Thử Máu Thông Thường Tìm Ung Thư

17Bhvhien ---tmt1

 

Chúng tôi không có bệnh gì cả, nhưng muốn khám đễ biết trong cơ thể có bệnh ung thư hay không, vậy xin hỏi Bác sĩ nếu xét nghiệm máu và siêu âm bụng có biết được chính xác không? Ví dụ : trong ruột già và các chỗ khác trong cơ thể ngoài siêu âm bụng.

Cao T. P. ,Tây Ninh

Nói chung, thử máu thông thường trong những lần bác sĩ “check up” một người  trong tình trạng sức khoẻ bình thường không giúp được gì nhiều trong việc truy tầm ung thư. Ngoài bịnh ung thư máu, khó có thể nghĩ đến một thử nghiệm máu nào cho biết mình có bị ung thư hay không. Trong bịnh ung thư (cancer), một loại tế bào nào đó không còn theo quy luật chung của cơ thể, nổi loạn, không còn chịu giới hạn trong vị trí của mình, lan ra và chiếm chỗ, chiếm nguồn dinh dưỡng các tế bào khác, cũng như từ chối làm nhiệm vụ bình thường của mình. Ví dụ tế bào ung thư máu ngăn cản, dành ăn với các hồng cầu,không có khả năng phòng thủ của bạch cầu bình thường. Những ổ tế bào "ly khai" như vậy thường xảy ra từ từ tại một "hang ổ" nào đó, ví dụ vú, tử cung, não bộ, trước khi lộ diện trong dòng máu. Cũng giống như nếu chúng ta chỉ đi tuần tra trên sông nước, khó mà phát hiện những ổ gây rối nằm trong thành phố trừ trường hợp chúng lên thuyền đi đóng chốt những nơi khác, chúng ta gọi là "di căn" (to metastasize).

Những thử nghiệm hàng loạt do máy tự động làm trong phòng thí nghiệm như

Hàng chục, hàng trăm con số do computer cung cấp cho bác sĩ một cái nhìn tổng quát cơ thể làm việc như thế nào. Ví dụ hồng cầu ít quá (thiếu máu) có thể do thiếu chất sắt (iron deficiency) lúc trẻ em uống sữa bò nhiều quá mà không ăn thịt, rau; nhưng cũng có thể do ung thư ruột già ở người già, ung thư làm họ mất máu mãn tính vì chảy máu trong ruột già. Trường hợp ung thư máu, số lượng bạch cầu có thể lên quá cao (ví dụ 100.000 thay vì bỉnh thường dưới 10000), hình dạng của bạch cầu bất bình thường, những dạng bạch cầu còn non, đáng lẽ chỉ thấy trong tuỷ xương thì lại lan tràn trong dòng máu ngoại biên.

Đối với ung thư gan, hiện nay không có test nào được chấp thuận chung để dùng như tiêu chuẩn hay như thông lệ (standard or routine screening, có nghĩa là hãng bảo hiểm sẽ không trả tiền).Tuy nhiên người ta có thể dùng các thử nghiệm sau để truy tầm ung thư nếu có lý do để nghi ngờ:

1) Siêu âm dùng sóng âm thanh với năng lượng cao, tạo nên hình ảnh của gan gọi là liver sonogram.

2) CT scan

3) Tìm tumor markers trong máu. Tumor marker là những chất mà nếu hiện diện trong máu ở mức cao có thể là chỉ dấu của ung thư đang ở đâu đó. Đối với  ung thư gan , thường nhất là tìm chất Alpha-fetoprotein (AFP) trong máu, tuy nhiên AFP có thể  cao do ung thư chỗ khác, viêm gan, thai nghén.

Nếu bác sĩ có lý do để nghi một bộ phận nào đó bị ung thư, lúc đó bác sĩ sẽ làm những test riêng cho bịnh đó. Tuy nhiên,  về mục đích truy tầm ung thư (cancer screening) ở người không có triệu chứng (asymptomatic), những bịnh chính là:

    1. Ung thư vú thì tuỳ thuộc vào quang tuyến hay siêu âm vú (mammography, sonography); chụp quang tuyến vú 3 chiều ( 3D mammography) có thể cho nhiều chi tiết và chính xác hơn
    2. Ung thư ruột già thì thử phân xem trong phân có máu hay không (Fecal Occult Blood Test/FOBT), nếu có thì người ta soi ruột  đi tìm chỗ nào trong ruột đang chảy máu và xem  có phải ung thư không; một cách khác là thanh lọc bằng cách soi ruột già (colonoscopy) cho tất cả mọi người trên 50 tuổi như ở Mỹ đang cố gắng thực hiện; có một test thử máu truy tầm gene septin 9 là gene đi đôi với ung thư ruột già vừa được FDA chấp nhận năm 2016 (tên thương mãi: Epi-proColon, giá chừng 300 đô la), nhưng test này không chính xác và nhạy cảm lắm, kết quả cũng tương đương với thử máu trong phân. Test septine 9 chỉ được dùng lúc bịnh nhân không thể, không muốn thử phân hay soi ruột để truy tầm ung thư ruột già. Nếu thử máu phản ứng dương cũng cần đi soi ruột già.
    3. Một thí dụ khác, nếu bịnh nhân hút thuốc nhiều trong quá khứ. Cơ quan đặc nhiệm về ngừa bịnh của Mỹ khuyên dùng CT phổi có liều thấp hàng năm (annual spiral CT) cho người 55-80 tuổi hút 1 gói mỗi ngày 30 năm trở lên (30 pack/year). Nếu nhiều hơn 1 gói (20 điếu)/ngày thì chia số năm cho số gói/ngày; ví dụ hút 3 gói mỗi ngày trong 10 năm thì nên làm CT phổi để truy tầm ung thư hàng năm. Dù đã ngưng hút, nhưng nếu chỉ mới ngưng trong vòng 15 năm trở lại, cũng nên truy tầm ung thư theo phương pháp này. Spiral CT có khả năng phát hiện ung thư phổi sớm hơn chụp hình phổi thường; tuy nhiên phát hiện sớm hơn như vậy có đủ sớm để trị liệu kết quả tốt hơn, bịnh nhân sống lâu hơn không thì chưa chứng minh được. (The USPSTF recommends annual screening for lung cancer with low-dose computed tomography (LDCT) in adults aged 55 to 80 years who have a 30 pack-year smoking history and currently smoke or have quit within the past 15 years. Screening should be discontinued once a person has not smoked for 15 years or develops a health problem that substantially limits life expectancy or the ability or willingness to have curative lung surgery).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 30 tháng 6 năm 2017