Bịnh Đậu Mùa, Chủng Ngừa và Vua Triều Nguyễn

17Ahvhien --- bdm1

Fig 1: BS Edward Jenner chủng đậu mùa cho con trong lúc vợ ông giữ em bé.

Thế hệ bây giờ không nghe nói đến bịnh đậu mùa (smallpox, la variole). Vào khoảng giữa thế kỷ trước, trẻ em đều được “trồng trái”, nghĩa là chủng ngừa đậu mùa, lúc đầu thì trên vai, sau đó ở đùi vì tránh thẹo không thẫm mỹ. Thuốc chủng ngừa bịnh này do bác sĩ người Anh tên Edward Jenner (1749-1823) khám phá và công bố năm 1798 .

Thời đó, đậu mùa là một bịnh rất nguy hiểm giết chết không biết bao nhiêu người mỗi năm. Ví dụ ở Pháp thế kỷ thứ 18, 10 người hết 9 người mắc bịnh, và 20-30%  người mắc bịnh chết Phương pháp ngừa bịnh duy nhất trước đó là "variolization"("đậu mùa hoá"), bác sĩ dùng mủ hay bột chế từ cái mày (scab powder) của các thương tích của những người bịnh đậu mùa  cấy vào một vết rạch trong da người lành mạnh. Người này cũng sẽ phát bịnh đậu mùa thật sự, nhưng thường nhẹ hơn, và tỷ lệ tử vong so với bịnh do nhiễm tự nhiên thấp hơn nhiều (chừng 2% hoặc ít hơn). Tuy nhiên vẫn nguy hiểm đáng kể và có thể chết người như thường. Phương pháp này du nhập từ Trung Hoa , qua ngã Constantinople, là cửa ngõ giữa châu Âu và Châu Á. Từ thế kỷ thứ 16, người Tàu đã biết dùng những mày của vết thương đậu mùa đã khô, giữ chúng lại một thời gian cho yếu bớt, xong rồi xịt bột này vào mũi người muốn trở thành miễn nhiễm với đậu mùa. Cho đến thế kỷ thứ 19, Việt Nam cũng áp dụng phương pháp variolization trong dân gian. Tuy nhiên, trong giới y học chính thống Trung Hoa, người ta vẫn tin rằng bịnh đậu mùa phát ra chỉ là một yếu tố nội tại bẩm sinh, không phải do từ bên ngoài nhiễm vào cơ thể người bịnh, trong lúc đó thì các thầy thuốc Việt Nam không tin vào thuyết nội tại này mà cho rằng nguyên nhân từ bên ngoài gây bịnh, mặc dù họ không biết về nhiễm trùng như chúng ta hiện nay.

Jenner đi từ nhận xét là những cô gái vắt sữa bò bị lây bịnh đậu bò (cowpox, variole de vache) thì sau này không bị bịnh đậu mùa. Jenner dùng  mủ của các nốt đậu bò trên tay của một cô gái bị nhiễm do vắt sữa từ vú bò cái và  làm thuốc chủng cấy vào da một cậu bé 8 tuổi con người làm vườn của ông; ba tháng sau, ông lại cấy mủ của bịnh đậu mùa vào em này, và em không mắc bịnh, có nghĩa là em được miễn nhiễm với bịnh đậu mùa (Nên để ý là thời xưa thì làm như vậy được, chứ bây giờ thì không , lỡ thí nghiệm thất bại, em bé bị bịnh chết thì làm sao?)

17Ahvhien --- bdm2

Fig 2: Bịnh đậu mùa

Lúc đầu, nếu muốn chủng một số đông, phải đem theo con bò mắc bịnh đậu bò, là một điều rất bất tiện. Sau đó thì người ta cấy bịnh đậu bò vào các trẻ em và lúc còn mang các mụt bịnh trên mình, các em này được đem đến các nơi chủng ngừa như là một tủ thuốc lưu động. Kiểu chủng ngừa này gọi là "chủng ngừa từ cánh tay qua cánh tay" (arm to arm vaccination, vaccination de bras  à bras). Đến năm 1880, người ta mới biết cách bảo quản chất rút từ mủ đậu bò (“cowpox lymph”) và chuyên chở đi đến nơi chủng ngừa hàng loạt. Theo hiểu biết về siêu vi (virus) của chúng ta bây giờ, có nghĩa là giữ cho con virus bịnh cowpox còn sống cho đến khi cấy vào người khác; qua thời gian, virus của cowpox đột biến hay thay đổi thành virus vaccinia.

Người Pháp có luật bắt buộc chủng ngừa đậu mùa vào năm 1902, sau đó họ đem thuốc chủng ngừa bịnh đậu mùa vào Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới bịnh đậu mùa đã biến mất, bị tiêu diệt từ năm 1977, là năm trường hợp mắc bịnh cuối cùng (Somalia). Hiện nay, chỉ còn một số người thật già còn mang dấu vết thẹo lốm đốm trên mặt, ngày xưa gọi là mặt rỗ, hay rỗ hoa, (không phải do "mặt rỗ" vì mụn trứng cá ở một số người trẻ), vì thời đó đó họ không được chích ngừa.

Ở nước ta,  vua Tự Đức (1829-1883) bị bịnh đậu mùa hồi còn nhỏ, và theo chính ông, vì vậy mà ông yếu đuối suốt đời và không thể có con nối dõi. Điều thú vị là thời Minh Mạng (sinh 1791-1841, trị vì từ 1820), nghĩa là đời ông nội của vua Tự Đức, các hoàng tử đã được chủng ngừa theo lối "cánh tay qua cánh tay". Thời đó chỉ có hai trung tâm ở Á Đông nuôi được mầm thuốc chủng đậu mùa trên các con bò sống, một ở Philippines, một ở Macao. Đem mầm thuốc chủng này đi các nơi khác phải qua những đứa trẻ trung gian nói trên.

17Ahvhien --- bdm3

Fig 3: Hoàng đế Minh Mạng

Ngày 13 tháng 7 năm 1820, bác sĩ Jean Marie Despiau, một người Pháp thành viên của ban ngự y của triều đình nhà Nguyễn nhận được lịnh của Hoàng đế Minh Mạng  đi từ triều đình Huế qua Macao là khu nhượng địa của Bồ Đào Nha ở bờ biển phía nam của Trung Hoa. Vua ra lịnh cho Despiau tìm cách học thực hành chủng ngừa chống bịnh đậu mùa và cách bảo quản và phổ biến thuốc chủng vaccinia. Ngài cũng dặn mang về một lượng thuốc chủng để dùng cho các con của Hoàng đế. Despiau chuẩn bị nhanh chóng và theo một chiếc tàu của người Hoa khởi hành ngày 14 tháng 7 năm 1820.(1)

Vào thời đó chưa có tủ lạnh và những phương tiện hiện đại để giữ cho virus trong thuốc chủng sống lâu được. Để mang thuốc chủng từ Macao về Huế phải dùng phương pháp cấy vào cánh tay người này, đợi phát bịnh nổi đậu ngoài da, đem mủ cấy qua người khác, và tiếp tục như vậy, nghĩa là "cánh tay qua cánh tay" . Despiau dùng 2 trẻ em người Tàu, cấy vaccinia trên bé đầu tiên lúc mới khởi hành để bé phát bịnh đậu bò trên da sau chừng một tuần là thời gian đi từ Macao về đến Huế, sau đó là sẽ dùng được. Tuy nhiên, do thời tiết trở ngại, chuyến đi kéo dài, bác sĩ Despiau phải cấy mủ của em bé thứ nhất lên trên bé  (lành mạnh) thứ nhì được tính trước và đem theo phòng hờ. Tháng 2 năm 1821, Despiau tới Huế và kịp thời chủng ngừa cho mấy người con của vua bằng cách lấy mủ từ vết đậu mùa ở da đứa trẻ thứ hai phát bệnh sau khi đến Huế. Chúng ta không biết số phận hai đứa trẻ mồ côi từ Macao đến Việt Nam trong một hoàn cảnh trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy như thế nào. Trong 5 tháng sau đó, Despiau vẫn còn đủ thuốc dùng chủng được cho nhiều người và có cơ hội dạy cho các bác sĩ Việt nam cách chủng ngừa bịnh đậu mùa. Không biết sau đó nghề này bị thất truyền hay không. Bác sĩ Despiau là một trong những người tứ xứ phiêu lưu, "aventurier, đến giúp ông Hoàng Nguyễn Ánh từ năm 1795 lúc còn đang chiến tranh chống Tây Sơn, từng làm việc đắc lực với giám mục Bá Đa Lộc (Pigneaux de Behaine, Eveque d' Adran) săn sóc vị giám mục Pháp lúc lâm chung và được Nguyễn Ánh rất tin cậy trước khi ông trở thành vua Gia Long (1802).

Chuyện này xảy ra lúc Vua Gia Long mới mất. Từ mùa hè và mùa thu năm 1819, sức khoẻ vua Gia Long đã sa sút và BS Despiau thu xếp cho bác sĩ Pháp tên Treillard trên chiếc tầu Pháp Henri đang viếng Việt Nam đến tư vấn để chữa bịnh cho vua. Despiau săn sóc vua Gia Long cho đến ngày ông qua đời và giúp Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm dấu trong một thời gian dài tin vua cha bịnh nặng, không rời khỏi phòng mình kể từ tháng 12 năm 1819. Gia Long mất ngày 3 tháng 2 năm 1820. Thủ tục tang lễ kéo dài cho đến tháng 6 năm đó. Sau đó, Hoàng tử Đảm, nay là vua Minh Mạng, mới nhớ lại mẫu tin về thuốc chủng ngừa bịnh đậu mùa mà Bác sĩ Treillard đem lại năm trước. Bs Despiau là một trong những người Pháp ở lại lâu nhất để phục vụ nhà Nguyễn. Ông mất ngày 21 tháng 12 năm 1824, có lẽ vì bịnh dịch tả, tại Huế nơi ông sinh sống trên 20 năm. Giờ phút chót, bên cạnh ông toàn là người Việt.

Chín năm sau khi thuốc chủng ngừa đậu mùa được BS Despiau đem về Việt Nam, cháu nội của vua Gia Long  là Hồng Nhậm, vua Tự Đức tương lai, mới ra đời. Nhưng có lẽ lúc đó vua Minh Mạng không còn liên lạc với các bác sĩ Pháp nữa và có lẽ chẳng ai nghĩ đến thuốc chủng ngừa đậu mùa nữa. Nếu vua Tự Đức không bị bịnh đậu mùa, có lẽ ông đã cường tráng và nhiều nghị lực hơn, có lẽ nước ta sẽ khác, có thể có đủ khả năng đối đầu, khôn khéo và hiệu nghiệm hơn, với thực dân Pháp vào thập niên 1850. Nhưng nếu như vậy, dân chúng nước ta không biết có được hưởng lợi ích của các tiến bộ về y tế công cọng như chủng ngừa chống đậu mùa do người Pháp đem đến hay không. Cũng oái oăm thay, vua Minh Mạng sau này ngã về khuôn mẫu Nho giáo trong chính sách cũng như triết lý, dùng chữ Hán trong mọi văn kiện chính thức và loại bỏ việc dùng chữ nôm trong y học luồng chính của Việt Nam là một yếu tố làm tắt đi tiếng nói của những thầy thuốc  bản địa và giới hạn sự phổ biến cũng như phát triển nền y học riêng của nước nhà.

Câu chuyện này cho thấy các ông vua triều Nguyễn đầu  thế kỷ thứ 19 thức thời hơn chúng ta thường nghĩ, và ngay  trước khi thực dân Pháp đô hộ, y học Việt nam đã tiếp cận  với y học thế giới phương Tây.

References:

  1. C. Michele Thompson, giáo sư sử học trường đại học Southern Connecticut State University (SCSU) chuyên nghiên cứu về các vấn đề y tế và xã hội của VN và Đông Nam Á thế kỷ thứ 19,  tác giả cuốn "Y học truyền thống Việt nam: Một lịch sử xã hội" (Vietnamese Traditional Medicine: A Social History; 2015):
  2. Wynn Wilcox (Editor): Vietnam and the West: New Approaches.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 19 tháng 1, năm 2017