"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Những Ngả Đường

   Điếu thuốc rê đã gần hết, chỉ còn hơn nửa đốt ngón tay.  Ông Đạo cẩn-thận nhón lấy và đưa lên miệng.  Ông hút một hơi dài.  Đốm lửa ngầm ở đầu điếu thuốc, theo làn hơi, hừng đỏ và ngún cháy phần còn lại một cách nhanh-chóng.  Ông bỏ mẩu thuốc vào cái gạt tàn, khẽ nhấp một chút trà, rồi quay nhìn vợ.  Dường như ông cảm thấy hơi đăng-đắng ở cuống họng.  Lòng ông tê-tái.  Có lẽ nào sau bao năm chung sống, cùng chia-sẻ ngọt-bùi, đắng-cay mà mai này hai vợ chồng lại đem nhau ra tòa xin ly-dị?

   Vợ chồng ông Đạo qua Mỹ đã gần tám năm.  Đây là khoảng thời-gian mà ông bà cảm thấy dài nhất trong đời mình.  Người ta thường nói có phúc mới đông con, nhiều cháu.  Ông bà được sáu người con: Một trai, năm gái, và đều đã lập gia-đình.  Cô con gái nào cũng sinh cho ông bà năm ba đứa cháu ngoại.  Riêng người con trai vì đi lính, lập gia-đình muộn, nên mới được hai.  Tuy đông con, nhiều cháu như thế mà hai ông bà lại sống thật cô-đơn vào những năm cuối cùng của kiếp người.  Con cháu ông bà còn ở lại Việt-Nam.  Người con trai mất-tích sau ngày giải-phóng.  Ông bà đem thằng cháu đích-tôn đi vượt biển, hy-vọng nó sẽ có phương-tiện ăn học nên người hầu nối dõi tông-đường sau này.  Thật không may, thằng nhỏ mất khi thuyền vừa đến Thái-Lan.  Ông bà rất ân-hận về việc làm của mình.  Mặc-cảm bất-hiếu với dòng-họ mỗi ngày mỗi lớn.  Ông bà hằng cầu-nguyện Đất Trời phù-hộ cho người con trai còn sống.  Có thế, ông bà mới còn chút mặt mũi nhìn lại tổ-tiên sau này.

   Tuổi trẻ của ông Đạo giống như ngọn lửa ngầm ở đầu điếu thuốc mà ông hút khi nãy.  Nó đã nhiều lần rực-rỡ cháy đỏ trong thời-gian ông đi làm cách-mạng, và lụi tàn khi ông nhận chân ra lý-tưởng vì dân, vì nước mà ông hằng tranh-đấu chỉ làm lợi cho một số người.  Ông giã-từ cuộc đời cách-mạng và về làm một ông giáo ở một làng quê hẻo-lánh bên bờ biển Thái-Bình.

   - Này ông...
   Bà Đạo khẽ gọi chồng:
   - Tháng sau người ta bắt đầu tăng tiền nhà rồi đó.
   - Thì cũng phải ráng mà trả chứ biết sao.
   - Tôi lo quá.  Nhờ ông Tâm đi mướn chỗ khác mà giờ này vẫn chưa có tin gì.  Hay là ông ấy không muốn giúp mình nữa?
   - Ấy chớ...
   Ông Đạo vội ngắt lời vợ:
  - Ông Tâm là người tốt.  Bà đừng nghĩ không đúng cho người mà có tội.  Tám năm trước, nếu không có ông ta đứng bảo-lãnh, nhận chúng ta là bố mẹ thì bây giờ không chừng bà và tôi đang còn ở Thái-Lan hay đã bị tống-khứ về Việt-Nam rồi.
   - Ông thì lúc nào cũng bênh người...
   Ông Đạo không trả lời vợ.  Ông nhìn mẩu thuốc rê đã lụn tàn rồi tiếp:
   - Ừ, mà thà là bị đuổi về Việt-Nam...May ra...
   Ông Đạo chưa kịp nhắc đến con, bà Đạo đã rơm-rớm nước mắt:
   - Còn hy-vọng gì nữa, ông.  Nếu có tin gì về thằng Hải, các chị nó đã điện cho mình rồi.
   Như những lần trước, ông Đạo thở dài và tự an-ủi mình:
   - Tôi thì nghĩ nó đang ẩn-lánh ở đâu đó.
   Giọng bà Đạo như có vẻ oán-trách:
   - Cũng tại ông khuyến-khích nó nên mới ra nông-nỗi này.  Thằng Hải hợp điều-kiện không phải đi quân-dịch chứ có gian-lận gì.  Trong khi biết bao nhiêu người chạy-chọt để khỏi đi lính hay chỉ để làm lính kiểng, mình lại tình-nguyện nhập-ngũ.  Càng nghĩ, càng giận.  Thật tình tôi không thể nào hiểu nỗi cha con nhà ông!
   - Thế sao ngày ở Nông-Cống bà không giữ tôi lại?
   - Cái chí của ông như cánh chim đại bàng.  Tôi giữ làm sao được cơ chứ?
   Ông Đạo cười lớn.  Giọng ông pha lẫn niềm kiêu-hãnh.
   - Cái chí của thằng Hải còn cao hơn cánh chim đại bàng thì tôi làm sao mà cản nó được.
   Bà Đạo không trả lời.  Bà chỉ chép miệng rồi lâm-râm khấn-vái.
   - Bà à.
   Ông Đạo lại gọi vợ:
   - Hay là bà đừng làm vườn nữa.  Tôi thấy chẳng được ích gì.  Vừa mệt, vừa tốn nước, lại chẳng được ăn.
   Bà Đạo nói như van-lơn:
   - Không được đâu, ông ơi!  Ông bắt tôi nhịn ăn, nhịn uống tôi sẵn-sàng, nhưng không thể nào nhịn làm vườn được.  Sáu, bảy năm nay nó là thú vui duy nhất của tôi.  Mỗi lần cuốc một miếng đất lên, tôi lại nhớ đến những con trâu gầy-yếu ở quê nhà.  Mỗi lần bón một gốc cây, tôi lại nhớ những lần theo bố mẹ đi cấy lúa.  Mỗi lần tưới nước lên mảnh vườn nhỏ, tôi lại có cảm-tưởng như những cơn mưa mùa hạ chợt đổ xuống cái ao nhỏ bên cổng làng.  Tôi xin ông... Ông để cho tôi tiếp-tục làm vườn.
   Bà Đạo ngưng nói để lấy hơi, đoạn tiếp:
   - Vả lại, mình cũng cần cái gì có vẻ quê-hương một tí để còn thỉnh-thoảng biếu người này, người kia.
   - Thế thì bà liệu sao có thêm năm sáu chục nữa mà trả tiền nhà.  Đèn điện thì tôi đã tắt gần hết.  Chẳng lẽ tôi với bà lại phải ly-di như lời khuyên của cô Trang đó?
   Ông ngưng lại một chút, đoạn vừa cười vừa nói:
   - Hà! Hà!  Đã ngần nầy tuổi đầu, đã con đàn cháu đống... mà không hợp nhau ở cái chỗ nào?
   Bà Đạo thở dài:
   - Thôi, ông đừng mỉa-mai nữa.  Tôi nghĩ chẳng còn cách nào hơn.  Cô Trang bảo-đảm với tôi là sẽ thành-công.  Cô sẽ làm hết mọi thủ-tục giấy tờ cho mình.  Ông và tôi chỉ việc ra tòa cho có hình-thức.  Tòa hỏi gì cô ấy sẽ tự-động trả lời.  Một khi tòa đã chấp-nhận cho mình ly-dị, cô sẽ làm đơn khiếu-nại để mình có thể xin được trợ-cấp cao hơn.
   - Rồi chẳng lẽ tôi hay bà lại phải thuê một căn nhà khác?
   Bà Đạo khẽ cười:
   - Trời ơi!  Ông qua Mỹ tám năm rồi mà vẫn chưa biết gì.  Ly-dị ở bên này đâu có nghĩa là không được quyền... sống với nhau.  Cô Trang bảo tôi và ông vẫn tiếp-tục ở đây.  Hàng tháng chúng ta cùng đóng-góp để trả tiền nhà.
   Ông Đạo lắc đầu:
   - Tôi thật lòng không muốn làm chuyện này chút nào.  Chẳng lẽ chỉ vì cần thêm ít tiền trợ-cấp mà chúng ta phải ly-dị?
   Ông Đạo im lặng như để vợ chú tâm đến lời ông sắp nói:
   -  Dù là ly-dị giả-bộ trên giấy tờ.
   - Ông lại làm quân-tử Tàu!  Ông thật chẳng biết thời-cơ là gì.   Hay là tôi nhờ cô Trang khai bệnh để ăn tiền tàn-tật.  Cô ấy bảo tướng đi của tôi không được thẳng.  Rất dễ xin được giấy chứng-nhận của bác-sĩ.
   - Thôi, bà ạ.   Mỗi ngày tôi sẽ cố-gắng bỏ bớt đi một vài điếu thuốc.  Bà chịu khó đừng làm vườn nữa.  Tôi sẽ tắt thêm một vài ngọn đèn.  Mình cần đèn mà làm gì?  Dù thêm một, hay hai ba ngọn đèn, bà và tôi cũng đâu nhìn rõ gì hơn.  Tôi sợ mấy vụ khai bệnh này lắm.  Người có bệnh đi khai đã đành.   Người không có bệnh cũng giả-vờ có bệnh để khai.  Tôi thấy ông này giả-vờ méo miệng, bà kia lúc tỉnh lúc quên mà buồn cười.  Hừ!  Bà mà có gặp cái cô Trang nào đó lần nữa, bà hỏi cô có khai bệnh tâm-hồn không?  Nếu có, tôi sẽ đến nhờ cô ấy giúp.  Hà, hà!  Bởi bệnh tâm-hồn thì tôi có.  Tâm-hồn tôi nhiều khi không được cao-thượng.  Nó tàn-tật hơn cái thân-thể của tôi!
   Bà Đạo cười:
   - Nói thì nói vậy chứ tôi biết ông chẳng bao giờ đồng-ý.  Nhưng mình cần tiền, ông ạ!  Ông không chịu cho tôi khai tàn-tật thì ngày mai ông và tôi phải ra cô Trang làm giấy ly-dị vậy.
   Ông Đạo im lặng.  Ông vấn thêm một điếu thuốc rê khác và châm lửa hút.  Ông nhìn làn khói bay và mơ-ước thân-xác ông được biến thành sương khói.  Thoát khỏi cuộc đời ô-trọc này.
   - Ông Tâm dặn mình nhiều lần rồi...
   Bà Đạo lên tiếng:
   - Ông hút thuốc trong nhà làm trần nhà quẹn vàng và có mùi.
   Ông Đạo vội dụi tắt điếu thuốc:
   - Tôi quên.  Lần sau tôi sẽ nhớ và ra ngoài hút.
   Vừa nhắc chồng xong, bà Đạo lại nói:
   - Mà kệ, ông ạ!  Cứ hút ở trong nhà thì đã sao!  Trời lạnh như thế này mà ra ngoài thì sưng phổi chết.
   Ông Đạo quay nhìn vợ.  Ông thấy lờ-mờ những sợi tóc bạc trắng của người bạn đời.  Mấy tháng gần đây ông cảm thấy trong người không được khỏe.  Linh-tính như báo cho ông biết ông không còn sống bao lâu nữa.  Ông không sợ chết nhưng không muốn ra đi trước vợ mình.  Vợ ông yếu-đuối.  Ông nỡ nào để bà một mình nơi xứ lạ quê người.  Vả lại, sau khi từ-giã cuộc đời cách-mạng, ông đã hứa với vợ là sẽ không để bà bơ-vơ một phút giây nào.  Nếu bà mất trước, chắc-chắn ông sẽ lo được ma-chay cho bà chu-đáo hơn.  Hay là cứ để vợ ông khai có tật.  Được chút tiền hai ông bà sẽ mua vé về  Việt-Nam.  Đằng nào thì cũng còn con cháu ở đó.  Ông có mệnh-hệ gì, vợ ông sẽ sống với con cháu.
   - Này bà.  Tôi nghĩ lại rồi.  Mình cao-thượng chỉ mua lấy sự thua-thiệt ở đời.  Ngày mai bà đi gặp cô Trang và nhờ cô ấy giúp-đỡ để khai bệnh.  Dù gì thì bà cũng có tật.  Còn cái vụ ly-dị kia, tôi không cảm-thấy thoải-mái chút nào.  Từ ngày gặp bà giặt áo bên bờ ao Nông-Cống, tôi đã nhủ thầm trong lòng là không gì có thể chia cách bà và tôi sau này.
   Bà Đạo giương đôi mắt nhăn-nheo nhìn chồng.  Bà không nói gì và bỏ đi vào phòng ngủ.  Bước chân bà có vẻ nặng hơn thường lệ.  Còn lại ông Đạo một mình trong phòng khách.  Ông nâng ly trà đã lạnh ngắt và khẽ nhấp một chút.  Cái cảm-giác đăng-đắng ở cuống họng lại trở về.  Ông nhìn ra ngoài đường.  Màn đêm đã dày đặc.  Ông không thấy gì ngoài một màu đen tối.

*
***

   - Bà chưa đi gặp cô Trang, à?
   Ông Đạo hỏi hai, ba lần mà vợ ông vẫn làm ngơ không trả lời.  Mãi đến lần thứ tư, hay thứ năm gì đó bà mới quay nhìn ông và nói:
   - Đi để làm gì?  Ông làm tôi quá thất-vọng!  Tôi ngỡ ông cao-thượng nên năm xưa mới trao thân, gởi phận cho ông.  Nào ngờ... đến ngày gần đất, xa trời,  tôi mới thấy rõ chân-tướng của một ngụy quân-tử.  Ông cũng chẳng hơn gì cái ông làm bộ méo miệng, hay cái bà lúc tỉnh lúc mê kia!
   Ông Đạo chưng-hửng:
   - Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là quân-tử.  Cũng chẳng bao giờ muốn trở thành một quân-tử.  Tôi chỉ là một con người tầm-thường.  Nghĩa là tâm-hồn tôi cũng tật-nguyền, cũng có những cái khao-khát rất đáng bị khinh-bỉ.  Nhưng thú thật với bà, đêm qua tôi bảo bà đi khai bệnh cũng chỉ vì cho bà mà thôi.
   - Vì tôi?  Ông nói sao mà hay thế...
   Bà Đạo gay-gắt:
   - Ông không muốn mang tiếng xấu nên đẩy qua cho tôi.  Bộ ông tưởng tôi không biết trọng danh-dự à?
   - Để tôi nói cho bà nghe...
   Ông Đạo kể lại cảm-giác của ông đêm qua khi nhìn mái tóc bạc trắng của vợ.  Rồi ông tiếp:
   - Dù sao tôi cũng có lỗi với bà.  Bà tha lỗi cho tôi.
   Bà Đạo đã nguôi giận:
   - Lỗi với phải gì...
   Bà khẽ nói:
   - Mình cũng chẳng cần số tiền đó, ông ạ.  Tôi còn vài chỉ vàng.  Đem bán cũng trang-trải tiền nhà được một vài tháng nữa.  Trong thời-gian này mình nhờ ông Tâm tìm xem có ai cho thuê phòng không.  Thuê phòng rẻ hơn thuê nhà.  Mà nhỡ đêm hôm ông có chuyện gì còn có người giúp-đỡ đưa ông đi nhà thương.
   Ông Đạo âu-yếm trách vợ:
   - Sao bà chẳng bao giờ lo cho thân bà?
   Bà Đạo như không để ý đến câu nói của chồng, bà tiếp:
   - Vả lại, mình còn có thể dành-dụm chút đỉnh để thỉnh-thoảng gởi về cho con cháu.  Tôi chỉ áy-náy với ông Tâm thôi.  Ông ấy bảo-trợ và nhận mình làm bố mẹ, đã từng giúp-đỡ mình rất nhiều, nhẽ nào mình làm phiền ông ấy mãi.
   - Nhưng nếu không nhờ ông ấy thuê nơi khác tôi nghĩ mình chẳng bao giờ có đủ tiền để mua hai cái vé máy bay về Việt-Nam.  Chẳng lẽ bà lại muốn gởi nắm xương tàn ở đây?
   - Ai nói với ông như vậy?  Mình phải về Việt-Nam chứ.  Đêm qua tôi mơ thấy thằng Hải hiện về...
   Ông Đạo gạt nhanh:
   - Bà lại vớ-vẩn.  Nó mất hồi nào mà hiện về.
   Bà Đạo nức-nở:
   - Ông để cho tôi nói mà.  Nó về với tôi đêm qua.  Người nó gầy như que củi.  Mặt mũi thì máu me như vừa bị ai đánh xong.  Nó bảo tôi bố mẹ hãy đến Lạng-Sơn mà đưa nó về.  Nó nằm ngay... 
   - Thôi, bà ơi.  Bà thương con quá nên mới mơ thấy như vậy chứ nó đang còn sống mà.  Tôi bảo-đảm với bà nó chỉ trốn quẩn-quanh đâu đó...
   Mặc chồng nói, bà Đạo vẫn tiếp-tục:
   - Tôi còn nhớ như in trong đầu.  Đi sâu vào rừng khoảng nửa cây số sẽ gặp một con suối.  Đầu con suối có ba cây cổ-thụ cao chót-vót.  Cách cây cổ-thụ thứ ba mười lăm thước, về hướng Đông có chín mươi chín hòn đá lớn nhỏ xếp thành hàng đôi.  Ông ơi, xác nó nằm bên hòn đá đơn lẻ cuối cùng đó...
   Ông Đạo dù không muốn tin lời nói của vợ cũng không được.  Bởi vì những con số vợ ông thấy trong giấc mơ đã trùng-hợp với những con số mà bố con ông ngày xưa đã nói chuyện với nhau...
   - Phải về, ông ạ.  Phải về mà bốc xác thằng Hải.  Để nó nằm cô-đơn như thế tôi thật không an lòng...
   Ông Đạo gật đầu.  Ông không còn đủ sức để nói gì nữa.

*
***

  Chào thầy Hồ Cốc xong Ông Đạo chống gậy bước từng bước vội-vàng về hướng văn-phòng của Trang.  Ông không còn nghi-ngờ gì nữa.  Thầy Hồ Cốc cũng đã nói những điều như vợ ông đã mơ thấy đêm hôm trước.
   Vừa gặp Trang, ông Đạo đã vội nói:
   - Tôi cần một số tiên khá lớn.  Cô làm ơn giúp tôi.
   - Thưa cụ, được ạ.  Nhưng xin cụ cho biết lý-lịch cùng nghề-nghiệp để cháu khai báo với nhà băng.  
   Ông Đạo chỉ vào người mình:
  - Cô coi tôi qua Mỹ ở cái tuổi này thì làm gì có nghề-nghiệp để khai.  Tôi không muốn mượn tiền nhà băng vì tôi không đủ khả-năng để hoàn trả số tiền đó.  Nhà tôi nói cô có thể giúp chúng tôi làm thủ-tục ly-dị hay khai bệnh gì đó thì sẽ được hưởng trợ-cấp cao hơn.
   - Thế ra cụ là...
   - Tôi là chồng của bà Đạo.
   - Trời ơi!
   Trang làm bộ la lên:
   - Cụ làm cháu hết hồn.  Nãy giờ cháu cứ ngỡ FBI đang gài cháu vào bẫy.  Thế cụ đã có quyết-định làm giấy tờ ly-dị hay là khai bệnh chưa?
   - Theo ý cô thì thế nào?
   - Thưa cụ, khai ly-dị thì dễ-dàng nhưng tiền trợ-cấp chẳng hơn được bao nhiêu.   Còn khai bệnh thì vất-vả, phải nhờ bác-sĩ chứng-nhận, rồi lại phải thuyết-phục nhân-viên xã-hội nữa.
   Trang dừng lại một chút, đoạn nói nhỏ như để làm tăng thêm sự quan-trọng:
   - Nhiều khi còn phải nhờ luật-sư để khiếu-nại.  Thưa cụ, vì phức-tạp như thế, nên phần thưởng cũng xứng-đáng hơn.  Theo kinh-nghiệm của cháu, nếu thành-công, cụ sẽ được ít nhất...
   Không đợi Trang nói hết câu, ông Đạo đã hỏi:
   - Làm thế nào để có thể khai bệnh?
   Trang trả lời nhanh chóng:
   - Thưa cụ, cũng dễ thôi, ạ.  Chỉ cần có thương tật trong người, hay mắc bệnh tâm-thần, hay vì  một lý-do nào đó khiến ta không thể sinh-hoạt bình-thường như những người khác.  Cháu thấy cụ bà khai thương tật có vẻ dễ-dàng hơn.  Cháu nói, cụ đừng la cháu, nhé.  Cái chân của cụ bà không được thẳng, rất dễ xin giấy chứng-nhận của bác-sĩ và thuyết-phục nhân-viên xã-hội.
   Ông Đạo nhớ lại sự giận-dữ của vợ nên nói:
   - Không.  Cho tôi.  Tôi đã quyết-định rồi.
   -- Thế cụ có thương tật gì trong người không?
   Ông Đạo lắc đầu:
   - Tôi không có thương tật gì cả.  Còn nhà tôi nhất-định không chịu khai bệnh dù bà ấy thật sự có tật bẩm-sinh.  
   - Thế thì cháu phải khai cụ mắc bệnh tâm-thần.  Cháu sẽ giới-thiệu cụ đến gặp bác-sĩ của cháu.  Ông ấy nhân-từ lắm.  Đã giúp-đỡ rất nhiều người.  Lại có uy-tín với bộ xã-hội nữa.  Cụ sẽ phải thực-tập làm người ngớ-ngẩn.  Cũng dễ thôi, cụ ạ.  Người mình có tài bắt chước nên chuyện gì mà chẳng được.
   - Thế còn lệ-phí?
   -  Thưa cụ, cháu xin một ngàn.
   Trang nói như phân-bua:
   - Có lẽ cụ nghĩ cháu lấy hơi... quá nhưng thật sự cháu không thể làm gì hơn để giúp cụ.  Thưa cụ, bởi vì số tiền này cháu còn phải chia cho bác sĩ, luật-sư, và biếu quà cho nhân-viên xã-hội nữa.
   Ông Đạo lẩm-nhẩm tính, đoạn nói:
   - Được rồi.  Tôi đồng ý.  Cô có thể làm giấy tờ ngay bây giờ.
   - Xin cụ đợi cháu một phút.
   Trang nói rồi đi lấy giấy bút.  Lúc trở lại, Trang thấy ông Đạo như người mất hồn.  Ông ngước mắt nhìn lên trần nhà.  Thỉnh-thoảng lại ôm mặt khóc nức-nở.  Trang hỏi một đường, ông trả lời một nẻo.  Ngay cả cái tên họ của ông, ông cũng quên mất.  Nhìn dáng-điệu ông Đạo, Trang buột miệng cười:
   - Cụ giỏi thiệt, chưa gặp bác-sĩ của cháu mà đã biết giả-bộ làm người mắc bệnh tâm-thần!  Cụ nghe cháu nói đã...
   Ông Đạo không nghe Trang nói gì.  Cười khóc một hồi rồi ông chống gậy ra về.  Khi đến ngã ba quen thuộc, ông chợt đứng khựng lại.  Hết nhìn sang trái, lại quay sang phải.  Hình như ông  Đạo đang phân-vân không biết đi hướng nào để về nhà.

Ngục-Thu-Yên