"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Lời Ba Dậy

    Khi tôi về nhà thì gặp cha tôi đang ngồi tâm-tình với chú Tư. Thấy tôi có vẻ buồn, chú ân-cần hỏi:
   - Có việc gì đấy con?
   Tôi gượng mỉm cười:
   - Thưa chú, chuyện cũ lại xẩy ra.
   Tôi hình-dung vẻ mặt nhăn-nhó của bà hiệu-trưởng trường tôi. Bà vặn-vẹo làm khó dễ tôi. Bà mạ-lỵ tôi trước mặt các giáo-viên. Hình như bà ngại ảnh-hưởng của tôi với các nhân-viên.
   Chú Tư bực mình:
   - Đã tới lúc phải phản-ứng, không thể để những hành-vi thiếu giáo-dục như thế tiếp-diễn được.
   Tôi biết chú Tư thương cháu nên ông bênh-đỡ tôi. Tôi quay sang hỏi ba:
   - Thưa ba, ba nghĩ sao?
   Cha tôi hiền từ nói:
   - Nếu là ba, ba không phản-ứng mạnh. Hàng ngày ba tiếp-tục tận-tình giúp-đỡ đồng-nghiệp mà không chỉ-trích bà hiệu-trưởng. Ba chăm sóc các em nhỏ chu-đáo. Ba tìm cơ-hội thay đổi bả. Ba cố-gắng mang yêu thương tới mọi người.
   Tôi im-lặng nhìn ba, ông nói tiếp:
   - Con đang làm việc giáo-dục. Giáo-dục là thay đổi người khác chứ đâu phải chỉ thay đổi học trò mà thôi.
   Chú Tư không đồng ý:
   - Khi tính xấu và sự ngu-dốt trở thành tập-quán thì không làm gì được đâu anh.
   Ba cương-quyết:
   - Không thay đổi được cũng vẫn phải làm. Không thành-công cũng thành Người chú ạ. 

   Thời-gian qua đi, nhờ lời ba dậy tôi được mọi người thương mến. Rồi tiếng tốt đồn ra, tôi có rất nhiều cơ-hội thăng-tiến trong nghề-nghiệp.  

Lời ba tuy đơn-giản nhưng là bài học to lớn nhất mà tôi được học. Chú Tư nhiều lần nhắc lại với tôi:

- Ba với chú cùng là nhà giáo mà những điều ba dậy con  nó cao xa đến nỗi chú đã không nghĩ tới được, không nhìn thấy được.

 

Nguyễn Thị Hương Văn