"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Thuốc Chủng Ngừa Lao BCG và Bệnh COVID-19

 

Năm 1882 bác sĩ người Đức Robert Koch chứng minh sự hiện diện của các trực khuẩn lao trong mô của người bệnh lao. Vi khuẩn này hình giống cái que (trực khuẩn, bacillus) được xác định dưới kính hiển vi bằng đặc tính nhuộm của nó: nó vẫn giữ màu nhuộm sau khi bị xử lý với dung dịch acid, vì vậy nó được phân loại là "trực khuẩn kháng acid" (acid-fast bacillus, viết tắt là AFB), sau này được gọi tên là trực khuẩn Koch [tiếng Pháp: Bacille de Koch hay BK], hiện nay theo tên khoa học Mycobacterium tuberculosis. (Ở Việt Nam trước đây, bác sĩ thường ghi tắt là BK + trên những hồ sơ lao dương tính.)

BCG là thuốc chủng ngừa do Albert Calmette và Camille Guerin là 2 nhà khoa học người Pháp chế tạo thuốc này từ vi trùng bịnh lao của con bò (Mycobacterium bovis), tuy vẫn còn sống nhưng đã được làm yếu đi nhờ cấy đi cấy lại nhiều lần. BCG được dùng đầu tiên năm 1921. BCG có thể gây một số biến chứng, và hiệu nghiệm thế nào còn được tranh luận nhiều, có lẽ hiệu nghiệm chừng 20-50%, và quan trọng hơn hết có thể ngăn ngừa được các bịnh lao nhẹ tiến triển thành nặng như nhiễm lao màng óc, lao phổi dạng kê (miliary tuberculosis). Ở Mỹ, lao là một bịnh ít gặp, nhất là các tiểu bang ít người nhập cư. Trung bình tỷ số là 2,9 cas trong 100.000 cư dân (ít hơn VN chừng 100 lần; theo báo The New York Times, Việt Nam 20 năm trước đây là một trong những nước có tỷ lệ lao cao nhất thế giới, cứ 100.000 dân là có 600 người bị lao, hiện nay tỷ lệ này giảm xuống còn 200/100.000 dân). Do đó, giới y khoa Mỹ quan niệm BCG cho tất cả mọi người là lợi bất cập hại, và ở Mỹ, Anh, Ý, hiện nay người ta chỉ dùng BCG trong các trường hợp ngoại lệ vì BCG can thiệp vào việc truy tầm các trường hợp lao mới, tương đối hiếm ở các nước này.

 

Hệ thống miễn dịch (immune system)

Hệ thống miễn dịch (immune system) của chúng ta giữ vai trò phòng thủ cơ thể, giúp cho chúng ta không bị xâm nhập và tấn công từ trong, nghĩa là chúng ta được "miễn dịch"(immune), không bị bịnh. Hệ miễn dịch có hai nhánh tuy khác nhưng có thể chồng chéo nhau:

Miễn dịch bẩm sinh (innate immunity): đề cập đến các cơ chế bảo vệ không đặc hiệu (non-specific) xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện kháng nguyên (antigen, từ bên ngoài vào) trong cơ thể. Các cơ chế này bao gồm các rào cản vật lý như da, hóa chất trong máu và các tế bào của hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào lạ trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt bởi tính chất hóa học của kháng nguyên (chemical properties of the antigen).

Miễn dịch thích ứng (adaptive immunity) : đề cập đến đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với của kháng nguyên. Đáp ứng miễn dịch thích ứng phức tạp hơn miễn dịch bẩm sinh. Các kháng nguyên đầu tiên phải được xử lý và nhận diện (recognized). Khi một kháng nguyên đã được nhận diện, hệ thống miễn dịch thích nghi sẽ tạo ra một “đội quân” gồm các tế bào miễn dịch được thiết kế đặc biệt để tấn công kháng nguyên đó. Miễn dịch thích ứng cũng bao gồm một "bộ nhớ" (memory) giúp các phản ứng trong tương lai chống lại một kháng nguyên cụ thể hiệu quả hơn.

(Để cho dễ hiểu, có thể ví như trường hợp ngoại xâm "người người đánh giặc" -phản ứng không đặc hiệu- thay vì huấn luyện một đạo quân chính quy dùng võ khí và chiến thuật dựa vào các tin tình báo về đối phương - phản ứng đặc hiệu).

Tuy nhiên , nếu chúng ta phát hiện kháng thể đặc hiệu chống một con vi khuẩn hay virus trong một bệnh nhân, việc này không có đồng nghĩa là người đó được che chở không bị con vi khuẩn đó gây bịnh. Hiện nay người ta đang bàn nhiều về tầm quan trọng của các xét nghiệm phát hiện kháng thể chống coronavirus Vũ Hán (SARS-COV2) và câu hỏi lớn là sự hiện diện của kháng thể mà các test này phát hiện có đồng nghĩa với tình trạng người bịnh được miễn nhiễm với bịnh này hay không (theo BBC).(Nghĩa là như trong ví dụ trên, có lính nhưng chưa chắc lính đánh thắng được giặc)

 

Các nghiên cứu mới đây ở Nam Hàn cho thấy có những bệnh nhân sau khi hết bệnh và thử virus corona SARS-COV2 âm tính, được thử lại, lại SARS-COV2 dương tính, có thể kèm theo triệu chứng nóng và ho hay không. Có thể là virus đã "đi ngủ" một thời gian rồi trở lại, mà cũng có thể (khả năng thấp) bệnh nhân mắc bệnh lần thứ hai.

 

BCG và hệ miễn nhiễm

Trong khi hầu hết các loại vắc-xin huy động hệ thống miễn dịch thích nghi - tạo ra các kháng thể (antibodies) nhắm vào mầm bệnh rất đặc hiệu, thì vắc-xin BCG lại xâm nhập vào nhánh kia, là hệ thống miễn dịch bẩm sinh (nói chung người ta không định bịnh lao bằng cách đo kháng thể trong máu mà bằng cách thử phản ứng lao tố trong da). Do đó, vắc-xin BCG giúp tăng sản xuất các tế bào miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể.

Nhờ những tác dụng không đặc hiệu đó trên hệ miễn nhiễm "bẩm sinh", người ta nhận thấy ngoài việc BCG làm giảm thiểu tỷ số các trường hợp lao nặng, các nghiên cứu ở Mỹ và Anh trong các thập niên 1940-50 cho thấy BCG làm giảm 1/4 các trường hợp tử vong vì bịnh khác. Nghiên cứu ở   Guinea-Bissau (2000) cho thấy các trẻ nhẹ ký tử vong giảm 1/2 nếu chúng được chích BCG.(2)Hiện nay, 90% trẻ em trên thế giới được chủng BCG.

Một câu hỏi là sự che chở do BCG kéo dài được bao lâu, có lẽ chừng 10-20 năm, và sau đó tác dụng của nó như thế nào trên tình trạng miễn nhiễm của bệnh nhân có thể vẫn còn lâu hơn, ví dụ một khảo cứu trên người Da Đỏ cho thấy sau 60 năm tác dụng của BCG vẫn còn tồn tại.(Aronson NE).

BCG và hệ miễn nhiễm trong bệnh COVID 19

Các nghiên cứu gần đây so sánh những vùng trên thế giới với tình trạng dùng BCG của những vùng đó. Có vẻ như có mối tương quan giữa các quốc gia bắt buộc chích vắc-xin BCG và tình trạng giảm mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của các trường hợp bệnh COVID-19. Ví dụ, Bồ Đào Nha (Portugal) - nơi bắt buộc tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh - có hơn 16.000 trường hợp COVID-19 nhưng chỉ có 535 trường hợp tử vong trong khi nước láng giềng Tây Ban Nha có hơn 169.000 trường hợp và hơn 17.000 trường hợp tử vong.

Cũng tương tự, Ireland, với 9.655 trường hợp và chỉ có 334 trường hợp tử vong (3,5%), chích BCG là bắt buộc, trong khi đó, Vương quốc Anh với 89.554 trường hợp và 11.346 trường hợp tử vong (12.7%), không còn bắt buộc chích BCG nữa. Tất nhiên, có sự khác biệt về số lượng dân số lớn giữa các quốc gia này, cùng với các biến số khác có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong và nhiễm trùng.

Những nghiên cứu sơ bộ này "rất sơ sót" (flawed) không được xem như hoàn chỉnh, bởi vì nhiều yếu tố như sự khác biệt về sự giàu nghèo và khả năng thử nghiệm (xứ giàu có phương tiện càng thử nghiệm nhiều thì số người được định bịnh nhiều hơn), có thể ảnh hưởng đến kết quả số người chết và tổng số người bị bịnh cũng như tỷ lệ tử vong. Khả năng y tế công cọng phòng bịnh của mỗi nước cũng có vai trò quyết định . Một số nước như Trung quốc có thể thay đổi hay dấu các con số bịnh và tử vong làm cho kết quả của họ có vẻ tốt hơn thực tế. Tuy nhiên những kết quả sơ bộ này có thể là những giả thuyết có ích trong hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay mà chúng ta phải đối phó với một nguyên nhân bịnh rất mới và rất "tinh ranh", độc tính vượt hẳn những virus từng gặp trong quá khứ.

Mặc dù khó kết luận một cách dứt khoát về liên hệ giữa thuốc chủng BCG và Covid-19, người ta cũng bắt đầu tìm hiểu về vấn đề này trong các thử nghiệm lâm sàng (clinical trial) được dự tính sắp bắt đầu một ở Hoa Kỳ, và một số đang được tiến hành ở các quốc gia khác, ví dụ Úc và Hoà Lan.

Tuy nhiên, có người lo ngại nếu người ta đem BCG dùng để ngăn ngừa hay chống COVID-19, các liều BCG dành để chủng cho các bé sơ sinh ở các xứ nghèo sẽ bị khan hiếm, như trường hợp chloroquine hiện nay (đang khan hiếm tại Mỹ và Ấn Độ ngưng xuất khẩu vì sợ thiếu lúc cần, mặc dù y giới cũng như FDA đều dè dặt về hiệu quả thuốc này). Cơ Quan Y tế Quốc tế WHO, nhận xét: "Tiêm vắc-xin BCG ngăn ngừa các dạng bệnh lao nặng ở trẻ em và việc chuyển nguồn cung cấp tại địa phương có thể khiến trẻ sơ sinh không được tiêm phòng, dẫn đến sự gia tăng bệnh và tử vong do bệnh lao"

Mặc dù công nhận BCG có những hiệu ứng không đặc hiệu trên hệ miễn nhiễm, WHO vẫn kết luận: "Không có bằng chứng cho thấy vắc-xin Bacille Calmette-Guérin (BCG) bảo vệ con người chống lại nhiễm vi rút COVID-19. Hai thử nghiệm lâm sàng giải quyết câu hỏi này đang được tiến hành và WHO sẽ đánh giá bằng chứng khi có. Trong trường hợp không có bằng chứng hiện nay, WHO không khuyến cáo tiêm vắc-xin BCG để phòng ngừa COVID-19. WHO tiếp tục khuyến cáo tiêm vắc-xin BCG sơ sinh ở các quốc gia hoặc cơ sở có tỷ lệ cao mắc bệnh lao".

         20Bhvhtc1

Fig 1: Bản đồ hiển thị chính sách tiêm chủng BCG theo quốc gia.

A: Toàn quốc hiện có chương trình tiêm chủng BCG cho mọi người (Việt Nam, Cambodia, Lào, Trung quốc, Nhật, Hàn quốc, Portugal) B: Quốc gia trước đây đã từng khuyến nghị tiêm chủng BCG cho mọi người, nhưng hiện tại thì không (Pháp, Tây Ban Nha, Ý). C: Các nước này chưa bao giờ có chương trình tiêm chủng BCG phổ quát (ví dụ Mỹ, Canada, Ý).

(Map displaying BCG vaccination policy by country.

A: The country currently has universal BCG vaccination program. B: The country used to recommend BCG vaccination for everyone, but currently does not. C: The country never had universal BCG vaccination programs.)

The BCG World Atlas: A Database of Global BCG Vaccination Policies and Practices

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3062527/

1)Could a 100-year-old vaccine protect against COVID-19?

https://www.livescience.com/coronavirus-protection-using-tuberculosis-vaccine.html

2)Nonspecific Effects of Vaccines and the Reduction of Mortality in Children

Frank Shann, MD

https://www.clinicaltherapeutics.com/article/S0149-2918(13)00014-3/fulltext

3)Aronson NE, quoted in BCG vaccine-Wikipedia

https://en.wikipedia.org/wiki/BCG_vaccine#cite_note-16

4) Why a decades-old TB vaccine is getting attention in the fight against Covid-19https://www.statnews.com/2020/04/14/decades-old-tb-vaccine-attracts-attention-and-skepticism-as-a-potential-weapon-against-covid-19/

5)Bacille Calmette-Guérin (BCG) vaccination and COVID-19

Scientific Brief

12 April 2020

https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/bacille-calmette-gu%C3%A9rin-(bcg)-vaccination-and-covid-19

6)Nonspecific immune cell

https://en.wikipedia.org/wiki/Nonspecific_immune_cell

7)Coronavirus: Double warning over antibody tests

https://www.bbc.com/news/uk-52335210 (accessed 4/18/20)

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 18 tháng 4 năm 2020