"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Quẩy Gánh Non Sông (4)

(tiếp theo)

(Cô gái chăn trâu)

                                                                                                      

   Trăng đã lên. Ánh vàng chan-hòa tỏa xuống đồi. Dưới sông vài con cá lớn nhẩy lên giỡn sóng. Nhìn khuôn mặt thẫn-thờ của Ngọc-Kiều, Vĩnh an-ủi:

-Bây giờ em là chưởng môn. Em không những phải trở thành bậc tôn-sư của võ-thuật mà còn phải làm rạng danh cho môn phái nữa.

Ngọc-Kiều đau-đớn:

- Em làm chưởng môn theo ý anh. Hà, điều thứ nhất là làm chưởng môn. Điều thứ hai là…đừng để võ-đạo của môn phái thất-truyền. Em phải sống để làm những điều đó. Khi em hứa với anh ba điều, em không ngờ khó-khăn tới bậc này. Em tưởng chúng ta luôn sát-cánh bên nhau. Anh vui thì em vui. Anh buồn thì em buồn. Anh chết thì em chết. Anh hiểu như thế không?

   Vĩnh thở dài:

   - Anh hiểu.

   Ngọc-Kiều u-uất:

   - Bao giờ anh đi?

   - Đêm nay.

   Nàng sững-sờ:

   - Sao vội thế anh?

   Vĩnh xót-xa. Mai đây đời của Ngọc-Kiều là nỗi buồn triền-miên. Chàng nói:

   - Anh không biết làm gì hơn. Hàng ngàn năm nay đã có bao nhiêu người mẹ đợi con, người vợ mong chồng, người em ngóng anh. Đời họ buồn-thảm nhưng họ vẫn phải sống cho gia-đình, xóm làng, dân-tộc. Em còn phải sống cho môn phái nữa. Lúc nào nhớ tới anh, hãy luyện Việt-Đạo Tâm-Pháp. Trong Chính Kinh có những bài võ như “Trời Cao Chí Tôn”, “Vai Mang Nghĩa Lớn”, “Biết, Làm Một Mối” … Chúng ta tin có Trời, có đời sống khác nối dài với đời sống hiện-tại. Cuộc đời hôm nay buồn nhưng ngày sau sẽ vui. Chúng ta lấy Nghĩa Lớn làm trọng. Chúng ta không những phải “biết” mà còn phải “làm”.

   Hà-Thành thất-thủ, tổng-đốc Hoàng-Diệu nhận trách-nhiệm của mình. Ông tuẫn-tiết. Các án-sát, đề-đốc chạy dài. Hoàng tổng-đốc bắt đầu sống trong lòng muôn người ngay khi ông chết.

   Ngọc-Kiều rung mình. Nàng nức-nở khóc. Gió từ dưới sông thổi lên tung muôn ngàn lá. Xuân-Vĩnh ngạo-nghễ như một ông tướng giữa đồi cây.

   Ngọc-Kiều nghẹn-ngào:

   - Anh! Em yếu-đuối quá phải không?

   Vĩnh đầy tin-tưởng:

   - Khi anh đi, em sẽ không còn yếu-đuối. Em là đứa con yêu của người cha anh-hùng, là con hiếu của một người mẹ trinh-liệt, là người em tri-kỷ mà anh hãnh-diện.

   Ngọc-Kiều khuyên:

   - Việc cướp súng, diệt giặc đã có người khác. Anh nên bảo-trọng để lãnh-đạo anh chị em.

   Vĩnh mỉm cười:

   - Mạng sống của ai cũng quý cả, đâu phải chỉ của anh. Dù thân anh có đổ, máu anh có chẩy; Tổ-Quốc vẫn còn những người khác đứng lên thay thế.

   Nếu mỗi ngọn đồi, mỗi con sông, mỗi ruộng lúa cần có máu người Việt đổ xuống để cứu lấy Quê-Hương, Dân-Tộc ta vẫn phải làm.

   Ngọc-Kiều nén xúc-động:

   - Em kính-phục anh. Chỉ lúc khó-khăn người ta mới thấy khí-độ của kẻ anh-hùng.

   Vĩnh an-ủi:

   - Đâu phải ai đi chống giặc đều chết nơi chiến-trường. Các anh Đại-Minh, Cai Cơ, Cai Kim…đều còn sống tới bây giờ.

 

   Hai người im-lặng…Có tiếng chim trong đêm trăng vọng lại. Dưới kia sóng nước xô nhau tan ngàn ánh bạc và trên cao bầu trời quang-đãng không một áng mây.

   Vĩnh nói:

   - Bẩy ngày nữa, anh Đại-Minh trở lại đây. Em chuyển lời cho anh Cả rằng anh đã tìm ra hung-thủ giết chết Ngọc-Đại.

   Ngọc-Kiều khẽ hỏi:

   - Làm sao anh tìm ra?

   - Anh Cả đã đi tìm kiếm khắp đồi mà không thấy xác. Anh đoán xác em ba bị vứt xuống nước. Anh tìm được hài cốt Ngọc-Đại dạt vào gần bờ chỗ vòm sông. Ám-khí của tên Mai-Hạ còn cắm trên xương vai. Vết gươm chém là của tên Tôn-Cầu. Con chim Việt bằng bạc anh tặng còn đeo trên cổ. Không thể nhầm được.

   Ngọc-Kiều thở dài:

   - Tội-nghiệp anh Đại-Minh. Anh ấy bị oan-ức nhiều năm. May mà anh là người thận-trọng, sáng-suốt nếu không anh ấy ôm hận suốt đời.

   Vĩnh nói:

   - Kẻ thù đều đã chết. Tên Tôn-Cầu không ngờ hèn mạt đến vậy.

   Ngọc-Kiều tiếp lời:

   - Nó đánh lén em. Việt Nữ Kinh lợi-hại thật!

   Vĩnh kể:

   - Anh Cả đoán tiền của lão Bá-Hạc là do nghĩa-quân trao cho để kinh-tài. Khi bố em và sáu người bạn bị chết, hắn muốn nuốt cả. Sau lúc em giết tên Tôn-Cầu, anh cả đặt xác hắn trên giường lão Bá-Hạc. Hắn sợ lắm. Anh Đại-Minh tới lạc-quyên cho Nghĩa Lớn, hắn hiểu ngay. Em hãy yêu-cầu anh cả xây một ngôi chùa, chiêu-mộ người tâm-phúc, giúp dân hai làng Thượng-Hà, Sơn-Việt dựng nốt cây cầu. Nếu được nhiều người từ phương bắc xuống hay người từ miền xuôi tấp-nập lên buôn-bán thì chúng ta mới giải-quyết được việc tiếp-vận. Sau khi tụ-họp nghĩa-quân, chắc anh phải đi nhiều nơi liên-kết anh chị em. Chúng ta không thể dồn hết lực-lượng về một chỗ được. Khí-giới của giặc tối-tân quá.

   Ngọc-Kiều thấy chàng định nói điều gì, nàng giục:

   - Anh muốn dặn em gì nữa không?

   - Làng Thượng-Hà có họ Đoàn là người tuấn-kiệt, văn hay, võ giỏi. Nếu kết-giao, em có thể cậy nhờ…việc lớn được đấy.

   Ngọc-Kiều lạnh-lùng gặng hỏi:

   - Đây là điều thứ ba anh muốn em làm phải không?

   Vĩnh lắc đầu;

   - Không, anh chỉ góp ý.

   Ngọc-Kiều dịu nét mặt, nàng bảo:

   - Anh đi bất ngờ quá, em không kịp chuẩn-bị gì cả. Em đưa anh bằng một đường võ mới học vậy.

   Nói vừa dứt, thân nàng đã chuyển-động như mũi tên. Tay chân nàng linh-hoạt vô-cùng. Những thế đầu ở trong bài Quẩy Gánh Non Sông, tiếp theo là bài Mê-Linh Phẫn-Nộ và sau chót là bài Lên Núi Trông Chồng… Khi xong, nàng đứng im-lìm như tượng đá. Bài võ kỳ-diệu ở chỗ liên-tục, biến-ảo và diễn-tả được tâm-sự của nàng… Mái tóc mây bị nàng cắt đứt còn bay trong gió thành những sợi tơ trăng…

   Nước mắt chẩy xuống trên khuôn mặt kiều-diễm, nàng chỉ mấp-máy môi nhưng Xuân-Vĩnh nghe rất rõ-ràng:

   - Anh lên đường bình-an.

 

                                                             *       *

                                                                 *

 

   Ba người đàn ông sánh vai. Những giải sương mù còn giăng trước mặt. Người họ Nguyễn nhiều tuổi hỏi Vĩnh:

   - Cai Kim, Đội Cảnh sẽ đi sau. Cả Nễ đi từ mấy hôm trước. Chúng ta ghé qua làng Bạch-Hạc tìm Huấn Song Đao không?

   Vĩnh trả lời:

   - Chú Nghĩa báo tin đủ rồi!

   Người họ Nguyễn bước chậm lại. Gã nói đủ cho hai người đồng-hành nghe:

   - Anh Vĩnh, chú Tôn coi chừng phục-kích.

   Vĩnh nhìn kỹ. Phía trước một người dựa gốc cây đang ngủ, chiếc nón che kín mặt. Chàng bảo:

   - Cẩn-thận vẫn hơn. Nên đi cách xa nhau. Để tôi đi trước.

   Người họ Nguyễn trẻ tuổi cầm trong tay lưỡi dao nhỏ rảo bước. Gã hiên-ngang nói:

   - Không được. Anh em chúng tôi đi trước. Gặp lại anh trên đồi.

   Khi Vĩnh nhìn thấy mầu áo của kẻ đang nằm, chàng nhận ra ngay Đại-Minh. Chàng tiến lại chào. Nhà sư từ-từ ngồi dậy mỉm cười:

   - Ta đợi em đã lâu.

   - Kính thưa anh, có chuyện gì không? Ngọc-Kiều đâu?

   Đại-Minh không trả lời. Ông ngước nhìn lên một cành cây cao gần đó. Vĩnh trông theo. Ngọc-Kiều hai chân đong-đưa, mặt tươi cười, giơ tay vẫy chàng.

   Nàng nhẩy xuống nhẹ-nhàng, đến trước mặt Vĩnh:

   - Thưa anh, em đây.

   Vĩnh chưa kịp nói thì nàng nhìn Đại-Minh rồi nhắc:

   - Anh không ra mắt vị chưởng-môn mới của chúng ta sao?

   Đại-Minh cười hiền-hòa:

   - Ta chỉ hửa tạm nhận chức trưởng môn cho em một thời-gian. Mai mốt thanh-bình ta trả lại.

   Ngọc-Kiều lắc-đầu:

   - Anh Cả nhận luôn giùm em. Cái đó…cái đó…làm em nhức đầu quá.

   Đại-Minh nói với Vĩnh:

   - Ngọc-Kiều nói em đi kiếm Cai Kim nên ta mới biết em sẽ quay lại đường này. Mọi chuyện ra sao?

   Vĩnh cung kính trả lời:

   - Thưa anh đều tốt đẹp. Chúng ta kết-nạp thêm một số người mới.

   Nhà sư hỏi Vĩnh:

   - Làm sao em rủ được anh em họ Nguyễn?

   Ngọc-Kiều nhanh-nhẩu đoán:

   - Dùng Nghĩa Lớn.

   Người anh cả nghĩ đến những gì xẩy ra. Ông cảm-khái:

   - Nghĩa Lớn không chưa đủ. Còn phải làm sao cho người ta yêu mến, kính-phục mình. Mấy ngày đợi em, ta nghiền-ngẫm Việt-Đạo Tâm-Pháp. Không ngờ em không những hiểu được cái đạo của Tổ-Tiên mà còn uyên-thâm nhiều thứ võ khí đặc-thù của Dân-Tộc. Ừ, các bài võ như Cờ Lau Nuôi Mộng, Lời Thề Lũng-Nhai, Sông Bạch Anh-Dũng, Diên-Hồng Chính-Khí làm động tâm ta không ít. Hay, hay lắm, hay vô cùng!

   Ông giục hai người:

   - Các em đi kẻo người ta đợi.

   Xuân-Vĩnh và Ngọc-Kiều kính-cẩn chào ông:

   - Mong anh Cả bảo-trọng.

   Đi được một quãng xa, Ngọc-Kiều chậm lại bảo Xuân-Vĩnh:

   - Em còn nợ một lời hứa. Món nợ này làm em không yên-tâm. Hai lời hứa trước…khổ-sở quá!

   Xuân-Vĩnh dừng chân. Chàng nhìn vào mắt người con gái:

   - Lời yêu-cầu thứ ba là…

   Ngọc-Kiều hồi-hộp chờ đợi. Xuân-Vĩnh thân-mật tiếp:

   - Đường còn xa lắm, để anh mang hành-trang giúp em được không?

   Ngọc-Kiều sung-sướng. Nàng choàng cái tay nải của mình lên vai chàng.

   - Em mơ câu nói này từ lâu. Sao bây giờ anh mới hỏi?

 

                                                     *       *

                                                         *

 

   Bốn người đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống. Bình-minh trên cao thật đẹp. Xóm làng rõ dần qua làn sương mỏng. Người họ Nguyễn nhiều tuổi tư-lự:

   - Ước gì đất nước sớm thanh-bình.

   Lời nói phảng-phất một tiếng than. Lòng của người chọc trời, khuấy nước chợt mềm đi vì chân mây dưới kia từ nay có lắm kẻ đợi chờ.

   Gã trẻ tuổi quay sang hỏi người con gái:

   - Cô ước muốn gì không?

   Ngọc-Kiều chỉ tay về phía mặt trời hồng khẳng-khái:

   - Có Trời Đất làm chứng, em chỉ khao-khát cùng anh Xuân-Vĩnh và các anh dấn-thân cho Nghĩa Lớn, đuổi lù bạo-cuồng ra khỏi Quê-Hương. Ngoài ra em không mong-mỏi gì khác.

   Anh em họ Nguyễn nhìn nhau kinh-ngạc. Người con gái chăn trâu hiên-ngang, xinh đẹp lạ thường. Hào-khí bốc lên cao, họ đồng-thanh nói:

   - Hay lắm! Chúng ta lên đường.  

 

Nguyễn Xuân Thiên Tường

 

                                                                     (hết chương Cô Gái Chăn Trâu)                                 

                                                                    

                                                                                      2   3   4