"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Ngất Xỉu Trong Nước Cạn
(Shallow-Water Blackout)

 

Sinh viên chết vì 'ngất xỉu trong nước cạn' (SWB, shallow water black out) sau khi nín thở trong hồ bơi.

 

Khoảng nửa đêm cách đây vài tuần trong kỳ nghỉ mùa xuân, sinh viên năm cuối đại học Joseph Pedrotti và một số bạn bè đã tụ tập tại hồ bơi trong khách sạn của họ ở  Thành phố Panama, Florida.

Pedrotti "đã cá cược rằng anh ta có thể nín thở đủ lâu" để đi vòng quanh chu vi của một hòn đảo nhỏ trong hồ bơi tại Spring Hill Suites, theo một báo cáo của cảnh sát.

Khoảng một phút sau khi anh xuống nước, những người bạn của Pedrotti phát hiện chàng trai 21 tuổi lực lưỡng đang chìm trong tình trạng bất tỉnh.  Họ kéo anh ta ra ngoài và bắt đầu hô hấp nhân tạo trước khi cảnh sát và nhân viên cứu hộ tiếp nhận ngay sau nửa đêm ngày 30 tháng 3.

Pedrotti được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, và vào ngày 2 tháng 4, anh qua đời vì một tình trạng chết người và ít được biết đến có tên ‘ngất xỉu trong nước cạn’, theo cáo phó của gia đình anh. Gia đình anh cũng muốn qua kinh nghiệm đau thương của họ nhắc nhở chúng ta về nguy cơ này trong trong các hồ tắm trong những ngày nắng ấm hay lúc đi nghỉ hè.

SWB khác với ngất xỉu trong nước sâu (DWB, deep water blackout) xảy ra lúc người lặn trồi lên từ chỗ nước sâu có áp suất cao đến gần mặt nước có áp suất chung quanh thấp và do đó áp suất oxy trong máu nạn nhân giảm đột ngột là não bộ thiếu oxy đột ngột và nạn nhân ngất xỉu.


21bhvhnx1

Fig 1: (Diagram courtesy of Aquatics International, Nov/Dec 2011 Issue)

“Ngất xỉu trong nước cạn” xảy ra theo những hiện tượng tuần tự như sau (hình 1):

    • OVERVENTILATION/HYPERVENTILATION: Thông khí thái quá. Trước khi nhảy xuống nước nạn nhân đã cố ý thở ra vào thật mạnh (overbreathing) với mục đích tăng dự trử oxy, hoặc đã vận động, thể dục thể thao quá nhiều, làm mức CO2 (carbon dioxide, thán khí, khí thải ra vào máu do biến dưỡng của tế bào) trong máu giảm xuống thấp hơn mức bình thường.
    • Mức oxy trong máu giảm xuống thấp hơn sau khi lặn xuống nước vì cơ thể cần dùng oxy trong việc biến dưỡng (trong những hoạt động của các bộ phận để giữ sự sống). Cơ thể sản xuất CO2 nhiều hơn từ sự biến dưỡng này, nhưng lại thiếu hụt oxy (hypoxia) vì nạn nhân đang cố tình nín thở dưới nước.
    • Bình thường, lúc mức CO2 tăng lên trong máu (hypercapnea), nó sẽ kích thích trung tâm thở trong cuốn não (respiratory control center) làm chúng ta phải thở vào, không nín thở được nữa, và trồi đầu ra khỏi mặt nước. Tuy nhiên vì mức CO2 lúc ban đầu quá thấp, mức CO2 tăng không đủ để kích hoạt trung tâm kiểm soát thở trên não bộ. Vì Oxy trong máu quá thấp, não bộ không làm việc bình thường được, nạn nhân bị ngộp và ngất xỉu.
    • Vì nạn nhân ngất đi, phản xạ bắt buộc phải hít vào, và vì đang nằm trong nước, nước tràn vào phổi và nạn nhân bị chết đuối (drowned) nếu không cấp cứu kịp. Nạn nhân chết một cách yên thắm, không vùng vẫy, cho nên nếu người canh gác không để ý quan sát đáy hồ sẽ khó phát hiện. Nạn nhân cũng có thể chết vì tình trạng thiếu oxy (hypoxia) kéo dài quá lâu, dù nước không tràn ngập vào phổi.
  • 21bhvhnx2

Những biện pháp phòng ngừa:

Ngất Xỉu Nước Cạn (SWB) xảy ra thường  nhất ở những người mạnh khỏe, có kinh nghiệm 21bhvhnx3bơi lặn giỏi, những người săn cá bằng lao dưới nước, bơi không cần máy cung cấp không khí, dưỡng khí oxy. Những người này thường nghĩ rằng hít vào thở ra mạnh nhiều lần trước khi lặn làm cơ thể  họ có dự trữ oxy nhiều hơn, nhưng thật ra khảo cứu cho biết rằng họ lặn được lâu hơn chỉ vì mức CO2 trong máu thấp (hypocapnia)  làm cho phản xạ gây thở bị chậm hơn thôi.

Trường hợp nguy hiểm nhất là thi đua lặn nín thở dưới nước kéo dài và liên tục, mà không nghỉ ngơi đủ lâu giữa các đợt nín thở, nhất là lặn xuống nước sau khi đã thở nhanh (hyperventilate) cố ý hay sau khi tập dợt , vận động nhiều làm mức CO2 giảm thấp trong máu.

      • Không bao giờ cố ý thở mạnh thở nhanh (overbreathing, hyperventilate) để tăng thông khí trước khi lặn.
      • Không bao giờ cố nín thở lúc cảm thấy đã ngộp muốn thở
      • Không bao giờ bơi một mình không có ai bên cạnh
      • Không bao giờ chơi trò thi đua nín thở dưới nước.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 18 tháng 4 năm 2021