"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

hvhien --- cvc1

Fig 1: Influenza virus (source: Wikipedia)

Cảm lạnh và cúm

‘Catch a cold” or “catch cold”.

Trong tiếng Anh, người ta nói "to catch a cold" do tin tưởng rằng ra lạnh làm chúng ta bịnh cảm mạo, bị cúm ("flu"). Y khoa căn cứ trên thực chứng (evidence based medicine ) hiện nay cho rằng nghĩ như vậy là sai. Người ta từng cho một đám thanh niên khoẻ mạnh tình nguyện ra ngoài trời băng giá và thấy so sánh với nhóm control, chẳng bị cảm cúm gì nhiều hơn nhóm kia.

Theo y khoa chính thống (mainstream) thì chỉ có các virus như siêu vi bịnh cúm, bịnh cảm ( influenza virus, rhinovirus, rhino=mũi) mới làm cho bạn cảm , cúm. Đi mưa bị ướt đầu, gội đầu không làm cho bạn cảm cúm. Tuy vậy, theo thói quen, cũng có thể theo kinh nghiệm, lúc phụ huynh đem em bé khám bịnh vì sốt cao, bác sĩ bảo đem nó tắm nước ấm đi cho bớt nóng sốt, thì ông nội ông ngoại tức thì cản lại, sợ trúng gió, trúng nước.

Tuy nhiên, tôi nghĩ thực tế không đơn giản. Nếu chúng ta đang khoẻ mạnh , nhưng trong mũi chúng ta mang sẳn virus cảm cúm, nếu chúng ta ra lạnh, các mạch máu trong mũi, trong họng chúng ta co lại, nhiệt độ trong đường hô hấp giảm xuống làm virus (đang ở sẳn trong đó) sinh sôi nẩy nở lẹ hơn và gây bịnh thật sự.

Bởi vậy, trong một thí nghiệm ở Cardiff, Anh, người ta cho một số người nhúng chân vào nước đá 20 phút và những người này bị cảm nhiều gấp đôi so với người khong nhúng chân vào nước lạnh. Một ví dụ khác, người mắc bịnh suyễn có phế quản nhạy cảm với nhiệt độ không khí hít vào. Nếu ra lạnh, không quấn khăn quàng cỗ, mặc áo ấm đầy đủ, có thể lên cơn suyễn (cold- induced asthma), khó thở, ho.. giống như bị cảm.

hvhien --- cvc2

Fig 2: Các triệu chứng thường gặp của bịnh cúm

Nhức đầu, nóng sốt cao, đau nhức khớp, mệt mỏi, sổ mũi, nuốt đau, đau cỗ họng, ho, ói.

Ở Mỹ, người ta thường gọi đây là những "triệu chứng giống như cúm" (flu-like symptoms). Bịnh nhân nhiễm virus khác, ví dụ Ebola, cũng có thể bắt đầu bằng những triệu chứng đường hô hấp và tiêu hoá “ giống như cúm”.

(Image source: Wikipedia)

Một câu hỏi thường đặt ra : "Flu" là gì?

Ở Mỹ chúng ta nói "I've got the flu" lúc chúng ta nóng lạnh, sổ mũi, ho. Nhưng người ta cũng biểu chúng ta đi chích "flu shot". Sau đó, nếu đã chích "flu shot", nếu vẫn bị nóng lạnh ho sỗ mũi, chúng ta lại thắc mắc: Tại sao "chích flu shot” rồi mà vẫn bị “flu"?

Flu: Từ điển Merriam-Webster định nghĩa "flu" có 2 nghĩa:

1)Flu= INFLUENZA. Nghĩa này chỉ bịnh cúm thật sự, do virus cúm gây ra. Trước đây, người ta đã ghi nhận những bịnh cảm cúm nặng, xảy ra theo mùa lạnh ở các nước ôn đới, lai rai quanh năm ở các xứ nhiệt đới như Việt Nam. Có những dịch lớn xảy ra làm chết hàng triệu người như đại dịch cúm 1918 (Spanish flu pandemic of 1918) giết còn nhiều người hơn là tổn thất thế chiến thứ nhất. Cho đến năm 1933, ba khoa học gia người Anh mới tìm ra virus của bịnh cúm, chính xác là influenza.(Tuy nhiên, gốc từ influenza, đã có hàng ngàn năm, không có gì là khoa học cả. Nghĩa gốc có nghĩa là "influence"= ảnh hưởng, vì ngày xưa người ta cho các bịnh hay dịch bịnh là do ảnh hường của vị thế các ngôi sao trên trời, hay ảnh hưởng ma quái.)

Muốn chính xác, chúng ta nên dùng từ "influenza" để chỉ bịnh cúm do virus cúm gây ra.

Lúc chích ngừa cúm (“flu shot”), chúng ta kích thích cơ thể gây sản xuất ra kháng thể (antibodies) chống với virus influenza/cúm và chúng ta chỉ được che chở đối với virus này; chúng ta vẫn có thể bị "cảm" như thường.

Ngoài ra, ở Mỹ, mỗi năm người ta chọn 3- 4 strains (dòng) virus cúm để cho vào thuốc vaccine cho mùa thu năm đó, tiên đoán là chúng sẽ đến Mỹ, căn cứ trên dịch học của những nơi khác. Nếu đoán trúng thì khả năng che chở nhiều, nếu đoán sai, thì người nhận vaccine không được che chở tốt bằng. Tỷ lệ hữu hiệu chừng 60%, có nghĩa là người được chích ngừa năm đó có cơ nguy phải đi bác sĩ chữa bịnh cúm giảm chừng 60%.

Trên vỏ ngoài virus cúm, có 2 protein có thể dùng đánh dấu con virus đó:

1) hemagglutinin (H)

2) neuraminidase (N)

Ví dụ trước đây, năm 2009, chúng ta lo về cúm "heo" (swine flu) do virus H1 N1, một strain chưa bao giờ có trong các thuốc chủng ngừa cúm. Năm nay, mùa 2014-2015, thuốc vaccine cúm có H1N1, H3N2 cho type A, và 2 strains của type B (quadrivalent vaccine). Hiện nay, chủng ngừa cúm có thể bằng thuốc chích, và thuốc xịt vào mũi, khỏi chích (như Flumist, có chứa virus còn sống, nhưng đã làm yếu đi).

Các protein H và N thay đổi hàng năm do virus  đột biến (mutation), cho nên nếu không dùng thuốc mới, có thể hệ miễn nhiễm (immune system) chúng ta không nhận ra chúng được. Hiện nay, người ta đang nghiên cứu vaccine dựa trên protein của virus cúm gọi là protein M2. Protein M2 không thay đổi từ thập niên 1930's đối với virus gây bịnh cúm ở người. Nếu thành công, loại vaccine mới này sẽ hy vọng có hiệu lực năm này qua năm khác (perennial vaccine), không cần chích hàng năm (như seasonal vaccine).

2 )Nghĩa rộng thứ hai: "Flu" = Bất cứ bịnh nào trong số những bịnh gây triệu chứng hô hấp và tiêu hoá. Từ này giống như chúng ta gọi tên bịnh "cảm", hay "cảm mạo", tiếng Anh gọi là "common cold". Nên để ý, gốc chữ "cảm" cũng có nghĩa là” nhận , nhiễm, bị ảnh hưởng” của một cái gì đó từ bên ngoài, tương tự như từ “ influence” trong influenza.

hvhien --- cvc3

Fig. 3: So sánh cảm (cold) và cúm (flu): Thường cúm influenza gây nóng sốt, nhức đầu, mệt mõi, ho nhiều hơn, kéo dài hơn là bịnh cảm. Tuy nhiên khó căn cứ trên triệu chứng để định bịnh dứt khoát. có thể thử nhớt mũi (nasal swab), hay cấy (culture) nước mũi, quẹt họng để xác định. Thuốc tamiflu (oseltamivir) có thể làm các triệu chứng ngắn lại. Bịnh cảm do rhinovirus gây ra, chảy nước mũi , nhảy mũi nhiều, ít sốt, và không gây mệt mõi rã rời như cúm. không có thuốc kháng sinh đặc hiệu. (Nguồn hình ảnh: livinggreenmag.com)

Nói một cách khác, "cảm lạnh" cũng có những triệu chứng tương tự như "cúm", nhưng "cúm" xuất hiện theo mùa lạnh (vd ở Mỹ), triệu chứng đến nhanh hơn, nặng hơn, đau nhức nhiều hơn, khả năng biến chứng như viêm phổi (pneumonia) nhiều hơn, gây tử vong dễ dàng hơn, nhất là ở người già, trẻ em nhỏ, người đề kháng yếu (ví du HIV, ung thư).

Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó phân biệt, có thể bị "cúm" thật, thử nước mũi có virus influenza dương, mà triệu chứng nóng số, ho nhẹ thôi. Ngược lại, trẻ nhỏ có thể bị nóng, sổ mũi, ho nhiều , kéo dài, có khi sưng phổi, nhưng lại không phải virus influenza, mà do một số virus khác.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 7 tháng 11 năm 2014