Lao Tiềm Ẩn, Thử Lao-Tố và BCG

 

Trả lời một thính giả mới định cư ở Mỹ hỏi về tình trạng của người con 10 tuổi từng được chủng BCG ở Việt Nam, không có triệu chứng như nóng sốt, ho, mệt mỏi, và phản ứng lao tố đo 15mm; cũng như về nguy cơ cậu bé này truyền bịnh lao cho người em sinh tại Mỹ và được 7 tháng tuổi.

1) Ở Mỹ nói chung lúc một bệnh nhân thử lao tố (tuberculin skin test) và kết quả sưng  ở ngoài da lớn hơn hay bằng 15mm thì người ta kết luận là có nhiễm trùng lao dù người đó trước đây có chích ngừa lao BCG hay không. Nếu người đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh lao (như sốt, xuống cân,  mệt mỏi, ho kéo dài) và chụp hình phổi cũng bình thường người ta sẽ đi đến kết luận là đây là một trường hợp lao tiêm ẩn. Lao tiềm ẩn  (latent tuberculosis) có nghĩa hệ miễn nhiễm (immune system) người bịnh có khả năng kiềm chế vi khuẩn bịnh lao trong cơ thể mình.

Người bị lao tiềm ẩn có nguy cơ biến thành lao hoạt động (active tuberculosis) trong 5-10% các trường hợp, và giai đoạn cơ nguy nhiều nhất là khoảng thời gian 1-2 năm sau khi xảy ra nhiễm vi trùng lao. Dùng isoniazid ( INH) trong mục đích này làm giảm 90% nguy cơ bịnh lao tiềm ẩn tái phát thành lao hoạt động (có nghĩa là trong 100 người bị lao tiềm ẩn, nếu không can thiệp có chừng 5-10 người sẽ bị lao bộc phát trở lại; nếu 100 người đó uống thuốc INH, chỉ có không tới 1 người  sẽ bị lao tái phát, hoạt động).

Tuy nhiên do uống thuốc trong thời gian khá dài và một số phản ứng phụ của INH, người ta ước tính có chừng 50% bịnh nhân uống thuốc đầy đủ. Riêng cho bịnh nhân trên 12 tuổi, có thể áp dụng "12 dose regimen". Bịnh nhân uống 2 thuốc INH và Rifapentine, mỗi tuần chỉ một lần, trong 3 tháng, tất cả chỉ 12 liều thuốc.

2)Thường, sau khi đã thử lao tố (TST, tuberculin skin test, hay Mantoux test) và phản ứng dương (positive reaction), người ta không thử TST lại nữa. Dù đã chữa trị bịnh lao đàng hoàng, phản ứng dương vẫn tồn tại như thường. Có nguy cơ phản ứng mạnh hơn trước nếu thử lại, và làm thẹo chỗ thử.

Một số người thử lại TST (vd do nghề nghiệp bắt buộc), và thấy phản ứng yếu hơn nhiều (vd trước đây da sưng cứng [induration] 15mm, nay còn 7 mm) và được xem là âm tính. Tuy nhiên, để xác định xem người có có thật sự âm tính hay không, người ta dùng phương pháp "hai bước' (two-step testing). Sau khi test một lần , 1-2 tuần sau test lại lần nữa. Nếu người bịnh đã từng bị lao thật sự, nhờ tác dụng "boosting" của lần TST đầu, cơ thể được nhắc lại cho nhớ, và phản ứng đúng mức với tuberculin.

3)Ngoài TST, có thể dùng thử nghiệm máu interferon gamma release assays (IGRAs) để xác nhận bịnh lao thật, để loại bỏ các trường hợp TST dương do chích BCG, hoặc do những vi khuẩn trong môi trường không gây bịnh lao nhưng lại ảnh hường đến phản ứng lao tố.

Theo báo the New York Times, Việt Nam 20 năm trước đây là một trong những nước có tỷ lệ lao cao nhất thế giới, cứ 100.000 dân là có 600 người bị lao, hiện nay tỷ lệ này giảm xuống còn 200/100.000 dân. BCG là thuốc chủng ngừa do Albert Calmette và Camille Guerin là 2 nhà khoa học người Pháp chế tạo thuốc này từ vi trùng bịnh lao của con bò (Mycobacterium bovis), tuy vẫn còn sống nhưng đã được làm yếu đi nhờ cấy đi cấy lại nhiều lần. BCG được dùng đầu tiên năm 1921. BCG có thể gây một số biến chứng, và hiệu nghiệm thế nào còn được tranh luận nhiều, có lẽ hiệu nghiệm chừng 10- 50%, và có thể ngăn ngừa được các bịnh lao nặng như nhiễm lao màng óc, lao phổi dạng kê (miliary tuberculosis [fig 1]). Ở Mỹ, lao là một bịnh ít gặp, nhất là các tiểu bang ít người nhập cư. Trung bình tỷ số ( “incidence”, hay số trường hợp mới được báo cáo trong 1 năm) là 2,9 cas trong 100.000 cư dân, chừng 50 lần ít hơn VN (VN nay chừng 140/100.000). Trong dân số Mỹ, chừng 4.5% mắc lao tiềm ẩn (có vi trùng lao trong người), đa số là người sinh ở ngoại quốc. Ở Việt nam, theo tin đài VOA hết 44%  dân số có vi trùng lao (1). Do đó, giới y khoa Mỹ quan niệm BCG cho tất cả mọi người là lợi bất cập hại, và ít khi BCG được dùng tại Mỹ.

18Ahvhlta1

Fig 1: Lao phổ dạng kê (miliary tuberculosis) (lốm đốm như những hạt kê trên hình quang tuyến phổi)

4)Phản ứng lao tố (TST, tuberculin skin test): chích 5 đơn vị lao tố tuberculin vào da rồi xem và đo phần sưng da sau 48h-72 h. Đường kính vùng sưng (induration) quyết định dương tính hay âm tính tuỳ theo trường hợp bịnh lý, mối nghi ngờ người đó bị lao là cao hay thấp. Ví dụ một người sinh ở Mỹ, không có risk factor, thì sưng đến 15mm mới gọi là dương (positive TST). Trong lúc nếu là một trẻ em 4t  mới ở Việt Nam qua (high risk, from high prevalence country), thì sưng 10mm trở lên gọi là dương.(fig 2)

 

18Ahvhlta2

Fig2: Phản ứng lao tố: Đường kính vùng sưng quyết định dương tính hay âm tính tuỳ theo trường hợp bịnh lý, mối nghi ngờ người đó bị lao là cao hay thấp.

Một trong những bất tiện lúc dùng phản ứng lao tố TST để định bịnh lao do Mycobacterium tuberculosis là TST cũng phản ứng chéo với vi trùng Mycobacterium khác không phải là lao  (NTM: non-tuberculosis Mycobacterium), điển hình là Mycobacterium avium (avium=chim). Cho nên , ở Mỹ, người ta chỉ thử phản ứng lao tố TST cho những người "at risk", có cơ nguy mắc bịnh lao thật, do tiếp xúc với người bịnh lao, hoặc cư trú lâu ở xứ có bịnh lao phổ biến (vd đa số nước Á châu, trừ Nhật). Vì nếu thử mọi người, thì đa số những trường hợp TST dương tính sẽ là dương tính "giả hiệu" (false positive) do người được thử không phải bị nhiễm vi khuẩn lao  M. tuberculosis mà nhiễm một Mycobacterium không phải lao (NTM), và không mang bịnh đáng kể. Do đó hiện nay, người ta dùng đến một test thứ hai thử máu gọi là Interferon-Gamma Release Assay (IGRA) có khả năng phân biệt lao thật (M. tuberculosis) với mycobacterium không phải lao (NTM)).

Nếu người từng có phản ứng lao tố dương được thử TST lại, TST cũng sẽ dương như cũ, dù là có chữa thuốc chống lao hay không. Bịnh lao tái phát trong một số hoàn cảnh do hệ miễn nhiễm của cơ thể yếu đi. Thuốc INH uống làm giảm khả năng bịnh tái phát chừng 10 lần. Trong một số ít trường hợp, người từng bị lao, đã chữa dứt bịnh (cured), có thể bị nhiễm một đợt vi khuẩn lao mới, khác với lần trước.

Trường hợp em bé 10 tuổi, nếu khi mới qua Mỹ người ta đã cho em uống thuốc INH trong chín tháng, hoặc nếu người ta thấy không cần uống thuốc nhưng chụp hình phổi ( X Ray ) bình thường và không truyền bệnh lao lây cho người khác, và có lẽ khả năng để lây bệnh lao cho em 7 tháng của nó là không có.

Chú thích:

    1. "Khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này, ước lượng 126.000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa ra hôm 13/12.
      Trang mạng zing.vn dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, cho biết trong số những ca mắc lao hàng năm, có khoảng 105.000 – 106.000 người bệnh, 20.000 người khác không được phát hiện vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giấu bệnh vì tâm lý xã hội và nhu cầu kiếm sống." (voatiengviet)

BS Hồ văn Hiền

Ngày 27  tháng 11 năm 2017.

(edited for lang Hue, January 10th, 2018)

-