"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

CẮT DA QUI ÐẦU

TRẺ SƠ SINH

Văn hoá và khoa học

Ngày 2 tháng 12, năm 2014, lần đầu tiên một cơ quan liên bang Hoa Kỳ, Trung Tâm Phòng và Kiểm Soát Bịnh (CDC), kết luận rằng "có bằng chứng y khoa hổ trợ cho việc cắt da quy đầu trẻ sơ sinh" và khuyến cáo các hãng bảo hiểm y tế trả tiền cho thủ thuật này. Việc này sẽ hâm nóng lại tranh luận trong quá khứ về vấn đề cắt da quy đầu (cắt bì, circumcision) cho trẻ em mới sanh. Tranh luận đã kéo dài mấy chục năm nay, giữa những người chủ trương da quy đầu là sở hữu trời cho của mọi bé trai bình thường và người lớn không có tư cách gì để quyết định đơn phương cắt xẻo đi một phần thân thể của nó, làm nó đau đớn trong lúc gây ra một "khiếm tật" ở bộ phận sinh dục (từ tiếng Anh là "genital mutilation"), không khác với chuyện cắt xẻo bộ phận sinh dục các bé gái ở châu Phi (female genital mutilation). Phe kia thì binh vực thủ thuật cắt với lý do chính là thủ thuật này cắt ít đau đớn lúc mới sinh và có lợi cho vệ sinh và sức khoẻ sau này. Tôi xin cập nhật lại bài viết về vấn đề này, được hiệu đính nhiều lần từ năm 1986. Các lập trường của các cơ quan chuyên môn cũng như các nhóm binh vực hay chống đối được phản ảnh qua những khuyến cáo khác nhau của Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa kỳ ( AAP), phần lớn căn cứ trên những kết quả khảo cứu y học lần lược được công bố về đề tài này trong mấy chục năm nay, cũng như phản ứng rầm rộ của các nhóm chống đối, nhất là các bác sĩ ngoài nước Mỹ (nhất là châu Âu), với cái nhìn văn hoá khác biệt.

Nên hay không nên cắt?

Phong tục mỗi xứ mỗi khác và lắm khi phong tục ảnh hưởng đến cách trị liệu trong Y khoa. Tục lệ ở Việt Nam không thấy nói nhiều đến vệ sinh ở bộ phận sinh dục. Nói chung chúng ta coi phần này của thân thể như là một nơi không được sạch sẽ lắm. Lòn trôn kẻ khác được xem như là một hành động nhục nhã bất đắc dĩ mới phải làm. Nếu bạn vô ý ngồi trên đầu giường của người khác có thể coi như là một cử chỉ rất là bất lịch sự. Ðứng về phương diện khoa học, có lẽ thái độ này cũng có điểm hợp lý của nó. Chúng ta thường tránh bàn đến những gì liên quan đến những chỗ kín và do đó người Việt Nam chúng ta cũng không hiểu biết gì nhiều về vệ sinh cũng như về bệnh lý liên quan đến những bộ phận đó. Người con trai cũng như người con gái lúc lớn lên thường không được hướng dẫn về vệ sinh thường thức cho những phần kín đáo của cơ thể và do đó đôi khi có những hậu quả tai hại.

Trong một số xã hội khác và trong một số tôn giáo lại có nhiều qui định khắt khe đối với cách giữ gìn bộ phận sinh dục. Trong y khoa, từ circumcision gốc la tinh (circumcisio) gồm hai phần "circum" nghĩa là "chung quanh" và "cision" (latin: caedo) có nghĩa là cắt. Ở đây, nên phân biệt hai trường hợp, một bên những luật lệ, phong tục áp dụng cho con trai và bên kia những luật lệ áp dụng cho con gái. Về phía con gái , phần lớn những phong tục đem từ Châu Phi, áp dụng cho những người di dân mới sang Mỹ từ châu Phi qua. Người châu Phi có tập tục làm "circumcision", hay “pharaonic circumcision” (gốc thời Pharaoh, Ai cập cổ đại) cho các bé gái, tức là cắt bớt đi một phần của bộ phận sinh dục ngoài của các em bé gái trước khi chúng bước vào tuổi dậy thì. Cắt nhiều hoặc ít, và có thể còn may lại gần như bít kín (infibulation) tuỳ theo tập tục mỗi địa phương. Không có bằng chứng rõ rệt về xuất xứ của tập tục này, được thực hành từ thời cổ đại Châu Phi và ở thổ dân Úc Châu. Mục đích có thể là kiểm soát hoạt động tính dục của người phụ nữ và kiểm soát sinh sản, cũng có thể đây là một thực hành có tính cách tôn giáo. Ở Mỹ thủ thuật "female circumcision" này coi như là bất hợp pháp vì xâm phạm tới thân thể của em bé một cách đau đớn và không có ích lợi y khoa; tuy nhiên một số phụ nữ châu Phi vẫn lén lút cho thực hiện thủ thuật này trên con gái của họ vì sợ rằng, nếu không tuân thủ theo tập quán của xã hội mình, đứa bé gái lúc lớn lên sẽ bị tẩy chay, gạt ra khỏi tập thể của mình. Thánh 12 năm 2012, lần đầu tiên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng thanh thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt hành động nay được gọi là "gây thương tật bộ phận sinh dục phái nữ" (Female Genital Mutilation, hay FGM), xem đấy là một "bạo hành không đão ngược và không sửa chữa được" (irreparable and irreversible abuse).

Về phía con trai, thủ thuật cũng được gọi là "circumcision" nhưng lại là một hoàn cảnh khác. "Male circumcision", dịch là thủ thuật cắt da qui đầu cho bé trai. Da hay bao qui đầu (foreskin; qui=rùa, do hình dạng đầu dương vật giống đầu con rùa) là phần da che chở, bọc bên ngoài phía đầu của bộ phận sinh dục nam giới. Người Do Thái bắt buộc phải cắt da qui đầu cho con trai từ thời Chúa giao ước với tổ phụ Abraham (kinh Genesis của Torah [Cựu Ước]). Do Thái Giáo qui định con trai phải được cắt da qui đầu ngày thứ 8 kể từ khi sanh, thường do một người chuyên môn gọi là mohel, trong lễ brit milah. Hồi Giáo cũng có luật tương tự (nghi lễ khitan), thường lúc 7 tuổi.

Đầu thế kỷ thứ 20, chừng 20% người Mỹ được cắt da quy đầu. Có lẽ tập tục cắt da qui đầu cho hầu hết trẻ sơ sinh ở Mỹ bắt đầu vào thời gian thế chiến thứ II. Ðiều kiện vệ sinh trong thời chiến tương đối kém, nhất là đối với những người đàn ông trong quân ngũ. Do sinh hoạt quân đội và đòi hỏi chiến trường, sự rửa ráy thân thể và giặt giũ áo quần chỉ còn ở mức tối thiểu nên những bệnh ngoài da nhất là bệnh ở bộ phận sinh dục tất nhiên rất phổ biến và làm khổ sở người đàn ông không ít. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó đương nhiên những người được cắt da qui đầu gọn ghẽ thấy ít bị phiền toái hơn những đồng ngũ của mình và khi giải ngũ về đời sống thường dân sau đó, họ sẽ có khuynh hướng xem cái da qui đầu kia là một vật dư thừa và muốn con trai của họ cũng được "hớt cua" theo kiểu nhà binh. Trong những năm 1950’s, 1960's, chừng 80% các em bé trai mới sinh được cắt bì. Sau đó, dần dần tỷ số này giảm đi do quan ngại về sự đau đớn cho trẻ sơ sinh cũng như kết quả các khảo cứu cân nhắc lợi hại của thủ thuật này. Hiện nay chừng 58%. Các nước khác: Canada (31%), Mexico 10-31%, Anh, Pháp 14-15%, Vietnam, China, Thailand <20%, Cambodia 3.5%.

Một số không nhỏ cha mẹ Việt Nam bắt đầu để ý tới vấn đề này. Ðôi khi, ngay sau khi vừa sanh xong bé trai, bác sĩ hỏi ý kiến người cha mẹ về vấn đền cắt da qui đầu cho trẻ sơ sanh thì cha mẹ cháu vì không chuẩn bị nghiên cứu trước nên không biết chọn lựa như thế nào. Ai đúng ai sai? Cắt da qui đầu có thật cần thiết hay không? Ðây là một vấn đề nan giải.

 

hvhien --- cdq1

 

Tôn giáo, phong tục và khoa học.

Có phải các nước tiên tiến đều cho trẻ con cắt da qui đầu không, hay chỉ có Việt Nam mới để da qui đầu tự nhiên không cắt cụt? Theo thống kê mới nhất của Hoa Kỳ, 58% bé trai bị cắt da qui đầu (2010, theo CDC).

Mấy năm về trước một số khảo cứu cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung rất thấp ở người đàn bà Do Thái. Do đó người ta nghĩ rằng có lẽ vì đàn ông Do Thái cắt da qui đầu lúc mới sanh nên người đàn bà Do Thái tránh được ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên những nghiên cứu dịch học sau này cho thấy da qui đầu của người chồng không phải là yếu tố quyết định trong sự gây bệnh ung thư cổ tử cung nơi người vợ. Vấn đề vệ sinh bộ phận sinh dục, tuổi người đàn bà lúc giao hợp lần đầu tiên cũng như số người tiếp xúc về tính dục với người đàn bà, đó là những yếu tố quan trọng hơn nhiều trong sự phát sinh của bệnh ung thư cổ tử cung của người đàn bà. Hiện nay, chúng ta biết rằng đa số các ung thư cỗ tử cung là do virus HPV gây ra , và cách ngăn ngừa hiệu nghiệm nhất là chích ngừa thuốc vaccine chống HPV (Gardasil, Cevarix) cho trẻ em trai và gái trước khi chúng có quan hệ tính dục.

Lý do thứ hai thường được nêu ra để binh vực thủ thuật cắt da qui đầu là vấn đề vệ sinh phái nam. Mấy chục năm về trước luân lý tây phương rất khắt khe đối với vấn đề thủ dâm (masturbation) ở thanh thiếu niên. Người ta cho rằng thủ dâm có thể gây ra bệnh điên, bệnh suy nhược thần kinh, chứng học dốt và nhiều chứng khác. Người ta cũng thường nghĩ rằng nếu con trai được cắt da qui đầu thì sẽ tránh được chứng thủ dâm. Hiện nay vẫn còn nhiều người tin như vậy. Tuy nhiên y khoa hiện nay không còn kết tội khắt khe tật thủ dâm như trước đây. Các cuộc nghiên cứu về tính dục cho thấy thủ dâm là một hiện tượng rất phổ biến ở một giai đoạn nào đó trong sự phát triển tính dục bình thường. Mặt khác, có thể rằng những trẻ em được cắt da qui đầu ít bị nhột nhạt ngứa ngáy ở bộ phận sinh dục hơn các trẻ khác và do đó ít để ý đến phần thân thể này hơn những trẻ khác.

Cuối cùng, cắt da quy đầu gần như loại bỏ khả năng ung thư dương vật sau này, mặc dù ung thư loại này hiếm.

Cắt da qui đầu để ngừa nhiễm trùng.

Một số khảo cứu cho thấy trẻ sơ sinh được cắt da qui đầu ít bị nhiễm trùng đường tiểu trong tháng đầu sau khi sanh so với những trẻ em khác không cắt da qui đầu. Ðây là một luận cứ khoa học có căn cứ vững chắc, căn cứ trên sự theo dõi hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên phải cần một thời gian nữa mới có thể kiểm chứng được giá trị thật sự của khám phá nói trên. Dù sao thì nhiễm trùng ít khi xảy ra, cứ 100 em chỉ có vài em bị nhiễm trùng đường tiểu, và hậu quả không rõ rệt.

Trong một số nghiên cứu, đàn ông cắt da qui đầu ít bị HIV/AIDS hơn. Năm 2007, WHO công nhận cắt da quy đầu là một can thiệp hữu hiệu để ngừa lây truyền HIV. Tuy nhiên, phải tự bảo vệ bằng những phương tiện khác như bao cao su (áo mưa) và giảm thiểu số bạn tình.

Cắt da qui đầu: đau đớn và đôi khi nhiều rắc rối:

  • Trước hết thủ thuật này làm cho bé sơ sinh đau đớn. Một số bác sĩ dùng thuốc tê cho trẻ sơ sinh và người ta cũng chú trọng đến những phương pháp vỗ về, dỗ dành em bé để tránh kích động mạnh thần kinh của em.
  • Một số trẻ lúc mới sanh có khuynh hướng chảy máu một cách bất bình thường. Ðôi khi vấn đề này gây ra bởi kháng thể truyền từ người mẹ sang em bé . Những cháu bé này nếu bị giải phẫu (như là cắt da qui đầu) sẽ có khuynh hướng chảy máu kéo dài, đôi khi cần phải truyền huyết thanh hoặc máu tươi để ngăn chận xuất huyết.
  • Ðôi khi nơi giải phẫu bị nhiễm trùng và trẻ phải được săn sóc một thời gian đến khi vết thương lành.
  • Một số bé trai mang tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục. Khi bé lớn lên có thể bé được giải phẫu để sửa lại, lúc đó có khi người ta phải dùng đến miếng da qui đầu để đắp chỗ khiếm khuyết. Cho nên tuyệt đối không nên cắt da qui đầu của trẻ sơ sinh có tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục.

Quan điểm Y học hiện nay.

Hiện nay lập trường chính thức của phần đông bác sĩ ở Hoa Kỳ là coi cắt da qui đầu như một thủ thuật không cần thiết về mặt y học, nhưng không phải hoàn toàn vô ích. Nói cách khác, làm cũng tốt, không cắt cũng không sao. Một số cơ quan bảo hiểm từ chối trả tiền cho thủ thuật giải phẩu này. Năm 2012, Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ công nhận cắt da quy đầu cho trẻ sơ sinh nam có lợi nhiều hơn có hại, nhưng những lợi lộc không đủ lớn để khuyến cáo nên cắt da quy đầu cho mọi em bé mới sanh. Quyết định nằm trong tay cha mẹ em bé, theo những tin tưởng tôn giáo, đức lý và văn hoá của họ. Cơ quan Phòng và Kiểm soát bịnh (CDC), kết luận rằng "có bằng chứng y khoa hổ trợ cho việc cắt da quy đầu trẻ sơ sinh" và khuyến cáo các hãng bảo hiểm y tế trả tiền cho thủ thuật này. Khuyến cáo này chỉ tạm thời, cho đến sang năm (2015), sẽ được đúc kết chính thức sau khi xem xét những phản hồi từ các giới khác nhau.

Săn sóc da qui đầu cho trẻ em bình thường.

Nếu chúng ta quyết định không cho em bé mổ thì nên để ý những điểm sau đây: Sự săn sóc bộ phận sinh dục của bé trai cũng không có gì đặc biệt. Chỉ cần rửa ráy hàng ngày lúc tắm rửa cho cháu. Lúc bé còn nhỏ, da qui đầu gắn liền với đầu dương vật, vì vậy chúng ta không nên ráng sức kéo tuột ngược trở lên. Dần dần tự nhiên da qui đầu sẽ tách khỏi đầu dương vật và những tế bào gắn liền hai bộ phận này bị thải ra ngoài. Suốt đời cháu bé, các lớp tế bào trên qui đầu cứ tiếp tục bị thay thế và thải ra ngoài sinh ra một chất sệt trắng tựa như chất sáp (smegma). Chất này được tuần tự thải ra qui đầu dương vật. Một số cha mẹ vì không hiểu hiện tượng này nên lầm tưởng đây là một chất gì bất thường.

Khi cháu lớn lên dần dần da qui đầu sẽ tự rút ngược lên để lộ phần qui đầu. Có khi mất đến năm hoặc mười năm. Cho nên chúng ta không nên sốt ruột nếu da qui đầu của cháu bé không tuột lên được. Không cần dùng Q tip, không cần dùng thuốc sát trùng cũng như không cần phải bơm nước vào để rửa da qui đầu. Chỉ cần dùng xà phòng và nước để rửa ráy.

Vệ sinh da qui đầu đối với thanh thiếu niên.

Lúc cháu được 12, 13 tuổi thường ta có thể kéo ngược da qui đầu trở lên mà không trở ngại gì. Lúc đó vệ sinh bộ phận sinh dục cũng thông thường như vệ sinh các bộ phận khác: gội đầu, chải tóc, cắt móng tay, chải răng.

Nên dạy cháu kéo da qui đầu lên để rửa ráy phần trong mỗi ngày lúc đi tắm. Nếu đến lúc dậy thì da qui đầu vẫn chưa tuột lên được có lúc do một vòng sợi cản trở, người ta gọi là phimosis. Có khi vì cha mẹ ráng nông da qui đầu của em bé lúc bé còn nhỏ nên tạo ra những vết thương nhỏ, những vết thương này thành thẹo và co rút lại gây ra phimosis. Cũng có khi do nhiễm trùng hoặc những chấn thương khác. Ðôi lúc đầu dương vật bị mắc nghẽn vào da qui đầu quá hẹp, làm sưng và đau (paraphimosis). Lúc đó nếu cố gắng đẩy qui đầu trở vào không thành công, cần phải nhờ bác sĩ xẻ da qui đầu hoặc cắt hẳn da qui đầu để giải tỏa tắc nghẽn lưu thông các mạch máu.

Săn sóc da qui đầu được giải phẫu.

Nếu cháu được cắt da qui đầu lúc mới sanh, trừ những biến chứng đã nói ở trên thường không gặp vấn đề gì quan trọng.

Cha mẹ được y tá hướng dẫn săn sóc, thoa vaseline vào vết mổ và thường cháu lành trong vòng một tuần lễ. Ðôi khi vì mặc tã suốt ngày và vì không có da qui đầu che chở, đầu dương vật em bé bị sưng chung quanh lỗ tiểu. Lâu ngày chỗ sưng thành thẹo và co rút lại làm trở ngại cho dòng nước tiểu. Vòi nước tiểu rất nhỏ giống như một mũi kim và cháu bé có thể đau lúc đi tiểu. Tuy nhiên phần lớn trường hợp dễ chữa trị và không có tác dụng nguy hiểm nào trên hệ thống bài tiết của em bé. Nên giữ bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ, khô ráo. Thỉnh thoảng nên mở tả ra cho vùng da này được khô ráo và thoáng khí để tránh tình trạng trên.

Kết luận

Cắt da qui đầu ở bé trai sơ sinh (male newborn circumcision) là một phong tục phổ biến ở Mỹ, tuy nhiên tỷ lệ biến đổi tuỳ nơi trên thế giới, cao nhất là ở các quốc gia Hồi giáo, thấp ở Á châu và Châu Mỹ La tinh. Ðiểm lợi là trong tháng đầu đời, các bé được cắt da qui đầu sẽ bị ít nhiễm trùng đường tiểu, lúc lớn lên giữ vệ sinh bộ phận sinh dục tương đối dễ dàng hơn, tránh được ung thư dương vật, tỷ lệ nhiễm HIV thấp hơn.Tính nhạy cảm vùng bộ phận sinh dục có thể giảm đi so với người không cắt. Ðiểm hại là đau đớn em bé, có nhiều dấu hiệu cho thấy em bé ghi nhớ vào tiềm thức "cơn đau" này rất lâu và trong hiếm trường hợp có biến chứng như chảy máu chỗ cắt. Quyết định phần lớn do cha mẹ bé cân nhắc lợi hại.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền 

(Hien V. Ho, MD, FAAP)

26-th 1-1996/4- th 12-2014

 

1)Theo tài liệu của American Academy Of Pediatrics, CDC, WHO

2) http://intaction.org/circumcision-policy-denounced/

3) http://news.discovery.com/human/female-genital-mutilation-begin-121210.htm