"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Hội Chứng Kẻ Mạo Nhận

(The Impostor Syndrome)

15hvhien --- hck1

 

Keep your eyes on the stars, and keep your feet on the ground.

(Hãy giữ mắt mình vào các vì sao, và giữ chân mình trên mặt đất.)

Theodore Roosevelt

So, first of all, let me assert my firm belief that the only thing we have to fear is...fear itself — nameless, unreasoning, unjustified terror which paralyzes needed efforts to convert retreat into advance.

(Vậy, trước hết, hãy cho tôi khẳng định điều tôi tin tưởng vững chắc, là cái duy nhất mà chúng ta phải sợ là...chính bản thân của nỗi lo sợ, sự khiếp sợ không tên, không lý luận, không chứng minh làm tê liệt những cố gắng cần thiết để biến cuộc rút lui trở thành một cuộc tiến tới.)

Franklin Roosevelt (Inauguration address, 1933)

Cuối năm có thể là một dịp tốt để tính sổ chuyện đời. Một số khảo cứu cho biết những ngày lễ lạc có thể là những ngày stress đối với nhiều người. Nhu cầu chi tiêu cho gia đình, quà cáp, thăm hỏi để khỏi làm phật lòng cha mẹ, vợ chồng, làm thất vọng con cái. Không ít người nhìn lại quá khứ, có thể điểm lại  một năm đã qua và thấy thi rớt, thua lỗ, bị bạn trai, gái bỏ, vân vân.... Những thất bại làm mình cay đắng và nản lòng.

Tuy nhiên có một hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược. Một bạn trẻ trong tuổi 20- 30, học xuất sắc ở trung học, bạn bè hâm mộ, thể thao khá, viết văn hay, điểm SAT cao chót vót, được nhận vào trường y, làm bác sĩ thường trú trong một chương trình  rất khó vào, có người yêu luôn luôn nhìn mình với đôi mắt chiêm ngưỡng, chụp hình trông “như phim Hàn Quốc”... Vậy sao cuối năm nhìn lại đời mình, vẫn thấy có vấn đề, hình như không ổn, hình như mình thật sự không phải là con người thành công mà gia đình hãnh diện, bạn bè hâm mộ với đôi chút ganh tị? Có thể đây là một trường hợp điển hình của một tình huống được gọi với một tên khác kêu "hội chứng kẻ mạo nhận" (the impostor syndrome).

Nói chung "hội chứng kẻ mạo nhận" được định nghĩa như là 'một tập thể cảm giác rằng mình không xứng đáng, không thích đáng, trong khi bằng chứng khách quan chỉ ra một sự thật ngược lại". Trong lòng, có sự nghi ngờ  chính bản thân, và mình có cảm giác như mình giả dối để được thành công,  hoặc mình thành công do một sự lầm lẫn, tình cờ chứ không phải vì mình giỏi thật ("chó ngáp ruồi"), và sớm muộn người ta sẽ tìm ra là mình giả mạo (“a fraud”).

“Hội chứng kẻ mạo nhận” không phải là một chứng bịnh được giới  bác sĩ tâm thần công nhận và không được liệt kê trong “Cẩm nang định bịnh và thống kê các rối loạn tâm thần” (DSM). Hai nhà tâm lý học lâm sàn Pauline Clance và Suzanne Imes quan sát và ghi nhận hiện tượng này, và dùng thuật ngữ này đầu tiên vào năm 1978. Người ta cho rằng đến 70% dân chúng từng trải nghiệm "nỗi niềm" này, và tỷ lệ tương tự ngay ở những người đã thành đạt nhiều ("high achievers"). Ngay Einstein, nhà vật lý học nổi tiếng của thuyết tương đối, được xem như nhà bác học số một của thế kỷ 20, cũng đã từng tâm sự: “Công trình của đời tôi được người ta quý trọng quá đáng làm cho tôi thật áy náy. Tôi có cảm giác như bị buộc phải xem mình như là một người lừa đảo không chủ ý. " ("the exaggerated esteem in which my lifework is held makes me very ill at ease. I feel compelled to think of myself as an involuntary swindler.") Nhiều tài tử màn bạc, đạo diễn, nhạc sĩ ca sĩ, khoa học gia, nhà lãnh đạo quốc tế được quần chúng sùng bái và xuất hiện trước đám đông một cách tự tin, rạng ngời tài năng cũng từng trải những cảm giác của hội chứng này.

Nói một cách khác, ba loại cảm tưởng của hội chứng này là:

1) Cảm giác mình giả hiệu,  mạo  danh.

2) Thành công do hên mà thôi ("hay không bằng hên")

3) Coi nhẹ sự thành công của mình

Chúng ta đã được khuyến cáo: "Thùng rỗng kêu to", và trong tôn  giáo tội kiêu ngạo  được xem là một trong những tội lớn nhất. Một số khá đông người Việt chúng ta nhìn vào 3 điểm trên sẽ nghĩ: “Như vậy càng tốt có sao đâu?”  Chúng ta sẽ "phản biện" rằng:

1) Xã hội này đúng là rất nhiều sự giả dối, khoe khoang để "hù” thiên hạ; ai cũng nghĩ đến tiền và quyền lợi cho bản thân. Ông tỷ phú cho hết tài sản mình để làm từ thiện chắc cũng vì muốn trốn thuế thôi!

2) Đúng là “hay không bằng hên”, mà không hên thì cũng do số, hay do phúc đức ông bà để lại, chứ có ai tài giỏi gì? Hơn nữa mình giỏi thì thiếu gì người giỏi hơn, việc gì phải để ý? "Có tài mà cậy chi tài..."

3) Mà cũng đúng, thiếu gì người giỏi hơn. Nếu người khác giàu thì chúng ta thế nào cũng tìm thấy vấn đề. “Bóc lột chăng?” “ Ăn gian chăng?” “Trốn thuế?”  Học giỏi: “Học gạo chăng, chắc gì thông minh?” “Thông minh chăng: thế nào cũng gàn, bướng, ai chịu cho nổi?”

Cô nữ sinh viên học giỏi? “Chắc là nhờ sắc đẹp  ỏng ẹo hay đóng kịch với thấy giáo, chứ đàn bà sao học bằng con trai được!”

Thiếu gì người sẽ phán xét người khác như vậy. Chúng ta có thể hay nghi ngờ thành quả, thiện ý của người khác vì chúng ta từng bị gạt nhiều lần, và khó nói người Việt chúng ta ít dè bỉu, ganh tỵ hơn người khác. Nhưng khổ nổi, trong "hội chứng mạo danh", chính bản thân người thành công sẽ có những cảm giác, suy nghĩ như vậy chỉa vào chính mình. Vậy ngoài thái độ  khiêm nhường, nhún nhường, "khiêm cung", "hạ mình " mà một suy nghĩ tự soi mói có thể đem lại và giúp làm con người "thánh thiện hơn" (Thánh kinh nói ai tự hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên cao), một người suy nghĩ như vậy sẽ gặp những vấn đề,  khó khăn gì? Nói chung , đây là một thái độ thiếu tự tin, dẫn dắt đến một thái độ nghiêm khắc thái quá với chính mình, hoặc một thái độ tuỳ thuộc vào suy nghĩ và phán đoán của người khác, làm cho một con người có năng khiếu thật sự và có thành tựu thật sự không nhìn thấy giá trị thật, khả năng thật của mình, không dám đi vào vị trí lãnh đạo  và do đó không tiến xa được như hoàn cảnh cho phép, hoặc tự đặt mình vào vị trí phải phục tòng, nịnh nọt không cần thiết, hay để cho người khác bắt nạt, lạm dụng quyền lực hay tình dục. hoặc thất bại, bỏ cuộc.

Vậy nếu chúng ta quá khắc khe với chính mình và thấy bất an, chúng ta có thể làm gì. Caltech, Viện Công nghệ California, là một đại học nổi tiếng giỏi, nhưng sinh viên của họ vẫn thường bị "hội chứng giả mạo" ám ảnh, nhất là các sinh viên nữ xuất sắc trong một thế giới mà từ trước tới nay được xem như là sân chơi của nam giới, hay những người da đen có thể mặc cảm rằng mình được hiện diện trong một tập thể tiếng tăm như vậy là nhờ được ưu đãi do màu da (affirmative action). Trung tâm tư vấn cho sinh viên Caltech đề nghị những biện pháp sau:

- Tâm sự với người khác, để có một cái nhìn khách quan hơn, và  có thể được hổ trợ (support), khuyên giải.

- Ý thức (awareness) về những suy nghĩ loại này lúc chúng xuất hiện trong đầu mình mà mình không để ý. Ví dụ, do một nhận xét của ai đó trong quá khứ, ví dụ mình bị thầy la, cha mẹ chê vì một sai sót nhỏ nào đó (điểm toán thấp, hay trả lời sai một câu hỏi), một sinh giỏi có thể nghĩ rằng mình không thông minh lắm, và từ đó đi đến ý tưởng rằng “ai cũng thông minh hơn mình","người ta nhận mình vào trường giỏi là vì người ta lầm mình, hay người ta lộn hồ sơ"...Cần tự xét kỹ hơn để kiểm soát những mặc cảm, những "suy nghĩ tự động" (automatic thoughts) loại này để không cho chúng điều khiển lối suy nghĩ của mình vào một chiều hướng phiến diện, tiêu cực.

- Phải biết phân biệt cảm giác, cảm tính của mình với sự thật: nên nhớ "mình thấy mình ngu" không có nghĩa là mình ngu thật.

Tóm lại, chúng  ta cần xét mình để học tính khiêm cung, đừng thấy mình quan trọng quá, đáng cho thiên hạ phải kính nể, như người Mỹ thường nói "giữ chân chúng ta ở mặt đất" (“keep your feet on the ground”). Tuy nhiên, tư chê quá nhiều mà không thấy những điểm tích cực và những thành công thật của mình có thể làm mình thiệt thòi và không tiên xa hơn, cũng như mất khả năng lãnh đạo, một điểm yếu mà người ngoài thường nhận xét ở các học sinh sinh viên châu Á. Cần tìm hiểu về mình hơn, công bằng với mình hơn, và như "vô uý" (không có gì sợ hãi) của Phật giáo, ít lắm thì cũng đừng sợ sệt vô cớ lúc trong thực tế không có gì phải sợ.

References:

1) Độc giả muốn đi sâu nghiên cứu về hiện tượng này có thể vào trang mạng sau đây của TS Pauline Rose Glance: http://paulineroseclance.com/impostor_phenomenon.html

Độc giả có thể tìm thấy một cái test nhỏ (Clance IP scale) để xem mình có thể mắc chứng impostor syndrome hay impostor phenomenon (IP) này không ở đây:

http://paulineroseclance.com/pdf/IPscoringtest.pdf

2)Wikipedia: Impostor Syndrome

https://en.wikipedia.org/wiki/Impostor_syndrome

3)Caltech Counseling Center: The Impostor Syndrome

https://counseling.caltech.edu/general/InfoandResources/Impostor

4) High achievers suffering from “imposter syndrome”.

http://www.news.com.au/finance/highachievers-suffering-from-imposter-syndrome/story-e6frfm1i-1226779707766

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

 

Ngày 18 tháng 12 năm 2015