"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

THƯƠNG-YÊU

 

     Mẹ tôi mất sau một cơn bạo bệnh. Trước khi chết, mẹ yếu-ớt đặt tay tôi trong tay bố. Hai mắt bố nhòa nước mắt. Ông khẽ gật đầu. Mẹ tắt hơi giữa lúc còn muốn dặn-dò chúng tôi.

     Từ đó, bố tận-tụy nuôi tôi. Công-việc của ông nặng-nhọc lắm nhưng vẫn không đủ trả tiền học cho con. Trước ngày tan trường mùa hè năm ấy, thầy phụ-trách lớp cho biết hội-đồng giáo-sư chọn tôi là học-sinh xuất-sắc nhất về học-lực toàn trường; không những thế tôi còn được nhất hạnh-kiểm nữa.

     Theo lệ thì phụ-huynh của những học-sinh giỏi được ngồi ở trên trong ngày phát thưởng. Tôi cố-gắng để bố tôi mỗi năm có dịp hãnh-diện vì con. Tôi báo cho bố tin mừng. Nửa đêm thức dậy, tôi thấy bố lấy cái áo cũ ra mặc thử. Cái áo này bố đã mặc dự lễ phát phần thưởng năm trước và cả năm trước nữa. Thấy ông buồn-bã tần-ngần, tôi muốn chạy tới ôm lấy bố nhưng tôi chỉ nằm trong giường rung-rưng nước mắt.

     Chương-trình phát-thưởng không chiếu phim như thường-lệ nhưng có trình-diễn văn-nghệ. Quan-khách đặc-biệt có ông thị-trưởng, ông dân-biểu, ông thanh-tra. Thầy hiệu-trưởng muốn họ có dịp thưởng-thức tài-năng của các học-sinh.

     Tôi được chỉ-định hát một bài. Đứng trên sân-khấu nhìn xuống, tôi thấy bố ngồi hàng đầu với cái áo mới mua được hai hôm. Để làm vui lòng bố, tôi đã xin với giáo-sư phụ-trách văn-nghệ cho tôi chọn bài Lòng Mẹ của nhạc-sĩ Y-Vân. Khi giọng hát tôi vừa cất lên, cả hội-trường im-bặt. Tôi để hết tâm-hồn trong những gìòng nhạc yêu-thương đó.

     Bỗng tôi thấy người xếp chỗ nói gì với bố. Một người sang-trọng vừa tới ngồi vào chỗ của bố còn bố lủi-thủi đi xuống phía dưới. Khi tôi chấm dứt bài hát, tiếng vỗ tay tưởng như bể rạp. Thầy hiệu-trưởng, ông thị-trưởng, ông dân-biểu cùng mọi người đứng cả lên.

     Tôi đợi tất cả ngồi xuống. Dưới góc rạp bố tôi đang kiễng chân nhìn lên. Lòng xót-xa nổi dậy, tôi nói đáng lẽ tôi hát tiếp bài Tình Cha để cảm-tạ công-ơn của bố tôi và cám ơn mọi người nhưng tôi có chuyện cần nói. Tôi kể cho mọi người biết nhà tôi rất nghèo. Tôi không dám xin tiền mua sách nên giờ nghỉ, giờ trưa tôi phải mượn sách để làm bài. Khi mọi người chơi thể-thao sau giờ học, tôi cũng thèm nhập-cuộc nhưng phải dành thời-giờ học nhờ sách của bạn-bè. Tôi làm như vậy chỉ để mong bố tôi được ngồi vào chỗ danh-dự. Nhưng tại sao bố tôi vừa bị đuổi ra khỏi chỗ ngồi? Tôi không xin lòng thương-hại nhưng tôi mong được đối-xử công-bằng.

     Tôi nhìn xuống phía dưới. Không ai trả lời tôi cả. Tôi thẫn-thờ lẩm-bẩm:
    -  Tại sao?

     Rồi không kìm-hãm được nữa, tôi ôm mặt chạy vào hậu-trường. Có tiếng nhốn-nháo. Tôi tiếp-tục chạy ra ngoài về phía chuồng chó của thầy hiệu-trưởng. Nơi đây mỗi buổi trưa, tôi thường tránh bạn-bè để học bài. Tôi ôm con Tô-Tô nức-nở. Tôi đã xúc-phạm tới nhiều người. Thầy hiệu-trưởng dù nhân-từ cũng không thể dung-tha tôi được. Tôi sẽ bị đuổi khỏi trường… Tô-Tô ơi vĩnh-biệt!...Bố ơi đừng giận con! Con biết tội con rồi… Mẹ ơi! Sao con khổ thế này…

     Có tiếng nói của thầy hiệu-trưởng sau lưng tôi:
   -  Đứng dậy đi con. Thầy muốn nói chuyện với con.
     Tôi ôm chặt con Tô-Tô không trả lời. Thầy lại dịu-dàng hỏi tôi:
   -  Con thích Tô-Tô lắm phải không? Nếu con đứng dậy với thầy, ngày mai Tô-Tô sẽ là của con.
     Tôi vâng lời. Ông xoa đầu tôi rồi nói:
   -  Bố con đã có chỗ ngồi tốt. Con đừng buồn nữa.

     Tôi theo thầy hiệu-trưởng trở lại sân-khấu. Ông đặt tay trên vai tôi. Dưới kia không một tiếng động. Thầy công-khai xin lỗi bố. Thầy nhận trách-nhiệm một mình, không nói gì tới người xếp chỗ. Thầy bảo ngày xưa gia-đình thầy nghèo lắm. Khi thầy vừa thành-tài thì mẹ thầy mất… Thầy mong bố tha-thứ… Tiếng nói của thầy càng ngày càng chậm và đầy xúc-động. Sau cùng thầy cúi xuống hỏi tôi:
   -  Con có tha-lỗi cho thầy không?
     Tôi ngước lên nhìn ông. Trên khuôn mặt già nua đã đẫm dòng nước mắt. Tôi nức-nở ôm chặt lấy thầy.
   -  Xin thầy đừng nói nữa. Con… xin thầy. Thầy có lỗi gì đâu.

     Hình như có tiếng vỗ tay vang-dội hội-trường. Tôi đứng im trong vòng tay của thầy. Vòng tay êm-ái đó đã che-chở tôi khỏi những hận-thù suốt cuộc đời.

Nguyễn Xuân Thiên-Tường