Cô Đơn Và Ảo Giác

20chvhcd1 

Trong dịch COVID-19 hiện nay, không ít thì nhiều chúng ta, nhất là người già , sẽ có lúc thấy cô đơn hơn, và tệ hơn nữa có khi sẽ cảm thấy bị bỏ quên, trong lúc đang bị tù túng vì giới hạn di chuyển, giới hạn tiếp xúc với con cháu, bạn bè. Thế giới thu hẹp của người cô đơn nảy sinh những hiện tượng ít người biết và có thể được diễn giải sai như là bệnh tâm thần.

Sau đây, tôi xin giới thiệu một bài của một giáo sư về tâm lý học, TS Cornelia H. Dudley, về tác dụng của sự cô đơn trên cách làm việc của bộ óc chúng ta. Trong một môi trường thiếu vắng sự hiện diện của người khác, thiếu các kích thích do sự kết nối xã hội mang đến, bộ óc chúng ta, nhất là người già đã cô đơn sẵn do tuổi tác, sức khỏe cũng như tài chánh, có thể tự tạo nên một thế giới ảo của riêng mình, mà ảo giác (hallucinations) ở đây không phải là một hiện tượng bệnh lý thông thường bị gán ghép với bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia).

Chỉ là "bệnh" cô đơn.

Trong sự cô lập xã hội, não bộ bắt đầu hoạt động theo những ngã kỳ lạ để giữ gìn sự tỉnh táo.

Não bộ con người được xây dựng (hardwired) để tương tác với người khác, đặc biệt là trong thời gian stress/căng thẳng. Mặt khác, khi chúng ta phải một mình trải qua thử thách, việc thiếu sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và tình bạn có thể làm tăng sự lo lắng và cản trở khả năng đối phó của chúng ta.

Điều này được nêu rõ trong bộ phim kinh dị "Shut In" (Bị Nhốt) mới được phát hành. Naomi Watts đóng vai một nhà tâm lý học nhi khoa góa chồng sống cô lập ở vùng nông thôn New England với con trai bị hôn mê nằm liệt giường do tai nạn xe hơi. Bị trời tuyết và cách biệt với thế giới bên ngoài, nhân vật Watts rơi vào một cuộc sống tuyệt vọng. Chẳng bao lâu, bà không còn phân biệt được những ảo ảnh trong trí tưởng tượng của mình  thực tế với những điều đáng sợ xảy ra trong ngôi nhà hầu như bị ma ám của mình.

Tất nhiên, đây không phải là một bộ phim đầu tiên sử dụng sự cô lập như một phương tiện đem đến sự điên rồ. Các nhân vật do Jack Nicholson thủ vai trong bộ phim "The Shining"(Vật Sáng) và Tom Hanks trong bộ phim "Castaway"(Trôi dạt) cũng bị đặt trong tình trạng tương tự. Mặc dù những bộ phim như "Shut In" là giả tưởng, sự tàn phá gây ra trên tâm lý nhân vật chính do tình trạng quá cô đơn trong một thời gian dài dựa trên khoa học về sự cô lập xã hội.

Tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người

Vâng, người khác có thể gây khó chịu cho mình. Nhưng họ cũng là nguồn an ủi lớn nhất của chúng ta và một lượng nghiên cứu tâm lý ấn tượng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tiếp xúc với người khác.

Bị người khác ruồng bỏ làm tổn thương tâm lý chúng ta sâu sắc hơn hầu hết mọi thứ khác, và nghiên cứu của các nhà thần kinh học tiết lộ rằng bị tẩy chay có thể dẫn đến cảm giác đau đớn thực sự. Các nghiên cứu khác xác nhận rằng sự cô đơn không tốt cho sức khỏe của bất cứ ai. Nó làm tăng mức độ hormone về stress (stress hormones) trong cơ thể đồng thời làm giấc ngủ kém, hệ thống miễn dịch bị tổn thương và, ở người già, suy giảm về nhận thức. Những thiệt hại do bị giam  riêng một mình trên sức khỏe tâm thần của tù nhân cũng đã được ghi nhận rõ ràng.

Một mình trong một môi trường không thay đổi, các thông tin về cảm giác chúng ta nhận được và cách chúng ta xử lý nó có thể biến đổi không thể tiên đoán trước. Ví dụ, chúng ta thường dành phần lớn thời gian để cảm nhận và xử lý các kích thích bên ngoài từ thế giới vật chất xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, với sự kích thích đơn điệu từ môi trường xung quanh có thể khiến chúng ta hướng sự chú ý vào bên trong - trong con người của chính chúng ta - điều mà hầu hết chúng ta có ít kinh nghiệm xử lý.

Điều này có thể dẫn đến một trạng thái ý thức bị thay đổi sâu sắc. Chúng ta có thể bắt đầu đặt câu hỏi về những gì xảy ra trong môi trường xung quanh; âm thanh ọp ẹp trên lầu chỉ là do ngôi nhà cũ gượng lại với cơn gió, hay là cái gì đó ghê gớm hơn? Sự mơ hồ đầy nghi ngờ này khiến chúng ta như bị đóng băng tại chỗ, lầy lội trong nỗi khó chịu, đặc biệt là nếu chúng ta một mình. Khi chúng ta không chắc chắn, thường trước tiên chúng ta xem xét phản ứng của người khác để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Không có người khác để chia sẻ thông tin và phản ứng, sự mơ hồ trở nên rất khó giải quyết. Khi điều này xảy ra, tâm trí của chúng ta có thể nhanh chóng chạy nhào đến những kết luận đen tối nhất.

Những điều khó chịu cũng có thể xảy ra khi những nhóm nhỏ cùng ở trong tình trạng bị cô lập. Phần lớn những gì chúng ta biết về hiện tượng này đã được thu thập từ việc quan sát trải nghiệm của các tình nguyện viên tại các trạm nghiên cứu ở Nam Cực, đặc biệt là trong thời kỳ họ phải kẹt lại qua mùa đông dài.

Nhiệt độ khắc nghiệt, bóng tối kéo dài, cảnh quan giống như ngoài hành tinh và số lượng cảm giác từ bên ngoài bị giảm nghiêm trọng đã tạo ra một phòng thí nghiệm tự nhiên hoàn hảo để nghiên cứu các tác động của sự cô lập và giam cầm. Các tình nguyện viên trải qua những thay đổi trong khẩu vị và mô hình giấc ngủ. Một số không còn theo dõi được chính xác mốc thời gian và mất khả năng tập trung. Sự nhàm chán từ việc phải chung đụng với chừng ấy người, với nguồn giải trí hạn chế, cuối cùng gây rất nhiều căng thẳng. Những thói quen tật nhỏ của bất cứ ai khác sẽ trở thành một nguồn đau khổ, làm mình khó chịu và không thể thoát được.

Thấy ma

Nhưng có lẽ điều kỳ lạ nhất có thể xảy ra với một người sống trong sự cô lập là trải nghiệm về sự "hiện diện" của một ai đó (presence), cảm giác có một người khác hoặc thậm chí là một nhân vật siêu nhiên đang ở với chúng ta.

Sự hiện diện được cảm nhận này thường xuất hiện trong môi trường với sự kích thích về thể chất và xã hội không thay đổi - nói cách khác, khi bạn tự mình ở một nơi yên tĩnh, hẻo lánh, giống như nhân vật Naomi Watts, trong bộ phim Shut In. Nhiệt độ thấp và mức độ căng thẳng cao cũng là những yếu tố phổ biến góp phần tạo nên hoàn cảnh thích hợp.

Một số mô tả hấp dẫn nhất về sự "hiện diện của ai đó" được cảm nhận bởi các thủy thủ đơn độc, những người leo núi và những nhà thám hiểm Bắc cực đã trải qua ảo giác và "trải nghiệm ngoài cơ thể" (out of body experience) nghĩa là cảm tưởng "hồn" mình đã tách ra khỏi của xác của mình. Trong một diễn biến đáng kinh ngạc năm 1895, Joshua Slocum, người đầu tiên một mình đi thuyền vòng quanh trái đất, nói rằng ông đã nhìn thấy và nói chuyện với người lái tàu “The Pinta” của nhà thám hiểm Christopher Columbus, người khám phá ra Châu Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 15. Slocum tuyên bố rằng người thuỷ thủ này đã lái chiếc thuyền của mình vượt qua thời tiết khắc nghiệt khi chính Slocum bị bịnh vì ngộ độc thực phẩm.

Sự sống động của sự "hiện diện" này có thể đi từ cảm giác mơ hồ mình đang bị theo dõi cho đến việc nhìn thấy một người giống như thật.

Đó có thể là thần thánh, bậc linh thiêng, tổ tiên mình hoặc một người mình từng quen biết. Một ví dụ nổi tiếng xảy ra vào năm 1933, khi nhà thám hiểm người Anh Frank Smythe cố gắng leo lên Mt. Everest một mình. Ông ta tin rằng có người khác đi cùng trên đường leo núi đến nỗi ông còn tặng một miếng bánh cho đối tác leo núi vô hình của mình.

Có thể tìm cách giải thích "sự hiện diện" được cảm nhận bằng những nguyên nhân khác nhau, như sự chuyển động của con thuyền (nếu đi thuyền một mình) và hoạt động khí quyển hoặc thay đổi từ trường trái đất (geomagnetic activity). Sự căng thẳng, thiếu oxy, tính đơn điệu của cảnh quang , hoặc sự tích tụ một số chất nội tiết có thể kích hoạt những thay đổi trong hóa học não bộ gây ra tình trạng ý thức bị thay đổi (altered states of consciousness). Thật ra, hiện có một bằng chứng thú vị mới từ một nhóm nghiên cứu do nhà thần kinh học Olaf Blanke dẫn đầu chứng minh rằng, bằng cách kích thích một số vùng não cụ thể, có thể làm cho người ta cảm giác về "sự hiện diện" của một ma quái xuất hiện.

Mặc dù "sự hiện diện" được cảm nhận thường xuyên nhất bởi những người ở những nơi kỳ lạ hoặc nguy hiểm, nhưng có thể nói rằng những trải nghiệm như vậy có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tầm thường hơn. Ví dụ, người vừa mất người thân có thể tự tách rời khỏi cuộc sống bên ngoài và hiếm khi rời khỏi nhà. Cảm giác cô đơn và tình trạng cô lập, cùng với mức độ căng thẳng (stress) cao và các kích thích giác quan từ chung quanh không thay đổi, rất có thể tạo ra những điều kiện sinh học tương tự có thể kích hoạt một chuyến "về thăm" của người thân mới mất . Các nghiên cứu cho thấy gần một nửa số người phụ nữ già góa chồng ở Mỹ sẽ báo cáo có ảo giác về người bạn đời đã chết của họ. Những kinh nghiệm này dường như là một cơ chế đối phó lành mạnh và là một phần bình thường của việc thương tiếc người đã mất.

Tất cả những điều này có thể cho chúng ta biết gì về cách thiết kế của bộ óc chúng ta?

Rõ ràng rằng sự kết nối có ý nghĩa với người khác cần thiết cho sức khỏe chúng ta cũng như không khí chúng ta thở. Chúng ta biết rằng thời gian cô lập xã hội kéo dài có thể đánh gục cả những cá nhân bền bỉ nhất, có lẽ trong trường hợp không có sự tiếp xúc thật sự với người khác, bộ não của chúng ta có thể tự tạo ra những trải nghiệm xã hội giả - một nỗ lực cuối cùng để giữ gìn sự tỉnh táo của chúng ta.

 

 

Tham khảo:

1)Study: Loneliness Did Not Appear to Increase During COVID-19 Pandemic

https://www.apa.org/news/press/releases/2020/06/loneliness-covid-19By Frank T. McAndrew,

2)https://www.apa.org/pubs/journals/releases/amp-amp0000690.pdf

3)Cornelia H. Dudley Professor of Psychology, Knox College

In social isolation, the brain begins to act in strange ways to preserve its sanity

https://www.psypost.org/2016/11/social-isolation-brain-begins-act-strange-ways-preserve-sanity-45946

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 12 tháng 7 năm 2020