"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Sợ Chỗ Vây Kín (Claustrophobia)

 

16ahvhien --- scv1

Tôi xin hỏi về "hội chứng phòng kín."

Tôi năm nay ngoài 40 tuổi. Kể từ lúc còn nhỏ đến nay cứ mỗi lần đi xe, dù là xe nhỏ, xe buýt hay lửa là tôi đều bị khó chịu, đôi lúc mặt mày tái dợt, chóng mặt, nôn mữa. Khi vào những nơi chật chội như thang máy hay kho chứa đồ đạt, tôi cũng bị khó chịu như vậy.

Trước đây tôi vẫn tự nói là mình bị say xe. Gần đây có người nói tôi bị "hội chứng phòng kín" hay là "dị ứng với không gian hẹp." Xin bác sĩ giải thích cho về hội chứng này.

Xin chân thành cám ơn."

Claustrophobia

Trong y khoa, claustrophobia được định nghĩa như là:

"Một sự sợ hãi bất bình thường, dai dẳng đối với những không gian đóng, hoặc sợ bị nhốt lại, ví dụ trong thang máy, trong hầm , hay trong bất kỳ không gian giới hạn nào khác. Sự sợ hãi này quá đáng và rất thường gặp.

(An abnormal and persistent fear of closed spaces, of being closed in or being shut in, as in elevators, tunnels, or any other confined space. The fear is excessive (and quite common) theo Medicine.net).

Trong định nghĩa này chúng ta để ý hai thành phần:

-Sợ bất bình thường: sợ không có lý do chính đáng (irrational fear) và dai dẳng (persistent fear) , chứ không phải một lần, khi có khi không.

-Không gian giới hạn (confined space): chỗ chật chội, khép kín, sự chật chội và khép kín có thể do sự hiẹn diện của đám đông chung quanh.

Tiếng latin có chữ claudere là đóng lại. Do từ đó có động từ tiếng Anh là "to close" có nghĩa là đóng lại,"closet" trong nhà bên Mỹ chỉ những tủ trong vách đóng kín để dấu các đồ vật, và danh từ "claustrum" tiếng la-tinh nghĩa là một chỗ là "chỗ đóng kín", chỗ bít bùng. Cọng vào đó căn "phobia" có nghĩa là sợ, chữ Hán gọi là "khủng". Việt nam dịch là bịnh sợ chỗ vây kín hay như vị thính giả nêu ở đây "hội chứng phòng kín" hay "dị ứng với không gian hẹp".

Thật ra nếu chúng ta vào một nơi chật hẹp, đóng kín, thì hầu như chẳng ai thích hay thấy thoải mái cả. Vì vậy mà hiện nay, trong tiếng Anh thông thường, không phải y khoa bịnh lý, người ta hay dùng tính từ "claustrophobic" để mô tả cảm giác sợ hãi vì đang ở trong một nơi chật chội hay đông người, hoặc một nơi có vẻ như khó thoát ra được một cách nhanh chóng; hay để chỉ những nơi làm cho mình sợ hay không thoải mái vì nó nhỏ, chật, hoặc khó thoát ra nhanh chóng được. Ví dụ rất nhiều người bình thường rất sợ khi phải vào máy để chụp hình cọng hưởng từ trường MRI vì họ phải nằm khá lâu trong một cái ống chật nên họ sợ. Những máy MRI mở (open MRI) cho phép đứng ngồi, cử động và không làm cho bịnh nhân ngộp.(Fig. 2)

16ahvhien --- scv2

 

Dịch học: chừng 10% dân số bị chứng này, tuy có nơi ước tính đến 37%. Đại đa số bịnh nhân không tìm cách chữa trị vì nhẹ thôi.

Triệu chứng:

Bịnh nhân hoảng sợ lúc ở một nơi, hay nghĩ đến một nơi chật, bít kín, hay đông người; cảm thấy hụt hơi, ngộp và bất an (distress). Những triệu chứng có thể kèm theo: nhức đầu, chóng mặt, thở nhanh, toát mồ hôi, tim đập mạnh, nhanh, miệng khô, tay chân run rẩy áp huyết lên cao, đau bụng, buồn nôn, muón đi cầu, hay cơn khủng hoảng "panic attack", mất phương hướng.

Những triệu chứng thường gặp:

-Vừa vào trong một phòng là đã tìm xem đường ra, thoát hiểm EXIT ở đâu.

-Vào phòng họp luôn luôn ngồi gần cửa ra vào.

-Tránh đi xa lộ, xe lúc đường đông xe, giờ "rush hours" .

-Tránh đi thang máy mặc dù đi bộ lâu và mệt hơn.

-Hoảng sợ lúc cửa xe, phòng đóng lại.

-Tránh các cửa xoay (revolving door) lúc ra vào.

-Sợ các nơi rửa xe bằng máy (carwash)

-Sợ đi máy bay, hay vào phòng vệ sinh trên máy bay.

-Sợ vào phòng thử áo quần (fitting room), sợ đi vào hầm xe lửa.

  1. Đứa trẻ có thể từng té xuống giếng, xuống sông, bị ngộp, suýt chất đuối, bị thất lạc trong đám đông. Hay đứa bé bắt chước (vô ý thức) hành vi như vậy của những người trong gia đình.
  2. Những nghiên cứu y học cho thấy ở những người bị rối loạn hoảng sợ (panic disorder), amygdala (là mộ bộ phận nhỏ ở dưới não bộ phụ trách về các sự lo âu, sợ hãi) nhỏ hơn bình thường (Fumi Hayano). Ngoài ra, có khảo cứu cho thấy một số người bị claustrophobia do một gene bất thường (The human GPM6A gene located on chromosome 4q32-q34)(A El-Kordi)(fig 3)



16ahvhien --- scv3

Fig 3: Những nghiên cứu y học cho thấy ở những người bị rối loạn hoảng sợ (panic disorder), amygdala (là một bộ phận nhỏ ở dưới não bộ phụ trách về các sự lo âu, sợ hãi) nhỏ hơn bình thường (Fumi Hayano). Image credit: Life Science Databases

 

 

Trị liệu:

1) Cognitive behavioral therapy CBT): giúp cho bịnh nhân hiểu là những nơi chốn gây sợ không có gì nguy hiểm hay đe doạ. Ví dụ giáo dục, giải thích cho bịnh nhân hiểu nguyên nhân của nổi lo sợ của mình và tập cho bản thân người bịnh từ từ làm quen với những chỗ chật chội, bít bùng, đồng thời giúp cho họ kiểm soát những phản ứng do sợ sệt và lo âu gây ra (exposure treatment).

2) Những nhà khảo cứu ở Karolinska Institute (Sweden) cũng chứng minh rằng có thể chữa được các phobia bằng cách nhìn những người khác đối phó một cách an toàn với những vật mà mình sợ. Nên lập đi lập lại loại "làm quen" gián tiếp này.

3) Virtual reality: Làm quen với vật hay tình huống mà mình sợ bằng cách tiếp cận với chúng qua không gian ảo (ví dụ trải nghiệm đi máy bay)

4) Thuốc men: bác sĩ có thể dùng một số thuốc an thần để giúp bịnh nhân bớt lo âu, thuốc chống trầm cảm (antidepressants), thuốc beta blocker làm giảm hồi hộp, tim đập quá nhanh và mạnh lúc sợ sệt căng thẳng trong một số hoàn cảnh cần thiết , tuy nhiên không chữa gốc bịnh.

5) Các kỹ thuât giúp thư giãn, ngồi thiền, kiểm soát hơi thở có thể giúp bịnh nhân bớt sợ sệt, lo âu, tự chủ hơn.

6) Một cách khác để tiếp cận vấn đề, khá thú vị, bằng phân tâm học (psychoanalysis), phổ biến bên Anh hơn ở Mỹ.

Độc giả có thể đọc bài báo này của Dailymail (7). Nhà báo người Anh này có triệu chứng photophobia từ lúc đi xe lửa, xe bị kẹt trong hầm một thời gian ngắn và bà ta bị ngất xỉu vì ngộp ngạt, nặng mùi vì đông người chung quanh. Chữa trị nhiều phương pháp khác nhau: tâm lý, CBT (cognitive behavioral therapy; trị liệu hành vi tri thức), và cuối cùng, đối với trường hợp này, một tâm lý gia trường phái phân tâm học của Carl Jung (Jungian psychoanalysis), giúp cho bịnh nhân phát hiện những cái "bản ngã" (self) khác nhau bị dồn nén trong một con người : người thích chỉ trích (the critic), người thích lấy lòng người khác (the pleaser), đứa bé con trong ta (the inner child) và người che chở, bảo hộ (the protector). Theo thuyết phân tâm học của Jung, nếu các tiếng nói khác nhau của 4 nhân vật này trong chúng ta hài hoà với nhau, chấp nhận nhau thì cá nhân được quân bình về tinh thần. Trong trường hợp này, "đứa bé con trong ta" bị dồn nén không được thể hiện, nói ra những nỗi lo âu của nó, phát xuất từ những lo âu, sợ hãi vì thời thơ ấu bịnh nhân sống trong một gia đình cha mẹ không hoà thuận, không hạnh phúc. Theo thuyết phân tâm học, các lo âu, bất an của "đứa bé con trong ta" này mới chính là nguyên nhân của các cơn" khủng hoảng" (panic attack) xảy ra cho bịnh nhân lúc đứa bé con bị dồn ép. Người trị liệu giúp cho bịnh nhân giải toả sự dồn ép này bằng cách khuyến khích bịnh nhân đóng vai trò đứa "bé con trong ta" và phát biểu những lo âu, sợ hãi của nó (role playing and voicing "my inner child") trong các buổi trị liệu với tâm lý gia. Cho "đứa bé con trong chúng ta" (puella aeterna hay puer aeternus ở nam giới) có tiếng nói, phát biểu những lo sợ của nó, giúp nó chấp nhận những sợ hãi đã qua không còn nữa, dạy dỗ cho nó lớn , trưởng thành ngang tầm với tuổi đời của bịnh nhân do đó dẹp di những thái độ, phản ứng không còn hợp thời nữa của một đức trẻ, đó là mục tiêu của tâm lý trị liệu theo trường phái phân tâm học này.

 

References:

http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1440-1819.2009.01960.x/full

2) A El-Kordi A single gene defect causing claustrophobia

http://www.nature.com/tp/journal/v3/n4/full/tp201328a.html

3)http://www.medicalnewstoday.com/articles/37062.php?page=2

4)http://www.medicalnewstoday.com/articles/266177.php

5)http://www.epigee.org/mental_health/claustrophobia.html

6)Exposure therapies for specific phobias

http://www.div12.org/psychological-treatments/treatments/exposure-therapies-for-specific-phobias/

7)Christina Odone Voicing my inner child saved me from claustrophobia http://www.dailymail.co.uk/health/article-2023763/Voicing-inner-child-saved-claustrophobia.html

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 22 tháng 2 năm 2016

(Edited for Lang Hue 3/10/16)