"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

“Tin Giả” Về Covid-19.

 

 21bhvhtg1

 

Tận tín thư, bất như vô thư.

(Tin hoàn toàn vào những điều sách nói thì chẳng thà không đọc sách còn hơn.)

(Mạnh Tử – Tận tâm hạ).

 

Như trong mọi vấn đề mà trước đây y học từng đối phó, biển học mênh mông, các virus hay các vi khuẩn (vi trùng, bacteria) thì thiên hình vạn trạng, biến đổi không ngừng như Tôn Ngộ Không trong chuyện Tây Du Ký. Thế giới mạng thì ai có cái cell phone hay ipad và biết đọc biết viết cũng có thể nhảy vào viết bài, càng giật gân thì càng nhiều người đọc.”Thư” nghĩa gốc là viết, có nghĩa là sách, giới hạn trong một số tinh hoa trí thức thời Mạnh Tử (Mencius, 372-289 BC) bốn trăm năm trước công nguyên. Ngày nay “thư” có thể là bất cứ gì chúng ta đọc được trên internet, người “viết”có thể là “tay ngang”, hiểu sai các tin tức truyền nhanh (viral news) mà cũng có thể là những người có chức tước, “trí thức” nhưng có hậu ý kinh tế (ví dụ quảng cáo, tăng giá trị chứng khoán/stock) hay chính trị. Mới đây, một thượng nghị sĩ Mỹ bị kênh youtube “treo giò” (suspend) không cho phát hình trong một tuần vì video của ông đề xướng dùng những thuốc hydroxychloroquine và ivermectin (hiện đang có chỉ định dùng chữa bệnh ký sinh trùng) cho các bệnh nhân Covid-19, đi ngược với các khuyến cáo của Viện Sức khỏe Hoa kỳ (NIH) và Cơ quan Y tế Quốc tế (WHO) cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học để dùng các thuốc này cho mục đích chữa Covid-19. Những người ủng hộ việc dùng hai thuốc này cho Covid-19 cũng có   những chuyên gia chuyên ngành hổ trợ cho họ, cho rằng những thuốc này rẻ tiền và bị các nhà sản xuất thuốc mới “ém” để bán thuốc của họ. Nhưng nói chung cuộc tranh luận mang nặng màu sắc chính trị.

 Cho nên bác sĩ cũng như người “ngoại đạo” (ngoài giới y khoa chuyên môn) dễ bị đưa vào “mê hồn trận”. Hậu quả là trong lúc cả thế giới thèm muốn được chích ngừa Covid-19, thì ở Mỹ có người lái xe đâm vào trạm chích ngừa Covid-19 để phá hoại, phải treo giải thưởng hàng triệu đô la cho người ta chích ngừa, để số người được chủng ngừa càng gần đến mức “miễn dịch bầy đàn” (herd immunity threshhold) càng tốt.

Mấy hôm nay tôi giật mình khi đọc được vài thông tin trên các báo chí và từ email bạn bè gởi đến và hỏi ý kiến. Cứ ‘tin giả’ như kiểu này thì không biết bao giờ thế giới “thanh toán” được bệnh Covid-19.

Tin lạ thứ nhất là một bác sĩ tên Sherri Tenpenny , DO (“doctor of osteopathy”) hành nghề y khoa tại Mỹ nhưng chống các vắc xin, ra điều trần tại quốc hội tiểu bang Ohio nói rằng thuốc chích ngừa Covid-19 làm cho người bị chích bị mang từ tính (magnetized). Bà nói “Tôi tin chắc quý vị đều thấy đầy rẫy trên internet những người từng chích các mũi vắc xin này và bây giờ họ bị từ tính hóa. Họ có thể để một cái muỗng trên trán họ. Nó dính vào. Họ có thể đặt muỗng nĩa trên khắp mình mẩy và chúng dính vào luôn”. Nếu bạn từng chích ngừa rồi thì thử lấy cái muỗng dán vào trán mình xem có đúng không. Mà đây là một bác sĩ Mỹ tường trình trước một tập thể dân cử chính thức mức tiểu bang mới là lạ.

“Tin” thứ nhì là do email đưa đến, có dịch ra tiếng Việt đàng hoàng, nhưng không nên đăng lại ở đây. Vì thấy đây là một “fake news” /tin giả hiệu rất giống thật vì xem có vẻ “nói có sách mách có chứng” tôi xin cảnh giác về vấn đề này như sau:

Bài viết nói là các bác sĩ ở Singapore (xứ gần Việt nam, nhỏ hơn TP Sài gòn nhưng “tiên tiến” về khoa học và y tế nên có lẽ người Việt nghe thuyết phục hơn) lần đầu tiên trên thế giới khám nghiệm các tử thi người chết vì Covid-19 và kết luận nguyên nhân không phải là virus corona (SARS-Cov 2) mà là một con vi trùng ( vi khuẩn/bacteria, to hơn virus nhiều) và chữa được bằng kháng sinh/antibiotic; do đó bác sĩ Singapore không cần máy thở , ICU (phòng săn sóc đặc biệt) vì bệnh nhân chết không phải do suy hô hấp mà do máu đông trong mạch, do đó  phải dùng aspirin, kháng sinh và thuốc Imromac.

Các bác sĩ ở Singapore  có những khám phá giật gân như vậy  thách thức các kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không?

Thật ra một số  bản tiếng Anh lưu hành trên mạng mấy tháng nay thì viết rằng “ khám phá” này xảy ra tại Nga, Italia thay vì tại Singapore.Thông tấn xã Reuters từng phân tách các điểm sai về bài viết lúc đầu nói rằng các việc này xảy ra ở Nga, Báo  India Today  xét từng điểm một của bài viết sau khi nguồn tin được đổi qua Singapore :

1: Sai:  Singapore tiến hành khám nghiệm tử thi bệnh nhân Covid-19

Sự thật:

Khi bài đăng bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, Bộ Y tế Singapore đã làm rõ thông qua trang Facebook chính thức của mình rằng quốc gia này đã không thực hiện khám nghiệm tử thi  nạn nhân Covid-19 và những tuyên bố được đưa ra trong bài đăng là vô căn cứ về mặt khoa học.

“Singapore đã không thực hiện một cuộc khám nghiệm tử thi như vậy. Bài viết nói trên đưa ra  thông tin sai lệch về  sinh lý bệnh (pathophysiology) của nhiễm trùng Covid-19, không được các bằng chứng hiện có chứng minh là đúng, ”bài đăng trên Facebook cho biết.

Một số báo cáo trên các phương tiện truyền thông từ Singapore cũng đã làm rõ điểm này.

2: Sai: WHO chống lại việc khám nghiệm tử thi các nạn nhân Covid

WHO chưa bao giờ nói rằng không nên thực hiện khám nghiệm tử thi đối với các nạn nhân của Covid. Trên thực tế, cơ quan y tế toàn cầu và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn khám nghiệm tử thi những người chết vì Covid.

Ở Ấn Độ, cuộc khám nghiệm tử thi đầu tiên của một nạn nhân Covid được tuyên bố là do  Bệnh viện & Trung tâm Nghiên cứu, The Oxford Medical College, ở Bengaluru thực hiện vào tháng 10 năm 2020. Việc khám nghiệm tử thi của những trường hợp tử vong do Covid cũng đã được thực hiện ở một số quốc gia khác, bao gồm cả ở Hoa Kỳ Vương quốc Anh, Ý và Nga.

3: Sai: Covid-19 không phải do vi rút (virus) mà do vi khuẩn (bacteria).

Sự thật: Theo WHO, Covid-19 là một căn bệnh do một loại coronavirus mới có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Trước đây, WHO  đã bác bỏ “truyền thuyết” cho  rằng Covid-19   do vi khuẩn gây ra.

4:Sai một phần: Thuốc chống viêm và thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi bệnh Covid

Sự thật: Để hiểu vai trò của thuốc kháng sinh trong điều trị coronavirus, India Today đã nói chuyện với Tiến sĩ Suresh Kumar, giám đốc bệnh viện LNJP ở Delhi. Ông nói, “Về mặt khoa học, không có vai trò của thuốc kháng sinh trong việc điều trị coronavirus, nhưng những loại thuốc kháng sinh này được sử dụng để chống lại các bệnh nhiễm trùng thứ phát hoặc vi khuẩn phụ xảy ra cùng một lúc với COVID-19 -19 (secondary or collateral bacterial infections)”.

Thuốc kháng sinh được tiêm cho bệnh nhân Covid để chống lại các bệnh nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn có thể cùng hiện diện (tồn tại) với coronavirus. Những loại thuốc kháng sinh này không có hiệu quả chống lại vi rút.

 5: Sai một phần: Nguyên nhân tử vong chính là do cục máu đông chứ không phải viêm phổi

Sự thật: Theo một số tạp chí khoa học hàng đầu và các nghiên cứu khoa học, huyết khối (thrombosis) hoặc đông máu (coagulation of red blood cells), hoặc cục máu đông (blood clots) là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào nói rằng huyết khối là nguyên nhân chính gây tử vong hay thuốc chống đông máu (ví dụ aspirin) là loại thuốc duy nhất để điều trị cho bệnh nhân Covid. Suy hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân Covid, theo  báo y học The Lancet. Phát biểu với India Today, Tiến sĩ Sharad Joshi của Bệnh viện Max cho biết trong khi các biến chứng huyết khối được báo cáo ở bệnh nhân Covid và việc điều trị được đưa ra tùy từng trường hợp, nó không thể là điều trị chung cho tất cả các trường hợp.

 6: Sai một phần: Máy thở và ICU không cần thiết để điều trị bệnh nhân Covid

Sự thật: Theo các nhà y học uy tín, bệnh nhân Covid bị bệnh hô hấp nghiêm trọng hoặc suy đa cơ quan (multiorgan failure) hoặc suy thận thường được điều trị trong ICU và sử dụng máy thở. Nhưng không phải tất cả bệnh nhân coronavirus đều có nhu cầu dùng chúng.

“Hầu hết các trường hợp tử vong là do viêm phổi kẽ (interstitial pneumonia) và suy hô hấp. Nói không cần đặt ống vào khí quản (intubated) là hoàn toàn sai.” Sergio Harari, Giám đốc Đơn vị Pneumology Operative Unit tại Bệnh viện San Giuseppe ở Milan, Ý, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “Corriere della Sera”.

Tóm lại chuyện “tin giả” về Singapore chỉ là một “biến thể” của một bài viết tương tự về các khám phá ở Ý, Nga nhưng đã được báo chí thế giới cảnh báo là tin giả, nay xuất hiện trong bản dịch tiếng Việt.

Các fake news như thế này có vẻ vô hại vì có vẻ như không ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế từng người. Tuy nhiên, như tin giả về chích ngừa, các tin giả về những khám phá đi ngược với các kết quả khảo cứu khoa học đáng tin cậy có thể làm giảm niềm tin của quần chúng đối với khoa học và làm cho người bệnh có thể đi khám bệnh chậm trễ, hay tìm đến những phương pháp ngừa bệnh hay chữa bệnh không có hiệu quả được chứng minh và có thể có hại.

Hậu quả đáng lo ngại nhất hiện nay ở Mỹ là gây ra “do dự chích ngừa” (vaccine hesitancy) đang làm cho dân chúng khựng lại bớt tham gia đi chích ngừa Covid và làm chậm tiến độ thực hiện mức miễn nhiễm bầy đàn (herd immunity, community immunity). Miễn nhiễm bầy đàn được thực hiện lúc tỷ số người trong dân số được miễn nhiễm (do chích ngừa hoặc do nhiễm bệnh tự nhiên)  ở tỷ lệ cao đủ để ngăn chặn bệnh không lan qua nhiễm những người vì lý do nào đó không thể được chích ngừa, như trẻ nhỏ, người dị ứng nặng với các chất trong vắc xin nhất là phản vệ (anaphylaxis, gây shock, chết), người từ chối chích ngừa.

Tham khảo:

1)Republican U.S. Sen. Ron Johnson suspended for a week from YouTube for COVID misinformation

https://www.yahoo.com/news/republican-u-sen-ron-johnson-000250067.html

2)Sen. Ron Johnson holds COVID-19 hearing accusing health officials of ignoring alternative therapies

https://www.jsonline.com/story/news/politics/2020/12/08/ron-johnson-holds-covid-19-hearing-touting-alternative-therapies/6491202002/

3) Ivermectin: why a potential COVID treatment isn’t recommended for use

https://theconversation.com/ivermectin-why-a-potential-covid-treatment-isnt-recommended-for-use-157904

4)https://nymag.com/intelligencer/2021/06/hot-new-conspiracy-theory-vaccines-turns-you-into-a-magnet.html

5)https://www.reuters.com/article/factcheck-russia-covid-autopsy/fact-check-covid-19-does-exist-and-autopsies-in-russia-did-not-show-otherwise-idUSL1N2M82C9

6)Fact Check: Singapore has not changed Covid treatment protocols challenging WHO findings

https://www.indiatoday.in/amp/fact-check/story/fact-check-singapore-has-not-changed-covid-treatment-protocols-challenging-who-findings-1812071-2021-06-07

7)https://www.channelnewsasia.com/news/singapore/covid-19-message-autopsy-patient-treatment-protocols-untrue-moh-14965258

8)Infection Prevention and Control for the safe management

of a dead body in the context of COVID-19

https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/331538/WHO-COVID-19-lPC_DBMgmt-2020.1-eng.pdf

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền   

Ngày 11 tháng 6 năm 2021