lời xúc-phạm như vậy?. Người vợ nổi nóng: anh là quân-sư cho ông Đại-Minh nên phải bênh-vực chủ-tướng; anh quên khi anh bị thương, tôi không cõng nổi anh, chỉ một mình chú Xuân-Vĩnh quay lại liều-lĩnh tấn-công giặc từ phía sau. Tụi giặc đổi hướng. Chú ấy may mà thoát về được. Không có Xuân-Vĩnh, bây giờ còn vợ chồng Cai Cơ không? Anh ở lại. Tôi đi kiếm chú ấy một mình.

   Người đàn bà ngồi xuống ôm mặt nức-nở: đêm qua, tôi nằm mơ thấy chú ấy bị thương vì có kẻ đánh lén. Chú ấy bảo chị ơi em không về nữa đâu ! Anh Cơ, tôi…tôi sợ chú ấy không còn nữa.

   Tối đó Cai Cơ gặp ta. Ông ấy bảo cha ở nhà ốm nặng nên xin về săn-sóc một thời-gian. Ta giữ mãi không được nên phải nói: ông đi, nghĩa-quân sẽ tan-rã. Tôi nghe được lời nói của vợ chồng ông. Để tôi tìm Xuân-Vĩnh. Nếu trong sáu tháng mà Xuân-Vĩnh không về, lúc đó ông hãy bỏ tôi.

   Nhà sư mỉm cười:

   - Không ngờ em tài-giỏi đến vậy. Người ta chỉ vui khi em vui, chỉ muốn tranh-đấu khi họ gần em.

   Đại-Minh đưa tay lên cổ lần vào trong áo. Ông lấy ra sợi dây có bức tượng ngọc-thạch hình con rồng. Bằng một giọng thiết-tha, ông nói:

   - Ngày hôm nay, môn phái chúng ta có chưởng môn mới. Xuân-Vĩnh, em quỳ xuống!

   Vĩnh lo-lắng:

   - Anh Đại-Minh…anh Cả…anh làm gì vậy?

   Đại-Minh cười:

   - Ta biết em sợ-hãi phải làm chưởng môn nhưng việc này hợp với Nghĩa Lớn, tốt cho môn-phái. Thầy và ta đều nhầm. Sự mực-thước của người trưởng môn chưa đủ làm cho môn-phái vẻ-vang.

   Mặt ông nghiêm-nghị:

   - Trách-nhiệm chưởng môn đời thứ bẩy của phái Hưng-Việt ta trao cho em.

   Sau nghi-lễ đơn-giản, ông đeo tượng ngọc cho Vĩnh rồi vái lạy vị chưởng môn mới.

   - Thưa chưởng môn, tôi có việc thỉnh-cầu.

   - Thưa anh Cả, xin anh cứ nói.

   Đại-Minh đứng lên thành-khẩn:

   - Em đang điều-tra vụ án Ngọc-Đại. Để ta kể thêm chi-tiết. May ra nhờ em mà việc sáng tỏ.

   Ông mơ-màng trở về quá-khứ:

   - Câu chuyện dài dòng lắm. Ta yêu Lệ-Nhu mà không biết yêu nàng từ lúc nào. Khi nghe ta ngỏ ý, nàng bảo tại sao ta không nói từ trước. Lúc đó, ta không biết nàng đã nhận lời Ngọc-Đại. Hình như em ba nghe được câu này. Sau đám cưới hai người, em đi ngao-du. Ta chỉ có cô-đơn. Ngọc-Đại yêu vợ lắm. Lệ-Nhu luôn luôn không vui. Một đêm nàng thơ-thẩn ra ngoài gặp ta ngồi ngắm trăng. Chỉ thế thôi. Ai ngờ Ngọc-Đại nghĩ rằng ta tư-tình với Lệ-Nhu… Mấy hôm sau, Ngọc-Đại tìm ta nói đi kiếm em và nhờ ta săn-sóc … Lệ-Nhu. Ngay sau khi Ngọc-Đại đi, ta cảm thấy không tiện ở nhà nên đi kiếm Ngọc-Đại giải-thích.

 

   Trên đường qua chợ, đang lúc không biết em ba đi đâu thì gặp hai người trung niên vào quán. Nhìn dáng-điệu, ta biết một người võ-nghệ rất cao thâm… Gà lớn tuổi hỏi gã trẻ tuổi làm sao biết được “nó” đi về hướng nào? Gã trẻ tuổi trả lời nó chạy tới nơi nào thì Tôn Cầu này vẫn kiếm ra; lần thứ nhất biết em say rượu nó rủ đánh bạc, em bị lừa nhẵn túi; lần thứ hai nó giả làm người hầu trong quán gõ cửa, em vừa ló đầu ra nó đã hắt một mâm tro vào mặt! Con mẹ nó, tức chết đi thôi…

 

   Ta buồn cười nhìn sang. Gã đứng dậy định gây sự nhưng người lớn tuổi hơn kéo gã ngồi xuống nói nhỏ những gì ta không nghe rõ. Ta loáng-thoáng nghe những chữ Đại-An, hồng ngọc, Giáng-Vân, Bá Hạc. Đại-An là làng của Lệ-Nhu. Gia-đình nàng bị giết vì một viên ngọc. Giáng-Vân là tên một giòng sông. Bá-Hạc là gì thì ta không biết, có lẽ là tên người.

 

   Ta bí-mật dò-xét chúng. Tới ngày thứ ba ta mới biết Ngọc-Đại đang theo dõi hai tên này. Ở làng Vụ-Hồi thì tên nhiều tuổi phát-hiện ra ta. Buổi sáng sớm hôm sau khi ta thức-dậy chúng đã bỏ đi…Tình-cờ ta gặp Ngọc-Đại trên đồi. Em ba mỉa-mai ta sao không ở nhà. Ta giận lắm. Ngọc-Đại còn trách ta lộ-diện làm kẻ thù giết gia-đình Lệ-Nhu trốn được. Lời qua tiếng lại, Ngọc-Đại điên-cuồng vứt gươm xuống đất thách ta giết người bịt miệng. Chuyện không muốn xẩy ra đã đến. Ta cho Ngọc-Đại cầm kiếm đánh với ta. Võ của em ba do ta dậy nên dù Ngọc-Đại có giỏi vẫn không hơn ta được. Đấu được ba chục chiêu, ta đánh bạt gươm của em ba ra khỏi tay… Ta đau-đớn vì tình anh em sứt-mẻ nên bỏ đi không nói một lời nào cả. Ngày hôm sau ta quay lại, trên chỗ đánh nhau hôm trước có thanh kiếm gẫy. Nhìn kỹ có cả dấu máu khô. Ta lo-lắng lùng khắp cả đồi vẫn không thấy Ngọc-Đại. Trong lúc ngồi dưới bụi cây thì có tiếng chân người đi tới. Một tên nói chúng ta phải rửa mối thù trên sông Giáng-Vân; chúng ta chưa biết kẻ thù là ai, thỉnh-thoảng hãy giết một người qua sông là hắn trở lại. Tên thứ hai phụ-họa: hay lắm chúng ta làm thế đi. Tên giọng ồ ồ hỏi liệu thằng nhãi điên hôm qua giết chú Xồi không? Người lớn tuổi trả lời không phải. Gã trẻ tuổi ác độc nói để em kiếm con vợ nó giết luôn cho sạch hậu-họa. Gã lớn tuổi ừ hử…

   Chúng nó nói nhỏ với nhau trước khi bỏ đi. Ta muốn nhẩy ra đánh nhau với chúng nhưng không dám chắc Ngọc-Đại bị chúng giết. Vả lại, ta không phải là đối-thủ của hai người. Ta phải dùng mưu diệt-trừ từng đứa một.

   Ta đi khắp đồi một lần nữa vẫn không thấy xác Ngọc-Đại. Có thể em ba dàn cảnh để thử ta không? Lòng ta như lửa đốt. Đột nhiên ta sợ hãi vô cùng, biết đâu bây giờ hai tên đang kiếm Lệ-Nhu. Ta vội-vã trở về báo cho nàng tin dữ. Việc hai tên định kiếm nàng thì ta không nói sợ làm nàng lo sợ. Lệ-Nhu bình-tĩnh. Nàng chỉ nói gọn “cám ơn anh cả”.

   Đêm đêm nàng mặc áo tang ngồi trước hai mảnh gươm gẫy đặt trên bàn thờ. Mắt nàng trừng trừng như kẻ mất hồn. Không khí sầu thảm vô cùng.

   Để bảo-vệ nàng, ta thường quanh-quẩn phía ngoài. Một lần Lệ-Nhu nói vọng ra lúc ta tình-cờ đi ngang qua cửa sổ: “Cám ơn anh cả canh giữ. Em muốn đi lúc nào anh không ngăn-cản được đâu”.

   Trời ơi! Nàng tưởng ta có ý ám-muội. Ta lắp-bắp không thành tiếng : “Lệ … Nhu”. Nàng chặn lời ta: “Chồng em mới chết. Xin anh đừng nói gì cả. Chuyện gì để lúc ban ngày”.

   Ta đợi nàng suốt cả buổi sáng. Gần đến trưa ta gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Ta đẩy cửa bước vào thì nàng đang thoi-thóp. Lưỡi dao cắm sâu trên ngực. Nàng yếu-ớt lên tiếng: “Anh!”.

   Ta tưởng nàng nhận ra ta nhưng không phải. Nàng đang mê-man. Từ lúc đó cho đến khi nàng chết, Lệ-Nhu gọi tên em.

 

(Muốn coi tiếp, bấm số 4)

 

Nguyễn Xuân Thiên Tường

                                                                    

                                                                                    1   2    4