"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Sách Sử Việt Nam Có Gì Mới?

 17Chvhienssv1

Trong mấy năm gần đây, xuất hiện nhiều cuốn sách của các giáo sư sử học người Mỹ viết về lịch sử Việt Nam, một cách bao quát từ thời tiền sử cho đến hiện nay. Với những tin tức mới lạ, kết quả 17Chvhienssv2của những khảo cứu gần đây, cũng như đề cập nhiều đến các vấn đề văn hoá, các sách này xoá bỏ hình ảnh lỗi thời của Việt nam như là chiến trường nơi người Mỹ thất bại và thường được báo chí cũng như trí thức Mỹ (thường là thiên  tả)  nhìn khá thiên lệch và hời hợt trong  thời chiến tranh.

Theo thứ tự thời gian, chúng ta có:

1)”A History of the Vietnamese” (Cambridge University Press, 2013), đồ sộ và chi tiết hơn (696 trang), của Keith Taylor, giáo sư khoa Á Châu Học tại trường Đại học Cornell. Sách chứa đủ mọi chi tiết mà chúng ta muốn tham khảo, tuy nhiên, người đọc trung bình khó có kiên nhẫn và hứng thú đọc từ đầu đến cuối qua các triều đại.

2)Việt Nam Tân Sử (Vietnam, A New History, trên 500 trang, Basic Books 2016)) của Christopher Goscha, giáo sư ở Đại Học Québec tại Montreal, Canada. Tuy nhiên, phần nói về lịch sử Việt Nam trước thời cận đại chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuốn sách. Những trận đánh của Trần Hưng Đạo chống quân Mông Cổ chẳng hạn ít được đề cập. Tác giả nhấn mạnh Việt Nam chính mình đã từng là một đế quốc (đối với Miên, Lào) và  từng bành trướng từ thung lũng sông Hồng lan đến tận mũi Cà Mâu. Tác giả phân biệt từ "Viet" để chỉ người kinh [đa số], tương tự như người Hán để chỉ người Tàu đa số, và từ "Vietnamese" để bao gồm tất cả sắc tộc, sắc dân đa số hay thiểu số [như Chăm, người gốc Hoa, gốc Khmer] sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tác giả từng học và nghiên cứu ở Mỹ, Úc, Pháp về lịch sử thời thuộc địa và hậu thuộc địa của vùng Đông Nam Á, từng trải nhiều năm tìm tòi ở Thái Lan, Lào, Việt Nam và học về tiếng Việt ở Đại Học Hà Nội. Luận án tiến sĩ của ông ở Pháp được giáo sư người Việt Nguyễn Thế Anh hướng dẫn.

3)”Việt Nam, Một Sử Ký Từ Thời Sớm Nhất Cho Đến Hiện Nay” (Việt Nam, A History From Earliest Times To The Present); Oxford 17Chvhienssv3University Press, 2017. Có những trang thú vị về ngôn ngữ Việt Nam, các nhóm thiểu số miền Cao Nguyên và tương quan giữa VN với các nước Đông Nam Á. Tác giả là Ben Kiernan, Giáo sư Sử học và Các Môn học Quốc tế và  Vùng tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia  và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong 17Chvhienssv4những giai đoạn khác của lịch sử loài người.

Ngoài ra còn có một cuốn sử ngắn hơn, không liệt kê tài liệu tham khảo, của một sử gia Mỹ gốc Việt: "A Story of Vietnam" (Outkirts Press, 2010) của giáo sư hồi hưu người Mỹ gốc Việt Trương Bửu Lâm, tiến sĩ sử học Đại Học Louvain (Bỉ), từng là giáo sư tại các đại học ở Việt nam (trước 1975) và Mỹ, ở State University of New York at Stony Brook và cuối cùng là Đại Học Hawaii (Mỹ). Sách dày 370 trang, khổ 5.5”x8.5”, có 45 tranh ảnh.

Nói chung, đối với một độc giả không chuyên môn, các tác phẩm này cô đọng những kiến thức mới nhất trong ngành sử về đất nước, văn hoá và con người  Việt Nam, kể cả những biến cố hiện đại nhất, bằng tiếng Anh và theo lề lối khoa bảng, dưới cái nhìn của người không phải là người Việt. Cách tiếp cận khác với lối viết sử quen thuộc mà chúng ta học ở trường trước đây. Việt Nam nói chung được trình bày như là kết quả của một quá trình phát triển từ nhiều nguồn dân tộc, văn hoá và văn minh, chứ không phải là một cuộc Nam Tiến có tính cách định mệnh của người Âu Lạc, "Con Rồng Cháu Tiên"; lịch sử không giới hạn trong thành tựu hay thất bại của những ông vua, những triều đại kết tiếp nhau mà học trò chúng ta phải nhớ nằm lòng lúc đi thi. Các tác giả mới thường có khuynh hướng "deconstruct", tháo ra thành từng mảnh, mổ xẻ những khái niệm về biên giới, bản sắc, về dân tộc, quốc gia mà họ cho rằng chỉ mới thành hình mới đây, mà chúng ta vẩn đinh ninh là đã hiện hữu từ nhiều ngàn năm nay.

Không biết có phải do một sự trùng hợp hay không, ở  Việt Nam cũng vừa xuất hiện một bộ sử mới, hình như hoàn toàn khác với các bộ sử chính thức trước đây. Theo báo Tuổi trẻ  “Bộ Lịch sử Việt Nam” được chuẩn bị gần 10 năm nay trước khi ra trình làng, gồm 15 tập với hơn 10.000 trang được xem là “bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam”. Những điểm thay đổi đáng chú ý bao gồm:

1) Văn hoá Việt nam từ nhiều nguồn gốc. Việt nam hiện đại phát xuất từ ba nền văn minh: Âu lạc, Chàm và Phù Nam chứ không phải chỉ từ 100 trứng của Bà Âu Cơ. Cũng tương tự như Hoa Kỳ không chỉ là đất nước của người da trắng Anglo-Saxon và tin lành thanh giáo (WASP/White Anglo Saxon Protestant) mà là một thực thể đa nguyên do người Da Đỏ (Native Americans hay "Indians"), người gốc Châu Âu, gốc Phi, gốc Á tạo nên.

Theo TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, tổng chủ biên bộ sách  "Lịch Sử Việt Nam”, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi trẻ: (1)

"Đất nước VN chúng ta hình thành trên cơ sở sự phát triển của ba nền văn hoá tương ứng với ba vương quốc cổ đại là: văn hoá Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc, văn hóa Sa Huỳnh với nhà nước Chăm Pa, văn hóa Óc Eo với vương quốc Phù Nam.

Chúng tôi đã tránh được điều mà nhiều nhà sử học trước đây mắc phải là viết lịch sử VN nhưng chủ yếu là lịch sử của người Việt gắn với vương quốc Âu Lạc."

2) Thái độ đối với nhà Mạc. Theo Đặng Văn Chất (2), Mạc Đăng Dung bị học giả Trần Trọng Kim kết án nặng nề hồi đầu thế kỷ thứ 20 lúc VN còn dưới chế độ quân chủ, nhưng lại được sử gia Phạm Văn Sơn thời Việt Nam Cọng Hoà cũng như tác giả Việt Kiều Nguyễn Gia Kiển binh vực.

Theo TS Trần Đức Cường: “Với vương triều nhà Mạc, rõ ràng chúng ta cần đi đến kết luận nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử VN.

Dù chỉ tồn tại khoảng thời gian không dài nhưng đã giải quyết được một số khủng hoảng về kinh tế, xã hội cuối thời Lê. Chúng tôi đã bước đầu, đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về vấn đề này.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, là lúc nhà Lê đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội rất rõ chứ không còn như thời kỳ Lê Lợi, Lê Thánh Tông nữa. Để giải quyết vấn đề này, Mạc Đăng Dung mới làm cuộc chính biến, giành lấy chính quyền.

Không chỉ ổn định kinh tế, xã hội mà nhà Mạc còn phát triển văn hoá, giáo dục với nhiều khoa thi được mở, tìm được nhiều nhân tài cho đất nước”

3) Ghi công thay vì phê phán nhà Nguyễn; công nhận vua Gia Long là người thống nhất Việt Nam (trước đây sử dòng chính Việt Nam chỉ ghi công vua Quang Trung "áo vải", thuộc gia cấp nông dân  là người thống nhất Việt Nam) tuy vẫn nêu tội của Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm để chống Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn sau này không chịu canh tân để đất nước phải bị rơi vào tay thực dân Pháp. :

Theo TS Trần Đức Cường: “Câu chuyện về các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng phải đánh giá cho đúng. Chúng ta phải ghi nhận các chúa Nguyễn đã có công tổ chức cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ bây giờ.

Sau khi lên ngôi, thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước - sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện.

Vua Gia Long lên ngôi đã góp phần hoàn thiện vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Thứ hai, nhà Nguyễn củng cố bộ máy cai trị toàn quốc, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Cùng với đó, phải ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn trong việc xác định chủ quyền của đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

4) Thái độ với Chính phủ Miền Nam trước đây:

Theo TS Trần Đức Cường: “- Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia VN. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống. 

Việt Nam Cộng hoà là nối tiếp của Quốc gia VN. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì? Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia VN.

Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.

Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận.”

Theo một bài báo khác đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Nhã, nhà sử học của Miền Nam trước 1975, cho rằng sự thay đổi thái độ này có lợi cho công cuộc VN dành lại chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vì Việt Nam Cọng Hoà là thực thể hợp pháp nắm chủ quyền của các đảo nói trên đứng trước công pháp quốc tế:

 "Như tôi đã nhiều lần phát biểu trong đó có hội thảo xây dựng bộ lịch sử trên, rằng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa là đất vô chủ - res -nullius) thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.

Từ năm 1954 - 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục".

 “... Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.

5)Chiến tranh Việt Nam và Trung Quốc năm 1979:

Theo TS Trần Đức Cường: “Trong bộ sử này, chúng tôi nói rõ rằng Trung Quốc đã huy động 600 nghìn quân cùng xe tăng, đại bác... Chúng tôi gọi rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ VN.

Trung Quốc cho quân tiến vào lãnh thổ VN mấy chục cây số như vậy thì không thể nói rằng đó không phải là cuộc chiến tranh xâm lược.

Và trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của VN không chỉ gói gọn trong tháng 2-1979 mà còn kéo rất dài. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải hi sinh rất nhiều xương máu. Đến năm 1988 mới thực sự tương đối có hoà bình ở vùng biên giới phía Bắc.”(2)

Tóm lại, hơn bốn chục năm sau khi người Mỹ rời khỏi Việt Nam, các nhà sử học Mỹ đã có một cái nhìn toàn diện hơn về con người và đất nước chúng ta. Thay vì xem đất nước Việt Nam như một chiến trường, một  kinh nghiệm đau thương, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm sử học phong phú, quy mô, khoa học và khách quan về sự thành hình của nước Việt và con người Việt ngày hôm nay, với sự đa dạng, đa nguồn gốc của nên văn minh Việt Nam (A country, not a war). Sử học trong nước cũng đang chuyển mình và hy vọng sẽ dần dần xích lại gần hơn với quan điểm sử học của thế giới.

1)(http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20170820/thua-nhan-viet-nam-cong-hoa-la-buoc-tien-quan-trong/1372210.html) (accessed 8-21-17)

2)3) Hien V Ho and Chat Van Dang: “Vietnam History, Stories Retold For A New Generation

3)(http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170818/tu-bo-cach-goi-nguy-quan-nguy-quyen-sai-gon/1371412.html) (accessed 8-21-17)

Hồ Văn Hiền

(tác giả cuốn “Vietnam History, Stories Retold For A New Generation”)

Ngày 21 tháng 8 năm 2017