"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

“Còn tuổi nào cho nhau?”

Bàn về dân số , sinh sản, phá thai và tuổi tốt nhất để phụ nữ sinh con.

 

 Có một thời cho mỗi việc,

và một mùa cho mỗi hoạt động trên thế gian…

(Ecclesiastes 3)

 

Gần đây các tin thời sự nói nhiều về vấn đề sinh sản. Những nước Á châu đang phát triển kinh tế  tột bực như Nhật, Đài Loan và Đại Hàn đều gặp phải vấn đề mức sinh sản quá thấp. Phụ nữ các xứ này học càng ngày càng lâu, lập gia đình chậm hoặc từ chối lập gia đình, có con ít hoặc chọn lựa không sinh con cái để tiếp tục sự nghiệp cá nhân,  nếp sống tự do không vướng bận con cái, hoặc lo ngại không đủ tiền của để giáo dục nuôi dưỡng một đứa trẻ.

Trong một cuộc họp mặt tại Vatican vào tháng 1 năm 2022, Đức Giáo hoàng Francis đã tạo ra một cơn sốt báo chí quốc tế khi ngài chia sẻ những suy nghĩ thẳng thắn của mình về việc các  cặp vợ chồng chọn nuôi thú cưng (pets) thay vì sinh con và cho rằng điều đó là ích kỷ và có hại cho toàn thế giới.

Ở Trung quốc là nước đông dân nhất thế giới, và kinh tế bùng nổ cũng một phần nhờ vào một lực lượng lao động trẻ đông đảo, người ta bắt đầu lo cho nhưng thập niên sắp tới. Trong tương lai gần do những tiến bộ về nếp sống và y tế, người già càng ngày càng sống lâu, đông hơn, với nhu cầu được săn sóc, giải trí nhiều hơn trước. Người trẻ, do chính sách một con của chế độ kiểm soát dân số gắt gao hàng chục năm nay, sẽ theo tỷ lệ càng ngày sẽ thấy gánh nặng xã hội đè lên thế hệ mình. Chính quyển Việt Nam gần đây cũng đã thấy viễn tượng thiếu trẻ, dư già này, và đang chính thức kêu gọi khuyến khích  giới trẻ có 2 con thay vì giới hạn trong 1-2 con như trước.

Theo tài liệu của CIA, năm 2023, tỷ số tăng dân số (population growth rate) của  Nhật (-0.41%), Đức (-0.12%), Italy (-0.1) đều ở số âm (dân số giảm theo thời gian), Nam Hàn mức tăng thấp ở 0.23% (so với Bắc Hàn là 0.44%), Đài loan 0.03%  trong lúc Mỹ là 0.68 % ,Canada 0.73 so với mức cao hơn của Việt Nam 0.93%. (1) Ở Mỹ, vấn đề này ít cấp tính hơn do chính sách nhập cư rộng rãi hơn, cũng như do văn hoá của một số nhóm thiểu số có khuynh hướng khuyến khích đông con hoặc cấm kỵ ngừa và phá thai, hoặc cả hai. Ví dụ người gốc châu Mỹ la tinh (Nam Mỹ và Trung Mỹ) có truyền thống gia đình con đông hơn người Mỹ trắng; đồng thời đa số là công giáo, và đối với họ, ngừa thai và nhất là  phá thai là điều cấm kỵ. Thêm nữa, so với phụ nữ da trắng, trình độ học vấn và mức sống (xã hội kinh tế) của họ không cao bằng,  đi đôi với việc họ không phải đợi một thời gian đi học, hành nghề kéo dài trước khi có thai, có con, cho nên có con sớm hơn và dễ hơn.

Gần đây, theo phán quyết Dobbs  có tính cách lịch sử của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ, toàn nước Mỹ sẽ thay đổi lớn với các biện pháp giới hạn phá thai. Các tiểu bang bảo thủ sẽ càng ngày càng khắc khe hơn, và người ta đã thấy giảm số bác sĩ  phá thai cũng như tăng tỷ số trẻ em sinh sản ở một số nơi.

Vào tháng 6 năm 2023, các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Bloomberg của Đại học Johns Hopkins đã công bố một trong những kết quả khảo cứu nghiêm túc đầu tiên về tác dụng của các luật giới hạn phá thai trên tỷ số sinh sản. Họ tập trung vào Texas, nơi có luật có hiệu lực vào tháng 9 năm 2021 (chín tháng trước phán quyết Dobbs của Tòa Án Tố Cao), cấm phá thai sau khi thai được sáu tuần. Phân tích cho thấy rằng Texas đã có thêm gần 10.000 ca sinh từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2022 so với dự kiến nếu không có luật này, hoặc nhiều hơn 3%. (2)

Hiện nay, trong một số nhà thương vùng Washington DC, hơn một nửa các trẻ sơ sinh là gốc Châu Mỹ La Tinh. Năm 2011, trên nửa trẻ em mới sinh trên toàn tiểu bang Texas là người gốc Mỹ la tinh (Hispanics). Những trẻ không phải da trắng này được kỳ vọng sẽ là những người lao động thế hệ tới, đóng thuế để đài thọ cho đa số da trắng lúc họ về già mấy chục năm sau này. Những tiểu bang khắt khe với người nhập cư vì họ không phải không phải da trắng sẽ phải đối diện với bài toán thiếu nhân lực phục vụ xã hội trong tương lai. Đây là một khía cạnh kinh tế quan trọng của vấn đề di dân, nhập cư đang nóng bỏng trong chính trường Mỹ hiện nay.(3)

Nói cách khác, những phụ nữ có nhiều lợi thế về kinh tế xã hội như nhiều tiền hơn, học cao hơn, việc làm tốt hơn càng ngày càng lập gia đình và sinh con đẻ cái chậm hơn trước. Trong nhiều năm, một trong những chính sách y tế và giáo dục quan trọng ở Mỹ là làm giảm bớt các trường hợp có bầu lúc cô gái còn dưới hai mươi tuổi, gọi chung là "teenage pregnancy", coi đây như là một tai hoạ cho tương lai học hành và nghề nghiệp người thiếu nữ. Chính sách này thành công và đưa đến kết quả hiện nay là các trường hợp này đang giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm chừng một nửa so với 20 năm trước.

Nhìn về thống kê và chính sách thì xem ra tốt cho nền kinh tế trước mắt và cho sự thành đạt của phái nữ cũng như mục tiêu bình đẳng giữa hai giới tính nam nữ. Nhưng ngược lại giá phải trả là gì? Một trong những vấn đề phải giải quyết là tuổi các bà mẹ càng ngày càng tăng nếu người phụ nữ ưu tiên cho học hành, bằng cấp và thành đạt sự nghiệp trước khi lập gia đình. Trong những động cơ chính: bình đẳng với nam giới, không lệ thuộc vào chồng, và thứ hai, muốn con mình sẽ sanh ra trong một môi trường đầy đủ những thứ chính mình đang được hưởng, hay ước mơ được hưởng. Như giáo dục đại học, học đàn, chơi thể thao, du lịch…, nói chung, những món khá đắt tiền nhưng có khi được giới trẻ xem (không biết đúng hay sai, hay hời hợt) như là phải có cho một cuộc sống có ý nghĩa, đáng sống.

TuoiTotNhat1 HVH

Hình 1:Thủ thuật bơm tinh trùng vào trứng (intracytoplasmic sperm injection, ICSI) (Nature)

Thêm vào đó, những tiến bộ về y khoa, đơn giản hoá và nhan nhản trên các truyền thông đại chúng, cho người phụ nữ có cảm tưởng là họ có thể có con cái lúc nào họ muốn. Quá tuổi sinh sản chăng? Thì dùng sinh sản qua ống nghiệm. Không mang bầu được, thì nhờ người khác mang bầu (surrogate mother). Báo chí ở Việt nam còn hãnh diện đăng tin là một nữ bác sĩ có khả năng dùng các "trứng non" chưa trưởng thành để chữa hiếm muộn, điều mà, theo bài báo, ít nơi trên thế giới làm được. Những biện pháp dùng khoa học kỹ thuật để chữa hiếm muộn gọi chung là "Assisted Reproductive Technology" (ART, công nghệ phụ giúp sinh sản).Trong một khuyến cáo năm 2016, Hội bác sĩ sản phụ khoa Mỹ cảnh báo về những "risk" (nguy cơ) gắn liền với công nghệ phụ giúp sinh sản: thường nhất là nhiều thai cùng một lúc (multiple pregnancy), sinh quá sớm (sinh non, prematurity), cân nặng sơ sinh quá thấp (low birth weight), bịnh viêm não trẻ sơ sinh, chết lúc sơ sinh đều nhiều hơn chứng gấp đôi bình thường. Đó là chưa kể đến những bịnh về di truyền có thể xảy ra lúc người ta cố gắng dùng kỹ thuật để thụ tinh bằng tinh trùng rút ra một cách nhân tạo từ người đàn ông hiếm muộn (ví dụ do thiếu tinh trùng, hoặc do ống dẫn tinh trùng  bị tắt nghẽn).Thủ thuật bơm tinh trùng vào trứng (intracytoplasmic sperm injection, ICSI) cũng có thể làm biến đổi cách hoạt động của các gen (genomic imprinting).(4)

TuoiTotNhat2 HVH

Hình 2: Trứng đông lạnh (oocytic cryopreservation, “egg freezing”)

Trong mười năm trở lại đây, ở Mỹ đang có phong trào các phụ nữ nhờ bác sĩ lấy trứng của mình đem đi đông lạnh (oocytic cryopreservation, “egg freezing”), để dành đến lúc nào thuận tiện có bầu  sẽ đem ra "xài". Hội bác sĩ phụ sản khoa ở Mỹ  ra một thông cáo (tháng 12-2013) cảnh báo phụ nữ, trừ trường hợp bất khả kháng (như để dành trứng trước khi chữa bịnh ung thư bằng hóa trị liệu), không nên dùng phương pháp đông lạnh trứng một cách rộng rãi, như là một cách để bảo đảm mình sẽ có con về sau, lúc mình muốn, vì còn rất nhiều câu hỏi chưa giải quyết về "an toàn, đức lý và kinh tế". (5)

Những tin tức như vậy về công nghệ giúp sinh sản dễ dàng hơn, theo ý muốn cho người phụ nữ cảm giác an toàn không hợp lý về khả năng sinh sản của mình. Đến lúc đợi lâu quá, (ngoài chuyện phải gặp ý trung nhân lúc quá tuổi xuân thì), thì phải đối phó với hoàn cảnh thực thế thì đã quá muộn. Chữa hiếm muộn tốn kém và không đơn giản. Những đứa bé sinh ra có thể có những vấn đề ít gặp hơn ở những đứa bé mẹ trẻ tuổi hơn lúc sanh chúng.

Vấn đề trung tâm ở đây là phụ nữ đang muốn chặn kim đồng hồ sinh học của mình lại, từ tiếng Anh thường dùng là "biological clock", cái đồng hồ này chạy khác đồng hồ sinh học ở nam giới, vì như chúng ta đều biết, nhiều ông già 60-70 vẫn có con được, nếu họ muốn và họ tìm được người mang con cho họ (mặc dù hiện nay chúng ta có những bằng chứng khoa học cho biết tuổi cao hay tình trạng dinh dưỡng kém của người cha cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của đức con sinh ra). Trong lúc đó phụ nữ sinh ra lọt lòng mẹ chỉ mang theo một số nhất định trứng trong 2 buồng trứng của mình, và trong khoảng thời gian tắc kinh (menopause), sẽ không còn trứng nữa.

Vậy câu hỏi là: "Tuổi nào có con là tốt nhất cho người phụ nữ ( và cho đứa con)?

Theo số liệu thống kê năm 2021, độ tuổi trung bình lúc kết hôn lần đầu của phụ nữ ở Hoa Kỳ là 28,6 tuổi, nam giới là 30,6 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi kết hôn trung bình ở Hoa Kỳ đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua và có thể thay đổi theo khu vực và tiểu bang.(6)

Theo ý kiến những nhà khảo cứu y học đăng trong báo BMJ (The British Medical Journal) thì tốt hơn hết là đừng đợi đến lứa tuổi "băm mấy"(thirties). Về phương diện sinh học, tuổi có bầu tốt nhất là 25-35 tuổi. Sau tuổi 35, các khó khăn hiếm muộn nhiều hơn, và sau 40 lại tăng dữ dội hơn nữa, dù có bầu thành công  kết quả cho cả mẹ lẫn con đều kém đi. Theo bài bình luận: “Thật mỉa mai là trong khi chúng ta càng ngày càng ngại các chuyện nguy hiểm, và các phụ nữ mang thai lo lắng nhiều hơn trước, một nguyên nhân gây sức khoẻ kém và đau khổ có thể tránh được lại không được nêu rõ ra.”

“Những cơ quan y tế công cọng đặt trọng tâm vào [các trường hợp thai ở] thanh thiếu niên dưới 20 tuổi mà lại làm ngơ trước dịch các thai nghén trong tuổi đàn bà trung niên. Người phụ nữ "muốn tất cả mọi thứ", nhưng sinh học của họ thì không thay đổi. Bác sĩ cũng như những người quy hoạch y tế cần nắm vững đe doạ này đối với nền y tế công cộng cọng, và hỗ trợ, nâng đỡ phụ nữ có thai trong những điều kiện tối hảo về mặt sinh học."(5)

Và để kết luận cho bài viết tản mạn về sinh sản, dân số và y học  này, chúng ta nên nhớ là dù nếp sống, nhu cầu kinh tế và  văn hoá có thay đổi, con người bằng da bằng thịt của chúng ta vẫn phải theo những quy luật tự nhiên của nó. Chúng ta phải sắp xếp cuộc sống chung quanh những quy luật đó. Trong lãnh vực sinh sản của phụ nữ, đồng hồ sinh học lại có vẻ như còn khắt khe hơn nữa và chúng ta phải sắp xếp cuộc sống chung quanh cái "đồng hồ" đó (ví dụ lập gia đình trước, xây dựng sự nghiệp sau, hay cùng một lúc nhưng chậm chạp hơn).

Như người Việt chúng ta vẫn nhắc nhở:

 

Thì giờ thấm thoát thoi đưa

Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 24 tháng 7, năm 2023

Notes:

(1) https://www.cia.gov/the-world-factbook/field/population-growth-rate/country-comparison/

(2)  https://www.nytimes.com/2023/06/30/us/texas-abortion-births-study.html

(3) Non-White US Births Become the Majority for the First Time.http://www.bloomberg.com/news/2012-05-17/non-white-u-s-births-become-the-majority-for-first-time.html

(4) “alterations in methylation, epigenetics, and imprinting have been reported in ART pregnancies”

 ACOG: Perinatal Risks Associated With Assisted Reproductive Technology

https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2016/09/perinatal-risks-associated-with-assisted-reproductive-technology

(5) ACOG:  Oocyte Cryopreservation:

“There are not yet sufficient data to recommend oocyte cryopreservation for the sole purpose of circumventing reproductive aging in healthy women. It is recommended that patients be thoroughly counseled about the current lack of data on efficacy, as well as the risks, costs, and alternatives to elective oocyte cryopreservation”

(5) Editorial: Which career first? BMJ Volume 331, pp 588-9

http://group.bmj.com/group/media/press-release-archive-files/BMJ/bmj-2005/BMJ-16Sep-2005-2.pdf

(6)https://www.statista.com/statistics/371933/median-age-of-us-americans-at-their-first-wedding/?ssp=1&setlang=en-US&safesearch=moderate

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 64.1% Viet Nam
United States of America 21.2% United States of America
Canada 3.9% Canada
France 2.0% France
Germany 2.0% Germany
Japan 1.9% Japan
Singapore 1.3% Singapore
Australia 1.1% Australia

Total:

54

Countries